Hai mươi năm tới, vẫn phải hỏi rằng đất nước ta có xanh tươi sạch đẹp hay không? Cả tự nhiên, xã hội, ngôn ngữ và con người...
Sai lặp đi lặp lại
Sau một trận thắng đẹp của đội tuyển U23 quốc gia, bên cạnh những lời tán dương tận mây xanh các cầu thủ trẻ, dư luận lại xôn xao với những câu nói gọi là “bất hủ”, “chết cười”, “đau ruột”... của bình luận viên (BLV) trận đấu này. Có thể thấy có ba “phe” chính.
Thứ nhất, có vẻ là số đông phê phán cách sử dụng ngôn từ của bình luận viên, không chỉ là một hai câu trong vài ba tình huống của một trận đấu, mà xâu chuỗi lại thành cả một quá trình lâu dài xuyên suốt và có hệ thống.
Thứ hai, một số bênh vực, với lí do chủ yếu là suốt trận đấu BLV cần phải nói nhiều, cung cấp thông tin và lan truyền cảm hứng cho người xem qua màn ảnh nhỏ, và nếu có sai sót trong cách diễn đạt thì đó không phải là vấn đề, hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Thứ ba, một số khác biết nói thế là sai, nếu sửa được thì tốt hơn, nhưng cho rằng không nên trầm trọng hoá vấn đề, có những chuyện như vậy mới vui.
Nhìn chung, hầu như không ai phủ nhận việc BLV này nói sai trong phần lớn các lỗi được nêu ra. Đó là: Sai ngữ pháp tiếng Việt; Sử dụng từ ngữ sai hoặc không phù hợp với bối cảnh; Diễn đạt tối nghĩa; Cung cấp thông tin bổ sung nhiều khi rất thừa thãi và không ăn nhập gì với diễn tiến trên sân cỏ; Nói lòng vòng rườm rà; So sánh cường điệu thái quá; Đưa ra lắm giả định đến mức tào lao; Nhiều liên tưởng vô duyên, v.v...
Tách riêng từng tình huống, bất cứ bình luận viên nào cũng có thể mắc phải một hay vài lỗi kể trên. Và điều đó hoàn toàn có thể giải thích với một lí do chấp nhận được. Nhưng khi số lỗi đó tập trung vào một người, xảy ra trong rất nhiều tình huống của từng trận đấu ở mọi giải đấu qua tay anh trong nhiều năm liền, tất phải đặt lại một câu hỏi, vì sao thế?
Về quan điểm bình luận bóng đá, việc nói ít hay nói nhiều, cung cấp thông tin ngoài sân cỏ hay tập trung vào chuyên môn, truyền được cảm hứng hay không tùy thuộc khá nhiều vào phong cách từng cá nhân. Nhưng khi mắc lỗi, thường những BLV sẽ cố gắng khắc phục, để để tránh lặp lại lỗi tương tự. Nhờ đó, dư luận sẽ không đem họ ra “mổ xẻ”.
Ảnh minh họa: Quyết Thắng/VietNamNet |
Lựa chọn của mỗi chúng ta
Người ta thường nói cuộc sống là một chuỗi dài những lựa chọn. Số đông công chúng khi phản ứng và bắt lỗi BLV này, đó là họ đã lựa chọn cách nói lên sự không hài lòng về chất lượng dịch vụ mà họ nhận được.
Một phần công chúng bênh vực anh, không phải vì anh đúng, mà vì họ xem những cái sai một cách có hệ thống của anh là chuyện bình thường. Điều đó âu cũng dễ hiểu khi người dân Việt Nam hàng ngày nhiều khi quá quen với những chuyện sai trái mười mươi mà vẫn điềm nhiên chấp nhận. Đó là một lựa chọn.
Một phần công chúng nữa không phê phán anh, chẳng phải vì thấy anh đúng, mà vì họ chỉ lấy sự “chết cười” đó làm niềm vui thư giãn giữa cuộc sống bộn bề lo toan căng thẳng, chứ không phải chuyện gì nghiêm trọng. Đó cũng là một lựa chọn.
Bản thân bình luận viên này, đối diện với công luận, cho đến nay người ta chưa ghi nhận được ở anh những nỗ lực sửa chữa, khắc phục thực sự. Có thể vì anh tự cho rằng mình đúng? Hoặc biết sai nhưng anh không sửa? Hay anh biết sai nhưng không đủ điều kiện để sửa sai? Dù với lí do nào, thái độ và hành vi ứng xử của anh trong câu chuyện này đã là một lựa chọn.
Còn Đài truyền hình nơi anh công tác dường như trước công luận cũng không hề có một động thái nào rõ ràng để xử lí việc này. Phải chăng nhà đài cũng xem các sai sót lặp đi lặp lại của bình luận viên thể thao đó là chuyện nhỏ, khán giả hoặc phải chấp nhận, hoặc có thể xem đấy là sô diễn hài thư giãn cho vui? Có thể còn những lí do khác, nhưng dù gì, sự im lìm của lãnh đạo đài cũng đã là một lựa chọn.
Tôi còn nhớ những năm 1990, có một chương trình vận động bảo vệ môi trường khá ấn tượng, với hình ảnh biên tập viên Trần Bình Minh, nay là Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ, phía sau là mặt hồ lộng gió, nhìn thẳng vào khán giả và nói: “Đất nước chúng ta có xanh tươi sạch đẹp hay không, điều đó tuỳ thuộc vào bạn, vào tôi, và vào tất cả chúng ta”.
Hai mươi năm đã qua, là quá khứ, chúng ta không thay đổi được nữa. Nhưng hai mươi năm tới, vẫn phải hỏi rằng đất nước ta có xanh tươi sạch đẹp hay không? Không chỉ tự nhiên, mà cả xã hội, ngôn ngữ và con người... Điều đó, sẽ không phụ thuộc vào riêng một ai. Điều đó, tuỳ thuộc vào lựa chọn ngày hôm nay, và trong từng ngày sẽ qua, của bạn, của tôi, của từng người trong tất cả chúng ta.
Nguyễn Tấn Đại