Mong rằng, sau lần ban hành mới Bộ luật Dân sự lần này, từ lần sau khi sửa đổi Bộ luật Dân sự chúng ta sẽ thực hiện theo phương thức “vá săm xe đạp”. 

Theo Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội, nếu không có gì thay đổi thì trong năm 2015, Việt Nam sẽ có Bộ luật Dân sự mới. Như vậy, theo chu kỳ cứ sau 10 năm nước ta lại ban hành một Bộ luật Dân sự (1995, 2005 và 2015). Hiếm có nước nào như Việt Nam chỉ trong 1 thời gian ngắn mà sắp có tới 3 Bộ luật Dân sự.

Có một luật gia từng ví: “Làm luật ở Việt Nam giống như vá săm xe đạp, thủng chỗ nào vá chỗ đó”. Câu ví này ý nói, việc xây dựng và ban hành luật ở Việt Nam mang tính chắp vá, không có tính chất dài hơi. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, riêng với việc xây dựng Bộ luật Dân sự ở Việt Nam, nếu được thực hiện theo phương thức “vá săm xe đạp” thì lại có nhiều ý nghĩa tích cực.

Nghĩa là, sau khi ban hành và đưa vào thực hiện trong cuộc sống, nếu phát hiện những quy định, chế định nào của Bộ luật Dân sự bất cập cần sửa đổi, bổ sung thì chúng ta ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự. Để bảo đảm cho hệ thống pháp luật dân sự đơn giản, rõ ràng, dễ sử dụng, nâng cao hiệu quả thi hành, thì chúng ta hợp nhất, đưa nội dung sửa đổi, bổ sung trong văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của văn bản đã được ban hành trước đó vào văn bản được sửa đổi, bổ sung. Chúng ta đã có hẳn một pháp lệnh quy định về quy trình và kỹ thuật thực hiện việc này, đó là Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật năm 2012.

Nói một cách hình ảnh, sau một thời gian chạy trên đường nếu “chiếc bánh xe Bộ luật Dân sự” bị xuống hơi hay bị thủng thì chúng ta “bơm, vá” để nó có thể chạy bình thường trở lại. Cứ như thế chúng ta tiếp tục bơm, vá cho đến khi nào không còn bơm, vá được thì thôi; tức là lúc này các quy định của Bộ luật Dân sự đã trở nên tương đối ổn định và hoàn thiện, thì mới tính đến chuyện ban hành Bộ luật Dân sự mới (thay săm mới).

Làm như thế chúng ta sẽ tránh được tình trạng ban hành quá nhiều Bộ luật Dân sự trong một thời gian ngắn. Các luật gia vẫn thường ca ngợi Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804 có tuổi đời trên 200 năm. Tuy nhiên, để có được sức sống lâu bên và trở thành công trình pháp luật khắc ghi lịch sử nước Pháp như vậy, Bộ luật này cũng đã trải qua một số lần sửa đổi, bổ sung.

{keywords}

Theo chu kỳ cứ sau 10 năm nước ta lại ban hành một Bộ luật Dân sự. Ảnh minh họa

Thực tiễn làm luật ở nước ta trong thời gian qua cho thấy, các đạo luật được thông qua đa phần đều có dung lượng khá lớn các quy phạm và đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh rộng. Chính sự đầu tư nhân, tài, vật lực cho các đạo luật có quy mô lớn đã làm cho công việc soạn thảo các dự thảo văn bản bị kéo dài, tính chất đồng bộ và thống nhất của dự thảo trong mối quan hệ với các đạo luật khác nhiều khi không được đảm bảo.

Đặc biệt các đạo luật lớn thường phải tranh luận, thảo luận kéo dài vì phức tạp mới mong đạt được sự thống nhất các quan điểm và cách thức thể hiện. Do vậy, thời gian chuẩn bị xây dựng dự thảo tại các ban soạn thảo, thẩm định, thảo luận, chỉnh lý và thông qua tại Quốc hội thường kéo dài: Khoảng cách giữa nhu cầu cấp bách phải điều chỉnh và khả năng điều chỉnh của đạo luật ngày càng xa đã dẫn đến tình trạng, đợi được luật ra đời, thì cuộc sống đã biến chuyển sang một mức độ phát triển khác.

Mời độc giả tham gia ý kiến xây dựng Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật TẠI ĐÂY

Để khắc phục tình trạng này, thay vì xây dựng và thông qua các đạo luật có quy mô lớn, chúng ta nên tập trung xây dựng và thông qua các đạo luật có quy mô điều chỉnh hẹp. Một đạo luật với ít các điều khoản sẽ được nhanh chóng xây dựng, kịp thời đáp ứng các nhu cầu điều chỉnh pháp luật, dễ dàng tương thích với các không gian pháp lý quốc tế. Tính hữu ích của một đạo luật ít điều khoản, không chỉ thể hiện ở sự gọn nhẹ về nội dung, dễ xây dựng, mà còn ở chỗ dễ kiểm soát tính đồng bộ và thống nhất, dễ sửa đổi khi có nhu cầu và dễ áp dụng trên thực tế.

Sau một thời gian xây dựng và thảo luận, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Tuy nhiên, do tính chất và quy mô của Bộ luật Dân sự, hiện nay vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau đối với kết cấu cũng như nội dung của dự thảo.

Mong rằng, sau lần ban hành mới Bộ luật Dân sự lần này, từ lần sau khi sửa đổi Bộ luật Dân sự chúng ta sẽ thực hiện theo phương thức “vá săm xe đạp”. Biết đâu đấy, sau hơn 200 năm nữa Việt Nam cũng có một Bộ luật Dân sự có sức sống lâu bền và trở thành khuôn mẫu cho việc xây dựng và ban hành Bộ luật Dân sự của nhiều quốc gia trên thế giới như của nước Pháp.

TS. Trần Văn Biên (Viện Nhà nước và Pháp luật)