Bản thân người viết cũng đã từng tham gia hội thao với tư cách thí sinh, cũng như người hướng dẫn thí sinh và tất nhiên cũng đoạt giải, và thực sự lấy làm tiếc vì đã tham gia, cùng với một số góp ý nhưng không mang lại sự thay đổi.
Khởi đầu cách đây 40 năm, Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ nghành Y tế thủ đô sẽ được tổ chức lần thứ 26 vào tháng 3 năm nay, như một truyền thống.
Đây là một hoạt động duy nhất có thể thấy ở Hà Nội, mà không ở bất kỳ một tỉnh thành nào khác cũng như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới mà tôi có dịp học tập, làm việc hay dự hội nghị y khoa trong hơn 25 năm qua. Câu hỏi thực sự hoài nghi rằng một hoạt động “sáng tạo, hiệu quả, giàu y nghĩa” đến như thế tại sao lại chỉ xuất hiện và tồn tại ở phạm vi thủ đô?
Thứ nhất, về sự sáng tạo hay hàm lượng sáng tạo của sự kiện. Phần chính của hội thao là các trình diễn đề tài, kỹ thuật, phẫu thuật cải tiến mới trong ngành y được thực hiện bởi các êkíp kỹ thuật có tuổi đời dưới 35. Các kỹ thuật, đề tài này được chọn lọc từ những hội thao cấp cơ sở tại các bệnh viện trước khi tham gia dự thi và được chấm điểm bởi một hội đồng các GS-BS trong từng chuyên ngành.
Thiết bị y tế ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh chưa được sử dụng triệt để. |
Hàm lượng được coi là sáng tạo của các kỹ thuật, phẫu thuật này rất thấp bởi thực tế đó là sự trình diễn lại các kỹ thuật, phẫu thuật đã làm trên thế giới trên các phương tiện máy móc mới và hiện đại. Ví dụ có thể dễ dàng thấy tại các kỹ thuật đoạt giải lần trước như “Điều trị rối loạn nhịp thất bằng năng lượng sóng Radio Frequency”, “Chụp đáy mắt huỳnh quang bằng máy chụp kỹ thuật số Visucam”, “Kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính đường ống tiêu hoá trong chẩn đoán giai đoạn TNM ung thư dạ dày, đại tràng”…
Máy móc dụng cụ thì được các bệnh viện nhập từ nước ngoài, và kỹ thuật thì do người trình diễn đã được học ở trong nước, hay ngoài nước, có thể là trước những người đồng nghiệp khác.
Và thường là những đơn vị lớn, có các máy móc hiện đại mà các đơn vị khác chưa có thì dễ dàng đoạt giải. Trên những cuộc trình diễn này, tiêu chí của hội thao đã là sự nhầm lẫn hoàn toàn (hoặc đánh tráo khái niệm!) giữa việc sao chép thuần thục động tác với việc sáng tạo kỹ thuật hay một bước nào đó của kỹ thuật.
Thứ hai, vấn đề y đức. Hầu hết các kỹ thuật, phẫu thuật được trình diễn trên người bệnh thực sự, như có thể thấy trong các hình ảnh dưới đây. Đó là việc hoàn toàn không thể cho phép, bởi nó trái với các quy định y đức quốc tế. Hội đồng y học thế giới ra tuyên bố Helsinki năm 1964 về đạo đức nghiên cứu y học liên quan đến con người, sau này đã được rà soát chỉnh sửa 06 lần, gần đây nhất là năm 2008.
Năm 1978, Tom Beauchamp và James Childress viết cuốn sách “Những nguyên tắc căn bản của y sinh học” đã nói tới 04 nguyên tắc chính là: 1) Tôn trọng quyền tự quyết của bệnh nhân, 2) Cân nhắc kỹ những lợi ích, 3) Không được tạo ra bất cứ nguy hiểm nào, và 4) Công bằng/bình đẳng.
Nếu quyền được thông tin và chấp thuận của bệnh nhân thực sự được tôn trọng, sẽ không có bệnh nhân nào sẵn sàng chấp nhận làm vật thí nghiệm như thế này.
Thậm chí việc quay phim, thực hiện phỏng vấn với các câu hỏi cá nhân, hay sử dụng các chế phẩm sinh học của người bệnh như máu, nước tiểu cũng phải được xin phép, và người bệnh phải được giữ quyền từ chối mà không có bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào đến quá trình chữa bệnh của họ.
