Lúc thì hoa hậu này “hát múa với người nghèo”, lúc thì người mẫu kia “giản dị cùng người yêu đi trao quà Tết”, rồi thì ca sĩ nọ “cùng vợ thăm bệnh nhân mổ tim ngay sau sinh nhật”. Người nghèo ở đây chỉ là cái cớ.  

Hãy hình dung các khách du lịch nước ngoài đứng ở các ngã tư Hà Nội, hoặc đi dọc các phố cổ, trong tay là một xếp những tờ 10 USD, vừa đi vừa phát tiền cho bất kỳ đứa trẻ nào mà họ gặp, mỗi đứa một tờ, hết đứa này tới đứa khác. Chỉ đơn giản vì họ “yêu quý” chúng và muốn chia sẻ tiền của họ cho những trẻ em mà họ cho là kém may mắn hơn.  

Bạn sẽ thấy khó chịu, đúng không? Bạn có cho phép con mình nhận tiền khi họ đi ngang qua? Có cái gì đấy không ổn, thậm chí lăng mạ, ở đây.  

Nhưng đây là điều mà nhiều người vẫn làm khi họ tới những nơi nghèo khổ hơn. Đầu năm vừa rồi tôi chứng kiến khá nhiều du khách ở Sapa xuống các bản lân cận, người thì khoác một bịch ny long kẹo to tướng, người thì cầm một xếp các tờ 2000 đồng. Họ luôn tay phân phát kẹo và tiền cho trẻ em dân tộc, mồ hôi lấm tấm trên trán. Lũ trẻ hoặc là đứng thành hàng ven đường, hoặc là chen chúc nhau trước mặt khách, bụng phồng tướng lên vì đã nhét đầy kẹo của những người đi trước vào bên trong áo. “Cháu bao nhiêu tuổi rồi,” họ hỏi ngọt ngào, “13 à, sao bé thế, đây nhé…”, rồi quay sang đứa bên cạnh, ”Còn cháu đã có kẹo chưa?…” Bên cạnh là một người cùng đoàn, bấm iPhone lia lịa, rồi nhanh chóng up lên Facebook.  

{keywords}
Hoa hậu dân tộc Triệu Thị Hà cùng nhiều người đẹp của cuộc thi Hoa hậu Dân tộc hoạt động từ thiện tại bệnh viện. Ảnh minh họa: HNM

Có thể là vô thức, nhưng trong những trường hợp như thế này, người ta làm “từ thiện” không phải vì người nghèo, mà vì chính bản thân mình.

Ở cổng làng người ta đã dán các khuyến cáo đề nghị du khách không cho trẻ kẹo và tiền, vì chúng sẽ bỏ học để đứng ngoài đường đón khách, tự biến bản thân thành ăn mày. Nhưng nhiều du khách bỏ ngoài tai lời khuyên này. Có lẽ sức hấp dẫn của việc chỉ bỏ ra mấy có mấy chục nghìn mà được tắm mình trong cảm giác mãn nguyện với bản thân, nhìn thấy mình đang phân phát lòng tốt cho người khác, là quá lớn.  

Tâm lý này được thể hiện rõ nhất khi báo chí đưa tin về những người nổi tiếng đi làm từ thiện. Lúc thì hoa hậu này “vô tư hát múa với người nghèo”, lúc thì người mẫu kia “giản dị cùng người yêu đi trao quà Tết”, rồi thì ca sĩ nọ “cùng vợ thăm bệnh nhân mổ tim ngay sau sinh nhật”. Người nghèo ở đây chỉ là cái cớ, những vai quần chúng, không ai quan tâm tới họ hết, cả người viết lẫn người đọc báo. Cái họ quan tâm là người nổi tiếng mặc gì, đi giày ra sao, đi cạnh ai.  

Tôi cho rằng Việt Nam mà không có người nghèo nữa thì các ngôi sao và hoa hậu sẽ rất buồn. Họ không còn cớ gì để có thể thể hiện “lòng tốt” của mình nữa.   

Một hiện tượng đang nổi nữa là du lịch kết hợp từ thiện. Một công ty du lịch mô tả chương trình Mộc Châu, Sơn La của mình như sau: “sau khi chụp ảnh với các cánh đồng hoa đào, hoa mận, quý khách tản bộ vào các bản làng để tặng những món quà do nhân viên của công ty đã chuẩn bị sẵn", và sau đó trên đường về thì “dừng lại mua đặc sản măng chua, bánh sữa."

