Kinh phí làm luật hiện nay rất hạn chế, dường như là phụ cấp để làm luật. Kinh phí làm một luật chỉ vài ba trăm triệu. Với lý do rằng làm luật không có kinh phí riêng, cán bộ công chức nhà nước hưởng lương là phải làm.
>> Phần 1: Tọa đàm ‘Để không ngồi trên trời làm chính sách'
>> Phần 2: Đừng để sáng kiến "buồn cười" cũng được... duyệt!
Tuần Việt Nam giới thiệu Phần 3 Tọa đàm “Để không ngồi trên trời làm chính sách” với GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên -Môi trường; TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển; Luật sư Nguyễn Ngọc Lan, Phó GĐ Trung tâm Hành động vì Phát triển cộng đồng (ACDC).
Cần có dòng ngân sách riêng
Nhà báo Hoàng Hường: Những vấn đề như “chính sách trên trời”, “chính sách máy lạnh”, “cấm ngực lép lái xe” đặt ra câu hỏi liệu có phải là chúng ta đang đi chệch mục tiêu, triết lý làm luật là tìm ra một khế ước để giữ cho một xã hội trật tự, ổn định?
Bà Nguyễn Ngọc Lan: Trong xã hội, các mối quan hệ thay đổi từng ngày, từng giờ và chúng ta chạy theo, dẫn đến việc đưa ra chính sách “vá víu”. Các nhà làm chính sách đều hướng tới mục tiêu ổn định xã hội, phát triển một cách hài hoà nhất, nhưng vì các mối quan hệ xã hội phát triển nhanh khiến tuổi thọ của chính sách không được dài. Chúng ta luôn ở trong dòng xoáy “đẽo cày giữa đường”.
Nhà báo Hoàng Hường: Ở đây có một câu hỏi quan trọng: làm thế nào để có chính sách thực tiễn?
Ông Hoàng Ngọc Giao: “Có bột mới gột lên hồ”, nếu bạn ngồi trong phòng máy lạnh, theo tư duy kinh nghiệm và thông tin chủ quan bạn có thì đấy không phải thực tiễn xã hội.
Chúng ta cũng nên nhìn lại việc lấy ý kiến đã thực sự hỗ trợ cho việc hoạch định phân tích chính sách hay chưa? Theo đúng nghĩa thì chưa. Chúng ta vẫn khẳng định việc lấy ý kiến và xử lý thông tin chiếm đến 50% chất lượng của dự án luật, còn lại 50% là do lựa chọn giá trị ưu tiên các chính sách khác nhau.
Hơn nữa, kinh phí làm luật hiện nay rất hạn chế, gần như chỉ là phụ cấp để làm luật. Kinh phí làm một luật chỉ vài ba trăm triệu. Lấy lý do làm luật không có kinh phí riêng, cán bộ công chức nhà nước hưởng lương là phải làm, theo tôi chưa hợp lý.
Ta phải coi việc làm luật như một dự án phát triển kinh tế xã hội. Anh có một đạo luật tốt là anh tiết kiệm và hiệu quả chi phí có khi hàng trăm hàng nghìn tỷ, chứ đừng nghĩ rằng là làm luật chỉ là văn bản trên giấy. Một luật không chất lượng khiến anh thiệt hại về mặt chi phí, thời gian xã hội hàng trăm hàng nghìn tỷ. Phải coi nó là một dòng ngân sách riêng.
Từ trái qua: Hoàng Hường, ông Đặng Hùng Võ, bà Nguyễn Ngọc Lan |
Nhà báo Hoàng Hường: Đây đó người ta nói về chuyện lợi ích nhóm này họ. Ông Đặng Hùng Võ có biết điều này không?
Ông Đặng Hùng Võ: Luật pháp luôn xảy ra tình trạng làm lợi cho nhóm này và bất lợi cho nhóm khác. Không bao giờ ta có thể đòi hỏi một người chủ trì công văn soạn thảo luật pháp hoặc là cơ quan đưa ra chính sách phải như thần, như thánh để không vướng mắc, ưu ái ai cả.
Thế nên chúng ta không thể tin một chiều trong chuyện đưa ra chính sách. Bao giờ cũng có cái gọi là tư lợi lẩn thẩn trong đầu, có khi là những người trong gia đình như cha, mẹ, vợ…., có khi làng mình, thậm chí huyện mình, tỉnh mình, đấy cuộc sống thực tế.
Bởi vậy, để xây dựng pháp luật, chúng ta cần rất nhiều chiều đưa ra ý kiến mới đảm bảo được tính khách quan và công bằng. Khách quan là không đứng trên lợi ích của ai cả, công bằng là anh tạo ra sự được và sự mất mà tất cả các nhóm có thể chấp nhận.
Ngoài QH, chúng ta cần lấy ý kiến của những cộng đồng các tổ chức xã hội, các nhóm dân cư; phải thực lòng muốn nghe, nghe rồi phải trả lời, giải thích những ý kiến đóng góp.
Thiết chế ĐBQH còn hạn chế
Nhà báo Hoàng Hường: Độc giả Phạm Hữu Dũng có vẻ đồng cảm với ý kiến của ông Võ: “Tôi thấy cái nhiều người làm chính sách nghĩ tới là lợi ích nhóm, lợi ích ngành đầu tiên; Bộ luật Bảo hiểm xã hội vừa thông qua, chưa kịp có hiệu lực đã phải sửa đổi. Chúng ta làm thế nào để sau này không còn tình trạng như vậy nữa?”
