Bill Gates từng nói: “Tất cả mọi thông tin nằm dưới những đầu ngón tay của bạn”,  mong rằng những đầu ngón tay ấy được điều khiển từ những cái đầu có đạo đức và kiến thức, nếu không, mạng xã hội dần dần sẽ là cơn ác mộng của tất cả mọi người.

"Paparazzi” săn mồi

Trước đây và cho đến hiện nay, cái biệt danh “paparazzi” của những người chuyên săn ảnh “độc” đã khiến cho giới thượng lưu, các minh tinh màn bạc, những người nổi tiếng, những người của công chúng nhiều phen giật mình, kinh hoàng. Thậm chí có những paparazzi xây dựng sự nghiệp của mình bằng cách xâm phạm thô bạo vào cuộc sống của người nổi tiếng, hơn thế nữa, họ còn cố ý dùng thủ đoạn giăng bẫy để người nổi tiếng phản kháng… rồi tác nghiệp, chụp ảnh.

Không ai phủ nhận những thành quả lớn mà internet đã mang lại cho loài người trong hiện tại, nhưng ngược lại, cũng phải nói thẳng rằng, mạng xã hội và người chơi mạng xã hội nhiều lúc chẳng khác gì những “paparazzi” săn mồi.

Chỉ cần một cái điện thoại cầm tay có chức năng chụp hình nối mạng, những khoảng khắc vô tình bất chợt, hay cố ý canh me gài bẫy, những người chơi mạng xã hội có thể khiến cho số phận một con người và những người thân của họ phải đau khổ, điêu đứng, thậm chí dẫn đến những cái chết tức tưởi, oan uất.

Nếu như đối tượng của các paparazzi chỉ chăm chăm vào những người nghệ sĩ, những người nổi tiếng thì đối tượng của những người chơi mạng xã hội là tất cả, từ những người vô danh bình thường đến các chính khách, các ngôi sao…

Nếu như mục đích các paparazzi là thương mại và quan hệ của họ với các nghệ sĩ thực chất là để “nuôi sống” nhau thì mục đích của mạng xã hội nhiều khi đơn thuần chỉ là cho vui, cho “bõ ghét”, nhưng cho vui, cho “bõ ghét” mà dẫn đến những hệ quả tiêu cực, đau lòng đó mới chính là điều đáng cảnh báo, đáng lên án.

Cộng đồng vẫn chưa khỏi ngậm ngùi khi biết tin một cô bé 15 tuổi phải tự tử sau khi đọc những dòng dè bỉu, chà đạp về đạo đức, lối sống bởi một cái clip do bạn trai tung lên mạng xã hội. Tuổi mới lớn, tâm lý đầy biến động, và bị sốc trước hành vi đê hèn của gã trai cũng những lời chỉ trích từ cộng đồng mạng, cô bé đã quyên sinh. Cái chết của cô bé hẳn có một phần nguyên nhân từ những “nhà đạo đức”, những “nhà phê bình” trên mạng, họ đã vô tình tiếp tay và thành những “kẻ săn mồi” hăng máu

Thật xót xa cay đắng khi nghĩ đến cái tuổi 15 đẹp như trăng rằm, khi đọc những lời trăng trối của cô bé với bố mẹ: “Con chết, bố mẹ hãy chôn con gần nhà, đừng đưa đi xa”…

Rồi mới đây, một bác sĩ giỏi phải từ chức, bị kỷ luật cũng vì áp lực của mạng xã hội, của những “nhà đạo đức”, những “nhà phê bình” trên mạng. Không biết bây giờ, người chụp bức hình bác sĩ gác chân có vui mừng nổi không với “chiến công lừng lẫy” ấy, và thật tréo ngoe là… bức hình đó được chụp trong lúc người bác sĩ đang làm công việc cứu người.