Đại diện một công ty du lịch khác cho biết: "Các chương trình đưa thêm vào gói tour khá đơn giản, tiện lợi, không làm mất thời gian của hành trình mà ngược lại góp phần làm phong phú thêm lịch trình nên khách hàng rất hài lòng."  

Không có một lời nào nói đến người nghèo, họ không có danh tính, không có bộ mặt. Tất cả xoay quanh nhu cầu của khách du lịch. "Không mất thời gian", "phong phú lịch trình”, cuộc viếng thăm tặng quà người nghèo trở thành một "đặc sản" của chuyến đi như măng chua, bánh sữa, một "giá trị gia tăng" và "lợi thế cạnh tranh" của sản phẩm mà công ty du lịch đưa ra.

Trong trường hợp này, từ thiện chỉ là một dạng khác của tiêu dùng. Quan trọng là có thể bỏ tiền ra “xem tận mắt" cái nghèo và mua lương tâm sạch sẽ một cách tiện lợi, tiết kiệm thời gian và với chi phí vừa phải. Tôi cam đoan là trong khi các du khách chất vấn tour guide rất kỹ xem buổi trưa ăn món gì, thì sẽ ít người có nhu cầu đặt câu hỏi về nội dung của những gói quà mà công ty đã chuẩn bị sẵn.   

Gần đây, loại hình du lịch này tăng trưởng 30 - 40% một năm. Theo website của Tổng cục Du lịch, trước kia các chương trình này "thường chỉ đưa vào tour dành cho khách nước ngoài cao cấp, nhưng nay bắt đầu trở thành xu hướng mới của các tour nội địa."  

Điều mà Tổng cục Du lịch vô tình đề cập tới qua câu nói trên là tâm lý từ thiện để (vô thức hay có ý thức) ngưỡng mộ bản thân và khẳng định cái ưu việt của mình không phải chỉ có ở người Việt trung lưu. Ở Phương Tây người ta dùng khái niệm châm biếm “Người cứu tinh da trắng" (White savior) để chỉ những người phương Tây tới những nước nghèo hơn để "giúp đỡ", nhưng không hiểu gì về bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị của nước đó.  

Nhà văn người Mỹ Teju Cole viết về hiện tượng này: “một kẻ vô danh ở Mỹ hay châu Âu có thể tới châu Phi và trở thành một vị cứu tinh như Chúa trời.” Teju Cole buộc tội là châu Phi chỉ là cái “studio” để người da trắng trình diễn các tưởng tượng lãng mạn của mình với vai người hùng và thoả mãn cái tôi của mình.  

Trên mạng có vô số những bức ảnh chụp những thanh niên nam nữ phương Tây, tóc vàng, mắt xanh, vây xung quanh bởi tụi trẻ Phi châu, tất cả cười rạng rỡ. Họ là voluntourist, một tourist kiêm volunteer (tình nguyện viên). Họ tới một làng nào đó, đá bóng với lũ trẻ, hút cần sa, ghi chép vào một cuốn sổ giấy đen, và hài lòng với bản thân.

Trang Pacific Standards nhận xét rằng một trong những lý do chính để thanh niên da trắng trở thành tình nguyện viên ở thế giới thứ ba là để chụp selfie với trẻ con bản xứ, và lòng ái kỷ (yêu chính bản thân mình) là động cơ thúc đẩy chính của phong trào du lịch thiện nguyện toàn cầu này.

Tờ báo trào phúng “The Onion" đăng tin “Cuộc viếng thăm 6 ngày tại một làng châu Phi đã thay đổi hoàn toàn avatar Facebook của một cô gái”, và để "nhân vật" này kể lại: “Ngay khi tôi bước chân tới cái làng bụi bậm, hẻo lánh đó, và nhìn thấy lũ trẻ tươi cười chạy tới, tôi đã biết là avatar của mình sẽ thay đổi vĩnh viễn.” 

Đây là những dạng khác nhau của cái mà tôi gọi chung là “từ thiện lấy like”.  

Như vậy làm từ thiện như thế nào cho đúng?  

(Còn nữa)

Đặng Hoàng Giang

(CECODES - Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng và Nghiên cứu Phát triển)