Giờ đây khi mà xe chạy cái vèo qua cầu, chỉ mấy phút là đã vượt sông Tiền sông Hậu, hẳn sẽ không ít người bồi hồi nhớ cái thuở xuống xe đi bộ qua bến bắc thuở nào.

1. Bây giờ về miền Tây xe đò chạy suốt một lèo, có dừng cũng là nghỉ ở những trạm để hành khách nghỉ ngơi.

Sông Tiền rồi sông Hậu mênh mông đã có những cây cầu dây văng rất đẹp bắc qua, tiện lợi và nhanh hơn nhiều, nhưng ai đã từng đi tuyến đường này trước tháng 4/2010 thì ít nhất cũng được nếm mùi “tới bắc Cần Thơ rồi, bà con xuống xe đi bộ qua phà”. Còn nếu đi trước tháng 5/2000 thì bạn là người may mắn, bởi ít nhất một lần trong đời được hưởng niềm vui ngồi trên phà băng qua cả hai nhánh sông lớn nhất Nam Bộ: sông Tiền và sông Hậu.

Nói đúng ra, những năm hai cây cầu lớn chưa xây xong, đi về miền Tây, hoặc từ phía dưới Cần Thơ lên Sài Gòn, nhất là những ngày Tết thiệt quá đỗi nhiêu khê dù đường Sài Gòn- Cần Thơ dài không hơn 170km vì phải qua hai bến bắc. Xe kẹt chờ phà có thể kéo dài mấy cây số và thời gian chờ có thể vài tiếng hoặc lâu hơn để vượt qua một con sông.

Khi bị kẹt phà tất nhiên mất thời gian, bực bội. Nhưng giờ đây khi mà xe chạy cái vèo qua cầu, chỉ mấy phút là đã vượt sông Tiền sông Hậu, hẳn sẽ không ít người bồi hồi nhớ cái thuở xuống xe đi bộ qua bến bắc thuở nào. So sánh hai cái bắc thì bắc Mỹ Thuận vui hơn, bởi cả hai bờ đều… kẹt xe và tấp nập và thường thì bắc Cần Thơ bên bờ thành phố Cần Thơ ít kẹt xe, người buôn bán cũng ít. Khi xe chờ phà quá đông, trên xe chỉ còn tài xế và người già yếu bệnh tật ngồi lại, còn hành khách cầm vé qua phà do tài xế mua và tự do đi lại, ghé hàng ghé quán, mua bán ăn uống vệ sinh thoải mái nhưng mắt thì liếc canh chừng chiếc xe mình đi, để khi nó vừa qua phà, đến điểm đợi khách thì lên xe tiếp tục hành trình.

Tại bắc Mỹ Thuận đầu nào cũng là một cái chợ tả pí lù kéo dài vài cây số, bán đủ thứ đặc sản địa phương và phục vụ mọi nhu cầu của hành khách nhưng nổi tiếng nhất là nem Lai Vung,  bánh phồng sữa, các loại chim quay và cây trái. Tất cả đều tính bằng chục 14, nghĩa là mua một chục sẽ được 14 cái. Nếu từ Sài Gòn về miền Tây, những năm đó quốc lộ 1 chật chội, xe chạy chậm nên thường trưa mới đến bắc Mỹ Thuận, khi đó bụng đã đói mà bên đường mùi thịt nướng, mùi cơm, mùi xôi, mùi chim quay… bay lên thì thiệt là chịu hổng nổi, giá cả thì tương đối rẻ nên chẳng mấy ai có thể bấm bụng làm ngơ.

Tất nhiên không phải mọi cái đều thi vị dễ thương, cũng có cảnh đánh chửi nhau, lừa khách mua chim quay… thúi hay trái cây sâu, rồi cảnh móc túi khi chen lấn xuống phà, nài nỉ mua vé số… nhưng thời gian trôi qua, cái khó chịu hình như đã mất, chỉ còn đó là một chút ngậm ngùi hoài nhớ mỗi khi ngồi xe vượt nhanh qua sông Tiền, sông Hậu…

Nói vậy chớ kể từ ngày cái phà đầu tiên người Pháp làm ra để vượt sông Hậu vào năm 1914, đã đúng 100 năm trôi qua, sự đổi thay để tiện lợi hơn là tất yếu, thật ra là khá muộn. Có lẽ trong một thời gian không lâu nữa thôi, tất cả những chiếc phà qua sông rồi sẽ thay thế bằng những cây cầu. Và như vậy cái chữ “bắc” phiên âm từ tiếng Pháp là “bac”, có nghĩa là đò ngang rồi cũng sẽ bị lãng quên như quy luật cuộc sống đổi dời. Giờ ai có nhớ bến bắc hay muốn biết mùi bắc, có đi Long Xuyên thì đi theo quốc lộ 80 qua bắc Vàm Cống trên sông Hậu, một trong những bến bắc nổi tiếng miền Tây còn tồn tại, mà cũng nhanh lên, chứ không vài năm nữa cầu Vàm Cống rồi cũng xây xong!

