“Vụ việc đền bù ông Nguyễn Thanh Chấn chứa đựng rất nhiều điều đáng bàn về thực thi pháp luật ở nước ta chứ không đơn giản bồi thường 7,2 tỷ đồng là xong!”.
>>Án oan, ép cung và "dê tế thần"
>> Án oan 10 năm và lời nhắc "công bộc"
>>Cách duy nhất để chống ép cung
LTS: Trân trọng giới thiệu tới độc giả bài phỏng vấn LS. Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM, xung quanh trách nhiệm đền bù vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn.
Chưa thấy trường hợp cán bổ xử sai phải bồi thường
Thưa LS. Hậu, liên quan đến trách nhiệm đền bù 7,2 tỷ đồng cho ông Nguyễn Thanh Chấn mà dư luận đang rất quan tâm, ông có thể nói rõ hơn quy định pháp lý về việc bồi thường trong trường hợp xét xử oan sai?
LS. Nguyễn Văn Hậu. Ảnh: Duy Chiến |
LS. Nguyễn Văn Hậu: Pháp luật đã quy định rất rõ. Theo điều 52 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước (TNBTNN) quy định rõ về các trường hợp kinh phí bồi thường lấy từ ngân sách trung ương hay địa phương.
Nhưng việc chi trả này có thể hiểu như là “tạm ứng” trước, vì còn trách nhiệm của cán bộ công chứng xét xử làm oan sai, chứ không phải đơn giản bỏ qua như một số ý kiến trên báo chí vừa qua. Cụ thể Điều 56 Luật TNBTNN về nghĩa vụ hoàn trả và xử lý trách nhiệm của người thi hành công vụ quy định rõ ràng.
Để thi hành Luật này, Chính phủ còn ban hành Nghị định số 16 ngày 3/3/2010 hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn.
Như vậy, về pháp luật đã có quy định khá rõ ràng và cụ thể.
Vậy nhưng, theo báo chí đưa tin thì vừa qua có ý kiến cho rằng cán bộ làm oan sai đại diện cho cơ quan nhà nước, Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường?
LS. Nguyễn Văn Hậu: Tôi cho rằng đó là do người phát biểu chưa hiểu rõ về Luật và văn bản liên quan nên phát biểu theo suy diễn cảm tính. Tuy nhiên, cũng cần nói thẳng ra rằng, dù ở nước ta xảy ra nhiều vụ xét xử oan sai do khâu tố tụng, song đến nay vẫn chưa thấy trường hợp nào cán bộ làm oan sai phải bồi thường cả. Việc bồi thường vẫn chỉ từ ngân sách. Ngay cả việc đền bù cho ông Chấn 7,2 tỷ đồng thì tới giờ phút này cũng chỉ từ ngân sách chứ chưa thấy đề cập tới trách nhiệm của những người tham gia tố tụng gây ra hậu quả này.
Thưa ông, tại sao lại như vậy? Có khó khăn gì để xác định trách nhiệm của những người tham gia tố tụng đã làm sai để quy trách nhiệm không?
LS. Nguyễn Văn Hậu: Trước hết, theo tôi, việc cán bộ tham gia tố tụng điều tra, xét xử sai rồi lấy tiền ngân sách, tức tiền của dân bồi thường thì không thể nói là công bằng được. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ bộ máy Nhà nước, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho những trường hợp như ông Chấn, thì quy định bồi thường trước cho người oan sai là hợp lý. Vì cán bộ công chức tham gia quyền tố tụng là thay mặt cơ quan nhà nước thực thi công việc đó, cho nên nếu những công chức này gây thiệt hại cho cá nhân như ông Chấn trong quá trình thực hiện công việc, thì Nhà nước phải có trách nhiệm trước, sau đó thu hồi lại tùy theo tính chất, mức độ sai phạm.
Còn đứng từ góc độ người bị thiệt hại, rõ ràng họ không quan tâm người gây thiệt hại cho họ là người nào, mà họ chỉ quan tâm những cá nhân đó đại diện cho ai, cơ quan nào để xác định trách nhiệm bồi thường cho họ.
