Câu hỏi liệu học sinh không thích lịch sử hay cách dạy sử tưởng chừng cũ kĩ nhưng vẫn cần phải đặt ra.

Một điều tra xã hội gần đây của ĐTH Việt Nam về kiến thức lịch sử, thái độ của học sinh với môn sử đã cho chúng ta những câu chuyện cười mà… buồn, chẳng hạn sự lầm tưởng bi hài “Nguyễn Du là ông Quang Trung” hay “Quang Trung là anh Nguyễn Huệ”. Cũng vừa mới đây thôi, trong kỳ thi tốt nghiệp quốc gia năm nay, lịch sử là môn ít được lựa chọn nhất. Cá biệt, có điểm thi chỉ có 1 thí sinh đăng kí.

Công bằng mà nói, sự thờ ơ với lịch sử với tư cách một môn học là chuyện không chỉ Việt Nam phải đối phó. Năm 2010, một cuộc điều tra xã hội học với quy mô quốc gia được thực hiện ở Mỹ với sự tham gia của hàng vạn học sinh từ lớp 4 - 12. Kết quả cho thấy, lịch sử là môn kém nhất trong số 8 môn được khảo sát. Chỉ có 9% học sinh lớp Bốn nhận diện được ảnh Abraham Lincoln và chỉ ra 2 nguyên nhân giúp ông trở thành nhân vật quan trọng trong lịch sử Mỹ.

Có nhiều nguyên do dẫn đến tình trạng này, song ở Việt Nam, không thể không xem xét vấn đề phương pháp dạy sử. Câu hỏi liệu học sinh không thích lịch sử hay cách dạy sử tưởng chừng cũ kĩ nhưng vẫn cần phải đặt ra.

{keywords}
Ảnh minh họa. Nguồn: Zing.vn

Không thích lịch sử hay cách dạy sử?

Tiến sỹ James W. Loewen, tác giả cuốn sách Có khi giáo viên của tôi dạy sai sự thật: Truy tìm những gì không đúng trong sách giáo khoa lịch sử [1] từng được tái bản nhiều lần và đạt giải sách hay của năm, cho rằng: trẻ em không ghét lịch sử mà ghét cách chúng ta dạy.

Cá nhân tôi ủng hộ quan điểm này. Lịch sử bản thân nó luôn là môn khoa học thú vị, hấp dẫn nếu được truyền tải đúng cách, bởi nó sẽ giúp mở cánh cửa trở về quá khứ, giúp hiểu thêm hiện tại, để qua đó có dự đoán hợp lí về tương lai. Đồng thời, lịch sử cũng là chủ đề bất tận không chỉ cho các sử gia mà cả các nhà văn, nhà làm phim, giới hội họa, điêu khắc, kiến trúc, thậm chí thời trang…

Đúng như một số chuyên gia, nhà giáo dục đã chỉ ra, sách giáo khoa và phương pháp dạy học được coi là 2 trong số các nguyên nhân chính khiến học sinh sinh viên ngày càng quay lưng với môn lịch sử. Ở cấp phổ thông, dường như nhiều giáo viên không dạy sử mà “đọc sách giáo khoa” cho học sinh chép. Lối dạy sáo mòn, buồn tẻ này, đáng buồn vẫn khá phổ biến, chí ít là ở bậc phổ thông.

Làm thế nào để học sinh thích học sử?

Từ góc nhìn của một nhà Nhân học, tôi cho rằng cần tiến hành một số thay đổi từ nhận thức đến thực hành:

Thay đổi nhận thức về môn học này là điều kiện tiên quyết. Chừng nào học sinh nghĩ về sử học như những bài giảng dài lê thê, ngập tràn các sự kiện, con số khó nhớ, chừng ấy trái tim chúng sẽ hướng về nơi khác. Lịch sử cần được dạy dưới dạng kể những câu chuyện, trong đó cả giáo viên và học sinh cùng tham dự, bình luận và đánh giá.

Giáo viên cũng không nên quá lệ thuộc vào SGK, bởi chúng được biên soạn với những nội dung chính, gợi ý cho việc giảng dạy mà thôi. Khi bài giảng “tuân thủ” cứng nhắc sách, học sinh dễ  thấy buồn chán vì chúng chỉ là người nghe thụ động của một vấn đề đã được sắp xếp sẵn. Những câu chuyện đâu còn gì thú vị khi lặp đi lặp lại một mô-típ hoặc người nghe đã biết trước diễn biến.

Giáo viên cũng cần trang bị kiến thức phong phú về các nhân vật lịch sử cụ thể, gắn với từng giai đoạn nhất định. Bài giảng về một trận đánh sẽ thú vị, lôi cuốn hơn nhiều nếu học sinh được nghe những câu chuyện có thật, liên quan đến một vị tướng, một người lính cụ thể hay một phát minh kỹ thuật… thay vì chỉ dừng lại ở bối cảnh, diễn biến, số người chết, số người bị thương…

Hãy khuyến khích học sinh cùng tham gia phân tích, thảo luận, đánh giá hoặc xây dựng các kịch bản cho câu chuyện mà bạn đang kể. Sẽ thú vị hơn nếu học sinh được tự đưa ra phán đoán trước khi được cung cấp kết quả sự kiện. Hơn nữa, lịch sử không rõ ràng như một phép toán và học sử không thể chỉ là ghi nhớ máy móc những gì đã xảy ra, mà còn là hồi sinh chúng qua cách diễn giải đa chiều.

Ở những nơi điều kiện cho phép, việc sử dụng các thiết bị âm thanh, chiếu phim ảnh liên quan cũng là một lựa chọn giúp bài giảng thú vị, gần gũi và thuyết phục hơn. Đó không nhất thiết phải là những thước phim tài liệu được ghi lại đúng thời điểm sự kiện diễn ra (bởi không phải lúc nào cũng có đủ tài liệu dạng này), mà có thể là một bộ phim được dựng lại hay liên quan gián tiếp. Lịch sử là những gì đã xảy ra chứ không phải là những gì đã chết.

Thay lời kết:

Còn có nhiều vấn đề khác cần thảo luận mà phạm vi một bài báo không thể bao quát hết, như chính sách từ nhà nước; tư duy mới về đánh giá lịch sử; thời lượng giảng dạy; sách giáo khoa; tâm thế của xã hội đối với ngành khoa học này… Nhưng dù thế nào, đã đến lúc cần có cái nhìn nghiêm túc và hành động thực tiễn để thay đổi tình trạng thờ ơ, thiếu hiểu biết về lịch sử, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Một triết gia lớn từng nói đại ý rằng, người kể chuyện là người thay đổi xã hội và đó là lí do vì sao Chúa Jesus thường kể truyện ngụ ngôn. Thông điệp ẩn sau triết lý này là gợi ý vô cùng hữu hiệu cho những người dạy sử. Hãy “kể những câu chuyện” thay vì “đọc  kịch bản đã được biên soạn sẵn”.

Nguyễn Công Thảo 

----

[1] Lies my teacher told me: everything your American history text book got wrong