Sự việc sông Đồng Nai cho thấy, trong khi các nhà chuyên môn thường thể hiện tính chính quy trong phán xét sự việc thì cấp chính quyền nào cũng vậy, chẳng mấy khi nhận sai trái về phần mình. Thế rồi, chuyện phải đến đã đến, đó là lúc các bộ, ngành và cơ quan chức năng trung ương vào cuộc.

Dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” sau hơn hai tuần lễ gây nhiều tranh cãi giữa địa phương và giới chuyên môn ở trung ương được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, đã phải tạm dừng theo đề nghị của nhà đầu tư.

Thông báo của UBND tỉnh Đồng Nai hôm 27-3 nói rõ lý do là “để tiếp thu, lắng nghe ý kiến của các bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng để làm rõ tác động của dự án” mà đơn vị này đang thi công. Đây là một kịch bản gần như đã trở thành “kinh điển” đối với các dự án lớn “có vấn đề” mà gần đây nhất là dự án thay thế cây xanh ở Hà Nội và xa hơn là dự án khai thác bauxite ở Dăk Nông đến nay không chỉ là nỗi nhức nhối về tác hại môi trường.

Với dự án cải tạo trên sông Đồng Nai, khi mà những tranh cãi liên quan đến tác hại môi trường nổ ra gay gắt, tràn ngập trên các kênh truyền thông thì sự kiện này nhanh chóng trở thành dòng thời sự chủ lưu mấy tuần qua.

Các nhà khoa học, chuyên viên thuộc nhiều cơ quan chức năng với một bồ kiến thức chuyên sâu đã đưa ra nhiều luận điểm đầy thuyết phục, phân tích rõ những tác hại do thay đổi dòng chảy sông Đồng Nai, chế độ thủy văn và xói lở ảnh hưởng đến 11 tỉnh trong khu vực được xem là vùng kinh tế năng động.

{keywords}
Một nhánh sông Đồng Nai.

Đồng Nai phản ứng chống chế không thuyết phục rằng dự án này nằm trong quy hoạch của tỉnh, sau khi các sở ngành liên quan có ý kiến thì UBND tỉnh đã có quyết định chấp thuận cho Công ty Toàn Thịnh Phát đầu tư dự án. Việc lấn sông không ảnh hưởng bao nhiêu đến dòng chảy và môi trường. Tỉnh mạnh dạn hơn khi quả quyết việc cấp phép là đúng chức năng, không cần xin ý kiến của Bộ Xây dựng hay của tỉnh, thành nào khác vì đây là dự án của địa phương không nằm trong đề án sông Đồng Nai.

Cũng dễ hiểu sự khác biệt này. Trong khi các nhà chuyên môn thường thể hiện tính chính quy trong phán xét sự việc thì cấp chính quyền nào cũng vậy, chẳng mấy khi nhận sai trái về phần mình. Thế rồi, chuyện phải đến đã đến, đó là lúc các bộ, ngành và cơ quan chức năng trung ương vào cuộc.

Trước tiên là Bộ Tài nguyên và Môi trường nói rằng, địa phương chưa hề xin ý kiến của bộ là cơ quan có thẩm quyền trong việc xem xét dự án và đã yêu cầu các đơn vị của bộ kiểm tra, báo cáo tình hình. Người phụ trách trực tiếp lĩnh vực tài nguyên nước nói vấn đề chi phối của dự án này không hẳn là môi trường mà là sự chi phối của Luật Tài nguyên nước, liên quan đến chỉnh trị dòng sông.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì sao? Người đứng đầu Tổng cục Thủy lợi nói: Vụ Đê điều, Vụ Phòng chống bão lụt, rồi Cục Thiên tai, chẳng có nơi nào thấy tỉnh Đồng Nai, chủ đầu tư xin phép, xin ý kiến gì về việc “lấn sông” này cả. Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải cũng có ý kiến về dự án.

Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tuần qua đã đến Đồng Nai tìm hiểu tình hình. Và trong một buổi họp mới đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Đồng Nai làm rõ về dự án lấn sông, báo cáo Thủ tướng chậm nhất là trong tháng 5-2015.

Quá nhiều các cơ quan quyền lực vào cuộc đã khiến “Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” vượt khỏi tầm tay của địa phương lẫn nhà đầu tư là Công ty Toàn Thịnh Phát, một doanh nghiệp lớn, có thế lực trong lĩnh vực xây dựng tại Đồng Nai và Bình Dương.

Kịch bản sẽ đến hồi thứ hai với một cuộc chạy tìm thuốc chữa để dự án có thể vượt qua cơn bĩ cực. Vận động viên không chỉ địa phương mà cả nhà đầu tư đã bỏ vào một khoản tiền lớn cho dự án đang được thi công và không muốn nửa đường phải đứt gánh. Danh sách nơi phải đến càng dài thì đó là một cuộc chạy marathon trải qua nhiều trạm, hao tốn nhiều sức lực lẫn thời gian. Bộ máy hành chính lâu nay cố vùng vẫy mà chưa thoát khỏi tệ nạn quan liêu vẫn còn đó quá nhiều cục, nhiều vụ sẵn sàng thể hiện quyền hành. Thế là lại ban phát, lại xin - cho, lại phong bì và những giải pháp khắc phục.

Vất vả này trước tiên thuộc về địa phương bởi về nguyên tắc nhà đầu tư có thể đổ hết trách nhiệm: anh cấp phép cho tôi thì tôi tin cậy hoàn toàn vào anh, giữa đường có chuyện gì thì anh phải lo giải quyết, tôi vi phạm thì anh xử thế nào tôi cũng chịu mọi thiệt hại về mình. Nhưng về thực tế thì lại khác: anh có thế, tôi có lực, cùng tìm cách hóa giải khó khăn vì tinh thần cộng sinh, vì uy tín của anh để người ta không chê là làm ăn bất nhất và vì quyền lợi của tôi, đã phóng lao thì phải theo lao.

Giải pháp là gì đây? Hoặc rút giấy phép vì dự án này tác hại đến mức không thể chấp nhận được và sẵn sàng cấp đất cho một dự án khác. Thế là phát sinh thêm vấn đề ai phải bỏ tiền ra đền bù cho những thiệt hại của nhà đầu tư? Hoặc trước sự đã rồi nên phải đi vào lối mòn “khắc phục” những hạn chế của dự án theo yêu cầu của các bộ, ngành như giảm bớt một số hạng mục, cam kết bảo vệ môi trường, đền bù thiệt hại cho các bên liên quan...

Cũng rất có thể giải pháp thứ hai mang tính thỏa hiệp được chọn lựa với lý do đơn giản là dễ thực hiện và ít gây thiệt hại hơn cả cho đôi bên. Và nếu không gặp phản ứng gay gắt của xã hội thì sẽ trở thành “chuyện để lâu cứt trâu hóa bùn” như người đời xưa thường nói và người đời nay thường làm. Thế là kết thúc một vòng chạy thuốc sau khi tiếp thu và lắng nghe những ý kiến sáng giá và đầy trách nhiệm giữa bao nhiêu quy định không rõ ràng của pháp luật và sự toan tính của địa phương lẫn doanh nghiệp.

Trần Trọng Thức (theo TBKTSG)

Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt