Chỉ ra những khiếm khuyết của xã hội là cần thiết, nhưng hãy bắt đầu việc cải tạo xã hội bằng cách cải tạo chính mình. 

Từ bao bọc đến “giáo dục đòn roi” 

Năm con tôi học mẫu giáo nhỡ, có lần đến trường đón con gặp một ông bố đến cáu gắt với cô giáo, rằng ở lớp có một cháu nào đó chuyên bắt nạt, đánh hoặc tranh đồ chơi với con ông ta. Chứng kiến ông ta dắt con ra cầu thang rồi quát con ầm ầm: “Sao mày dốt thế, nó đánh không biết đánh lại!” mà hoảng hồn. 

Từ đó tôi tiếp tục để ý cái cháu thường hay bắt nạt bạn khác trong lớp kia. Thường thì trong một tập thể lớp bao giờ cũng có từ một đến hai ba cháu như vậy, hay bắt nạt bạn khác và thường xuyên sử dụng vũ lực để giành phần hơn.  

Một lần, tôi có dịp nghe bà của cháu nói chuyện, câu chuyện không thiếu những từ ngữ “mạnh bạo,” và bà khá tự hào về việc cháu bà không những không bị bắt nạt mà còn đi bắt nạt được con người khác. Bà còn tỏ thái độ rõ ràng, rằng bất chấp những trao đổi của cô giáo, nguyên tắc sống của gia đình bà là phải cương cường, thì ra đời mới không bị bắt nạt.  

Tìm hiểu sâu thêm chút nữa, qua hàng xóm, qua cô giáo… tôi đoán hầu hết những gia đình có cách tiếp cận kiểu đó, cũng thường sử dụng cách “giáo dục đòn roi” đối với con cái. Cứ như vậy vòng luẩn quẩn không thoát ra được, bố mẹ cứ đánh con, con lại đem ngay cách xử lý vấn đề đó đem áp dụng với bạn bè, và khi gặp xung đột thì bố mẹ lại tiếp tục khuyến khích. 

K. là một cậu bé gần nhà, năm nay đã lên lớp Bảy. K. hay khóc, bất cứ chuyện gì cũng có thể khóc được, chơi trò chơi đội mình thua cũng khóc, ai nói đùa gì quá đà cũng khóc. Khi được góp ý, không muốn nghe là hét lên, tay bấu chặt lấy người góp ý.  

Nếu chứng kiến những gì mà ông bà, bác và bố mẹ chú bé đang làm với chú, mới hiểu phần nào câu chuyện. Một chú bé được bao bọc từng ly, đi chơi với mẹ thì ông bà gọi điện chỉ đạo phải thế này, phải thế khác… từng li từng tí.  

Điều quan trọng là K. cực kỳ yếu đuối, từ việc không được trang bị cách phản ứng đúng đắn với những sự việc có thể xảy ra, đến tâm lý trước thất bại có thể đến với bản thân… Rất có thể, việc K. hay khóc vì chính nước mắt được cậu ta sử dụng một cách cực kỳ hiệu quả, lặp đi lặp lại trong suốt thời gian từ bé đến lớn.  

Khi tiếp xúc sâu hơn, K. còn bộc lộ cực nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn, từ thái độ vô trách nhiệm đối với bản thân, với công việc và nhiệm vụ được giao và đã nhận, đến sự yếu đuối, sợ khó, sợ khổ…  

Đây chỉ là hai ví dụ tôi gặp trong cuộc sống, hay nói cách khác là hai cách tiếp cận phổ biến của các gia đình. Tôi đọc nhiều trường hợp khác nhau và băn khoăn, làm thế nào tìm được phương án tốt nhất, để nuôi dạy các cháu trở thành những người tốt cho xã hội? 

Với gia đình tôi, có một điều chắc chắn không bao giờ chọn phương án dạy con phải đi bắt nạt bạn, tranh giành với bạn, tức là phải “hơn phân.” Tuy nhiên việc con cái chúng ta đi học, bị bắt nạt là không tránh khỏi, thì làm thế nào?  

{keywords}

Vòng luẩn quẩn không thoát ra được, bố mẹ cứ đánh con, con lại đem ngay cách xử lý vấn đề đó đem áp dụng với bạn bè... Ảnh minh họa

Bình an từ chính ta tạo ra 

Tôi có hai con, con trai đầu tính hiền lành, nguy cơ của cháu là sẽ dễ bị bắt nạt. Con thứ hai là con gái, tính đành hanh, “đầu gấu,” mạnh mẽ hơn và nguy cơ của cháu là sẽ dễ bị nguy hiểm nếu tiếp tục phát triển thành tính tình thích đi bắt nạt.  

