Đó là ý kiến của PGS. TS Lê Thị Lý, từng nghiên cứu ở Mỹ nhiều năm và nay giảng dạy tại Đại học Quốc tế, ĐHQG TP.HCM.
Khó khăn đầu tiên mà các nhà nghiên cứu trẻ gặp phải khi làm việc ở các trường, viện nghiên cứu trong nước là sự khác biệt về môi trường làm việc. Tôi đã từng thấy nhiều tiến sỹ trẻ vấp phải vấn đề này trong thời gian đầu về nước. Được đào tạo bài bản, tiếp cận với những hướng nghiên cứu mới của thế giới và quan trọng hơn là làm việc trong môi trường dân chủ, tôn trọng tự do học thuật, họ có thể thoải mái phát biểu ý kiến hoặc phản bác quan điểm của các giáo sư mà không phải e ngại “rào trước đón sau”. Trong khi đó, văn hóa làm việc ở Việt Nam rất khác so với các nước phát triển, nếu đưa ra những phát biểu [dù đúng đắn về học thuật], các tiến sỹ trẻ thường dễ bị hiểu lầm là “háo thắng”, “chơi nổi”...
Có một vấn đề nảy sinh nữa trong quá trình làm việc là các tiến sĩ trẻ thường không quan tâm đến việc xây dựng các mối quan hệ xung quanh công việc mà chỉ tập trung vào nghiên cứu. “Đi một mình thì chúng ta sẽ đi nhanh nhưng không thể đi xa”, câu nói này rất đúng trong hoàn cảnh Việt Nam, nơi kỹ năng giao tiếp còn có tầm ảnh hưởng lớn hơn cả năng lực chuyên môn.
Tại Việt Nam, các nhà khoa học đều phải làm quen với những thủ tục hành chính và những vấn đề đôi khi chẳng liên quan đến chuyên môn nhưng lại ảnh hưởng khá nhiều đến tiến trình nghiên cứu như cách quản lý kinh phí đề tài, quy định trong việc tổ chức hội nghị quốc tế, các tiêu chuẩn của hội đồng chức danh ngành. Có nhiều bài học cho các tiến sỹ trẻ chưa quen với quy định trong nước như mạnh tay ứng tiền đề tài nghiên cứu mua hóa chất và gửi sinh viên đi nước ngoài đào tạo, sau đó mới phát hiện ra các khoản chi này sẽ không được thanh toán nên cuối cùng phải lấy lương bù vào.
Rào cản trong công tác nghiên cứu
Hệ thống quản lý khoa học Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập trong việc đánh giá, khen thưởng nên vẫn thường “ưu ái” số lượng công bố quốc tế hơn chính giá trị của những công bố ấy. Tôi biết có một nhà nghiên cứu đăng mỗi năm khoảng 10 bài báo quốc tế nhưng phần lớn đều thuộc các tạp chí chưa vào ISI hoặc có hệ số ảnh hưởng IF gần bằng 0. Mặc dù vậy, chị vẫn thường xuyên đươc khen thưởng vì có số lượng công bố vượt trội. Cũng có trường hợp chọn cách “lách luật”, gia tăng số lượng công bố có chất lượng bằng việc “núp bóng” thầy hướng dẫn ở nước ngoài. Trong danh sách các bài báo của nhà nghiên cứu trẻ này, ông thầy cũ vẫn đứng tên ở vị trí tác giả chính của bài báo (corresponding author) còn nhà nghiên cứu trẻ là tác giả thứ nhất (first author) mặc dù cô đã về nước nhiều năm... Rõ ràng về thực chất, nhà nghiên cứu trẻ này chưa chứng minh được sự độc lập của mình trong nghiên cứu khoa học nhưng vẫn được đánh giá cao bởi ở Việt Nam, người đứng đầu bài báo thường được coi là quan trọng nhất.
Bất cập trong quản lý của khoa học Việt Nam còn thể hiện ở công tác xét duyệt đề tài nghiên cứu do thiếu chuyên gia phù hợp. Tôi biết nhiều nhà nghiên cứu trẻ có năng lực lập hồ sơ đề tài để đệ trình lên các hội đồng xét duyệt nhưng thất bại vài lần liên tiếp vì vấp phải ý kiến phản biện nặng nề của một số nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm từ nước ngoài về. Xét về tiêu chí khoa học thì họ không sai nhưng thực ra họ đang ở một vị trí hoàn toàn khác với các đồng nghiệp trẻ, những người phải dạy mỗi năm vài trăm tiết, làm việc trong điều kiện rất khó khăn về cơ sở vật chất. Vì vậy nếu chỉ dựa vào một ý kiến phản biện mà đánh trượt một đề tài nghiên cứu là vô cùng phiến diện.
Xét duyệt đề tài là công việc mang tính khoa học nhưng cũng không nên cứng nhắc và thiếu tính nhân văn, nhất là đối với các tiến sỹ trẻ. Có người sau nhiều lần xin tài trợ của Quỹ NAFOSTED không thành, đem chính đề tài đó đi nộp ở một quỹ nghiên cứu nước ngoài thì lại nhận được tài trợ. Nữ tiến sỹ trẻ này sau khi quay lại Mỹ đã lên Facebook than vãn rằng tại sao những người nói cùng tiếng mẹ đẻ lại không hiểu và ủng hộ những ý tưởng khoa học của mình. Một trường hợp khác còn buồn hơn là sau khi đề tài bị đánh trượt thì lại có tin một nhóm nghiên cứu khác đang bắt tay làm vấn đề hoàn toàn giống như những gì mình đã đề xuất. Một tiến sĩ trẻ khác tâm sự với tôi là đang làm hồ sơ đăng ký một đề tài nhỏ cấp cơ sở với mức kinh phí 5 triệu đồng chỉ để thỏa mãn quy định của ĐHQG TP.HCM là không được phép đăng ký đề tài cấp ĐHQG nếu chưa làm đề tài cấp cơ sở (cấp trường thành viên), mặc dù đã có kinh nghiệm và thành công khi tham gia nhiều dự án lớn trong quá trình làm sau tiến sỹ ở Anh.
Tuy nhiên không ít nhà nghiên cứu trẻ đã vượt qua những rào cản đó mà nổi bật là trường hợp của giáo sư trẻ Phan Thanh Sơn Nam (Đại học Bách khoa, ĐHQG TP.HCM). Về nước năm 2006, Sơn Nam đã gây dựng được một nhóm nghiên cứu mạnh, có nhiều công bố trên các tạp chí uy tín, đào tạo nhiều sinh viên tài năng và mở rộng mối quan hệ hợp tác với nhiều nhóm nghiên cứu ở Anh, Pháp, Bỉ… Ngoài nỗ lực của bản thân, trong sự thành công của GS Sơn Nam phải kể đến những đầu tư kịp thời, đúng người, đúng chỗ về cơ sở vật chất của ĐHQG và Sở KH&CN TP.HCM cho nhóm nghiên cứu của anh. Hội đồng chức danh ngành Hóa và Công nghệ thực phẩm cũng đã rất cởi mở và khách quan khi đánh giá công việc nên anh mới được công nhận chức danh giáo sư khi tuổi đời và tuổi nghề còn quá ít.
Từ trường hợp của GS Sơn Nam, tôi hy vọng khoa học Việt Nam sẽ có những chính sách, biện pháp phù hợp, xóa đi những rào cản, bấp cập còn giăng mắc trên đường nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ.
Lê Thị Lý (theo Tia sáng)
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt