Thay vì tạo sức ép dư luận để giải quyết một núi công việc, thì hãy tập trung từng vấn đề và giải quyết một cách quyết liệt theo tầm quan trọng và tính cấp bách.
LTS: Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ giáo dục về việc đóng góp ý kiến cho dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của Doanh nhân Đỗ Thùy Dương, tổng giám đốc một công ty về giáo dục.
Tôi muốn chia sẻ một số suy nghĩ ngắn trước khi thực sự đi vào những khuyến nghị cụ thể cho từng vấn đề.
Là người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, tôi may mắn được đi nhiều, quan sát và trò chuyện với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, cũng đồng thời là người có con nhỏ đang theo học tại gần như cả 3 cấp học phổ thông ở các loại trường công, tư và quốc tế khác nhau. Với hiểu biết hạn hẹp đó và trải nghiệm cá nhân như vậy, tôi nhận thấy:
Không phải toàn bộ "Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể", và cũng không phải "toàn bộ hệ thống giáo dục" của chúng ta đang có vấn đề. Nên trước khi có kiến nghị thì cần xác định lại đúng vấn đề để kiến nghị bởi nếu đặt vấn đề sai đi, chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức hoặc thậm chí cái cần bỏ thì lại giữ, mà cái cần giữ thì lại bỏ (ví như hệ thống trường chuyên).
Câu hỏi ở đây không phải là "thay đổi hệ thống giáo dục" mà là "làm thế nào để nhân rộng mô hình trường tốt”. Ảnh minh họa |
Với kiến thức hạn hẹp của tôi, có 5 vấn đề cụ thể cần giải quyết ngay như sau:
1. Xây dựng chuẩn quốc gia theo định hướng của các chuẩn mực quốc tế
Trong phụ lục của bản dự thảo chương trình giáo dục phổ thông, tôi có thấy những khung yêu cầu về “biểu hiện năng lực chung”. Đi vào chi tiết sẽ có nhiều nội dung cần bàn, tuy nhiên, thống nhất với dự thảo ở quan điểm.
Cần có một chuẩn quốc gia về trí lực, thể lực, năng lực và đầu ra nhằm đạt mục tiêu là chất lượng nguồn nhân lực tương thích với khu vực và thế giới. Theo định hướng đó, sẽ xây dựng lộ trình dần dần cho các trường. Trường nào đạt chuẩn quốc gia thì hướng tới chuẩn quốc tế, trường nào chưa đạt chuẩn quốc gia thì hướng tới chuẩn quốc gia. Tất cả các chuẩn này nên nằm trên cùng một đường thẳng, xây dựng lộ trình rõ ràng để trường học và gia đình cùng phối hợp tiến bước. Ví dụ như chuẩn IELT hoặc TOEFL trong môn tiếng anh, cứ học và thi như vậy.
2. Nhân rộng mô hình trường tốt, cải tổ hệ thống trường công
Ở các thành phố lớn, nếu nhìn vào sự lựa chọn của nhiều gia đình được coi là quan tâm đến chất lượng thực sự của giáo dục và có điều kiện để lựa chọn, thì vẫn có những lựa chọn tốt như Trường Olympia, Alpha, Vinschool, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu.... ở phía bắc, và tương tự ở phía nam cũng có một số lựa chọn tốt.
Như vậy, câu hỏi ở đây không phải là "thay đổi hệ thống giáo dục" mà là "làm thế nào để nhân rộng mô hình trường tốt” hoặc “cải tổ hệ thống trường công” thế nào cho phù hợp.
Những trường học được kể tên nêu trên, về cơ bản, cũng đã tự đầu tư rất nhiều tiền của và công sức để nghiên cứu lựa chọn hướng tiếp cận phù hợp, và cũng đã được phụ huynh, học sinh chấp nhận.
Đấy là những mô hình giáo dục đã có sản phẩm cụ thể, tạo được lòng tin cho phụ huynh và học sinh. Những thế hệ học sinh rời Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu ra nước ngoài học đều có trình độ tương ứng và hoà nhập tốt, các trường như Olympia, Vinschool và Anpha tuy mới, cũng được phụ huynh tin tưởng, ủng hộ.
Nếu xác định vấn đề là làm thế nào để cải tổ hệ thống trường công trên cơ sở học hỏi và rút kinh nghiệm từ những trường tư thành công, là một giải pháp khả thi và có thể từng bước triển khai ngay
3. Ở các tỉnh thành phố nhỏ hơn, ở đâu cũng có những trường tốt, và do dân số không quá đông, số lượng học viên chưa có nhiều. Vấn đề nằm ở việc đào tạo kỹ năng cho giáo viên và kỹ năng quản lý, tư duy và nghiên cứu độc lập cho các nhà quản lý giáo dục, hiệu trưởng cách trường, để họ tự chủ đề xuất các giải pháp phù hợp với nhu cầu tại địa phương. Trên lộ trình hướng tới chuẩn quốc gia về mô hình và chất lượng.
- Xây trường, cải thiện cơ sở vật chất, quy hoạch chuẩn về phân bố trường học.
- Cải thiện năng lực quản lý, lãnh đạo nhà trường và liên tục cập nhật bổ sung năng lực để đội ngũ giáo viên có thể triển khai và rút dần khoảng cách về các môn ngoại ngữ, kỹ năng so với thành phố.
4. Bên cạnh những vấn đề khác nhau, thì có các vấn đề chung sau:
1. Việc dạy và học Tiếng Anh
2. Việc định hướng nghề nghiệp các cấp
3. Việc rèn luyện thể lực
4. Rèn luyện đạo đức học sinh/ giáo viên
5. Vấn đề cuối cùng, trong khuôn khổ suy nghĩ ngắn này tôi thấy cần phải đặt ra là: Phụ huynh chưa thực sự nhận trách nhiệm và chưa "biết cách" quan tâm đến việc định hướng và giúp đỡ con học, cũng như giúp đỡ thầy cô giảng dạy. Mối quan hệ thầy trò, cũng như tình cảm giữa gia đình học trò và thầy giáo không còn được như xưa. Cuộc sống bận rộn đã biến đổi thành hoặc thương mại quá, hoặc quá khoảng cách, hoặc hoàn toàn thiếu đối thoại, những buổi họp phụ huynh chưa thực sự chỉ ra được giải pháp mà còn mang tính hình thức, nộp tiền và lấy bảng điểm.
Từ những vấn đề ở trên, để có thể cùng phân tích và đưa ra một giải pháp phù hợp, có thể triển khai thành kế hoạch hành động. Các trường có thể tự chủ trong triển khai sẽ là hợp lý hơn. Môt chiến lược tổng thể và chưa biết bao giờ mới có thể thành công.
Trích lời một chuyên gia người Việt đang giảng dạy tại Đại học Postdam Đức về quản lý giáo dục: "Nếu xét trên đầu tư giáo dục/đầu người tại Việt Nam, chúng ta đang làm khá hiệu quả, và nếu xét trên chất lượng đào tạo cơ bản ( toán, lý, hoá....) chúng ta cũng đang làm tốt”.
Thay vì tạo sức ép dư luận để giải quyết một núi công việc khổng lồ khiến các nhà quản lý bối rối, khó có thể hoàn thành trong một nhiệm kỳ, thì hãy tập trung từng vấn đề và giải quyết một cách quyết liệt theo tầm quan trọng và tính cấp bách. Ví như chuyện Học tiếng Anh, hoặc chuyện Cải tổ đạo đức nhà trường.
Đỗ Thùy Dương