- Để có thể luật hóa một quy định còn nhiều tranh cãi như quyền được chết, trước hết đòi hỏi một trình độ phát triển cao của KT-XH, nơi y tế và phúc lợi XH đã đạt đến một trình độ bình đẳng nhất định.

>> Bộ Y tế sẽ đề xuất quyền được chết

130 năm tranh luận vụ án tàu Mignonette...

Có một vụ án được xem là kinh điển và dù cho đã có phán quyết cuối cùng năm 1884, nó vẫn được đưa vào giảng dạy trong các trường Luật trên khắp thế thế giới cho đến tận hôm nay. Nội dung vụ án như sau:

Năm 1884, tàu Mignonette trên đường từ Southampton đi Sydney, đến phía nam Đại Tây Dương thì bị sóng đánh chìm. May thay, cả bốn thành viên thủy thủ đoàn đều lên được xuồng cứu sinh, gồm có: thuyền trưởng Tom Dudley, thuyền phó Edwin Stephens, thủy thủ Edmund Brooks và cuối cùng là cậu bé làm công trên tàu, Richard Parker – 17 tuổi, mồ côi, không gia đình, thân thích.

{keywords}
Ảnh minh họa. Nguồn: Thanh niên

Không bị chết đuối, nhưng họ lâm vào hoàn cảnh khó khăn khác. Trên xuồng cứu hộ chỉ có thứ thức ăn duy nhất là 2 can củ cải muối. Họ nhịn đói ba ngày đầu tiên, ngày thứ tư ăn một can củ cải, ngày thứ 5 bắt được một con rùa. Đến ngày thứ 8 thì hoàn toàn không còn gì nữa. Richard Parker lần đầu tiên đi biển, không nghe lời các thành viên khác đã uống nước biển, suy nhược cơ thể và nằm thoi thóp.

Đến ngày thứ 19, trong hoàn cảnh đói ăn và tuyệt vọng, Tom Dudley – thuyền trưởng đề nghị bốc thăm để chọn ra người hi sinh mạng sống để cứu ba người còn lại. Edmund Brooks từ chối, ý tưởng bốc thăm không được thực hiện.

Đến ngày thứ 20, vẫn không hề có hi vọng gì về sự sống. Dudley bảo Brooks quay mặt đi, ra hiệu với Stephens, cầu nguyện rồi nói với Parker rằng đã đến lúc rồi và dùng dao giết chết Parker.

Phần thức ăn này được 3 người, kể chả Brooks sử dụng và cầm cự thêm được bốn ngày. Đến ngày thứ 24, họ được cứu và đưa trở lại nước Anh, bị bắt và đem xử.

Phán quyết của thẩm phán đưa ra: Edmund Brooks vô tội, Tom Dudley và Edwin Stephens tử hình.

Suốt 130 năm qua, cả thế giới chia làm hai phe trong cuộc tranh luận về vụ án trên.

Phe thứ nhất, bao gồm toàn bộ dư luận nước Anh vào thời kỳ đó cho rằng nên có sự khoan hồng cần thiết chứ không phải là án tử hình cho hai người trên. Richard Parker rồi sẽ chết, cậu bé cũng không có gia đình thân thích ở đất liền. Hi sinh mạng sống một người để cứu ba người là việc nên làm, và thật sự họ rơi vào hoàn cảnh không có lựa chọn nào tốt hơn.

Phe thứ hai, đông không kém, bao gồm cả công tố viên và thẩm phán lúc đó với cách nhìn ngược lại. Phe này cho rằng đừng bao giờ lấy mục đích biện minh cho hành động, giết người là giết người, dù cho trong bất kỳ hành động nào cũng không thể để pháp luật yếu đi trước những dục vọng và cám dỗ của con người.

Cuộc tranh luận này sẽ chẳng bao giờ kết thúc, ít nhất là cho đến hiện tại. Mỗi phe đều có lý luận của riêng mình và nó hình như đã vượt ra ngoài ranh giới một vấn đề pháp luật, mà nằm trong một thứ cao cả hơn, đó là đạo đức.

Tuy nhiên, ngay chính trong đạo đức cũng chia ra hai trường phái riêng biệt. Thuyết vị lợi mà đại diện là Jeremy Bentham cho rằng mọi quyết định cần cộng dồn tất cả lợi ích của cộng đồng, trừ đi phần chi phí phải bỏ ra và làm sao cho kết quả này lớn nhất có thể, đó chính là đạo đức. Có nghĩa là, dưới góc nhìn của cả cộng đồng, hi sinh một người để cứu được ba người là hành động có thể chấp nhận được. Thậm chí, học thuyết này còn đề cập đến cách mà nhà nước tạo ra pháp luật, làm sao để có lợi nhiều nhất cho xã hội thì đó là điều đúng đắn.

Ngược lại, thuyết quyền cá nhân, nêu ra cụ thể nhất bởi John Locke cho rằng bản thân mỗi con người đều có những quyền tự nhiên, bất khả xâm phạm, mà đầu tiên trong số đó là quyền sống. Không một quyết định nào có quyền xâm phạm quyền tự nhiên này của con người.

