Giờ học trực quan đã giúp tôi nhận ra vì sao cần đóng vòi nước khi dùng xong, tắt đèn khi ra khỏi phòng.... những bài học không dễ tiếp thu từ những bài giảng chay khô khan, bó hẹp trong bốn bức tường.

LTS: Bài học về giáo dục từ các nước phát triển luôn được dẫn ra tại các cuộc hội thảo, hội nghị bàn về cải cách giáo dục. Một trong những ví dụ được nêu đó là cách dạy làm sao phải gợi mở tư duy độc lập trong từng đứa trẻ; thay vì thầy đọc trò ghi, các bài học phải gắn với những gì đang diễn ra trong thực tế cuộc sống.

Tù túng trong những bức tường là các trường học; các bài giảng khô khan, áp đặt, tâm hồn, tư duy của học sinh sẽ thiếu không gian triển nở.

Câu chuyện nhỏ sau đây của một học sinh lớp 10 sau chuyến đi thực tế có lẽ sẽ phần nào giúp chúng ta hình dung những điều kể trên.

"Con người đi đến những mảnh đất xa xôi để nhìn ngắm một cách say mê những điều mà họ thường bỏ qua khi ở nhà." – Dagobert D. Runes. Đó là câu nói có thể miêu tả chân thực nhất những cảm xúc của chúng tôi sau chuyến đi thực tế tại nhà máy thuỷ điện Hoà bình - một trong những nhà máy thuỷ điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á.

Sẽ thật khô khan, khó tiếp thu nếu học về thuỷ năng qua những con chữ vô hồn trong sách vở. Tim, thày giáo dạy môn khoa học của chúng tôi cũng nghĩ vậy.

{keywords}

Sẽ thật khô khan, khó tiếp thu nếu học về thuỷ năng qua những con chữ vô hồn trong sách vở

Thế nên quyết định thay vì giảng bài khô khan bó hẹp trong bốn bức tường, thầy lên kế hoạch đưa chúng tôi học trực quan ngay tại nhà máy thuỷ điện Hòa Bình.

Tại đây, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những con đập chắn nước khổng lồ, hồ chứa mênh mông và trạm máy phát điện rộng lớn, thực sự chứng kiến cách mà những dòng chảy cuồn cuộn dữ tợn của nước được chuyển hoá thành điện năng - những điều lạ lẫm mà trước đây chúng tôi chỉ được biết đến qua tranh ảnh hay video trên mạng.

Sau hai tiếng đi từ Hà Nội, chúng tôi đã nhìn thấy cánh cổng hình vòm với dòng chữ đỏ: "Công ty thuỷ điện Hoà Bình". Nằm chắn ngang dòng sông Đà, nhà máy được khởi công năm 1979 và khánh thành năm 1994 với sự giúp sức của Liên Xô.

Công trình này có nhiệm vụ quan trọng là, chống lũ - phát điện - tưới tiêu và giao thông thuỷ. Và là dấu chân cho bước tiến hiện đại đánh dấu sự phát triển của nước nhà.

Nơi đầu tiên chúng tôi tới chính là trạm phát điện bên trong lòng núi. Đường hầm dẫn tới trạm vừa dốc vừa sâu hun hút nhưng lại bừng lên, chói loà bởi những ngọn đèn sáng trắng gắn ngang tường hầm.

Theo chân cô hướng dẫn viên, chúng tôi tới gần những tổ máy là nơi cung cấp nguồn điện chủ lực cho toàn bộ hệ thống điện Việt Nam. Tám tổ máy màu vàng đang hối hả làm việc, tạo ra nguồn điện khổng lồ (8,16 tỷ KWh/năm) giúp ích cho đời sống và kinh tế.

{keywords}

Chúng tôi tới gần những tổ máy là nơi cung cấp nguồn điện chủ lực cho toàn bộ hệ thống điện Việt Nam

Chúng tôi cùng nhìn ngắm con đập lừng lững trên dòng sông Đà và bể chứa nước rộng lớn. Đập cao, ngăn những xoáy nước đang xối xả chảy. Từ đây nước được đổ vào hồ chứa lớn có diện tích bề mặt 208 km2 để chảy qua các tua-bin khổng lồ bên dưới, tạo thành dòng điện tích rồi chuyển thẳng vào trạm máy phát điện. 

Chúng tôi đã ghé thăm nơi tưởng niệm những người đã khuất khi tham gia xây dựng công trình này. Tổng cộng có 168 người đã hy sinh, trong đó 11 người là công dân Liên Xô. Có những người ra đi khi còn rất trẻ, chỉ mới chớm đôi mươi; có những người ra đi khi tuổi đã quá nửa cuộc đời; có những người ra đi vào thời khắc cuối năm, khi một năm mới đã cận kề; có cả những người đã ra đi khi chỉ còn cách sinh nhật của mình một tháng. Đứng trước một thế hệ những người đã hi sinh khi góp công xây dựng công trình thủy điện quan trọng chúng tôi xúc động nhưng cũng tự hào.

Và những lời chỉ dẫn của cô hướng dẫn viên đã đánh thức, khiến tôi nhớ đến những vòi nước quên khóa, những bóng đèn thường quên tắt ở nhà, trong lòng nhói lên một cảm giác lạ lẫm về một số điều tôi hồn nhiên đánh rơi từ lâu lắm rồi.     

Dừng chân trên núi cao, nơi có tượng đài Nguyễn Ái Quốc chúng tôi ngắm nhìn đất nước với muôn trùng núi non. Lẩm nhẩm đọc dòng chữ khắc ở chân tượng Bác Hồ:

  "Không có việc gì khó

   Chỉ sợ lòng không bền

   Đào núi và lấp biển

   Quyết chí ắt làm nên.”

Phải chăng đây cũng chính là những lời đã trở đi trở lại trong tâm trí và trong trái tim một thế hệ những người đã và đang xây dựng, vận hành nhà máy thủy điện quan trọng này.

{keywords}
  Tiết học thực tế của chúng tôi

Không thể phủ nhận chuyến thực tế này đã giúp chúng tôi dễ dàng tiếp thu bài học tưởng chừng rất khô khan về khoa học năng lượng về môi trường và cả về giá trị của huyết mạch năng lượng trong cuộc sống. Để từ đó chúng tôi nhận ra một cách nhẹ nhàng nhưng sâu sắc những thói quen thường nhật như quên tắt nước khi dùng xong, quên tắt đèn khi ra khỏi phòng... là hành vi lãng phí.

Cũng từ những giờ học trực quan này, chúng tôi cảm nhận được trách nhiệm đối với tương lai của chính bản thân mình và trách nhiệm để dựng xây những công trình tạo nên bộ mặt tương lai đất nước. Những bài học thật không dễ tiếp thu qua những bài "giảng chay" khô khan, bó hẹp trong bốn bức tường.

Nguyễn Phương Ngọc (học sinh  lớp 10G, Trường phổ thông Quốc tế  NEWTON)

*Ảnh trong bài do tác giả cung cấp