Nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên nhìn nhận sau 30 năm qua, ngành Giáo dục nói chung, các trường học nói riêng đã kiểm soát được quá trình, quy trình giáo dục của mình chưa? Đây là câu hỏi rất lớn, cần phải trả lời khi nhìn lại nền giáo dục sau 30 năm Đổi Mới.

LTS: Dưới ánh sáng của Đảng, chúng ta đã trải qua gần 30 năm Đổi Mới, tính từ năm 1986. Thừa hưởng thành quả từ quyết định trọng đại ấy, đất nước đã có những chuyển biến lịch sử, dần vượt khỏi sự đói khổ, nghèo nàn.

Giờ là thời cơ vàng để cùng nhìn lại một cách nghiêm túc những thành quả chúng ta đã cùng nhau đạt được, cũng như sáng suốt chỉ ra những gì chúng ta cần phải làm tiếp, làm như thế nào để vạch đường tương lai tiến về phía trước...

Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu toạ đàm: 30 năm Đổi Mới: Nhìn từ quốc sách giáo dục.

Ngay sau quyết định đổi mới đất nước, các nghị quyết của Đại hội Đảng và các Hội nghị TƯ III, VII, IX đều chỉ rõ: tiến hành cải cách giáo dục như một yêu cầu bức thiết của xã hội… nhưng 30 năm đã trôi qua thực tiễn cho thấy, nếu không cấp tốc thay đổi cách ứng xử, nếu không cấp tốc cải cách có hệ thống toàn ngành giáo dục thì chúng ta không thể thoát thế kẹt….

Xin giới thiệu các vị khách mời của chúng tôi là nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên và nhà nghiên cứu/ thành viên nhóm đối thoại giáo dục Phạm Hiệp.

Nhà báo Thu Hà: Thưa các vị khách mời, các vị thấy gì khi nhìn lại sự nghiệp giáo dục của Việt Nam sau 30 năm đất nước đổi mới?

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Ở ta, có hai câu cửa miệng luôn được nhắc: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” và “Giáo dục còn rất nhiều yếu kém”.

Thực ra, trong truyền thống, cha ông đã xem giáo dục là quốc sách hàng đầu rồi. Rất nhiều gia đình nghèo vẫn cố nuôi con học hành thành tài.

Năm 1991, Cương lĩnh của Đảng đã chính thức khẳng định: cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục là quốc sách hàng đầu, tức là chính sách quan trọng hàng đầu của quốc gia. Từ đó, ngân sách cho giáo dục không ngừng tăng; nhiều năm nay đạt tới 20% ngân sách quốc gia.

Tuy nhiên, nếu đánh giá thực tế triển khai thì những gì chúng ta đã làm với giáo dục vẫn chưa xứng tầm quốc sách hàng đầu. Tôi không nói đến đầu tư tài chính hay cơ sở vật chất mà tôi nói đến việc đầu tư suy nghĩ, chỉ đạo thường xuyên của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến cơ sở cho giáo dục.

Cứ hỏi bất kỳ ai trong đội ngũ lãnh đạo bộ ngành... rằng, ông bà quan tâm đến giáo dục như thế nào, cấp ủy, chính quyền có họp hằng tuần, hằng tháng để chỉ đạo thực hiện quốc sách hàng đầu này không, tôi tin chắc rằng nhiều người sẽ nói thật là “Không”. Cùng lắm, dăm bảy năm hay mươi mười lăm năm, cấp ủy ban hành một nghị quyết, rồi để mặc ngành giáo dục xoay xỏa một mình. Như vậy, làm sao gọi là quốc sách hàng đầu được?

Tuy nhiên, thừa hưởng điều kiện thuận lợi và thành quả từ Đổi mới, ngành giáo dục cũng đã có những bước chuyển đáng kể.

Thứ nhất, đội ngũ nhân lực được nhà trường Việt Nam đào tạo ra đã đóng vai trò chủ chốt thực hiện đường lối Đổi mới; góp phần đưa Việt Nam từ một nước nghèo nàn, lạc hậu thành một nước đạt mức thu nhập trung bình.

