Sợ sai hay thụ động
“Dạy tiếng Anh cho người lớn rất khó”. Đó là nhận định của một giáo viên Anh ngữ tại trường Đại học chia sẻ với tôi. "Trẻ con thắc mắc chỗ nào thì ngay lập tức đặt câu hỏi, do đó giáo viên rất dễ tìm ra lỗi sai để khắc phục. Trong khi đó đối với các bạn học sinh là sinh viên, người đi làm, các bạn rất ít khi thắc mắc. Có lẽ các bạn sợ sai, càng lớn người ta càng sợ sai em à”.
Không biết có thật sự là các bạn sợ sai hay là các bạn ngại thể hiện ý kiến của bản thân. Ngẫm lại quá trình đi học, ở môi trường THPT, để khắc phục tình trạng trầm lắng trong tiết học, thầy cô thường khuyến khích chúng tôi giơ tay phát biểu ý kiến để tiết học thêm sôi động. Dĩ nhiên, việc nói miệng không ăn thua, đi kèm với việc giơ tay, phải có một phần thường nho nhỏ (cộng vào điểm kiểm tra, cộng vào điểm hạnh kiểm, v.v...) mới có thể kích thích đám học trò thụ động.
Lên Đại học, mọi chuyện cũng chẳng có gì mới. Sự thụ động vẫn tiếp tục được phát huy. Có lẽ chúng tôi đã quá quen với môi trường giáo dục lấy giáo viên làm trung tâm. Mọi lời của giáo viên đều là “Khuôn vàng, thước ngọc” do đó chẳng có ai có ý kiến gì cả.
Bây giờ, ngồi ngẫm lại khoảng thời gian ấy nhận ra rằng bản thân mình và các bạn là những người học thụ động. Thầy cô cung cấp gì tiếp thu cái đấy. Ít khi nào có ai đó đứng lên thắc mắc hoặc phản biện lại ý kiến của thầy cô.
Ảnh minh họa, nguồn: Tuổi trẻ |
Sự cởi trói cho học sinh
Mới đây, tình cờ đọc được bài viết Viết thư cho thầy hiệu trưởng được đăng trên báo Tuổi Trẻ thật ngạc nhiên và lý thú. Ngạc nhiên vì đây là sự việc đó bản thân chưa bao giờ trải nghiệm. Thời đi học, hình thức giáo dục bằng đòn roi vẫn được xã hội chấp nhận. Có thể nói, môi trường giáo dục lúc bấy giờ của chúng tôi rất nghiêm khắc. Mọi học sinh phải tuyệt đối tuân thủ nội quy của nhà trường. Vai vế giữa thầy cô và học trò rất rành mạch và rõ ràng.
Vai vế ấy tạo ra một bức tường thủy tinh, ngăn cách giữa thầy cô và học trò. Lúc ấy mỗi thầy cô như được bao bọc bởi vẻ nghiêm nghị. Lúc ấy, chẳng có đứa nào trong đám học trò dám nghĩ đến việc gửi thư cho giáo viên chủ nhiệm nhằm kiến nghị hay thắc mắc, nói chi đến việc gửi thư cho hiệu trưởng.
Đối chiếu với câu chuyện được đề cập trên báo Tuổi trẻ. Việc tạo ra hòm thư “Điều em muốn nói” của thầy hiệu trưởng thật sự rất nhân văn và sáng tạo. Việc thầy làm ở đây hướng tới sự cởi trói cho học sinh thoát khỏi những khuôn khổ cứng nhắc trong mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh. Hòm thư vừa là cầu nối giúp các em học sinh bày tỏ nguyện vọng, vừa là phương tiện giúp cho khoảng cách giữa giáo viên và học sinh được rút ngắn.
Đôi khi việc thể hiện quan điểm, ý kiến còn giúp các em phần nào giảm bỏ những căng thẳng, bức xúc. Trong quá trình đi học, các em phải đối mặt với những va chạm, bạo lực học đường, những bất cập trong trường học...
Khi gặp những bức xúc, do đặc thù lứa tuổi, các em rất ít khi tâm sự cũng như giãi bày với gia đình. Thay vào đó các em sẽ tìm đến nhóm bạn cùng tuổi để tâm sự và giãi bày, mà đôi khi sự chưa chín chắn có thể khiến các em đưa ra những lời khuyên sai lầm cho bạn mình.
Bởi vậy, người giáo viên ngoài làm tốt vai trò giảng dạy còn phải đóng vai trò là một người bạn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ chính học sinh mình. Ở khía cạnh này, hòm thư “Điều em muốn nói” là một cách làm rất hay.
Suy rộng hơn, việc kiến tạo các nền tảng giúp các em tự do thể hiện quan điểm, phản biện còn tạo lập được một thói quen dân chủ trong các em học sinh. Sự tự tin và một môi trường dân chủ, thông thoáng chính là những yếu tố quan trọng còn thiếu trong học đường ở Việt Nam.
Từ nền móng những học sinh như thế, chúng ta mới có được thế hệ công dân tự tin, vững vàng, đĩnh đạc ngay cả khi đi ra quốc tế - một tư thế mà chưa thể nói là chúng ta đã tạo dựng thành công. Nhưng muốn có sự thay đổi, thì trước hết phải thay đổi từ giáo dục. Không chắc chắn được rằng một nền giáo dục tốt sẽ mang lại điều gì, nhưng tôi tin chắc rằng, một nền giáo dục lỗi sẽ làm hư cả một thế hệ.
Hữu Tri