Thêm vào đó, những người thực hiện kỹ thuật, phẫu thuật trong một môi trường đầy sức ép, dưới con mắt của giám khảo, quay phim chụp ảnh, cũng như các đồng nghiệp sẽ không có gì đảm bảo cho họ không mắc những sai lầm.
Thực tế cũng đã có nhiều kỹ thuật không thành công, hoặc những sai sót phải sửa chữa lại, và chỉ có bệnh nhân là người lãnh chịu hậu quả. Trong suốt mấy chục lần hội thao đã qua, không hề có bóng dáng của một Hội đồng Y đức có trách nhiệm và thẩm quyền để cho phép hay bảo vệ quyền lợi bệnh nhân.
Tất cả đều hiểu rằng sáng tạo luôn đòi hỏi tính mới, và để có thể sáng tạo điều gì mới cần có một nền tảng hiểu biết chắc chắn về những điều cũ. Sáng tạo trong y học còn được khoanh vùng trong những quy định vô cùng khắt khe về mặt y đức.
Những máy móc, dụng cụ, kỹ thuật y học mới ra đời là kết quả của hàng chục năm nghiên cứu, phân tích, thử nghiệm trên mô hình, trên động vật trước khi áp dụng vào từng nhóm tình nguyện. Hàng trăm, hàng ngàn bước nhỏ đã được tiến hành, trong đó mỗi bước lại phải đối mặt với sự giải trình trước Hội đồng Y đức, và sự thất bại giải trình về y đức có thể đưa tới quyết định đình chỉ nghiên cứu hay thực hiện lại theo một hướng khác.
Đó là nguyên tắc cơ bản trên tinh thần đề ra bởi ông tổ y khoa Hippocrates cách đây gần 2500 năm: “Trước tiên, không làm điều gì nguy hại”.
Thứ ba, hội thao mang nặng tính phong trào. Thay vì tổ chức như các hội nghị của một chuyên ngành sâu, hội thao góp nhặt một cách dàn trải đủ loại kỹ thuật trong vài chục chuyên ngành nhỏ, từ xét nghiệm, chẩn đoán, quy trình sản xuất hay trực tiếp đến điều trị bệnh nhân. Tính phong trào của sự sao chép và trình diễn đã lấn át tính khoa học, nghiên cứu và phản biện nghiêm túc.
Tính phong trào thể hiện rõ rệt trong cơn mưa bằng khen và giải thưởng với vô số bằng khen, huy hiệu khác nhau.
Tất nhiên, những “kết quả tốt đẹp” này sẽ xuất hiện trong các báo cáo giữa năm, cuối năm, hay trong các bình bầu cá nhân xuất sắc, chiến sĩ thi đua, v…v…ở mọi đơn vị liên quan.
Không cần tính đến sự lãng phí về thời gian và tiền bạc, điều nhìn thấy là kết quả khoa học mang lại không đáng kể. Có hay không có hội thao, những kỹ thuật ấy cũng cần được áp dụng hay loại trừ bởi sự cần thiết tự thân của chúng. Bản thân người viết cũng đã từng tham gia hội thao với tư cách thí sinh, cũng như người hướng dẫn thí sinh và tất nhiên cũng đoạt giải, và thực sự lấy làm tiếc vì đã tham gia, cùng với một số góp ý nhưng không mang lại sự thay đổi. Hãy trả lại tinh thần khoa học cho các hội nghị chuyên ngành sâu và sự nghiêm túc của các nghiên cứu có phản biện.
Có những điều là chắc chắn. Đó là, y học trên toàn thế giới này chưa bao giờ có nhiều đất cho sự sáng tạo, bởi mỗi sự sáng tạo là kết quả của một quá trình tích lũy rất lâu dài. Điều ghi nhớ thứ hai, bất kể những gì trong y học, bao gồm mọi thứ liên quan đến người bệnh, đều là chủ thể ngặt nghèo của y đức. Và điều ghi nhớ thứ ba, y học không bao giờ là một phong trào, và không thể được sử dụng cho một cuộc thi.
- Nguyễn Công Nghĩa, Tiến sĩ, Bác sĩ
Đại học Waterloo, Ontario, Canada