Thứ hai, quy mô giáo dục phát triển mạnh, loại hình đào tạo đa dạng, đáp ứng được nhu cầu được đi học của nhân dân. Bên cạnh các trường công lập có các trường dân lập, tư thục ra đời, đổi mới bộ mặt giáo dục của đất nước. Nhà nước cũng tạo điều kiện cho mọi người có nhu cầu du học được đi du học ở các nước phát triển.

Nhà báo Thu Hà: Thưa nhà báo Kim Dung, là người có nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục, nhìn lại 30 năm qua, chị có đánh giá như thế nào?

Nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên: So với bức tranh 30 năm trước đây ngành giáo dục nước ta đã thay đổi rất nhiều.

Trước hết là quy mô phát triển rộng lớn hơn. Các công cuộc phổ cập giáo dục từ tiểu học cho đến bậc trung học đã được triển khai liên tục và cũng đã gặt hái được những thành quả nhất định, cho dù thành quả đó, ở một bộ phận nào đó, vùng núi cao, vùng xa xôi hẻo lánh khó khăn còn chưa vững chắc. Chỉ tiếc là thu nhập quốc dân của mình thấp quá, số lượng học sinh, sinh viên  đông nên mặc dù ngành giáo dục được chi tới 20% ngân sách nhưng tính bình  trên đầu học sinh thì vẫn thấp.

Nói về chất lượng giáo dục thì phải xem xét từ khía cạnh điều kiện giáo dục.

Xã hội ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học. Chưa bao giờ xã hội ta bàn về giáo dục nhiều như hiện nay. Một lần đến đài hóa thân hoàn vũ thắp hương cho cha mẹ, tôi đã bắt gặp nhiều gia đình trong lúc chờ làm thủ tục chỉ bàn về chuyện giáo dục. Hay đi chợ, hoặc ngồi ở bất cứ đâu gặp nhau, mọi người cũng luôn hỏi han nhau về chuyện học hành của con cái.

Mối quan tâm trở nên thường nhật như vậy, là một điều hay, nhưng cũng đồng thời bộc lộ nỗi lo lớn về câu chuyện giáo dục ở Việt Nam hiện nay, đó là chất lượng.

Liên quan đến giáo dục, trong 30 năm qua chủ đề hay được ngành giáo dục ưu tiên trong các cuộc cải cách hoặc đổi mới, và cũng hay được bàn nhiều nhất là sách giáo khoa. Bàn nhiều, viết nhiều, ý kiến cũng nhiều rồi, nhưng đến bây giờ liệu rằng chúng ta đã thấy yên tâm chưa, hay vấn đề này vẫn là mối quan tâm lớn của cả xã hội?

Vấn đề lớn nhất, quan trọng nhất của chất lượng giáo dục là phải kiểm soát được quá trình, quy trình giáo dục. Vậy sau 30 năm qua, ngành Giáo dục nói chung, các trường học nói riêng đã kiểm soát được quá trình, quy trình giáo dục của mình chưa? Đây là câu hỏi rất lớn, cần phải trả lời khi nhìn lại nền giáo dục sau 30 năm đổi mới.

{keywords}
Ông Phạm Hiệp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Phạm Hiệp: Nếu muốn đánh giá giáo dục thì nên tách giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

Nếu nhìn vào giáo dục phổ thông chúng ta có tụt một chút so với thế giới, nhưng nếu nhìn vào giáo dục đại học thì rõ ràng chúng ta tụt hậu xa so với thế giới.

Vấn đề là chúng ta vẫn chưa khai thác được, chưa tận dụng được tiềm năng, tiềm lực của chúng ta. Nguyên nhân của sự lúng túng này là ở chỗ khi chúng ta đã chuyển đổi từ giáo dục tinh hoa sang giáo đục đại chún, tư duy quản lý, tổ chức chúng ta vẫn chưa bắt kịp.

