LTS: Ngày 11/5/2015, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, với hai đại diện là người phát ngôn Hồng Lỗi và ông Âu Dương, Vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có cuộc làm việc với đoàn nhà báo đến từ 14 quốc gia trong vùng Châu Á – Thái Bình Dương. Trong cuộc làm việc này, Trung Quốc trả lời các câu hỏi về quan điểm và lập luận của nước này vấn đề Biển Đông.

Dưới đây là Phần 2 ghi chép của phóng viên VietNamNet Hoàng Hường trong buổi làm việc. 

>> Xem lại Phần 1: Trực tiếp nghe phát ngôn ‘gây choáng’ của BNG Trung Quốc

Có xảy ra xung đột trên Biển Đông không? 

Phóng viên Susan Lannin, Australia hỏi: “Sáng nay chúng tôi phỏng vấn một chuyên gia, ông ấy nói rằng tính khả năng xung đột lớn có thể giảm, nhưng những xung đột nhỏ lại có thể tăng lên, ông thấy thế nào?” 

Ông Âu Dương trả lời: “Về căn bản khi chưa giải quyết tranh chấp về chủ quyền biển, các nước ASEAN và TQ đều có thể triển khai nhiều hợp tác song phương và đa phương như bảo vệ môi trường và hàng hải, ứng phó các việc phát sinh đột xuất và cứu hộ liên hợp trên biển để cùng bảo vệ sự ổn định và hòa bình của khu vực Biển Đông”.

{keywords}
Ông Hồng Lỗi (trái) và ông Âu Dương trong buổi làm việc. Ảnh: Jim Gomez

Phóng viên Nhật Bản Takuya Hiraga hỏi: “Vừa rồi ông nói tranh chấp khai thác trên Biển Đông và giải quyết hòa bình.  Nhưng còn có những yếu tố khác, ví dụ tôn trọng, bình đẳng và tin cậy lẫn nhau, nhất là sự tin cậy của các nước nhỏ đối với TQ càng quan trọng hơn. Tôi muốn hỏi, chính phủ TQ có chính sách gì để giải quyết nhu cầu và lo âu của nước láng giềng? Phạm vi TQ muốn kiểm soát bao phủ gần cả Biển Đông thì các nước khác đàm phán thế nào?”

Ông Âu Dương: “với nước lớn hay là nước nhỏ, lập trường của chính phủ TQ đều như nhau” và “Dù nước láng giềng là nước to hay nhỏ, mạnh hay yếu, chúng tôi đều theo nguyên tắc bình đẳng, sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế” (!) lời ông Dương.

Phóng viên Ellen Read của New Zealand: “tôi quan tâm đến khả năng xảy ra xung đột ở Biển Đông. TQ và New Zealand có quan hệ thương mại rất mật thiết. Đặt trường hợp nếu Biển Đông có xung đột, có phải ông kỳ vọng New Zealand sẽ ủng hộ TQ? Thêm nữa, TQ là một thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ, ông có cho rằng TQ sẽ dựa vào quan hệ thương mại với New Zealand và lại là thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ để kéo New Zealand đứng về bên TQ?”

>> Xem lại Phần 1 'Ý kiến học giả':

Ông Âu Dương: “Tôi không phải là thầy bói, tôi khó mà suy ra được khả năng này” và “tôi cho rằng chúng tôi có thể kiểm soát tốt sự bất đồng về Biển Đông để cùng tạo ra sự hợp tác và phồn vinh”.

Phóng viên Ellen Read nhắc lại: “Nếu Biển Đông có chuyện xảy ra, ông có mong New Zealand đứng về phía mình không?” Ông Âu Dương: “Tình huống bạn vừa nói chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến”.

TQ "mong Hoa Kỳ công bằng hơn"

Phóng viên Mỹ Gretel C. Kovach: “Tôi muốn hỏi ông về ứng xử của chính phủ TQ đối với chiến lược ‘tái cân bằng’ Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, trong đó có các điều chỉnh quân sự. Tôi muốn biết chính phủ TQ coi đó là hành vi thách thức, xâm lược hay là một cơ hội giao lưu của giữa quân đội hai nước? Giống như mùa hè năm ngoái, TQ tham gia Rim of the Pacific Exercise ở Hawaii”.

