Khi nói đến việc bảo tồn cầu Long Biên cũ nhiều người chỉ chú ý đến chức năng bảo tồn của cây cầu mà ít chú ý đến mục đích của việc làm cầu là vì vận tải, do nhu cầu của vận tải.

Đầu năm 2015, thành phố Hà Nội có văn bản trình Thủ tướng chính phủ đề nghị xây dựng cầu vượt sông Hồng trong dự án đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi – Yên Viên tại vị trí cách cầu Long Biên hiện nay 75m về phía thượng lưu .

Trước đó, đầu năm 2014 Bộ giao thông vận tải đã trình Thủ tướng ba phương án xây dựng cầu vượt sông Hồng trong dự án đường sắt đô thị số 1, cả 3 phương án đều chọn lựa xây cầu mới đúng tim cầu Long Biên hiện nay .

Cuối năm 2014 Thủ tướng đã có quyết định không được phá dỡ cầu Long Biên cũ, để trả lời các phương án xây dựng cầu vượt sông Hồng của Bộ Giao thông Vận tải.

Cho đến nay, Thủ tướng chưa có quyết định cuối cùng về vị trí xây dựng cầu vượt sông Hồng trong dự án đường sắt đô thị số 1. Nhưng nhìn chung trong dư luận hiện nay, xu thế chung đang nghiêng về phương án xây dựng cầu vượt sông Hồng mới theo phương án của Thành phố Hà Nội.  

Là một người suốt đời làm việc trong ngành đường sắt cho đến lúc nghỉ hưu, tôi rất quan tâm đến dự án đường sắt đô thị số 1 trong đó có cầu vượt sông Hồng. Tôi xin góp một vài ý kiến như sau.

{keywords}{keywords}
Cầu Long Biên ngày xưa

Thực chất của “bảo toàn nguyên gốc”

Mâu thuẫn chủ yếu trong việc lựa chọn phương án xây dựng cầu vượt sông Hồng không nằm ở việc xây dựng cầu mới mà nằm ở chỗ bảo tồn cầu Long Biên cũ.

Về điểm này, rất nhiều ý kiến cho rằng cầu Long Biên là một di sản của Hà Nội (tuy chưa làm xong thủ tục để được công nhận là di sản quốc gia), đồng thời cho rằng Hà Nội không thể thiếu cầu Long Biên. Trong đó có rất nhiều ý kiến yêu cầu bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên.

Ở đây chúng ta cần làm rõ, cầu Long Biên có 2 giai đoạn lịch sử: giai đoạn 1 từ năm 1902 - 1965 là cầu Long Biên còn nguyên vẹn; giai đoạn 2 từ năm 1965 đến nay là cầu Long Biên đã bị bom đạn Mỹ phá hoại, nhiều lần phải khôi phục cải tạo để sử dụng. Cầu Long Biên dài 2.296m, có 19 nhịp dầm thép nặng 5.600 tấn, đã bị bom đạn Mỹ đã đánh hỏng cầu nhiều lần, đã qua nhiều lần cứu chữa, hiện chỉ còn lại 9 nhịp dầm cầu thép nguyên bản cũ, khoảng 2.000 tấn.

Chắc rằng các ý kiến yêu cầu bảo tồn cầu Long Biên không nhằm bảo tồn cầu Long Biên có thực trạng đã trải qua bom đạn thời chống Mỹ như ngày nay, mà là bảo tồn cầu Long Biên có vóc dáng kiến trúc đẹp của giai đoạn đầu sau khi cầu được xây dựng.   

Tuy nhiên có một điều bắt buộc là cho dù lựa chọn phương án nào thì gầm cầu Long Biên vẫn phải nâng cao lên thêm 3m so với hiện nay, và một số trụ cầu phải được phá bỏ để xây lại bảo đảm các nhịp cầu có chiều dài từ 60m trở lên. Đó là đòi hỏi của việc xả lũ và thông thuyền vận tải đường thủy nhằm phục vụ cho sự phát triển của đất nước .

Như vậy, thực chất của việc bảo tồn cầu Long Biên như nguyên gốc là phải xây dựng lại một cầu Long Biên mới theo thiết kế cũ, trong đó phải gia công 4.000 tấn dầm cầu thép theo thiết kế cũ, đồng thời phải xây lại các trụ cầu đúng với yêu cầu chịu lực của cầu, nhưng, mặt khác, không trái với yêu cầu của việc xả lũ và thông thuyền của sông Hồng.