Hãy hình dung thế này, 30 năm trước, nền giáo dục đại học của chúng ta phục vụ cho khoảng hơn 100.000 người, nhưng bây giờ lên tới 2.2 triệu người.

Nhà báo Thu Hà: Nếu nhìn vào tỷ lệ học sinh giỏi, tỷ lệ người có bằng cấp cao hiện nay, và những lời than phiền về sản phẩm giáo dục trên các phương tiện thông tin quý vị có suy nghĩ như thế nào?

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Phải xem lại cách chúng ta chuyển đổi từ nền giáo dục tinh hoa sang nền giáo đục đại chúng, nhất là với bậc học cao.

Nói cho công bằng, những học sinh, sinh viên xuất sắc bây giờ hơn lứa chúng tôi ngày xưa rất nhiều. Nhưng nếu so đại trà thì kém hơn. Vì ngày xưa chúng ta theo xu hướng giáo dục tinh hoa. Một huyện chỉ có 5-7 người vào đại học, còn bây giờ thì thôn xóm nào cũng có nhiều người vào đại học. Đúng là càng nhiều người có học vấn cao thì càng mừng, nhưng cái lo là ở chỗ bằng cấp không đi liền với thực chất.

Tôi đồng ý với ý kiến anh Hiệp, khi nhìn về giáo dục, nên tách giáo dục phổ thông và đại học.

Giáo dục phổ thông của ta không kém đâu. Hạn chế lớn nhất là chương trình học còn nặng, chưa chú trọng dạy thực hành, và còn để nhiều tiêu cực như chạy điểm, học thêm dạy thêm tràn lan, bệnh thành tích kéo dài.

Đáng lo nhất là giáo dục đại học. Nhưng tất cả các cuộc cải cách và đổi mới giáo dục từ năm 1950 đến giờ chỉ nhằm vào bậc học phổ thông. Vẫn chưa có cải cách đối với các lĩnh vực giáo dục đại học, trong khi chính bậc học này mới quyết định chất lượng nguồn nhân lực để phát triển đất nước.

Không giống nhiều nước, ở nước ta, trong khi học sinh phổ thông học rất vất vả thì khi sinh viên đại học lại có phần nhàn hơn.

Thêm một mối lo khác, ở các trường đại học Việt Nam đang có nguy cơ “hôn nhân cận huyết”. Các trường thường giữ sinh viên lại để đào tạo sau đại học và làm cán bộ giảng dạy. Điều đó khiến cho giảng viên trẻ luôn chỉ là bóng của các ông thầy đi trước.  

Ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển, họ không cho phép sinh viên được ở lại trường ngay khi tốt nghiệp, mà phải học sau đại học ở môi trường mới để tiếp cận với nguồn kiến thức, kinh nghiệm từ những trường phái mới. Sự hoán đổi như vậy không chỉ giúp người thày đại học dồi dào kiến thức hơn mà còn có tư duy độc lập hơn. Thày có giỏi thì trò mới giỏi, thày có đồi dào kinh nghiệm thì trò mới có cơ hội tiếp cận sự đa dạng trong học thuật, trong tư duy.

Nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên: Bản chất của giáo dục ở ta hiện nay vẫn là “học để thi” chứ không phải “học để làm”.

Vì học để thi, nên ngành giáo dục cứ đuổi theo thành tích và điểm số. Cứ nhìn vào các kỳ thi sẽ thấy điều này ngấm đến từng Giám đốc sở giáo dục cho đến các vị lãnh đạo địa phương. Và Bộ Giáo dục, được gọi là Bộ Thi cử, theo nghĩa, sau khai giảng năm học, là bắt đầu lo việc thi cử. Lo từ đầu năm đến cuối năm chỉ xoay quanh mỗi việc thi cử thế nào.

Bên cạnh đó phải nói rằng, kết quả thi cử của các sở còn chịu sức ép từ các vị lãnh đạo các địa phương. Năm nay kết quả thi cử không bằng năm trước hay thua kém tỉnh bạn thì quản lý giáo dục địa phương đó sẽ bị các vị lãnh đạo địa phương cho “lên bờ xuống ruộng”.

