Rõ ràng, nếu coi trẻ con tè dầm là vi phạm trật tự máy bay, việc mức phạt tương đồng với gây rối hay dọa bom là không phù hợp.

Vụ việc vợ chồng ca sĩ Lệ Quyên mỗi người bị phạt 4 triệu đồng vì hành vi cho con “tè” vào túi nôn trên máy bay thoạt nghe có vẻ rất hài hước. Tuy nhiên, vụ việc này có những vấn đề pháp lý khá thú vị, đáng phân tích sâu hơn. Nhất là ngày nay, khi máy bay đã trở thành phương tiện di chuyển ngày càng thông dụng, hiểu rõ luật hàng không sẽ là cần thiết cho mỗi hành khách.

Lệ Quyên bị phạt vì vi phạm gì?

Theo thông tin trên báo chí, vợ chồng ca sĩ Lệ Quyên đã cho con 4 tuổi đi tiểu vào túi nôn  trên máy bay ngay tại vị trí ghế ngồi của hành khách. Trong khi trước đó, tiếp viên đã phát thông báo: "máy bay đang giảm độ cao để hạ cánh, quý khách vui lòng trở về chỗ ngồi, dựng thẳng lưng ghế, gấp bàn ăn, cài dây an toàn và mở tấm che cửa sổ. Vì an toàn của chuyến bay, quý khách lưu ý không sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu phát sóng FM cho đến khi quý khách rời khỏi máy bay. Quý khách lưu ý hạn chế sử dụng phòng vệ sinh vào lúc này".

Thanh tra Cục Hàng không đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với vợ chồng ca sĩ Lệ Quyên, căn cứ vào điểm d, khoản 4, Điều 24, Nghị định 147/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Văn bản quy định hành vi “vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay” bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng. Do đó, hai vợ chồng Lệ Quyên mỗi người bị xử phạt 4 triệu đồng (mức trung bình trong khung phạt nêu trên).

Có phải là “vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay”?

“Vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay” là một khái niệm rất rộng. Bản thân một văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định 147 cũng không thể liệt kê đầy đủ được. Những hành vi nào bị coi là “vi phạm trật tự, kỷ luật” phụ thuộc chủ yếu vào quy định của ngành hàng không cũng như các hãng hàng không (thông qua các cảnh báo, nhắc nhở đối với hành khách).

Xem xét trong trường hợp máy bay đang hạ cánh, căn cứ vào các cảnh báo phổ biến của các hãng hàng không, một số hành vi sau có thể bị coi là “vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay”: không trở về chỗ ngồi khi không cần thiết; không thắt dây an toàn; không dựng thẳng ghế; không mở cửa sổ; sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu phát sóng FM. Một số hãng hàng không còn yêu cầu hành khách phải đặt túi xách phía dưới ghế ngồi phía trước để đảm bảo an toàn khi cất cánh, hạ cánh.

Để hiểu mục đích của quy định này cần đặt nó trong bối cảnh chung của Mục 7, Chương 2, Nghị định 147 về “vi phạm quy định về an ninh hàng không”. Có thể hiểu rằng hành vi “vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay” ở đây phải có khả năng uy hiếp đến an ninh hàng không nói chung và an ninh chuyến bay nói riêng.

Từ những suy luận trên, tôi không cho rằng cho trẻ con đi tiểu vào túi nôn là “vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay” có khả năng uy hiếp đến an ninh hàng không. Ở đây, tôi không có ý bào chữa cho cư xử chưa đúng mực của vợ chồng Lệ Quyên, nhưng xét về mặt pháp lý, bản thân hành vi đó chưa vi phạm điểm d, khoản 4, Điều 24, Nghị định 147. Với một đứa trẻ 4 tuổi, đi tiểu vào túi nôn cũng tương tự như “tè dầm” mà thôi. Không thể coi là một việc gây ảnh hưởng đến an ninh hàng không được. Tất nhiên, hai vợ chồng Lệ Quyên không vi phạm pháp luật khi thực hiện hành vi trên với điều kiện dây an toàn cho cháu bé vẫn được cài đúng quy định.

{keywords}
Di chuyển bằng máy bay ngày càng trở nên thông dụng. Ảnh: Thanh Niên

Trẻ con “tè dầm” không thể coi như “gây rối” và “dọa bom”

Cũng trong khoản 4, Điều 24, chúng ta thấy một số hành vi vi phạm khác rõ ràng mang tính chất gây nguy hiểm cho an ninh hàng không như “gây rối, kích động, lôi kéo người khác gây rối làm mất an ninh, trật tự trong khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng” hay “tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, cht phóng xạ, vũ khí sinh hóa học mà chưa gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động hàng không dân dụng”.

Giống như các hành vi “gây rối” hay “dọa bom” nêu trên, việc “vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay” bị phạt ở mức 3-5 triệu đồng. Rõ ràng, nếu coi trẻ con tè dầm là vi phạm trật tự máy bay, việc mức phạt tương đồng với gây rối hay dọa bom là không phù hợp. Mức phạt 4 triệu mỗi người (tương đương 1 tháng thu nhập trung bình của người Việt Nam) là quá cao so với một hành vi nhỏ. Điều này một lần nữa cho thấy rằng coi hành vi của Lệ Quyên là “vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay” mà có khả năng uy hiếp đến an ninh hàng không là không thuyết phục.

Theo đuổi con đường pháp lý

Là người của công chúng, Lệ Quyên chắc chắn hiểu rất nhiều người đang quan tâm tới sự việc này. Thông cảm có, chê có. Theo những thông tin từ báo chí, Lệ Quyên không cảm thấy sự hợp tình hợp lý của quyết định xử phạt. Tôi không rõ cô có theo đuổi con đường pháp lý để bảo vệ quyền của mình hay không. Nếu có, vợ chồng cô có thể khiếu nại với chính cơ quan ra quyết định (Thanh tra Cục Hàng không) hoặc khởi kiện ra tòa án hành chính. Cá nhân tôi, dựa trên những phân tích quy định Luật hàng không, cho rằng quyết định xử phạt không có căn cứ pháp lý đúng đắn và cần được hủy bỏ.

Bùi Tiến Đạt

(Giảng viên Khoa Luật-ĐHQGHN, NCS Đại học Macquarie, Australia)