Vấn đề phải bàn ở đây là chúng ta cần có cơ chế để buộc cán bộ công chức phải có trách nhiệm bồi hoàn thiệt hại do mình gây ra. Lâu nay việc này luật đã quy định nhưng không thực hiện nghiêm. Những việc oan sai đều lấy tiền từ ngân sách chi trả chứ chưa thấy vị nào làm sai phải lấy tiền túi ra hoàn trả lại cho ngân sách.
Việc dư luận không đồng tình khi đền bù oan sai bằng ngân sách chứ không phải từ người thực thi gây oan sai là dễ hiểu. Vì ngân sách là tiền đóng góp của nhân dân.
Quyền lực không được kiểm soát sẽ dẫn đến lạm quyền
Bản thân chúng tôi, những người làm báo cũng ghi nhận có rất nhiều sự việc tương tự, mức độ chưa như ông Chấn nhưng cũng là xét xử sai ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm. Sau đó TAND TC hủy án, yêu cầu xử lại. Tuy nhiên, trách nhiệm của những cán bộ tham gia tố tụng như điều tra, xét xử không thấy nói đến… Hoặc có trường hợp đã có quyết định hủy án của TAND TC, nhưng cấp địa phương không xử lại mà để “ngâm” rồi có khi “hòa cả làng”.
LS. Nguyễn Văn Hậu: Những việc như thế có nhiều, nhiều lắm. Như tôi đã nói, chẳng qua là do luật pháp của chúng ta không được thực hiện nghiêm chứ không phải không có luật. Chúng ta không phải thiếu luật mà chỉ thiếu cơ chế thực hiện luật!
Sự việc của ông Chấn được dư luận cả nước quan tâm, được Quốc hội bàn bạc là điển hình của thực trạng “không nghiêm” này.
Tuy nhiên, để tìm ra nguyên nhân, xác định cho được đích xác tình trạng này thì còn rất nhiều việc phải làm. Nếu không oan sai sẽ còn tiếp tục xảy ra như lâu nay. Sẽ có những vụ nóng bỏng như vụ ông Chấn cũng như nhiều vụ âm ỉ dẫn đến kéo dài như anh đã nêu.
Vấn đề trách nhiệm đền bù vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn đang được dư luận quan tâm. Ảnh: Hà An/ Thanh Niên |
Theo ông, để khắc phục tình trạng này, cần bắt đầu từ đâu?
LS. Nguyễn Văn Hậu: Tôi cho rằng, cần phải nâng cao trách nhiệm của những cán bộ công chức thực thi pháp luật. Nhà nước trao cho họ quyền nhưng phải ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ đi đôi.
Lấy trường hợp vụ ông Chấn làm ví dụ. Nếu chúng ta cứ cho qua kiểu làm sai đã có ngân sách chịu thì làm sao những cán bộ thực hiện tố tụng của pháp luật chịu nâng cao trách nhiệm? Cũng như nhiều sự việc đang âm ĩ diễn ra chưa bị phát hiện, nếu không ràng buộc trách nhiệm sẽ dẫn đến tình trạng như oan sai đau lòng như ông Chấn.
Vấn đề cần bàn bây giờ là cần có biện pháp xử lý kỷ luật với những cán bộ công chức thực thi pháp luật sai phạm. Và nếu cần thiết thì quy định trách nhiệm của người đứng đầu.
Bên cạnh đó, cần xem xét lại việc tuyển chọn cán bộ công chức. Phải làm thế nào để nâng cao chất lượng đầu vào với cán bộ công chức hiện nay. Tôi cho rằng, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất không gì có thể thay thế được.