Mặt khác, khi nói đến chất lượng giáo dục, tức là phải tính đến việc giáo dục kiểm soát được toàn bộ quá trình hoạt động, quy trình giáo dục, kiểm soát được các điều kiện tạo nên chất lượng giáo dục. Có kiểm soát được quá trình, quy trình giáo dục thì đầu ra mới đảm bảo. Mặt khác, chất lượng Giáo dục lại phụ thuộc vào điều kiện chất lượng đội ngũ, phụ thuộc vào chương trình, SGK và phương pháp của người thầy. Nhìn vào thực tế mấy chục năm qua, cái khó nhất ở ta vẫn là khó kiểm soát được quá trình giáo dục. Và các điều kiện bảo đảm cho chất lượng giáo dục lại rất không đồng bộ, đồng đều.

Nhà báo Thu Hà: Xem ra tỷ lệ học sinh tiên tiến là một minh chứng điển hình của bệnh thành tích có đúng không ạ?

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Tỷ lệ tiên tiến cao không chỉ là bệnh thành tích của ngành giáo dục đâu. Đấy cứ nhìn vào xã hội sẽ thấy, hằng năm chúng ta có bao nhiêu lao động tiên tiến, bao nhiêu chiến sĩ thi đua, vậy sao đất nước vẫn nghèo, vẫn lạc hậu?

Ông Phạm Hiệp: Vấn đề bằng cấp, điểm số nước nào cũng như vậy, nước nào cũng thế. Đi học phải có bằng, có điểm; đó là điều bình thường, vấn đề không bình thường là ở chỗ chính sách và nói rộng ra là cách ứng xử với bằng cấp, điểm số.

Tôi có anh bạn học tiến sỹ ở Mỹ về được mời đi chấm luận văn. Sau khi đọc kỹ, anh ấy nói bài chỉ đạt 7 điểm, nhưng chủ tịch hội đồng “nói nhỏ” giỏi thì cho 10 điểm, khá 9 điểm, trung bình 8 điểm. Cho điểm cao để sinh viên có thể xin việc được. Việc này dẫn đến lạm phát điểm như lâu nay.

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Ở nước ta, sính bằng cấp là tập quán từ xưa rồi. Có bằng thì mới có cơ hội ra làm quan.

Đối chiếu với lịch sử, sẽ thấy đến giờ mà ta vẫn sử dụng nhân lực không khác gì so với thời phong kiến, chỉ dùng bằng cấp đề làm quan, và làm quan thì mới sống dễ chịu. Muốn thay đổi tình trạng này, phải thay đổi chính sách nhân sự.

Nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên: Đúng vậy. Cần phải thấy một điều, người dân rất giỏi trong việc tìm ra các kẽ hở để đối phó với chính sách giáo dục. Kiểu nào họ cũng có thể tìm ra. Nhiều bậc cha mẹ lo cho tương lai của con, ngay từ lớp 1, đã lo chạy điểm, để có học bạ, hồ sơ sạch đẹp. Đó là câu chuyện mà các thầy cô giáo đã kể cho tôi nghe, khi về cơ sở.

Ngay bản thân các thầy, cô giáo, từ hiệu trưởng, đến giáo viên chủ nhiệm cũng có lợi ích trong chuyện này. Ở ta lâu nay vẫn tồn tại một nền giáo dục vì lợi ích của người lớn chứ không phải là vì trẻ con đi học.

Nhà báo Thu Hà: Tôi cho rằng ở ta giáo dục có một sứ mệnh chính trị quan trọng.

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Cơ quan nào cũng có chức năng nhiệm vụ của mình và ta thường gọi đó là nhiệm vụ chính trị. Ngành giáo dục cũng thế thôi,  và vì là quốc sách hàng đầu nên có nhiệm vụ chính trị đặc biệt.