Phương châm cơ bản của gia đình là lấy lòng yêu thương làm gốc, từ đó phát triển đến các cách ứng xử cụ thể đối với từng trường hợp trong cuộc sống.  

Với cháu trai lớn, vốn dĩ đã có sẵn tính tình hiền hậu và tiếp tục dạy cháu tính nhường nhịn, nhưng tôi chọn cách nói chuyện với con hàng ngày, hàng giờ… không bỏ qua bất cứ một cơ hội nào để trò chuyện với con. Con có rất nhiều câu chuyện về môi trường học hành, rồi sinh hoạt các câu lạc bộ… mỗi câu chuyện đều cần có cách nhìn nhận riêng và cách ứng xử riêng.  

Lâu dần, cháu có được cách ứng xử đĩnh đạc, ngay trong môi trường học ở lớp dù có bạn “đầu gấu” cháu cũng xử lý được bằng cách ứng xử của mình và thậm chí trở thành chỗ dựa của các bạn nhỏ yếu hơn. Cũng chỉ bắt đầu bằng việc chính con trai mình bị đánh, mà tôi coi đó là một cơ hội để dạy con biết vượt qua sự đau đớn, và học đối mặt với khó khăn.  

Cuối tháng trước, đi họp phụ huynh với cô giáo của cô con gái út, cô nói rõ ràng cách giáo dục và cư xử các thành viên gia đình ảnh hưởng rất nhiều đến cô bé. Từ một bé thích bắt nạt dám đánh bạn khác ba năm trước, cô bé biết nhường nhịn các bạn, kể cả đồ chơi. Dần dần, cháu biết cách tránh những trường hợp có thể phát sinh xung đột hoặc đối đầu không cần thiết.  

Trong gia đình, chúng tôi luôn luôn tìm mọi cơ hội để trò chuyện và giúp con tìm hiểu vấn đề - nhưng phương pháp là mềm dẻo. Đồng thời mỗi khi đất nước và quốc tế có những sự kiện đáng chú ý, như nạn động đất hay một người đáng kính ra đi mãi mãi… cũng là dịp để chia sẻ với nhau sự thông cảm, lòng trắc ẩn hay việc biết lấy người đã khuất làm tấm gương để học tập. 

Đọc những tấm gương làm giàu chân chính trên thế giới… chúng ta nhận thấy họ hoàn toàn không cần học những mánh khóe lừa gạt. Từ điều này, tôi luôn tâm niệm một điều, dạy con “hơn phân” người khác, không khó, nhưng nếu ai cũng “hơn phân” thì trong một xã hội ai là người “kém phân” đây? Ta thu được một món lợi bất hợp lý thì chắc chắn sẽ phải có người chịu sự thiệt thòi một cách bất công.  

Do đó tôi chọn cho mình cách tiếp cận, dạy con quan hệ với mọi người xung quanh trên cơ sở lòng tin cậy, dạy cháu biết đặt lòng tin vào người khác và cố gắng sống phải trở thành người đáng tin cậy. Cháu cần bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, đã nhận nhiệm vụ, là hoàn thành, đúng hạn và đúng chất lượng đã cam kết. 

Thật đáng tiếc, mới chỉ vài năm trước đây chúng ta tiếp cận nhiều với những khái niệm về “sứ mệnh, tầm nhìn” của doanh nghiệp, doanh nhân… còn cả thời gian khá dài từ khi mở cửa, chúng ta đã quá tôn trọng sự thành công “ăn xổi ở thì” của doanh nhân mà quên những nền tảng văn hóa, quên đi sự giáo dục người làm giàu chính đáng cân xứng với trách nhiệm đối với xã hội. Đây không phải lần đầu tôi nói đến ý, lâu nay xã hội chúng ta quen với sự làm giàu quá nhanh bằng những cách rất “phi tiêu chuẩn,” nó dẫn đến sự xói mòn lòng tin giữa người Việt với người Việt và lòng tin của doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam. 

Nghiêm túc nhìn lại chính mình – không bao giờ là muộn và việc dạy mình, dạy con… không bao giờ xa vời. Bình an của xã hội cũng không xa vời, mà nó sẽ bắt đầu từ sự bình an trong chính suy nghĩ, trong tâm hồn của chúng ta. Tôi thường cho rằng, chỉ ra những khiếm khuyết của xã hội là cần thiết, nhưng hãy bắt đầu việc cải tạo xã hội bằng cách cải tạo chính mình. 

Phúc Lai