Những doanh nhân này có ý hướng về thị trường Mỹ, muốn học hỏi cách kinh doanh… Họ cho rằng khi họ chơi được với Mỹ thì họ có thể chơi được với bất kỳ ai.

LTS: Tác động của Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) đã được phân tích, mổ xẻ nhiều từ các góc độ khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tiếp theo trong loạt bài Hai mươi năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, Tuần Việt Nam giới thiệu góc nhìn của “người trong cuộc” - ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định BTA. 

Dưới đây là Phần 2 nội dung bài viết

>> Xem lại Phần 1: Tôi thực sự choáng trước dự thảo ‘sặc mùi Mỹ’

Sau khi BTA được ký kết, Chính phủ Việt Nam giao Bộ Tư pháp chủ trì, đã tiến hành tổng rà soát toàn bộ các văn bản pháp luật, đối chiếu với các cam kết trong BTA, đề xuất và trình Quốc hội, chương trình xây dựng luật, Quốc hội Việt Nam đã xem xét và ban hành Nghị quyết "NQ48/2001-QH10 về sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo lộ trình của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ". Theo đó nhiệm kỳ Quốc hội khóa 2001 - 2005 của Việt Nam phải xây dựng mới, bổ sung, sửa đổi 137 dự án luật, pháp lệnh và Nghị quyết, trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, KHKT, quốc phòng an ninh, hình sự, dân sự, hành chính…

{keywords}

Sau khi BTA được ký kết, Chính phủ Việt Nam giao Bộ Tư pháp chủ trì, đã tiến hành tổng rà soát toàn bộ các văn bản pháp luật

Theo Nghị quyết nói trên, Quốc hội đã thực hiện một chương trình xây dựng luật mới với một tinh thần mới, một cách tiếp cận mới, đó là:

Thứ nhất, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi hầu như toàn bộ hệ thống pháp luật, mà trước hết là sửa đổi, làm mới các luật cơ bản như: Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Đầu tư, Luật Thương mại… theo cách tiếp cận mới hiện đại.

Ví dụ, xin nêu chỉ một vài ví dụ, nếu như trong Bộ Luật Dân sự năm 1995, nguyên tắc cơ bản đầu tiên mà luật quyết là phải "Tôn trọng lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng…" rồi mãi sau mới nói đến tôn trọng lợi ích cá nhân, thì ngay từ đầu, Bộ Luật Dân sự năm 2005 (sửa đổi theo tinh thần BTA) chốt luôn: Nguyên tắc cơ bản đầu tiên là "Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận… là nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật"; và rồi "Quyền tự do kinh doanh của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ, cá nhân có quyền lựa chọn hình thức, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, lập doanh nghiệp, tự do giao kết hợp đồng, thuê lao động và các quyền phù hợp với quy định của pháp luật" (Bộ Luật Dân sự); rồi "Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế" (Luật Thương mại); và "Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành nghề mà luật này không cấm" (Luật Đầu tư).

Từ đây, các luật lệ của Việt Nam được thiết kế xây dựng trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự do của dân, và đó là những điều cốt lõi của một nền kinh tế thị trường hiện đại, và đó cũng là những "gam màu rất Mỹ".

Và cũng từ đây, hệ thống luật lệ Việt Nam đã giảm hẳn những quy định siêu hình, lý thuyết, áp đặt chung chung, thay vào đó là những quy định rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực thi, dễ áp dụng cho một nền kinh tế thị trường. Quốc hội cũng chỉ được "bấm nút" thông qua khi dự thảo luật đã được dân, được doanh nghiệp liên quan góp ý.

Thứ 2, chúng ta đã chuyển các hoạt động dịch vụ trong nền kinh tế thành những ngành kinh tế, để kinh doanh, để phát triển.

Trước BTA, các lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, bưu chính viễn thông chỉ là những lĩnh vực dịch vụ, phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng do đó, không có luật pháp riêng điều tiết các hoạt động này.

Sau BTA, trên cơ sở nhận thức mới về ý nghĩa của các ngành dịch vụ trong quá trình phát triển kinh tế, và theo những cam kết đã ghi vào BTA, Việt Nam phải mở cửa các ngành dịch vụ, phải thiết kế luật pháp chuyên ngành để điều tiết các hoạt động ở đây.

Một loạt các luật chuyên ngành đã ra đời, tạo hành lang pháp lý cho dân tự do kinh doanh như Luật các tổ chức tín dụng, Luật chứng khoán, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật vận tải hàng không, đường biển, hàng không… và các ngành kinh doanh dịch vụ đang phát triển nhanh chóng, đang chiếm vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế Việt Nam đặc biệt là dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, du lịch, vận tải đường bộ, vận tải đường không...

Thứ 3, tạo điều kiện để hình thành đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đông đảo. Tấm gương thành đạt của doanh nghiệp, doanh nhân Hoa Kỳ, cùng với những quy định, quy chế trong các văn bản pháp luật được xây dựng và sửa đổi sau BTA như: Đảm bảo quyền tự do kinh doanh, người kinh doanh giỏi được xã hội tôn vinh và khuyến khích, thị trường trong nước mở cửa, thị trường nước ngoài thông thương… hàng loạt các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đua nhau ra đời; bươn chải và trường thành. Những quy định của BTA và luật pháp đòi phải bình đẳng, đòi hoạt động phải minh bạch công khai buộc các doanh nghiệp Nhà nước cũng phải thay đổi cách làm ăn để cùng phát triển.

Thêm vào đó, một bộ phận không nhỏ, nhất là các doanh nhân trẻ có ý hướng về thị trường Mỹ, muốn học hỏi cách kinh doanh, cách quản lý của doanh nghiệp, họ muốn tiếp cận các doanh nghiệp Mỹ để học cách sống với các ý tưởng, cách kết nối với giá trị toàn cầu… Họ cho rằng khi họ chơi được với Mỹ thì họ có thể chơi được với bất kỳ ai. Đất nước sẽ có cơ hội phát triển khi có đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trưởng thành lớn mạnh.

Những tác động của BTA vào nền kinh tế Việt Nam có thể bàn nhiều, bàn sâu hơn, nhưng có lẽ sắp tới đây, TPP còn tác động sâu hơn nữa, còn nhiều chuyện phải bàn thêm hơn nữa.

Nguyễn Đình Lương (Nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ)

>> Xem thêm các bài trong mạch Hai mươi năm bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