Nhưng tôi không thích cách gọi đó. Theo tôi, sứ mạng của giáo dục trước hết là dạy người ta hoàn thiện nhân cách, phát triển năng lực của mỗi cá nhân, từ đó hình thành đội ngũ nhân lực xây dựng và bảo vệ tổ quốc, chứ không phải chỉ chăm chăm đào tạo nhân lực theo kế hoạch, ý chí chủ quan của tổ chức, cá nhân nào đó.

Ông Phạm Hiệp: Theo tôi nhiệm vụ đầu tiên là đào tạo ra con người cụ thể có kỹ năng, có kiến thức, và có phẩm chất.

Chúng ta cần rạch ròi, hết cấp 2 phải có trình độ, kiến thức, kỹ năng như thế nào. Hết cấp 3 thì sao và hết đại học thì người lao động phải đạt được những gì.

Các nước có nền giáo dục phát triển khi bàn về giáo dục, người ta ít dùng những ngôn từ, khẩu hiệu mạnh mẽ mà bình tĩnh đề ra các qui định, chuẩn mực rất rạch ròi. Cách làm của ta và thế giới khác nhau rất là nhiều. Các nước họ đi vào chi tiết, còn chúng ta mất quá nhiều nhiều thời gian để bàn những thứ rất chung chung.

Nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên: Giáo dục có chức năng rất quan trọng. Chẳng thế mà cuộc sống đã đúc kết rằng, “giáo dục hôm nay, dân tộc ngày mai”. Giáo dục là một sứ mệnh- sứ mệnh đào tạo nhân lực lao động xã hội. Và vì vậy giáo dục phải làm sao là …. giáo dục, là “chính nó’.

Nhà báo Thu Hà: Ở các nước họ thường xây dựng chiến lược giáo dục rõ ràng, song hành với yêu cầu phát triển quốc gia, phải không?

Nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên: Nói chiến lược giáo dục ở  bất cứ quốc gia nào cũng là để tạo ra một nguồn nhân lực, đáp ứng thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và văn hóa theo mục tiêu quốc gia đó theo đuổi. Nói đầu tư cho giáo dục là đầu tư có lãi, chính còn là theo ý này.

Nhà báo Thu Hà: Mục tiêu rõ nhất do Đảng cộng sản Việt Nam đặt ra là phát triển đất nước theo hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vậy thì giáo dục trong 30 năm qua đã đóng góp những gì cho mục tiêu này?

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Một khi vẫn phải đề ra khẩu hiệu thì có nghĩa là vẫn chưa đạt được điều nêu trong khẩu hiệu đó. Nhưng chẳng riêng gì ngành giáo dục mà nhiều ngành khác chưa đóng góp được như mong đợi vào công cuộc xây dựng đất nước.

Ví dụ, một số ngành từng được coi là “quả đấm thép”, được ưu đãi, đầu tư rất nhiều, như đóng tàu, công nghiệp ô tô chẳng hạn, nhưng đến nay vẫn chưa làm được gì nhiều, chưa có bao nhiêu đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Nói điều này, tôi không có ý biện hộ cho ngành giáo dục, nhưng việc ngành nào, địa phương nào cũng yếu kém thì đó không còn là câu chuyện riêng của từng ngành mà phải nhìn vào chính sách chung xem có gì bất cập.

Không phải bàn cãi, công cuộc đổi mới khởi xướng năm 1986 đã tạo cú huých cho những sự thay đổi lớn lao. Nhìn lại giáo dục những năm trước đổi mới, Nhà nước giao chỉ tiêu bao nhêu thì ngành giáo dục chỉ đào tạo bấy nhiêu. Học xong, sinh viên được phân bổ về trường A, trường B, xí nghiệp này, xí nghiệp khác. Các đơn vị và địa phương dù cần hay không cần những nhân lực ấy vẫn nhận. Tất cả đều theo kế hoạch.

