Vai trò của QH là cơ quan lập pháp: không phải anh ngồi chờ người ta trình dự án luật để sửa câu chữ, mà phải cân nhắc những yếu tố bất lợi cho nhóm này và những yếu tố bất lợi cho nhóm kia.  

Tuần Việt Nam giới thiệu phần tiếp theo của Tọa đàm “Để không ngồi trên trời làm chính sách” với GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên -Môi trường; TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển; Luật sư Nguyễn Ngọc Lan, Phó GĐ Trung tâm Hành động vì Phát triển cộng đồng (ACDC). 

>> Xem lại phần 1: Tọa đàm ‘Để không ngồi trên trời làm chính sách' 

Làm luật kiểu ‘vừa thiết kế, vừa thi công’ 

Nhà báo Hoàng Hường: Theo tinh thần của Luật Ban hành qui phạm pháp luật sửa đổi thì chính sách phải đi trước. Vậy làm thế nào để đánh giá việc đổi mới chính sách và dựa trên những tiêu chí nào?  

Ông Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng một trong những tiêu chí cao nhất để đánh giá là chính sách đó có phù hợp với thực tế hay không?

Chúng ta từng nhiều lần ráo riết, sốt sắng phải đưa ngay chính sách vào cuộc sống, nhưng tôi cho là chiều ngược lại mới quan trọng, là chiều để khẳng định được chính sách đó có phù hợp với cuộc sống hay không? 

Một chính sách đưa ra tác động đến rất nhiều đối tượng, có thể mang lợi ích cho nhóm này, nhưng lại làm thất thiệt lợi ích cho nhóm khác. Để đánh giá, chúng ta có thể đưa ra nhiều tiêu chí, nhưng phải dựa trên nhu cầu sử dụng của người ta. Nhiều khi chúng ta theo tư duy chủ quan của một người làm lãnh đạo nào đó, ở một cấp nào đó đưa ra chính sách. Tôi cho rằng phải xem xét cách tư duy đó nằm trong đời sống hay chỉ ở trong phòng máy lạnh.  

{keywords}
GS Đặng Hùng Võ

Bà Nguyễn Ngọc Lan: Tôi đồng ý với quan điểm của GS Võ. Để chính sách đi được vào cuộc sống là điều không dễ chút nào. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần phải có những cái nhìn nền tảng ban đầu, nhìn trước để thấy thực sự nó có phải là nhu cầu của xã hội hay không? Nó có phải là nhu cầu của người dân hay không?  

Và chúng ta cần ghi chú rất cụ thể ai là đối tượng mà chính sách hướng đến, bấy giờ ta mới có được quá trình hình thành chính sách hợp lý hơn. 

Nhà báo Hoàng Hường:  Có người từng ví chúng ta làm luật như là “vá săm xe đạp”, thủng đâu vá đấy thành ra thay đổi liên tục. Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, thưa ông Hoàng Ngọc Giao? 

Ông Hoàng Ngọc Giao: Thứ nhất, Chính sách, pháp luật và phát triển là 3 yếu tố gắn liền với nhau. Khi nói đến làm luật, dường như người ta hay nghĩ đến Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự hay là cả những bộ luật về kinh tế, ví dụ như Luật đầu tư. Nhưng nhìn từ góc độ chuyên môn, tôi cho rằng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một đạo luật rất quan trọng, tầm quan trọng của nó chỉ sau Hiến pháp, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc tăng cường chất lượng của các dự án luật.

Văn bản quy phạm pháp luật chính là công cụ pháp lý để xây dựng hệ thống pháp luật trên nền tảng phù hợp với Hiến pháp. Nếu công cụ này kém thì chúng ta sẽ có sản phẩm luật pháp tồi, hệ thống pháp luật kém chất lượng.  

Thứ hai, chúng ta thường kêu gọi làm sao đưa pháp luật vào cuộc sống, để cho nhân dân phải thực hiện, tức là tư duy áp đặt. Thực tế hàng chục năm qua đã chứng minh như vậy, nhiều văn bản đạo luật cũng như văn bản dưới luật ban hành nhưng không thực thi được.  

Chúng ta phải quay ngược trở lại từ khâu bắt đầu “chế biến” để cho ra dự án luật, chứ không phải từ thực thi luật, tức là khâu cuối cùng. Các chuyên gia, nhà làm chính sách và cả những người làm thực tế trong Chính phủ, QH mới thấy rằng: “trước nay chúng ta làm luật theo kiểu vừa thiết kế vừa thi công, đẽo cày giữa đường”, làm luật không có định hướng. 

Khi nói “thủng đâu vá đấy” tức là ta có một sản phẩm rồi, nó xì chỗ nào ta bịt chỗ đó, nhưng ta đang nói ở công đoạn trước: hoạch định chính sách, khi anh hình thành những ý tưởng cốt lõi cho một dự án luật.  

Giống như cách đây khoảng vài tháng trên truyền thông đưa thông tin một quận nào đó ở HN muốn cấm bia hơi vỉa hè. Như vậy ý định cấm của anh là một chính sách. Thế nhưng khi anh định làm việc anh lại không tham vấn người bán bia hay người uống bia, không tham vấn ý kiến của những nhà văn hoá hay người dân Hà Nội. Và khi ý tưởng đó mới đưa ra thì lập tức là gây ra sự phản ứng, anh đã tính đến chưa? Đấy là một ví dụ.  