Ông Âu Dương: “Cho đến nay quân sự hai nước Trung – Mỹ có rất nhiều cơ chế và lĩnh vực hợp tác. Tất nhiên chúng tôi đều rõ Hoa Kỳ có một số nước đồng minh quân sự và ảnh hưởng truyền thông quốc tế ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi chỉ mong muốn khi xử lý các vấn đề tranh chấp, bên quân đội Hoa Kỳ có thể công bằng hơn. Khi các nước đồng minh gặp vấn đề sẽ lôi kéo Hoa Kỳ vào, khiến vấn đề càng phúc tạp hơn” và “TQ và Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có nhiều lợi ích chung, hai bên có thể cùng tăng cường độ tin cậy bảo vệ sự ổn định và hòa bình của khu vực liên quan”.

Câu hỏi của phóng viên Siddhartha Mahanta từ Washington, Mỹ: “Tôi muốn hỏi về hành động lấp biển có tiếp tục mãi không, hay là sau một thời gian sẽ kết thúc?Kết thúc trong điều kiện gì và có chịu tác động gì?”

Ông Âu Dương: “Câu hỏi anh ấy vừa nói tôi đã trả lời rồi, tốc độ, thời gian và quy mô xây dựng phụ thuộc vào nghĩa vụ và trách nhiệm của TQ đối với quốc tế” (!) Ông Âu Dương giải thích: “Theo Công ước quốc tế, TQ có nghĩa vụ cung cấp các dịch vụ cứu hộ, an toàn hàng hải, cứu trợ khẩn cấp và dự báo khí tượng” và “Bất cứ công trình nào đều có bắt đầu và kết thúc, không thể vô thời hạn được”.

Nhà báo đến từ Thái Lan, Rungthip Chotnapalai hỏi: “Thái Lan và TQ có quan hệ hữu hảo lâu dài, và thương mại của Thái Lan đối với TQ cũng khá là ổn định. Nếu xảy ra xung đột, Thái Lan đứng bên các nước Đông Nam Á mà không đứng phía bên TQ thì lúc đó có ảnh hưởng đến quan hệ thương mại không?” Ông Âu Dương: “Vấn đề bạn đặt ra đều là giả thiết, tôi không có cách nào để trả lời”.

Phóng viên đến từ New York, Hoa Kỳ Tracy Wholf: Bắt cá phi pháp là một vấn đề ảnh hưởng lớn đến phát triển ngư nghiệp ở Biển Đông, TQ vừa là đất nước tiêu thụ, cũng là đất nước xuất khẩu cá với sản lượng lớn.  Không biết vấn đề này có được Bộ Ngoại giao TQ quan tâm đến hay không, nếu có thì có những hành động gì?”

Ông Âu Dương: “TQ và các nước lân cận cũng đã ký kết Hiệp định ngư nghiệp song phương và các Công ước quốc tế liên quan. TQ luôn kiên trì xử lý vấn đề và thi hành các trách nhiệm” (!)

Phóng viên Ấn Độ Sachin Parashar: “Sự ảnh hưởng của TQ đối với Ấn Độ ở khu vực liên quan là như thế nào, nhất là Việt Nam và Ấn Độ đang trong quá trình hợp tác và quan hệ hợp tác ngày càng sâu rộng. TQ có cảm thấy lo lắng về vấn đề này không?”

Ông Âu Dương: “TQ và Việt Nam ở khu vực ngoài hải quan và những khu vực lớn của Biển Đông có bộ phận chuyên trách tiến hành các việc cùng phát triển. Hai năm nay chủ tịch Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường đều đã có chuyến thăm Ấn Độ, lần này Thủ tướng Narendra Modi thăm TQ là một cuộc gặp cấp cao quan trọng đối với quan hệ hai quốc gia”.

Hoàng Hường

>> Xem tiếp phần sau: Bộ Quốc phòng Philippines tiết lộ quy mô xây dựng ‘choáng váng’ của TQ trên Biển Đông.

 

* Loạt bài được thực hiện trong chương trình Jefferson Fellowships do Trung tâm Đông - Tây (East - West Center) của Mỹ tổ chức tại Hawaii (Mỹ), Bắc Kinh, Hải Nam (Trung Quốc), Masinloc, Manila (Philippines) và Singapore. Tuần Việt Nam giữ Bản quyền đặc biệt, đề nghị các báo không sao chép.