Bắt đầu từ Đổi mới, các trường đại học công lập mới có hệ B là hệ đào tạo theo nhu cầu của thị trường, sau đó mới ra đời các trường dân lập, tư thục… đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, nhu cầu hội nhập quốc tế.

Nhưng chúng ta cũng chỉ tiến được một bước để đáp ứng nhu cầu học tập, nhu cầu về số lượng nhân lực thôi. Còn chất lượng vẫn chưa đạt yêu cầu.

Nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên: Từ những năm của thập kỷ 50 chúng ta đã có 04 cuộc cải cách và đổi mới giáo dục. Còn nếu nhìn hẹp hơn, 30 năm qua chúng ta đã có 02 cuộc cải cách giáo dục hoặc đổi mới giáo dục đáng chú ý, để tương thích với sự vận động và thay đổi của xã hội.

Đó là cuộc cải cách giáo dục năm 1981, ngay sau đất nước thống nhất đất nước. Cuộc cải cách này đã đạt được một số mục tiêu. Đó là sáp nhập hệ thống giáo dục cả nước theo 12 năm, hai là sự thống nhất về chương trình.

Năm 2000, ngành Giáo dục lại tiến hành công cuộc đổi mới. Mục tiêu lớn nhất của cuộc đổi mới lần này, thậm chí được coi là duy nhất chính là đổi mới về phương pháp giảng dạy của thầy cô giáo kết hợp với các điều kiện về thiết bị. Tôi thấy rõ ràng cách đặt vấn đề của Bộ Giáo dục lúc đó là rất thành tâm, bởi Bộ thấy rõ thực trạng dạy chay- học chay của ngành mình, thấy rõ những hạn chế của mục tiêu giáo dục, khi các sản phẩm giáo dục đã không thích ứng được thị trường lao động. Tuy nhiên, kết quả của cuộc đổi mới này cuối cùng cũng vẫn không đạt được, không khả quan bởi vì những nguyên nhân chủ quan, khách quan. Khi mà hiện tượng dạy chay- học chay hiện nay ra sao ở các trường thì ngành giáo dục chắc chắn hiểu rõ nhất

Tuy nhiên, cũng phải nói sòng phẳng, giáo dục suốt 30 năm qua, cũng đã đáp ứng được ở một số phương diện nhất định. Bởi xét cho cùng, thành quả của công cuộc đổi mới chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường được như hôm nay là có sự đóng góp từ các sản phẩm của nhà trường, của ngành giáo dục Việt Nam.

Tôi chỉ có một chút suy tư là ở ta, hầu hết các cuộc cải cách hoặc đổi mới giáo dục thì ngành thường chọn khâu đột phá đầu tiên là thay đổi chương trình sách giáo khoa, coi như đó như là cứu cánh. Chúng ta đã đầu tư nhiều tỷ vào các chương trình đổi mới sách giáo khoa nhưng chất lượng sách thế nào lại là câu chuyện khác.

Có một ông chủ biên SGK đã chia sẻ thế này, “bản thân tôi là chủ biên nhưng tôi không có quyền quyết định. Tôi chọn người tham gia viết sách là người này, nhưng cấp trên lại yêu cầu tôi phải lấy người khác”. Dẫn ra ví dụ này để thấy, nếu đi vào từng ngóc ngách sẽ thấy có muôn vàn những cái khó hiểu.

Mặc dù, không thể phủ nhận được rằng thành quả đạt được hôm nay là sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam trong 30 năm qua.

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Tại sao người Việt Nam mình khi ra nước ngoài lại không vứt rác ra đường, không sẵn sáng gây gổ, nóng giận? Tại sao cũng là sản phẩm của mô hình giáo dục ấy, những người ở lại đất nước lại hồn nhiền vứt rác lung tung, sẵn sàng gây gổ khi có va chạm trên đường phố? Tại sao?

Câu trả lời của tôi, đó là do môi trường xã hội, là do chính sách ở tầm quốc gia, chứ không còn là câu chuyện của mỗi người.

(Còn tiếp)

Tuần Việt Nam