{keywords}
Bà Nguyễn Ngọc Lan

Cho nên việc hoạch định chính sách phải bắt đầu từ thực tiễn để mà anh đánh giá có những vấn đề gì cần phải đưa ra hoạch định chính sách cấm hay không cấm, cho phép với điều kiện gì để thúc đẩy. Ngay từ công đoạn đầu anh không làm chuyện đó. Trong quá trình viết luật, anh mới bắt đầu vừa thiết kế vừa thi công, nảy ra ý tưởng gì thì anh lại thi công theo hướng đó, đến cấp duyệt tiếp theo lại có một ý tưởng khác. 

Trong khi chúng ta hoạch định chính sách không tránh khỏi hiện tượng các nhóm lợi ích ngược nhau hoặc thậm chí là xung đột lẫn nhau. Ví dụ như vấn đề chỉ một chính sách nhập khẩu ô tô cũ chẳng hạn, rõ ràng sẽ làm những nhà sản xuất ô tô trong nước là không thích, nhưng những nhà thương mại ô tô thì rất thích.  

Vai trò của Nhà nước là cân nhắc, đánh giá lợi ích của các nhóm có liên quan để đưa ra những giải pháp phù hợp, tạo được sự đồng thuận trong xã hội, nhưng đồng thời thúc đẩy phát triển. Cơ bản nhất là vai trò của QH là cơ quan lập pháp: không phải anh ngồi chờ người ta trình dự án luật để sửa câu chữ, mà phải cân nhắc những yếu tố bất lợi cho nhóm này và những yếu tố bất lợi cho nhóm kia.  

Vai trò lớn nhất của các nghị sĩ, của các Đại biểu QH phải là đại diện khu vực cử tri để có quan điểm nhất định, để tranh luận những ý kiến khác nhau và cuối cùng tìm ra giải pháp tốt nhất.  

{keywords}
Ông Hoàng Ngọc Giao

Đừng để sáng kiến ‘buồn cười’ được phê duyệt 

Nhà báo Hoàng Hường: Chúng ta đã có những câu chuyện chính sách bị diễn thành truyện cười như “ngực lép không được lái xe”, rồi “sở hữu chính chủ”,… Theo ông đâu là nguyên nhân của tình trạng này,  thưa ông Võ? 

Ông Đặng Hùng Võ: Trong cuộc sống, bao giờ một chính sách đưa ra cũng có thể chưa phủ hết được những bức xúc thực tế dù có thể nó đúng. Ví dụ ta có thể đếm được 1.000 trường hợp thì nó phủ được 800 trường hợp, còn 200 trường hợp là vận dụng pháp luật đến đâu đi nữa, chưa chắc luật đã phù hợp, như là từ chuyện kẹt xe mà nói đến chuyện ngực lép.  

Chúng ta chưa đủ công cụ để giải quyết tất cả mọi trường hợp thì phải có sáng kiến, có thể đi từ người này hay người khác, thậm chí có thể từ cộng đồng hay từ rất nhiều hội thảo; cũng có thể sáng kiến từ một nhà quản lý nào đó có cái hay cũng có cái khiến chúng ta thấy buồn cười. Tôi cho đó cũng là thực tế, chỉ có điều đừng để sáng kiến buồn cười đó được phê duyệt. 

Nhà báo Hoàng Hường: Thưa bà Lan, từ quan sát của bà thì những tổ chức xã hội - nghề nghiệp và những tổ chức của người dân đã và đang đóng góp như thế nào trong việc xây dựng, thực thi chính sách? 

Bà Nguyễn Ngọc Lan: Một thực tế là không chỉ trước đây mà bây giờ, phần nào đó các nhà làm luật vẫn có tư duy “người dân biết gì mà nói”, đóng góp vào chính sách pháp luật phải là đội ngũ tinh hoa, chứ người dân trình độ chỉ có giới hạn. 

Trên thực tế, trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Hiến pháp, Luật ngân sách hoặc Luật đầu tư công… thì vai trò của các tổ chức xã hội cũng như tổ chức của người dân đã phát triển mạnh cả về mặt chất lượng và mặt số lượng. Đợt sửa Hiến pháp vừa qua hầu như người dân nào cũng được đưa quyển sách để tham gia.  

Nhà báo Hoàng Hường: Nhưng không phải ai cũng đọc được và hiểu được văn bản pháp luật?

Bà Nguyễn Ngọc Lan: Tất nhiên,  không phải ai cũng đọc được và hiểu được văn bản pháp luật. Bản thân những nhà làm luật cũng đã phải mất rất nhiều công sức để có thể hiểu được nó.

Các tổ chức thực hiện những cuộc tham vấn người dân đều có những chuyên gia luật đến giải thích từng điều, từng ý nghĩa của điều luật. Mỗi lần tham vấn họ khu chú ở một vực nhất định, ở phạm vi nhỏ nhất định, để làm thế nào đấy để người dân có thể đóng góp được hiệu quả cao nhất. Đến cuối năm 2013 đã thấy rất nhiều đóng góp của người dân, những đề xuất thay đổi đã được đưa vào trong Luật đất đai và Hiến pháp sửa đổi.  

Điều đó khẳng định người dân hoàn toàn có đủ tự tin, và sẵn sàng tham gia đóng góp các ý kiến cho việc sửa đổi luật.  

(Còn nữa)

Tuần Việt Nam

Ảnh: Đoàn Bảo Châu

Quay phim: Đức Yên, Xuân Quý

Dựng phim: Huy Phúc