Nếu quy định khai thác không hợp lý, có thể dẫn tới tình trạng độc quyền trong tiếp cận dịch vụ mà người thiệt hại cuối cùng là người dân và cộng đồng.

Sau khi nhà nước có chủ trương xã hội hóa quyền khai thác sân bay, cảng biển, nhà ga... đã xuất hiện một làn sóng mua lại quyền khai thác các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Chẳng hạn, với sân bay đang là cuộc đua giữa các “ông lớn” Vietnam Airlines và Vietjet giành quyền khai thác nhà ga T1 – Nội Bài, giữa các “đại gia” Đỗ Quang Hiển (tức “bầu Hiển”, tập đoàn T&T) với Jonathan Hạnh Nguyễn (tập đoàn IPP) giành quyền mua Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc, v.v...

Vừa mới đây, hôm 20/5, UB kinh tế Quốc hội kiến nghị Chính phủ đối với chủ trương nhượng quyền khai thác này “cần tính toán thận trọng, kỹ lưỡng, phải có tầm nhìn chiến lược”.  

Giải pháp trúng hai mục tiêu

Những ưu điểm rõ ràng của giải pháp xã hội hóa đầu tư là huy động được thêm nguồn lực, đồng thời phát huy được tính năng động hiệu quả của lĩnh vực kinh tế tư nhân. 

Trong GTVT, xã hội hóa đầu tư càng có ý nghĩa quan trọng, do đây làm một lĩnh vực yêu cầu vốn đầu tư rất lớn, trong khi ngân sách nhà nước của phần lớn các quốc gia đều không thể đáp ứng đủ.

Đối với hoạt động khai thác vận hành phục vụ thị trường, kinh nghiệm quốc tế cho thấy các doanh nghiệp tư nhân làm rất tốt.

Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong giai đoạn này nhu cầu xây dựng mới và bảo trì hệ thống cơ sở hạ tầng đang ở mức đỉnh điểm.

Các quốc gia phát triển khác cũng đã phải dành nhiều nguồn lực cho những công trình hạ tầng quy mô lớn. Nhật Bản thời kỳ 1920 -1930, đã bỏ tới hơn 33% ngân sách của Chính phủ chỉ để xây dựng giao thông cầu cảng, vận chuyển và viễn thông. Hàn Quốc đã dành đến 32% ngân sách vào cơ sở hạ tầng giao thông và viễn thông trong thời kỳ hậu chiến tranh Triều Tiên cuối những năm 1950, tỷ lệ này tăng lên tới 36,5% vào năm 1971, và tiếp tục lên tới 55% vào năm 2000.

{keywords}
Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc cũng đang được các "đại gia" nhòm ngó

Trong khi đó, tỷ lệ chi cho toàn bộ hoạt động xây dựng cơ bản tại Việt Nam trong nhiều năm gần đây chỉ vào khoảng 15% ngân sách, có nghĩa chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 so với mức Nhật Bản và Hàn Quốc đã từng làm.

Để tạo động lực cho nền kinh tế tăng trưởng và tạo công ăn việc làm, chính phủ cần phải tăng lượng vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng lên mức cao hơn. Bởi vậy việc xã hội hóa các lĩnh vực có thể để có thêm vốn đầu tư phát triển là một hướng đi đúng, một giải pháp trúng hai mục tiêu, vừa tạo nguồn lực, vừa nâng cao hiệu quả khai thác.

Nguy cơ độc quyền

Tuy nhiên, xã hội hóa đầu tư và khai thác cũng có những nhược điểm nhất định. Nếu không có cơ chế giám sát rõ ràng minh bạch cũng như luận chứng kinh tế kỹ thuật hợp lý, xã hội hóa có thể gây thiệt hại cho cộng đồng. Chẳng hạn, trường hợp nhà nước nhượng bộ quá nhiều, hoặc doanh nghiệp thu quá nhiều trong thời gian quá dài, hoặc thu chi không công khai minh bạch, hoặc cạnh tranh không lành mạnh.

Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến khả năng lựa chọn các dịch vụ cơ bản của người dân (nếu nhà nước xã hội hóa toàn bộ các dịch vụ công), kém hiệu quả (không có cơ chế chính sách rõ ràng ổn định, hay đơn giản là dự án không hiệu quả) hoặc không thực chất (nếu nhà nước tham gia đầu tư).

Việc nhượng quyền khai thác sẽ cần thực hiện qua đấu thầu. Trong trường hợp nhượng quyền khai thác, tiêu thức về kinh tế có thể bao gồm: mức giá thu về cho nhà nước là lớn nhất (lợi ích nhà nước), và mức giá bán cho người dân/thị trường là thấp nhất (lợi ích người dân lớn nhất).

Trong thực tế, không phải lúc nào những nội dung này cũng đi cùng với nhau. Sẽ có những trường hợp đơn vị chào thầu với mức giá mua lớn nhất (thu về cho ngân sách nhiều nhất) nhưng mức giá bán các dịch vụ cho thị trường ở mức cao không hợp lý, nếu trong trường hợp không có sự cạnh tranh (chỉ có một sân bay, chỉ có một cảng trong khu vực...), người bị thiệt sẽ là người dân.

Nếu quy định khai thác không hợp lý, có thể dẫn tới tình trạng độc quyền trong tiếp cận dịch vụ mà người thiệt hại cuối cùng là người dân và cộng đồng.

Trong trường hợp hồ sơ đấu thầu và quá trình tổ chức đấu thầu không hợp lý có thể gây thiệt hại cho tất cả các bên có liên quan. Nếu giá đấu thầu quá thấp so với giá trị thực tế trên thị trường, sẽ dẫn tới thất thu, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Trường hợp thu chi không công khai minh bạch, có thể dẫn tới việc doanh nghiệp thu quá cao, hoặc thu quá nhiều trong một thời gian quá dài, và dẫn tới những thiệt hại cho người dân.

Trong trường hợp hồ sơ đấu thầu, luận chứng kinh tế kỹ thuật không sát với thực tế, dự án không đem lại hiệu quả như mong muốn, doanh nghiệp khai thác có thể sẽ gặp khó khăn, dẫn tới kinh doanh thu lỗ. Khi đó, hậu quả trước mắt là đối với doanh nghiệp, người lao động trong doanh nghiệp, rộng hơn là nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng.

Sẽ cần hoàn thiện quy định rõ ràng các dịch vụ cơ bản mà đơn vị được quyền khai thác phải đảm bảo cung ứng đến người dân hoặc miễn phí, hoặc ở mức giá tối thiểu do nhà nước quy định nhằm đảm bảo quyền tiếp cận và sự công bằng trong xã hội. Chẳng hạn việc cung cấp ghế ngồi tại sân bay là miễn phí, nhưng khi một doanh nghiệp được nhượng quyền khai thác, có thể ghế ngồi chờ cũng phải trả tiền.

Ngoài ra một trong những mục tiêu của quá trình nhượng quyền khai thác là huy động vốn cho đầu tư phát triển xã hội, bởi vậy cần phải đảm bảo nguồn vốn dùng mua quyền khai thác không phải là vốn ngân sách.

Tính toán kỹ

Chính bởi những ưu nhược điểm của loại hình xã hội hóa nên cả doanh nghiệp và nhà nước cần phải tính toán rất kỹ lưỡng các yếu tố lợi ích và chi phí trước khi thực hiện dự án.

Đặc biệt các quy định nhằm đảm bảo nhà nước có thể điều tiết được quá trình khai thác dịch vụ (chất lượng dịch vụ, các giải pháp xử lý khi vi phạm) hướng tới một môi trường cạnh tranh lành mạnh đóng vai trò hết sức quan trọng. 

Cuối cùng người dân cần phải được tham gia giám sát/phản biện. Nói một cách khác, mặc dù doanh nghiệp tư nhân đấu thầu mua quyền khai thác, quá trình cung ứng đó cần phải được kiểm tra giám sát bởi cả nhà nước và người dân, đảm bảo dự án có hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Trần Hữu Minh