Làm việc nhóm có thể nói là kỹ năng yếu nhất của học sinh Việt Nam và thật đáng tiếc đây lại là kỹ năng quan trọng số một, quyết định sự thành bại của quá trình làm việc khi trưởng thành.
LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài tiếp theo, Giá trị của sự khiêm nhường, trong loạt bài Giáo dục nhân cách và kỹ năng sống của tác giả Nguyễn Tuấn Hải.
>> Xem lại Bài 1: Người Việt ồn ào và cách người Nhật dạy trẻ
Thành công là một con đường không bao giờ là của một người. Đó mới là đích đến sâu xa nhất của nhận thức và ý thức của cá nhân, thông qua đức khiêm nhường.
Chúc mừng con đã biết bơi!
Một hôm, có cậu bé học trò một trường quốc tế tại Hà Nội nhận được giấy khen của nhà trường với nội dung sau:
'Chúc mừng con đã biết bơi’
Một nội dung tưởng tương đối đơn giản, nhưng ẩn chứa một triết lý giáo dục rất nhân văn gửi gắm đằng sau.
Câu chuyện của cậu bé như sau: cậu là người cuối cùng trong lớp không biết bơi và sau nhiều nỗ lực tập luyện thì cuối cùng cậu đã biết bơi. Khi cậu chưa biết bơi và các bạn trong lớp thi bơi ở hồ bơi, cậu vẫn vui vẻ, hồn nhiên chạy trên thành bể cổ vũ cho các. Cậu đã không cảm thấy việc mình thua kém các bạn ở lĩnh vực không phải thế mạnh của mình.
Giấy khen của trường cậu bé nhấn mạnh vào việc con người cần phải vượt qua được chính mình. Và đó là thành tựu lớn nhất mà một người cần hướng tới, chứ không phải việc phải vượt qua và thắng được người khác bằng mọi cách.
Ở đây, triết lý giáo dục của ngôi trường cậu bé học có hai điểm chính:
1. Cậu bé đã học được cách tôn trọng chính mình.
2. Cậu đã học được cách tôn trọng sự khác biệt về khả năng và hoàn cảnh giữa các cá nhân.
Với góc nhìn của nhà giáo dục, tôi coi đây là hai tiền đề cho sự khiêm nhường mà một đứa trẻ cần phải có được trong một nền giáo dục vừa nhân văn vừa hiện đại.
Làm việc nhóm là một kỹ năng rất quan trọng với học sinh. Ảnh minh họa, nguồn: Ischool.vn |
Nếu nhìn xa hơn, những tiền đề này sẽ chuẩn bị cho trẻ những kỹ năng và phát triển các phẩm chất cần có để chuẩn bị cho hành trình tương lai:
1.Không bao giờ chê bai người khác.
2. Học làm việc nhóm ngay từ khi còn nhỏ.
3. Học cách thảo luận và tranh luận (debate) khi bước vào cấp 2 (THCS) và cấp 3 (THPT hay High School).
Không chê bai người khác có hai hàm ý, vừa là tôn trọng sự khác biệt và đa dạng; vừa là tôn trọng cái tôi cái cá nhân của chính bản thân mình, đây là cơ sở để giúp trẻ tiến tới việc hình thành 2 kĩ năng số 2 và số 3. Trong giáo dục phổ thông, việc yêu cầu các em mặc đồng phục khi tới trường chỉ giải quyết được bề nổi mang tính hình thức của việc này.
Làm việc nhóm có thể nói là kỹ năng yếu nhất của học sinh Việt Nam và thật đáng tiếc đây lại là kỹ năng quan trọng số một, quyết định sự thành bại của quá trình làm việc khi trưởng thành.
Trẻ em của chúng ta đi học chỉ cốt lo điểm số của mình sao cho cao nhất có thể. Các em không quan tâm và không được dạy cách tương tác với người khác: các em không thực hiện việc tìm kiếm sự giúp đỡ cũng như không mang sự trợ giúp của mình cho bạn bè. ‘Học thầy không tày học bạn’ hóa ra lại vẫn là chuyện nói suông ở các trường học của chúng ta.
Tính cá nhân và việc chỉ dựa vào cá nhân mình để tiến tới sự thành công cả trong học tập và làm việc được tiếp tục thể hiện trong việc các em không quan tâm tới sự gắn mình với cộng đồng, với các hoạt động xã hội vì mục đích không tư lợi. Các em lớn lên với rất ít ý thức cống hiến cho cộng đồng và xã hội, nhất là với nơi mình sống và cộng đồng ngay tại đó.
Hãy thảo luận, đừng dùng bạo lực
Nền giáo dục của chúng ta hiện chưa tạo được điều kiện cần thiết cho tranh cãi và thảo luận (debate). Trong khi debate là một phần cấu thành quan trọng bậc nhất trong nền giáo dục tiền đại học. Qua đây các em học sinh sẽ học được từ nhau rất nhiều và biến đổi bản thân để vượt qua và hoàn thiện bản thân mình ở cấp độ cao.
Ở các nước tiên tiến, từ trong trường học cho tới xã hội, những người làm giáo dục luôn cố gắng tạo ra không gian thảo luận (debate room) để không chỉ giúp học sinh phát triển, mà còn qua đó (chứ không phải bài kiểm tra hay điểm số hay giải thưởng) phát hiện và lựa chọn các cá nhân đặc biệt để giúp các em phát triển đúng thiên hướng của từng cá nhân học sinh.
Chúng ta thường thấy những cá nhân thành công đích thực (cả trong học tập và sự nghiệp) lại rất giản dị và khiêm nhường! Tại sao lại như thế trong khi họ rất thành công và tài giỏi?
Câu trả lời đơn giản là họ được giáo dục từ bé đức khiêm nhường. Và đặc biệt là khi họ thành công và đứng từ trên cao nhìn xuống họ sẽ thấy mình sao nhỏ bé. Họ thấy để lên được đỉnh cao thành công họ đã phải đi cùng với nhiều người, nhận được sự hỗ trợ từ nhiều người tài năng thậm chí còn hơn họ.
Họ biết thành công là không chỉ của cá nhân họ. Thành công là một con đường đi không bao giờ là của một người cả.
Đó mới là đích đến sâu xa nhất của nhận thức và ý thức của cá nhân, thông qua đức khiêm nhường.