Một sự chân thật cần có nữa là nội dung của ngày Khai giảng vốn nhiều phần lễ lạt mang tính nghi thức lê thê, buồn ngủ mà thiếu phần hội hè cho trẻ em.

Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2014 - 2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: “Từ nhiều năm nay tôi đã dự khai giảng, và thấy rằng ngày giờ khai giảng của các trường phụ thuộc vào… lãnh đạo. Thời tiết nắng hay mưa cũng phải xếp hàng mà chờ. Tôi có cố gắng phát biểu nhưng biết bên dưới chẳng mấy học sinh để ý”.

Sau ý kiến của Phó Thủ tướng và công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường học trên toàn quốc sẽ thống nhất tổ chức Lễ khai giảng năm học mới cùng trong một ngày 5/9/2015. Các hoạt động trong ngày lễ này cũng tập trung vào học sinh và tránh sự rườm rà của những thủ tục phiền phức, trong đó có việc đón các lãnh đạo đến phát biểu ý kiến.

Đây là lần đầu tiên sau hàng vài chục năm, chúng ta có cơ hy vọng Lễ khai giảng năm học mới trở lại truyền thống cũ vốn đáng được trân trọng và gìn giữ. Tuy nhiên, đây mới là một nửa vấn đề.

{keywords}
Ngày khai trường phải thực sự trở thành ngày hội của các em. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Ngày tựu trường thật và Lễ khai giảng hình thức

Cứ cho là học sinh và phụ huynh đã đáp ứng được mong mỏi có một ngày Khai trường cùng lúc trên toàn quốc thì Lễ hội này hiện vẫn là hình thức. Lý do bởi các học sinh trên toàn quốc đã đi học từ đầu tháng 8. Như vậy, học xong gần cả tháng ròng mới Khai trường, thành thử nên như chuyện “sinh con rồi mới sinh cha”.

Báo chí đã đăng tải ý kiến của thạc sĩ  Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM, cho biết trước đây, chương trình cải cách giáo dục là 165 tuần (mỗi năm 33 tuần), sau chương trình mới năm 2000 là 175 tuần (năm học có 35 tuần), số tuần thực học của bậc tiểu học do bộ quy định, vừa đúng cuối tháng 5 hằng năm là bãi trường, kết thúc năm học. Tuy nhiên, khi chương trình mới bắt đầu từ năm 2000, Bộ GDĐT đã tính đến phương án một số địa phương do thời tiết khắc nghiệt nên bộ muốn có thời gian dự trữ, đề phòng vào những lúc thời tiết xấu, học sinh phải nghỉ học cũng không ảnh hưởng đến chương trình nên mới có chuyện học sinh học trước ngày khai giảng từ 2-3 tuần.

Cứ cho là quy định “lo xa” của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hữu ích, vậy nếu đã thế sao không dời luôn ngày khai trường vào đúng ngày học sinh cả nước thực sự tựu trường? Bởi vì đó mới là ngày thực sự  nên làm Lễ khai giảng năm học mới đúng nghĩa. Bởi nếu không thì vẫn tồn tại Ngày tựu trường thật và Lễ khai giảng hình thức, lấy lệ.

Mà hình thức, lấy lệ này là do Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra chứ không phải là do cha mẹ hay chính các em học sinh mong muốn. Vì vậy, dù muốn hay không, cả cha mẹ học sinh và các em không thể nào “nặn ra” cảm xúc tươi mới, trân trọng, nâng niu ngày đầu tiên của buổi tựu trường như ngày xưa từng có. Bởi đã là cảm xúc tốt đẹp luôn phải bắt nguồn từ sự chân thật.

Biến ngày tựu trường thành Lễ hội

Một sự chân thật cần có nữa là nội dung của ngày Khai giảng vốn nhiều phần lễ lạt mang tính nghi thức lê thê, buồn ngủ mà thiếu phần hội hè cho trẻ em. Thành thử ngày Khai giảng lâu nay ở không ít nơi đã biến thành sự kiện của người lớn. Nơi mà Ban giám hiệu trường này cạnh tranh với Ban giám hiệu trường kia về mối quan hệ, khả năng “mời mọc” lãnh đạo, ra oai hình thức mà học sinh chỉ là một thành tố trong “vở kịch” chứ không phải là chủ nhân trung tâm.

Trong khi với một quốc gia hiếu học như Việt Nam, thiết nghĩ việc thực hiện ngày Khai trường như một lễ hội cho trẻ em là rất hữu ích. Bởi Lễ hội này nếu được tổ chức đúng nghĩa, thật trang trọng thì ngay cả trong khung cảnh bình dị nhất cũng làm cho các em yêu mến và quý báu học vấn, trí tuệ, kích thích sự ham hiểu biểt và khám phá.

Bởi vậy nên chăng các nhà quản lý giáo dục và thày cô, nhân cơ hội “bật đèn xanh” từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên thực sự biến ngày Khai trường thành ngày hội của trẻ em. Theo đó, các phần lễ lạt nên tối giản ở mức cần thiết mà tăng thêm phần hội cho các em tham gia với nhiều sinh hoạt đội nhóm tự nhiên, vui tươi và lành mạnh. Và với nhiều trường học, nhiều cấp học mà học sinh đã đủ khả năng, vì sao không giao hẳn cho các em tự lo ngày lễ này của mình và chỉ cần sự hướng dẫn và hỗ trợ của thày cô mà thôi?

Tại sao chúng ta không tổ chức những cuộc thi về những lễ hội trẻ em nhân ngày tựu trường do chính các em tạo ra hay nhất, tự nhiên nhất và khuyến khích trên các phương tiện truyền thông đại chúng?

Những câu hỏi này, một lần nữa xin nhường lại cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời.

Nguyễn Anh Thi