{keywords}

Cầu Cần Thơ là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á

2. Hồi xưa, ở miền Tây có câu đố nhau như vầy: Đố chớ bốn con gì nặng một cân? Và trả lời con… ba khía! Vì sao là con ba khía? Thiệt đơn giản, cách đây chừng 30 năm về trước, ở miền Tây người dân vẫn xài cân đòn, loại xách tay, trên đòn cân có những cái “khía” đánh dấu 50g. Con… 3 khía tức nặng 150g, bốn con nặng 600g, mà hồi xưa, người miền Tây nói 1 cân là 600g, 1 ký là 1kg!

Thời gian trôi qua, cái gọi là “giao thoa văn hóa” các vùng miền và những thay đổi để thích nghi với cuộc sống đầy biến động đã làm mất đi nhiều nét riêng đặc sắc tại vùng đất này. Món mắm ba khía vẫn còn nhưng cái cân xách tay đã gần như biến mất, cũng không còn ai nói 1 cân là 600g nữa nên câu đố xưa đã trở thành… bí hiểm.

Cùng chung số phận với cái cân đòn, một số vật dụng cũng chỉ còn trong ký ức. Nếu về miệt vườn chơi, có thể bạn sẽ bắt gặp những cái cối đá, cối xay, những cái kiệu lớn đựng nước mưa nằm đâu đó ngoài vườn. Trong đo lường, thì hai đơn vị dùng đong lúa là giạ và táo cũng một đi không trở lại và có thể thế hệ sinh sau năm 2000 không biết cái táo để đong lúa nó hình thù ra sao trong khi trước đây, người miền Tây định lượng lúa thu được hay bán đi bằng giạ, một giạ bằng 2 táo và một táo tương đương 20 lít.

3. Từ hồi lên sống ở Sài Gòn, thỉnh thoảng tôi cũng về miền Tây ăn Tết. Nhưng giờ đây Tết ở miệt này cũng đã khác xưa, nhất là không thể tìm đâu tiếng thậm thịch của chày quết bánh phồng vang động trong khắp xóm làng. Đây là loại bánh đặc trưng của miền Tây nam bộ, bánh được làm từ nếp dẽo nấu chín bỏ vào cối đá, giã và quết cho thật nhuyễn, chung với nước cốt dừa, rồi ngắt từng viên cỡ nắm tay dùng ống tre cán mỏng ra thành hình tròn, đường kính cỡ 20cm, dày độ một ly. Kêu là bánh phồng, vì khi để trên lửa nướng nó phồng lên cả chiều dày lẫn vòng tròn và có mùi thơm, ngọt, béo… rất hấp dẫn, nhất là với trẻ con.

Và một phong tục khác ở miền Tây, mà ở các vùng khác không thấy, giờ đã mất, đó là chiều ba mươi Tết, người ta bơi ghe hoặc xuồng ra giữa sông, để múc được dòng nước sạch nhất đổ đầy vào những lu, khạp đựng nước, coi như một cầu mong năm mới thật đủ đầy, viên mãn….

Thời gian chưa mấy xa mà đã xưa! Cuộc sống đổi dời, sông núi còn thay đổi huống hồ cảnh vật và vật dụng. Vì vậy ký ức rất cần ghi lại dù không biết nó ích lợi hay là để cho ta những dư vị ngậm ngùi? Thực ra những chuyến phà vẫn còn nhiều trên mọi miền đất nước. Ở Sài Gòn bạn có thể chạy xe ra Cần Giờ nghỉ mát để qua phà Bình Khánh, miền Tây thì còn bắc Vàm Cống, phà Hồng Ngự, Tân Châu…, cũng xe cộ, cũng bán buôn như những chuyến phà Mỹ Thuận- Cần Thơ xưa. Món bánh phồng giờ chỉ có thể mua ở những cửa hàng đặc sản, mà chỉ có bánh phồng sữa, ăn liền, không cần nướng nên chẳng gợi dư vị xưa.

Cũng vậy, cái món ba khía thì vẫn còn ở quê và cả ở… Sài Gòn. Lâu lâu bà xã nhớ quê, lại mua  vài ba lạng về trộn chanh, ớt, đường… Cũng mặn mặn, cay cay… cũng cái hương ba khía cực kỳ đặc trưng Tây nam bộ, nhất là khi xế trưa đói bụng, xúc vài muỗng cơm nguội, nhấm nháp vài cái càng ba khía. Dù vậy cái cảm giác ngon lạ lùng là không thể tìm lại được, nó chỉ có ở cái thời ngồi giữa vườn dừa xào xạc dưới những mái lá đơn sơ ăn cơm nguội với mắm kho hay mút vài cái chân con ba khía.

Nguyễn Đình Bổn