Người viết buồn cho cơ sở y tế nơi vị bác sĩ đó làm việc, đã không đủ bản lĩnh, có cái nhìn tỉnh táo bảo vệ đồng nghiệp, nhân viên của mình trước áp lực của mạng xã hội. Nhưng càng buồn hơn khi mạng xã hội vì sự vô tư và hồ đồ của chính mình đã gián tiếp “tiếp tay” đẩy số phận một bác sĩ rơi vào hành động chán nản, không thể vượt qua điều tiếng khắc nghiệt.

Bởi thực chất, câu chuyện đó đã được báo chí kiểm chứng thật là đơn giản “bác sĩ lúc đó bị đau chân, bệnh nhân lớn tuổi bị lãng tai, không có ai hỗ trợ nên bác sĩ phải gác chân lên giường, sát với bệnh nhân để có thể hỏi bệnh nhân được rõ hơn”…

{keywords}
Sự thiếu cẩn trọng với phát ngôn, bình luận trên mạng ảo có thể dẫn đến những kết cục đau lòng. Ảnh minh họa

Điều khiển đầu ngón tay từ những cái đầu có đạo đức

Xã hội loài người đạt được đến tầm văn minh như hôm nay bởi sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ, mà mạng xã hội là một sản phẩm được ưa dùng, sử dụng. Nhưng  vì vậy, muốn mạng XH phát triển bền vững, văn minh, thì bản thân những người sử dụng mạng xã hội cũng phải dựa vào chính nền tảng – đạo đức của chính mình- với đồng loại, trước bất cứ vụ việc gì xảy ra liên quan đến số phận con người.

Dư luận luôn sửng cồ, bức xúc khi ai đó chê dân trí XH thấp, nhưng lại quá thản nhiên mắng mỏ, đả kích người này, khích bác người kia trên mạng ảo mà ít khi chịu khó kiểm chứng lại thông tin. Cộng đồng mạng nói quá nhiều về tự do ngôn luận, tự do chính kiến nhưng lại  thiếu sự cẩn trọng trước các thông tin chưa kiểm chứng.

Facebook sinh ra tại nước Mỹ, nơi ông Obama – đương kim tổng thống Mỹ có không ít những bức hình trên mạng gác chân lên bàn khi đang thảo luận với các đồng nghiệp. Và mạng xã hội không vì điều này mà có thể làm cho ông ấy từ chức được. Áp lực của dư luận phải dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng sự thật, tôn trọng quyền con người. Tâm lý chạy theo đám đông, tư duy đám đông rất có hại, rất nguy hiểm khi kẻ xấu biết cách khai thác, trục lợi.

Facebook tạo ra nút like và quyền lực ảo, nhưng vì sự “sung sướng” của cái nút like, của quyền lực ảo mà tung tin thất thiệt, giật gân, gây sốc, xâm phạm đời tư người khác là không thể chấp nhận được. Trong suy nghĩ tích cực, mạng xã hội luôn là những liều thuốc bổ giúp ích cho mọi người, nhưng nếu dùng quá liều, nó sẽ trở thành thứ thuốc độc có thể “giết chết” bất kỳ ai và chính ngay người sản xuất là loại thuốc “quá liều” ấy.

Đã không ít paparazzi đã phải trả giá cho những hành động quá trớn của mình, đã phải ra tòa và chịu sự trừng phạt của công lý. Cuộc sống hiện nay vốn có quá nhiều sự bất ổn, những người chơi mạng xã hội cũng nên suy nghĩ thật chín chắn, có cái tâm… trong mọi thao tác ảo của mình. Một phản ứng phút chốc chủ quan, cực đoan, thiếu suy nghĩ có khi là thêm phần hủy hoại, thêm phần mất tin niềm vào những điều tốt đẹp, mất niềm tin giữa con người với con người.

Bill Gates từng nói: “Tất cả mọi thông tin nằm dưới những đầu ngón tay của bạn”,  mong rằng những đầu ngón tay ấy được điều khiển từ những cái đầu có đạo đức và kiến thức, nếu không, mạng xã hội dần dần sẽ là cơn ác mộng của tất cả mọi người.

Muốn làm một nhà đạo đức, nhà phê bình thì trước hết hãy học cách tôn trọng mọi người!

Minh Phước