Chỉ khi nào BHXH trở thành “chỗ dựa” thực sự của người lao động như chính khẩu hiệu của ngành này thì khi đó chính sách mới thành công.

>> Góp tiền rồi, 30 năm sau có được nhận xứng đáng?

Chính phủ đã đồng ý để người lao động đã được chọn hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần như trước đây hoặc bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu khi về già.

Như vậy, người lao động được rút khoản tiền tích lũy cho tương lai để chi tiêu, nhưng về dài hạn, điều đó sẽ tạo nên một tương lai bất ổn cả cho chính người lao động và cho hệ thống an sinh xã hội.

{keywords}
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Lao động

"Nếu được chọn lại..."

Bà Trần Thị Huệ (Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) đang cặm cụi bán trà đá vỉa hè, ông bà đã ngoài 70 tuổi. Trước đây bà từng làm ở công ty dệt 8/3. Khi gia đình gặp khó khăn bà xin “về một cục” nhằm lĩnh số tiền trợ cấp một lần để giải quyết công việc của gia đình lúc đó. “Tôi nghỉ việc nhà nước, ra bám vỉa hè để kiếm sống, khi được khi mất, cuộc sống cũng bấp bênh lắm”, bà Huệ kể.

Ông bà có ba người con nhưng cuộc sống của họ cũng chật vật, nên ông bà xác định tự kiếm sống được ngày nào tốt ngày đó. Ngày khá ông bà kiếm được trăm ngàn, ngày mưa gió thì ngồi nhà sống bằng tiền tiết kiệm. Cả hai sợ nhất khi có bệnh phải đi viện. Vì, “chắc nằm chờ chết thôi chứ chẳng lấy đâu ra tiền”. Bởi thế, bà ước, nếu chọn lại sẽ không xin lĩnh BHXH một lần để có lương hưu và bảo hiểm y tế.

Bà Huệ còn may mắn hơn hiều người về hưu khác vì cuộc sống nơi đô thị vẫn cho ông bà cơ hội mưu sinh. Tuổi già không thu nhập, phải đối mặt với bệnh tật mà không có bảo hiểm y tế, không có tiền để khám chữa bệnh là nỗi ám ảnh của khoảng 80% người già ở Việt Nam (theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).

Hoài nghi, bực dọc là có thật

Trước áp lực phải giải quyết vấn đề thu nhập cho 80% lực lượng lao động tới tuổi nghỉ hưu, điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016) đã không cho phép người lao động được rút khoản tiền này ra khỏi quỹ BHXH mà phải dành dụm lại, đóng tiếp để sau này có lương hưu. Câu hỏi đặt ra là vì sao một chính sách rất nhân văn lại gặp phải phản ứng mạnh mẽ như vậy?

Ông Phạm Minh Huân, thứ trưởng Bộ LĐTB&XH khi trả lời báo chí về việc mở rộng người tham gia BHXH bắt buộc cũng thừa nhận, đời sống người lao động đang rất khó khăn, họ ăn bữa nay còn lo bữa mai, sao có thể tính đến chuyện hai mươi năm sau? Do vậy, mở rộng người tham gia BHXH là thực tế khó khăn và giữ chân người tham gia BHXH tới khi họ nhận được lương hưu là khó khăn không kém.

Những năm qua số người rút không tham gia BHXH có xu hướng tăng nhanh. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nếu năm 2009 khoảng 426.000 người xin hưởng BHXH một lần thì tới năm 2010 là hơn 612.000 người và đến năm 2011 là gần 735.000 người. Vì sao, số người rút không tham gia BHXH lại tăng nhanh như vậy?

{keywords}

Áp lực phải giải quyết vấn đề thu nhập cho 80% lực lượng lao động tới tuổi nghỉ hưu là rất lớn. Ảnh minh họa: BHTPHCM

Đã có những hoài nghi từ người lao động về việc tiền BHXH của họ sẽ mất giá sau mấy chục năm nữa cho thấy việc tuyên truyền về những ưu thế của quỹ BHXH chưa đến được với chính người lao động. Đã có những bực dọc khi người lao động thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này nhưng gặp phải những khó khăn gây ra từ chính các thủ tục phức tạp hoặc từ người cán bộ thực hiện các thủ tục ấy khiến họ “thà bỏ còn hơn”.

Đã có những thông tin cụ thể về việc Quỹ BHXH của người lao động với hàng chục ngàn tỷ đồng nhưng lại “tăng trưởng âm”- tăng trưởng không đủ bù trượt giá. Và chính nguy cơ vỡ quỹ BHXH được các chuyên gia tài chính cảnh báo vào năm 2021 đã khiến người lao động lo ngại về số phận của khoản tiền tích lũy của họ. Những hoài nghi, bực dọc và lo lắng này là có thật.

Trong khi các chính sách bắt buộc tham gia BHXH tăng thêm, những người có hợp đồng lao động từ 1/3 tháng cũng thuộc đối tượng bắt buộc tham gia theo Luật BHXH mới, nhiều chuyên gia dự đoán rằng, có thể số lượng người tham gia BHXH sẽ tăng trong ngắn hạn. Cùng với số người tham gia mới, số lượng người rút khỏi BHXH có thể cũng gia tăng theo khi những lao động có công việc bấp bênh (hợp đồng ngắn hạn) trở thành các đối tượng bắt buộc nhưng họ cũng có quyền rút-quyền mà họ đã có được sau khi Chính phủ đồng ý kiến nghị sửa đổi điều 60 của Luật BHXH. Như vậy, câu chuyện tăng số người lao động tham gia BHXH để giải quyết thu nhập cho họ hai mươi năm sau vẫn là một bài toán khó.

Vẫn còn đó khoảng trống 80% người già hết tuổi lao động phải sống cuộc sống bấp bênh vì không có thu nhập và không có bảo hiểm y tế. Biện pháp mạnh đã phải sửa đổi nhưng qua câu chuyện này, cơ quan thực hiện chính sách BHXH cũng cần đổi mới chính mình để có được cái nhìn thân thiện hơn của người lao động, để họ tìm đến và tham gia tự nguyện thay vì ép buộc. Chỉ khi nào BHXH trở thành “chỗ dựa” thực sự của người lao động như chính khẩu hiệu của ngành này thì khi đó chính sách mới thành công.

Tây Giang