Ông Hoàng Ngọc Giao: Như tôi đã nói từ đầu, chính sách phải được hoạch định và phân tích thông tin từ nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, mới có được những giải pháp cần thiết anh đưa vào luật. Có một hiện tượng dường như nhiều đạo luật tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước nhiều hơn là tạo điều kiện thực thi quyền cho người dân.
Có hai loại văn bản pháp luật: một là qua QH (được gọi là luật hay pháp lệnh hoặc là nghị quyết của QH), một loại văn bản quy phạm pháp luật đó là văn bản dưới luật. Việc ban hành hai loại văn bản này tuy về hình thức khác nhau nhưng nó đều có giá trị pháp lý chung.
Tôi cũng đồng tình rằng trong thiết chế ĐBQH hiện nay rất khó cho họ để đảm đương vai trò đại diện cho cử tri. Ví dụ, bạn là một phụ nữ trẻ, nghĩa là thuộc cơ cấu thanh niên, nhưng bạn lại ở miền núi, bạn lại thuộc cơ cấu giáo viên vùng cao, bạn là giáo viên dạy học thì được cơ cấu là trí thức. Vậy, chẳng hạn, khi một dự luật có tác động có lợi tới phụ nữ; nhưng với ngành giáo dục, hoặc đối với vùng cao là bất lợi, bạn sẽ bỏ phiếu như thế nào? Tính đại diện đã phát sinh mâu thuẫn trong cơ cấu của bản thân ĐBQH.
Thứ hai, cứ sát nút kỳ họp ĐBQH mới nhận được một dự án luật. Trong kỳ họp 3, 4 dự án luật hàng trăm trang, mỗi ĐBQH làm sao có thời gian đọc, chưa kể đại biểu không chuyên trách. Còn tiếp xúc cử tri để lấy thông tin? Bạn phải đợi đến kỳ tiếp xúc cử tri, được sự sắp xếp của mặt trận cơ sở, phường thì bạn đến gặp. Xuân thu nhị kỳ đi tiếp xúc thì phần lớn vẫn là gương mặt cử tri đấy, liệu họ có đại diện cho các nhóm khác nhau liên quan đến luật không?
Trong những năm gần đây tôi thấy các ban của QH đang mở dần nỗ lực đi điều tra thực tế, chấp nhận đề nghị của các tổ chức xã hội là hội thảo, toạ đàm để đưa ra những ý kiến xung quanh những dự luận mà sắp sửa ban hành. Theo tôi đấy là hướng rất tốt!
Ông Hoàng Ngọc Giao |
Nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí
Nhà báo Hoàng Hường: Độc giả Phạm Trường Sơn có câu hỏi: Dường như báo chí có ‘lỗ hổng’ trong việc viết về chính sách, ví dụ như vụ công nhân đình công về Luật lao động tại Tp.HCM. Từ lúc soạn thảo đến khi ban hành không thấy báo chí đề cập đến. Khi truyền thông đến, các công nhân té ngửa ra là luật tác động đến họ rồi. Làm thế nào để báo chí có thể là cầu nối cho nhân dân, các tổ chức xã hội trong việc đóng góp chính sách?”
Ông Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng câu chuyện đó là ở Luật báo chí. Chúng ta có luật báo chí đã sửa một vài lần. Từ việc mà bạn đọc vừa hỏi, tôi cho rằng đã là luật thì chúng ta phải thực hiện nghiêm theo luật; không cái gì có thể đứng trước và trên luật pháp. Luật cho rằng cái này nói được, có nghĩa là báo chí nói được.
Nhà báo Hoàng Hường: Theo ông là do vấn đề khó quá, nhà báo không hiểu được nên không đưa ra được hay vì điều gì khác?
Ông Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng các nhà báo rất thông minh, không đến mức không hiểu được, chỉ còn lại những điều mà chúng ta vẫn cho là nhạy cảm. Tôi ví dụ một cán bộ cấp huyện thôi nói “cái này không nên đưa lên báo”. Thế rồi nhà báo cũng thần hồn nát thần tính, coi như đấy là một chỉ đạo, không tiếp tục làm việc này nữa. Vậy chúng ta hãy cùng nhau trên dưới một lòng thực hiện tốt mặt báo chí.
Ông Hoàng Ngọc Giao: Trong suốt cả quá trình làm luật, chúng tôi đang đề nghị quy định về vai trò của truyền thông. Cái này không chỉ tốt cho người dân mà cho cả Nhà nước. Cần phải ghi nhận vai trò của truyền thông trong quy trình làm luật.
Truyền thông kịp thời đưa ra chính sách có liên quan đến dự án luật đến người dân. Qua đó người ta góp ý kiến chứ không phải từ cổng thông tin điện tử. Thứ hai, trong quá trình làm dự án luật người dân đã biết đang có những chính sách gì, đến lúc được thông qua thì họ đã hiểu về pháp luật rồi.
Cũng giống làm một bộ phim, phim đang làm đã có chiến dịch PR, tại sao Chính phủ hay các cơ quan làm luật không vận dụng vai trò của báo chí vào. Đây là một trong những đề nghị mà chúng tôi cũng đề xuất đưa vào Luật ban hành Văn bản Quy phạm pháp luật để hoạch định chính sách tốt hơn, thực thi luật trong tương lai sẽ tốt hơn, thu hút được nhiều ý kiến phản hồi của nhân dân nhiều hơn.
(Còn nữa)
Tuần Việt Nam
Ảnh: Đoàn Bảo Châu
Quay phim: Đức Yên, Xuân Quý
Dựng phim: Huy Phúc