- Ở nước ta có một nghịch lí rất đáng chú ý: dân trí được đánh giá lúc cao, lúc thấp… tùy vào bối cảnh.
Ông Joe Hockey, bộ trưởng phụ trách kinh tế trong Chính phủ Úc đang gây bão dư luận. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, ông khuyên những người sắp mua nhà nên tìm việc làm tốt và lương cao trước khi quyết định mua nhà. Câu phát biểu tưởng chừng như vô thưởng vô phạt, nhưng lại làm cho giới báo chí và phe đối lập chú ý và tấn công.
Giới báo chí nói rằng ông bộ trưởng là người giàu có, "sống trên mây", không hiểu nỗi khổ của người dân, nên nói năng thiếu tế nhị. Phe đối lập chỉ trích ông bộ trưởng là người xa rời quần chúng, không biết người dân sống khổ cực ra sao.
Họ kêu gọi ông Hockey nên tôn trọng người dân và nên tìm hiểu cuộc sống của những người dân đang phấn đấu mua căn nhà đầu tiên ra sao. Thấy tình hình có vẻ nguy cấp, ông thủ tướng phải đứng ra xin lỗi về lời phát ngôn trên của ông bộ trưởng.
Dân trí Việt Nam thấp?
Trong khi đó, ở ta, gần đây cũng có một số phát ngôn của quan chức bị phản ứng vì cho thấy sự coi thường người dân. Khi được hỏi về lấy ý kiến dân trong việc xây Văn Miếu Vĩnh Phúc với chi phí gần 300 tỉ đồng, một quan chức văn hoá trả lời rất thẳng thắn rằng "Không lấy ý kiến nhân dân" (1), vì theo ông là "dân có ai biết đâu mà lấy ý kiến"! Phải nói là một câu trả lời rất sốc, nhất là xuất phát từ một người làm về văn hoá.
Nhưng vị quan chức văn hoá đó không phải là người duy nhất. Trước ông, trong cuộc thảo luận về trưng cầu ý dân, một vị đại biểu Quốc hội dẫn một tờ báo nói rằng "dân trí thấp, không thể tuỳ tiện trưng cầu". Có thể hiểu câu phát ngôn này là dân trí của quần chúng còn hạn chế nên ý kiến của họ chưa đủ độ tin cậy để tiến hành trưng cầu ý dân. Dĩ nhiên, đây là một giả định rất mạnh, mà tôi nghĩ không phù hợp với dữ liệu thực tế.
Dữ liệu thực tế cho thấy tình hình dân trí của Việt Nam đã có sự chuyển biến rất xa. Trước Cách mạng Tháng 8, hơn 90% dân số Việt Nam không biết đọc biết viết.
Còn theo điều tra dân số năm 2009, tức là cách đây đã 6 năm thì có gần 94% người dân biết đọc, biết viết. Vẫn theo kết quả điều tra dân số, khoảng 1/4 người Việt Nam đã xong bậc Trung học hay cao hơn. Ở người trên 15 tuổi, 4,2% có bằng cử nhân và 0,2% có bằng sau đại học.
Theo số liệu thống kê năm học 2013 - 2014, Việt Nam có 214 trường cao đẳng, 214 trường đại học, với gần 600 nghìn sinh viên cao đẳng và hơn 1,46 triệu sinh viên đại học.
Việt Nam còn có nhiều giáo sư và tiến sĩ. Tính đến nay, Việt Nam đã có hơn 11.000 giáo sư và phó giáo sư. Ngoài ra, Việt Nam có khoảng 24.000 tiến sĩ, cả trăm ngàn thạc sĩ. Nhìn qua những dữ liệu trên, tôi nghĩ rất khó nói rằng dân trí Việt Nam còn thấp như ông đại biểu Quốc hội phát biểu.
Có một nghịch lý trong cách một số quan chức nói về dân trí. Ảnh minh họa |
Nghịch lý: Lúc thấp lúc cao
Trong thực tế, không có chứng cứ nào cho thấy mối tương quan giữa trình độ dân trí và trưng cầu dân ý. Bầu cử là một hình thức trưng cầu dân ý. Và, chúng ta biết rằng bầu cử diễn ra rất thường xuyên ở những nước tiên tiến có trình độ dân trí cao ở Âu châu cũng như ở những nước đang phát triển với trình độ dân trí chưa bằng Âu châu.
Khảo sát thị trường cũng là một hình thức về mặt nào đó khá gần với trưng cầu dân ý. Trong thực tế, đã có nhiều nhóm khảo sát xã hội quốc tế từng thực hiện những cuộc “trưng cầu” ở nước ta. Chẳng hạn như gần đây nhóm Gallup thực hiện một điều tra trên 3.000 người ở Việt Nam, giới trẻ đang quan tâm 3 vấn đề nóng nhất: đó là vấn đề Trung Quốc đang có những hoạt động phi pháp và nguy hiểm ở Biển Đông, vấn đề môi trường và môi sinh, và vấn đề tội phạm.
Không nói ra thì ai cũng biết rằng một người mang danh đại diện dân mà lại nói người mình đại diện là dân trí hạn chế thì quả là một ý tưởng không hay. Trong thực tế, chính những người không biết đọc và không biết viết đã có thời làm nên lịch sử, giúp giành độc lập cho dân tộc. Người dân có thể không biết đọc hay không biết viết, nhưng họ đầy đủ trải nghiệm, quan sát và bằng trực giác họ có thể đánh giá tình hình có khi còn chính xác hơn những chính khách ngồi ghế salon và bay máy bay hạng nhất.
Nhưng hãy giả dụ rằng trình độ dân trí hiện nay vẫn còn thấp, thì nhiệm vụ của Nhà nước là phải nâng cao dân trí. Nếu người dân thiếu thông tin để đánh giá chính xác, thì nhiệm vụ của Nhà nước là tạo môi trường thông tin đa chiều để người dân có thêm thông tin và đánh giá đúng vấn đề mà họ quan tâm. Do đó, quan chức nào nói dân trí thấp là một cách gián tiếp thú nhận rằng họ đã thất bại trong việc chuyển tải thông tin cho người dân.
Ở nước ta có một nghịch lí rất đáng chú ý. Khi nói về thành tựu giáo dục thì một số quan chức thích nói rằng nền giáo dục ưu việt đã thành công xoá mù chữ (rất đúng), rằng dân ta thông minh và sáng suốt. Nhưng khi có ai đề nghị cải cách cơ chế, luật hóa các quyền căn bản của công dân (như trưng cầu dân ý) thì một số quan chức lại nói rằng trình độ dân trí còn thấp, chưa thể tiến hành được!
Ông Joe Hockey ở Úc chỉ nói một câu rất thực tế mà bị báo chí chỉ trích là xa rời quần chúng và sếp của ông (tức Thủ tướng Abbott) phải đứng ra xin lỗi dân. Ấy thế mà ở ta lại có những phát ngôn chê dân trí thấp một cách thiếu căn cứ! Như thế chẳng những là xa rời, mà còn là thái độ coi thường quần chúng.