Đối với những vụ oan sai, tôi cho rằng, nguyên nhân do trình độ năng lực, nhận thức vẫn đang là điều nhức nhối. Nhiều vụ việc bị hình sự hóa các quan hệ dân sự dẫn đến hệ quả đáng tiếc. Lẽ ra khi phát hiện thì cán bộ công chức thực hiện pháp luật làm sai phải bỏ tiền túi ra đền. Hoặc cũng có những hình thức chế tài khác. Nếu không có cơ chế này thì người thực thi pháp luật vẫn không cẩn trọng, vẫn khinh suất, chủ quan…
Quá trình tham gia tố tụng, tôi thấy, nhiều vụ việc cán bộ thực thi pháp luật không có tâm, mà vẫn còn tâm lý “đã bị vào đây là có tội”. Theo nguyên tắc của pháp luật, quá trình tố tụng phải luôn suy đoán vô tội cho người bị tạm giữ trước khi quyết định số phận của họ. Bởi khi nhốt người ta thì sẽ không bao giờ khắc phục được hậu quả. Các nhà làm luật đã thấy điều này và đã dự phòng bằng các quy định rất nhân văn như nguyên tắc suy đoán vô tội, quá trình tố tụng có luật sư tham gia v.v… Tiếc rằng những quy định này chưa được thực hiện nghiêm chỉnh.
Trên diễn đàn Quốc hội đã có nhiều ý kiến đề nghị quá trình tố tụng phải làm cho người vi phạm phải “tâm phục khẩu phục” là vì thế. Không thể dùng quyền lực áp chế thay cho tính nhân văn của pháp luật.
Cơ chế thực hiện luật pháp của chúng ta chưa thực sự vận hành theo đúng yêu cầu của luật pháp. Có thể thấy rất rõ trong quá trình tố tụng hiện nay
Trong Hiến pháp của chúng ta, quyền con người và quyền công dân được đặt ở vị trí trung tâm. Nếu cơ chế thực thi của chúng ta đưa những yêu cầu này vào thì sẽ hạn chế được tới mức thấp nhất nững oan sai đáng tiếc, đảm bảo cho luật pháp được thực thi nghiêm chỉnh. Và qua đó buộc cán bộ công chức thực thi phải luôn nâng cao, có trách nhiệm và nghĩa vụ với công việc mà mình được giao.
Nói nôm na, quyền lực mà không được kiểm soát thì ắt dẫn đến lạm quyền, chủ quan và những hậu quả khác vô cùng tại hại. Đó là lý do tại sao những quy định kiểm soát, giám sát quá trình thực hiện quyền thực thi pháp luật, tố tụng hay bị chống đối kịch liệt bằng nhiều cách. Những đề nghị giám sát tối thiểu như ghi hình bằng camera, cho luật sư tham gia… luôn bị những người trong các cơ quan thực thi pháp luật không đồng tình là vậy.
Tôi nghĩ Quốc hội cần lưu tâm đến chuyện này qua sự việc đền bù cho ông Chấn. Câu chuyện này chứa đựng rất nhiều điều đáng bàn về thực thi pháp luật ở nước ta chứ không đơn giản bồi thường 7,2 tỷ đồng là xong!
Xin cảm ơn ông!
Duy Chiến (thực hiện)
Điều 52, Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước: Kinh phí bồi thường 1. Trường hợp cơ quan trung ương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách trung ương. 2. Trường hợp cơ quan địa phương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách địa phương. Điều 56, Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước: Nghĩa vụ hoàn trả và xử lý trách nhiệm của người thi hành công vụ 1. Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. 2. Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại quy định tại Điều 26 của Luật này không phải chịu trách nhiệm hoàn trả. 3. Người thi hành công vụ ngoài việc phải hoàn trả khoản tiền quy định tại khoản 1 Điều này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Điều 20, Nghị định số 16 (16/2010/NĐ-CP): 1. Người có nghĩa vụ hoàn trả đã được cơ quan có trách nhiệm bồi thường thông báo đến lần thứ ba về việc hoàn trả mà cố ý không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả thì bị kỷ luật theo quy định của pháp luật. 2. Trường hợp người có nghĩa vụ hoàn trả đã chuyển công tác đến cơ quan khác trong bộ máy nhà nước thì cơ quan nhà nước đó có trách nhiệm đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ hoàn trả và quyết định biện pháp xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này. 3. Trường hợp người có nghĩa vụ hoàn trả không còn làm việc trong các cơ quan nhà nước thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện các biện pháp thu hồi khoản tiền hoàn trả theo quy định của pháp luật. |