Một chủ trương về chặt cây xanh vừa mới ban hành của UBND TP.Hà Nội và cách thực hiện rốt ráo một cách lạ thường, khiến nhiều người ngạc nhiên về sự mẫn cán của chính quyền.
- Hà Nội dừng chặt cây, yêu cầu Sở xây dựng kiểm điểm
- Mang cưa, đốn cây, dân mới bất ngờ biết
- Hà Nội đã chặt hạ xong cây trên một số đường
- "Chặt không cần hỏi" và điều chính quyền còn nợ dân
- 'Chặt cây xanh Hà Nội không phải hỏi dân'
- Đốn cây, đừng đốn sự minh bạch
LTS: Hà Nội đã quyết định tạm dừng kế hoạch chặt hạ
6.700 cây xanh trên các tuyến phố, để rút kinh nghiệm, rà soát, điều
chỉnh, với phương châm "làm từng bước". Người dân đang quan tâm, liệu
việc thay thế cây xanh ở thủ đô tới đây cần tiếp tục được làm ra sao để
nhận được sự đồng thuận? Xung quanh câu chuyện này, xin trân trọng giới thiệu góc nhìn của tác giả Lê Ngọc Sơn, nghiên cứu sinh tại Đức.
Linh hồn của cây
Cùng làm việc trong phòng nghiên cứu của tôi là anh bạn đến từ Bali, Indonesia. Khi tôi kể câu chuyện Hà Nội đang cho chặt hàng loạt cây cối với những những bức ảnh tràn lan trên mạng về những khối cây to vài người ôm nhưng vẫn bị đốn, anh bạn mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên hỏi lại tôi: Sao có thể làm thế, họ không sợ linh hồn của cây sao? Trong Hindu giáo, cây cũng được coi là có linh hồn. Khi chặt những cây to, người ta không sợ chính quyền, người ta chỉ sợ linh hồn của cây.
Anh bạn tôi làm tôi nhớ đến tục thờ cây ở trong tín ngưỡng văn hoá dân gian Việt Nam, tín ngưỡng của dân gian Ấn Độ - Nam Á. Ở Đức, nhiều nơi có tục thờ cây sồi, hay cây tùng. Người Ai Cập thờ cây cọ. Người Hi Lạp thờ cây linh sam.
Hôm nọ, tôi được mấy người bạn là giảng viên tại Học viện Ngoại giao đưa đi một vòng các làng quê ở Bắc Bộ rồi tìm hiểu về văn hoá sống thuận hoà với thiên nhiên của người Việt. Và người Việt xem cây có thể hiểu được người. Nhà anh ở phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Anh bảo, anh nhớ rõ như in tục “khảo cây” mà hồi nhỏ bà nội anh hay làm.
Những hàng cây nên thơ của Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Chẳng là dạo đó cây me trước cửa nhà ba mùa liền không cho quả. Bà nội thì thầm vào tai thằng cháu, bảo cháu leo lên tìm một cành thật chắc, phía dưới nhờ bác hàng xóm lực lưỡng cầm một cây gậy gỗ nện mạnh vào cây mà “khảo”: “- Me kia, sao không chịu ra quả”. Anh bạn tôi ở trên cành vờ là cây, la thét kêu đau và và xin lỗi mùa sau sẽ cho quả. Thế rồi, những mùa kế tiếp cây sai quả. Tục này thịnh hành ở cả miền Bắc cho đến ngày nay.
Phải chăng người Việt bảo cây có linh hồn là vì thế? Đến mức lưu truyền vào văn hoá tâm linh của người Việt thế hệ này tiếp nối thế hệ kia. Những ai sinh ra ở các làng quê Việt Nam ắt hẳn không đều biết câu tục ngữ: “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”/ “Cây thị có ma, cây đa có thần”/ hay “Ở cho phải phải phân phân/ Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa”. Thế nên không ai trông cây đa, cây si trong vườn nhà riêng, cây gạo trước ngõ…
Nhưng khi người ta tắt đi những rung cảm với môi trường, không thể có năng lực để nghe những tiếng khóc của thiên nhiên, mà dễ rung hơn với những thanh âm của lợi ích.
Chặt những nhớ thương
Nhưng khi người ta tắt đi những rung cảm với môi trường, không thể có năng lực để nghe những tiếng khóc của thiên nhiên, mà dễ rung hơn với những thanh âm của lợi ích. |
Mỗi khi tôi đi xa Hà Nội, điều làm tôi “khắc khoải” muốn trở về có lẽ là những góc phố heo may, những con đường ngợp bóng cây rợp lá. Có lẽ nếu Hà Nội là một thực thể có linh hồn và tâm hồn, ắt hẳn phần lớn ký thác vào cây. Những bài hát hay nhất về Hà Nội đều gắn với hình tượng cây cỏ hoa Hà Nội. Dương Thụ “Mong về Hà Nội”với “Những con đường rất xanh của Hà nội/ Những cây bàng, cây me, cây cơm nguội/ Những con đường ngoại ô nắng chói/ Những con đường đầy hoa tháng sáu hè rơi”.
Còn điều làm Trịnh Công Sơn “Nhớ mùa thu Hà Nội” là những gốc cây già vẫn là một hình tượng thân quen “Hà Nội mùa thu/ Cây cơm nguội vàng/ Cây bàng lá đỏ/ Nằm kề bên nhau/ Phố xưa nhà cổ/ Ngói mới thơm nồng”; Hồng Đăng neo nỗi nhớ của mình về Hà Nội bởi mùi nồng nàn hoa sữa: "Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào, anh lại quên em...". Nhưng rồi đây, những rặng hoa sữa, và cả những cây cổ thụ biến mất, người ta còn kiếm cớ gì để mà lưu luyến nhau?! Hà Nội đẹp trong sự đan xen, đa dạng của cỏ cây, chứ không phải đẹp bởi một công thức nào đó ai đó đặt ra cho nó.
Ai đó đi xa Hà Nội, muốn về cũng vì đâu đó dưới những tán cây kia, họ đã từng rảo bước cùng cái nắm tay của mối tình đầu. Đâu đó dưới tán cây kia, họ đã từng ký gửi tuổi thơ của mình trong tiếng là xào xạc rơi ngày gió heo may, tiếng quả xà cừ khô rụng ngày mưa rào nặng hạt, tiếng ve kêu ngày nắng hanh hao. Đó là thứ lợi ích phi vật thể mà bất cứ ai “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”.
Nhưng khi trên các trạng mạng ngập tràn hình ảnh những cây cổ thụ bị đốn hạ ở những góc phố thân quen tôi từng đi qua, màu mùn cưa tứa ra như màu máu, đâu đó trong tôi văng vẳng câu tục ngữ ám ảnh: “Ở cho phải phải phân phân/ Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa”…
- Lê Ngọc Sơn
(Nghiên cứu sinh ngành quản lý khủng hoảng, CHLB Đức)