Trước khi chỉ trích một ai đó vì không làm mình vừa lòng, liệu có nên tự đặt câu hỏi: vậy ta đã tôn trọng họ chưa? Và ta phải làm gì để nhận được sự tôn trọng?

Luật bất thành văn

Không biết từ bao giờ đã xuất hiện một luật bất thành văn cho những người nổi tiếng đến Việt Nam, đó là họ phải mặc áo dài, đội nón lá, miệng ngọng nghịu: “Tôi yêu Việt Nam”, hoặc ít nhất cũng phải là “Xin chào Việt Nam”. Những ai từ chối làm điều đó rất dễ bị một đám đông giận dữ “buộc tội” coi thường Việt Nam.

Mới đây, một đội bóng hàng đầu nước Anh sang du đấu Việt Nam khiến người hâm mộ môn thể thao vua mất ăn, mất ngủ. Có người còn chạy bộ từ 2h sáng chỉ để hy vọng gặp được thần tượng. Trái lại, một đoạn clip được tung ra cho thấy các cầu thủ ngôi sao lạnh lùng phớt lờ cổ động viên.

Người quay clip thì luôn miệng gọi tên “Sterling, hãy nói Xin chào Việt Nam”, “Joe Hart, nói Tôi yêu Việt Nam đi”. Nhân vật được gọi tên thì lạnh lùng bước đi. Nhiều độc giả Việt theo dõi clip chỉ trích họ không tiếc lời. Có người so sánh với một đội bóng khác đến Việt Nam năm ngoái và họ đã thân thiện thế nào, hay các ca sĩ xứ Hàn Quốc ca ngợi Việt Nam thân thiện, mến khách ra sao.

Thế nhưng, chúng ta chờ mong điều gì từ những câu nói xã giao như vậy?

Mỗi người Việt Nam được giáo dục từ nhỏ về sự tự tôn dân tộc và hãnh diện về đất nước, về cảnh quan, về con người. Từ bé, chúng ta đã quen với việc được nghe các vị khách nước ngoài ca ngợi con người Việt Nam hòa đồng, mến khách. Khi có vị khách nước ngoài nào “đắc tội” kể về những ấn tượng xấu của họ với đất nước hoặc không tỏ ra thân thiện theo cách được trông đợi thì chúng ta gần như chỉ biết tổn thương và “ném đá”.

Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, sự tôn trọng mà một quốc gia có được phải do chính quốc gia đó đạt được, chứ không phải là đòi hỏi. Bắt một du khách, hay một người nổi tiếng phải nói “Tôi yêu Việt Nam”, “Xin chào Việt Nam”, để chứng tỏ sự thân thiện, bất kể trải nghiệm của họ chính là đang đòi hỏi sự tôn trọng một cách vô lý. Những lời cảm thán đó không làm tăng GDP cho quốc gia, không khiến chúng ta đẹp hơn trong mắt thế giới, trái lại, nó còn có thể tạo cảm giác khó chịu trong lòng du khách.

{keywords}

Nhóm nhạc T-ara Hàn Quốc đội nón lá trong một buổi biểu diễn tại Việt Nam. Ảnh: VnExpress

Tạo ra sự tôn trọng

Phải chăng thay vì nâng cao sĩ diện dân tộc khi bị người ngoài làm phật ý, hãy tập trung nhiều hơn khắc phục những vấn đề có thể làm xấu hình ảnh đất nước do chính chúng ta tạo ra?

Khi Singapore từ chối nhiều phụ nữ Việt nhập cảnh, chúng ta đã phẫn nộ. Cách xử lý của nước bạn đã hợp lý chưa sẽ là một vấn đề cần bàn luận, nhưng một điều không thể phủ nhận là hiện tượng du khách nữ Việt Nam sang hành nghề chui tại phố đèn đỏ ở đây đã đến mức khiến chính quyền họ phải “mạnh tay”.

Rồi những tấm bảng viết bằng tiếng Việt nhắc nhở hành vi “sáu ngón” tại siêu thị Nhật. Hay ngay cả người trong giới có tiền khi đi du lịch nước ngoài cũng khiến sĩ diện quốc gia bị tổn thương với hành vi xả rác, trốn vé, đi lậu tàu, thậm chí là ăn cắp như trường hợp gần đây của Thụy Sỹ.

Người Mỹ từng bị thế giới coi là thô kệch, thiếu văn minh khi những du khách của họ xuề xòa, thiếu tôn trọng văn hóa châu Âu vào thập niên 1960. Và hiện nay là đến lượt người Trung Quốc. Điều này chứng tỏ, hình ảnh một quốc gia rất dễ bị ảnh hưởng bởi hành vi của công dân họ tại nước ngoài.

Còn trong nước, nhận định rằng người Việt Nam hiếu khách liệu có còn đúng? Tình trạng chặt chém, trộm cắp, móc túi, xe dù vẫn tồn tại, mà các du khách là nạn nhân trực tiếp. Người nước ngoài đến Việt Nam để tìm kiếm bản sắc văn hóa của một đất nước có bề dày lịch sử, nhưng chắc chắn tệ nạn xã hội không thể là một phần bản sắc đó.

Để đạt được sự tôn trọng phải bắt đầu từ điều đơn giản nhất là mở lòng và thấu hiểu lẫn nhau.

Một người bạn của tôi từng sống ở đây 5 năm nhưng khi rời đi, anh trải lòng với tôi rằng Việt Nam mãi mãi là một bí ẩn với anh, vì chưa bao giờ anh thực sự được coi là một phần của nền văn hóa này, dù anh nói tiếng Việt rất giỏi và thấu hiểu văn hóa chúng ta. Có những khi chúng ta đã không thực sự mở lòng để đón chào những giá trị mới, những chủng tộc, con người mới muốn trở thành một phần của chúng ta?

Còn sự thấu hiểu lẫn nhau chính là khi đón tiếp một vị khách, chúng ta phải ứng xử sao cho họ biết rằng họ được tôn trọng theo cách họ mong đợi. Quay trở lại câu chuyện đội bóng nước Anh nọ, nếu ai theo dõi sẽ thấy sự thiếu kiến thức của người quay clip khi liên tục gọi tên các cầu thủ bằng họ của họ (family name). Đây là một điều cấm kỵ trong văn hóa giao tiếp tại xã hội Âu, Mỹ vì chỉ có cấp trên và người lớn khi ra lệnh mới được quyền gọi ai đó theo cách này.

Bởi vậy, không khó hiểu khi những cầu thủ này chọn cách thờ ơ, thậm chí khó chịu với cách hành xử của người quay clip. Rất tiếc, không nhiều người trong chúng ta thấy được sự bất cập đó, mà chỉ mong tìm sự tôn trọng xã giao.

Vậy thì, trước khi chỉ trích một ai đó vì không làm mình vừa lòng, liệu rằng có nên tự đặt câu hỏi: vậy ta đã tôn trọng họ chưa? Và ta phải làm gì để nhận được sự tôn trọng?

Lê Nguyễn Duy Hậu