Đó là cách mà những người ủng hộ phán quyết của tòa án trong vụ án tàu Mignonette cho rằng đúng đắn. Giết người là giết người, không thể gán bất kỳ giá trị đạo đức nào lên quyền được sống của con người. Giá trị mạng sống của mỗi người là vô cùng, về mặt toán học, ba giá trị vô cùng cộng lại vẫn không lớn hơn một giá trị vô cùng. Và nên nhớ rằng, quyền được sống không cần pháp luật nào quy định, bởi vì chính bản thân nó đã vượt lên trên cả pháp luật.

...Đến đề xuất của Bộ Y tế

Quay lại cuộc tranh luận về quyền được chết mà Bộ Y tế đề xuất phải đưa vào Luật trong những ngày vừa qua. Vấn đề có vẻ hơi khác với vụ án tàu Mignonette, nhưng suy cho cùng lại nằm chung trong một quan điểm về đạo đức. Bởi vì pháp luật, bản thân nó chính là những mô tả của đạo đức – cái gì là đúng trong tư duy của con người. Có nghĩa là, nếu đạo đức có thể chấp nhận thì việc Luật hóa chỉ là vấn đề kỹ thuật.

Những người ủng hộ quyền được chết, vô tình hay cố ý đã dùng thuyết vị lợi như một công cụ để xác định đạo đức là như thế nào. Cho một người quyền được chết, chấm dứt sự đau đớn của họ, chấm dứt sự khổ sở của người thân, thậm chí là để dành những tài nguyên đó cho người khác. Lợi ích của toàn xã hội được đặt ra tối đa.

{keywords}
Ảnh minh họa 

Ngược lại, với những người phản đối, thật khó để chấp nhận một tác động nhân tạo nào lên quyền sống của một con người, ngay cả khi được đồng ý. Giết người, nó là khái niệm ghê gớm nhất và không thể biện minh.

Xa hơn, theo John Locke quyền sống là thứ quyền không thể chuyển nhượng, không thể bán đi hay vứt bỏ, dù cho đó là của mình hay của người khác. Chính tư tưởng này đặt lên cùng với các quyền cơ bản khác chính là nền tảng của pháp luật Châu Âu cũng như khắp thế giới trong suốt mấy thế kỷ qua. Hoàn toàn không có nghi ngờ gì khi nói đó chính là nền tảng của xã hội thịnh vượng và văn minh mà con người hướng đến. Ví dụ điển hình về việc này là nhiều nhà nước ở Châu Âu đã từ bỏ quyền ra án tử hình trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Cần một trình độ phát triển cao

theo người viết, là người gần gũi nhất với nỗi đau của bệnh nhân, ý kiến đầy đạo đức và tình người của bác sỹ Võ Xuân Sơn đăng trên Vietnamnet là một trong những ý kiến đáng để suy ngẫm nhất trong những ngày qua.

Tuy nhiên, như những phân tích ở trên, ý tưởng “quyền được sống đi cùng với quyền được chết” có lẽ vẫn chưa thật sự thỏa đáng. Ngược lại, bởi vì có quyền được sống cho nên họ không có quyền được từ bỏ nó, bởi tất cả mọi quy định trên đời đều phải sinh ra để bảo vệ quyền sống. Đấy mới là cách tư duy để bảo vệ được quyền lợi và phẩm giá bất khả xâm phạm của con người.

Thêm vào đó, có lẽ đừng nên coi những người sống nhờ hoàn toàn vào máy móc là những người không còn sống. Con người là bản thân họ và tất cả những gì mà nền văn minh đặt lên họ. Máy móc là sản phẩm của sức lực và trí tuệ nhân loại, mà mỗi người sinh ra đều có quyền được hưởng.

Quay lại vấn đề thực tiễn hơn, không phải chỉ ở Việt Nam mà ngay những nước đã có quy định như Hà Lan, Bỉ, Thụy Sỹ cũng vẫn xảy ra tranh luận gay gắt về quyền được chết. Tất cả đều xoay xung quanh hai tiêu chuẩn đạo đức như đã nêu ở trên.

Tại Anh, nơi khởi nguồn của những học thuyết đạo đức trên, việc hỗ trợ tự sát vẫn bị cấm, tuy nhiên đã có những chuyển biến khác trong tư duy. Gần đây nhất là năm 2014, Tony Nicklinson là một người đã chiến đấu với những quy định của pháp luật, đòi quyền được đi đến Thụy Sỹ để hưởng một cái chết có hỗ trợ cho những người mắc kẹt trong đau đớn như anh. Mặc dù Tòa án tối cao phản bác trao quyền được chết nhưng đã có quyết định lịch sử là trực tiếp đề nghị Quốc hội cần xem xét thay đổi luật để hợp pháp hóa hỗ trợ tự sát.

Như vậy để thấy, việc Bộ Y tế đưa quyền được chết hoặc một khái niệm nào khác tương đương, trong thời điểm này, có thể coi là không sớm không muộn. Tuy nhiên, để có thể luật hóa một quy định còn nhiều tranh cãi như trên, trước hết đòi hỏi một trình độ phát triển cao của kinh tế - xã hội, nơi y tế và phúc lợi xã hội đã đạt đến một trình độ bình đẳng nhất định. Bởi đó mới chính là thứ làm cho tư duy đạo đức của xã hội trở nên thống nhất, nền tảng để một trong những quy định nhạy cảm nhất của pháp luật được chấp nhận.

  • Bùi Phú Châu (Trường Luật Westminster – London – Vương Quốc Anh)