Kết quả của trưng cầu ý dân là sự phản ánh đa số ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Đây là ưu thế tuyệt đối của dân chủ trực tiếp so với dân chủ đại diện.

LTS: Thông tin từ báo chí cho hay, ngày 12/5, lần thứ hai trình UB Thường vụ QH, dự thảo luật Trưng cầu ý dân vẫn còn một số điểm có nhiều ý kiến khác nhau. Để góp một góc nhìn cho vấn đề này, Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết dưới đây của tác giả Trương Hồng Quang, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.

Ngày nay, trên thế giới, nhiều nước đã và đang sử dụng trưng cầu ý dân như là một phương thức hữu hiệu trong hoạt động quản lý, điều hành đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền. Tuy vậy, mặc dù đã được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam từ rất lâu, nhưng cho đến nay quyền trưng cầu ý dân vẫn chưa được cụ thể hóa thành luật.

Rào cản từ nhận thức…

Hiện nay có một số tác giả (ở cả trong và ngoài nước) cho rằng trình độ người dân không đồng đều nên nhiều người dân không có khả năng đánh giá đúng ý nghĩa của trưng cầu ý dân, không có khả năng quyết định đúng đắn các vấn đề quan trọng và phức tạp, nhất là đối với những người dân có trình độ thấp. Thực ra, một người dân, khi tham gia quyết định những vấn đề chính trị, thì họ phải nhìn nhận theo tiêu chí riêng của họ.

Rõ ràng, khó có thể nói rằng việc lựa chọn phương án nào (trong số các phương án đưa ra trong một cuộc trưng cầu ý dân) là khôn ngoan nhất. Vấn đề là ở chỗ, kết quả của trưng cầu ý dân là sự phản ánh đa số ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Đây là ưu thế tuyệt đối của dân chủ trực tiếp so với dân chủ đại diện. Điều đó rõ ràng góp phần thực hiện định hướng chung của Đảng và Nhà nước ta là chủ trương, chính sách phải xuất phát từ nhân dân, phát huy trí tuệ của nhân dân và nhất là phải hợp lòng dân. 

Như vậy, rào cản ở đây cũng xuất phát từ chính người dân, nhưng rào cản nhận thức của chính quyền trong việc đánh giá vai trò, vị trí của người dân cũng chưa thực sự toàn diện. Đây là một thực tế nếu không được khắc phục thì sẽ khó có dân chủ thực sự. 

{keywords}
Còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh dự thảo luật Trưng cầu dân ý. Ảnh minh họa

…đến dự thảo Luật trưng cầu ý dân

Hiện nay dự thảo Luật trưng cầu ý dân đang được Hội luật gia Việt Nam chủ trì soạn thảo. Nội dung của dự thảo cho thấy khá nhiều vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau cần xử lý[1].

Có nên có trưng cầu ý dân ở địa phương?

Theo tinh thần Dự thảo hiện nay thì trưng cầu ý dân chỉ được áp dụng ở phạm vi cả nước (toàn quốc). Chúng tôi cho rằng cần cân nhắc bổ sung phạm vi áp dụng đối với phạm vi địa phương. Ở nhiều nước, pháp luật quy định có hai loại hình trưng cầu ý dân là trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước và trưng cầu ý dân ở địa phương, cụ thể như ở Thụy Sĩ, Italia, Pháp.

Đặc điểm kinh tế - xã hội nước ta đặt ra yêu cầu phải giải quyết các vấn đề phát sinh ngay tại địa phương, ngay tại cơ sở để đảm bảo hiệu quả. Do đó, nếu không quy định trưng cầu ý dân trong phạm vi địa phương, nhất là ở cấp cơ sở thì sẽ không giúp giải quyết, tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương.

Nếu có quy định tổ chức trưng cầu ý dân ở phạm vi địa phương, những vấn đề cần đưa ra trưng cầu ý dân có thể là: điều chỉnh địa giới hành chính; việc xây dựng các công trình lớn có nguy cơ ảnh hưởng đến môi sinh của một vùng rộng lớn hoặc chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng (điện, đường, trường học, trạm y tế, nghĩa trang, các công trình văn hóa, thể thao); hương ước, quy ước làng văn hóa, nếp sống văn minh, giữ gìn an ninh trật tự, bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội v.v... Tham khảo pháp luật một số nước cho thấy cách tiếp cận tương tự.

Nên quy định những vấn đề không được đưa ra trưng cầu ý dân?

Vấn đề này chưa được đề cập trong Dự thảo. Ở các nước trên thế giới, bên cạnh các quy định các vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân, còn có cả các quy định về những vấn đề không được đưa ra trưng cầu ý dân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhìn chung, pháp luật các nước quy định về các vấn đề không được đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề có tính chuyên môn sâu, cử tri khó có thể nắm bắt được nếu không được đào tạo bài bản, như các vấn đề về ngân sách, tài chính quốc gia; các vấn đề gắn với chế độ, thể chế chính trị, uy tín của nguyên thủ quốc gia như cách thức tổ chức quyền lực nhà nước, địa vị pháp lý của nhà vua.

Pháp luật của các nước cũng không cho phép tổ chức trưng cầu ý dân đối với những vấn đề mà không tổ chức cũng đã biết kết quả. Ví dụ tổ chức trưng cầu ý dân việc tăng lương, giảm thuế.

Chúng tôi cho rằng dự thảo Luật trưng cầu ý dân cũng cần phải quy định rõ ràng và cụ thể một số vấn đề không được đưa ra trưng cầu ý dân.

Nhân dân có quyền sáng kiến trưng cầu ý dân?

Các chủ thể có quyền sáng kiến trưng cầu ý dân được xác định tùy theo truyền thống pháp lý và đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Ở nhiều nước, pháp luật quy định chỉ một số cơ quan nhà nước nhất định mới có quyền sáng kiến trưng cầu ý dân. Ví dụ như tại Cộng hòa Pháp, thì đó là Chính phủ và Quốc hội.

Ở một số nước khác, lại quy định Nhân dân cũng có quyền sáng kiến trưng cầu ý dân, chẳng hạn như là Thụy Sĩ. Pháp luật nước này quy định nếu người dân muốn tổ chức trưng cầu ý dân về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp liên bang cần phải thu thập đủ chữ ký của 100.000 cử tri trong thời gian là 18 tháng.

Đối với Điều 11 của dự thảo luật hiện tại, cũng có quan điểm cho rằng trưng cầu ý dân là một hình thức dân chủ trực tiếp, trong đó Nhân dân được trực tiếp quyết định các vấn đề của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nhân dân phải có quyền trực tiếp đề đạt vấn đề thấy cần trưng cầu ý dân. Do đó, cần quy định Nhân dân cũng có quyền trình kiến nghị về trưng cầu ý dân khi có được một số lượng chữ ký nhất định.

Mặc dù về mặt nguyên lý, trưng cầu ý dân có nhiều ưu thế hơn so với các hình thức dân chủ đại diện, nhưng về mặt thực tiễn, việc thực hiện nó có thể gặp rất nhiều phức tạp. Trong điều kiện ở nước ta hiện nay, các điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ chính trị - pháp lý của nhân dân... so với nhiều nước khác, rõ ràng cũng không phải là hoàn toàn thuận lợi. Do đó, việc xác định rõ những vấn đề cụ thể là rất cần thiết, nhằm hạn chế tối đa các rào cản trong thực tế áp dụng./.

Luật gia Trương Hồng Quang (Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp)

------

[1] Tác giả sử dụng bản dự thảo được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tháng 2/2015.