{keywords}

Đường sắt đô thị sẽ góp phần giải quyết đi lại của nhân dân thủ đô

Có cần xây thêm cầu thứ 3?

Yêu cầu phát triển của Hà Nội tạo ra áp lực rất lớn cho ngành giao thông vận tải, vì vậy nhà nước mới quyết định xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi – Yên Viên. Với năng lực vận tải của tuyến đường sắt 2 chiều chạy tàu kế tiếp tự động, tuyến đường ấy hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân hai bờ sông Hồng.

Đồng thời cách cầu Long Biên không xa còn có cầu Chương Dương năng lực vận tải cũng khá lớn, do đó khu vực ấy không có nhu cầu làm thêm một cây cầu thứ 3 nữa. Khi nói đến việc bảo tồn cầu Long Biên cũ nhiều người chỉ chú ý đến chức năng bảo tồn của cây cầu mà ít chú ý đến mục đích của việc làm cầu là vì vận tải, do nhu cầu của vận tải.

Ga Hà Nội và cầu vượt sông Hồng mới thuộc dự án đường sắt đô thị số 1 trong mạng lưới giao thông đô thị của thủ đô. Theo quy hoạch, sẽ xây dựng một cây cầu đường sắt nối tuyến đường sắt từ Hải Phòng đi về ga Ngọc Hồi, sau đó đường sắt quốc gia sẽ không trực tiếp đi vào ga Hà Nội nữa mà chỉ kết nối với mạng lưới giao thông đô thị của Hà Nội tại các ga nằm trên vành đai đường sắt xung quanh thành phố như Như Quỳnh, Gia Lâm, Yên Viên, Đông Anh, Phú Diễn , Hà Đông, Ngọc Hồi… Vì vậy chúng ta không phải lo lắng đến việc đoàn tàu chuyên chở hàng hóa đường sắt đi qua cầu Long Biên mới .

Tuyến đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi – Yên Viên là một tuyến giao thông trọng điểm của Hà Nội chỉ dùng để vận tải hành khách, khi đưa vào sử dụng nó sẽ có tác dụng rất lớn đến việc chống ùn tắc giao thông của thành phố. Cần thiết phải có giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường này. Chúng ta không còn nhiều thời gian để lựa chọn, kéo dài thời gian đưa vào sử dụng tuyến đường này sẽ gây ra thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế và sự đi lại của nhân dân. Kéo dài 20 năm cho một phương án làm cầu qua sông Hồng của dự án này thực là có lỗi với dân, với thủ đô.

Không phải vô cớ mà cả ba phương án do Bộ Giao thông Vận tải trình lên chính phủ đều chọn lựa phương án cầu mới vượt sông Hồng đi đúng tim cầu Long Biên cũ. Đó là kết quả của rất nhiều chuyên gia khoa học kỹ thuật và quản lý của ngành giao thông vận tải làm việc nghiêm túc trong nhiều năm tháng, khảo sát tính toán, so sánh đối chiếu các phương án khác nhau để đưa ra những kết luận đó. Có thể nói vị trí cầu Long Biên hiện tại là địa chỉ vàng cho cây cầu qua sông Hồng của tuyến đường sắt đô thị số 1 đã hoạch định.

Còn theo thông báo các cuộc hội thảo của các hội nghề nghiệp khác trong đó có rất nhiều chuyên gia, nhà quản lý các lĩnh vực văn hóa, kiến trúc đô thị…, được biết số đông muốn giữ lại cầu Long Biên cũ. Điều ấy cũng không có gì lạ, nó thể hiện lòng mong muốn tốt đẹp của chúng ta muốn giữ lại một cảnh đẹp trong quá khứ trước đây.

Nhưng cảnh đẹp đó không còn nữa, nó đã bị bom đạn Mỹ cướp đi cách đây 50 năm rồi. Bây giờ chúng ta sẽ phải xây môt cây cầu mới, dáng vẻ nó không giống hoặc không hoàn toàn giống với cây cầu cũ nhưng phải là một cây cầu đẹp, vẫn phải là một cảnh đẹp mới, một kiến trúc văn hóa mới của Hà Nội. Vấn đề là nên mời các nhà văn hóa, mỹ thuât, các kiến trúc sư… đóng góp ý kiến vào dáng vẻ của cây cầu mới để thỏa lòng mong ước của chúng ta.

(Còn tiếp)

Nguyễn Hữu Bính