Nếu tiếp tục tư duy mỳ ăn liền, nuôi tăng trọng, cấy ba vụ, số lượng hơn chất lượng, xuất khẩu nguyên liệu thô, tham thị trường dễ tính, thì tương lai của nền nông nghiệp sẽ như chính những sản phẩm đó.
Thấy Việt Nam sản xuất lúa gạo với số lượng đứng thứ 02 thế giới, có người đã vỗ ngực, đất nước đã cất cánh và bay cao lắm rồi. Nhưng nhìn vào chất lượng nông sản thì có lẽ chỉ như cánh cò đang bay là là trên mặt ruộng.
Thực phẩm… rỗng
Mấy tuần trước, người viết gặp anh Nguyễn Đức Lưu, Công ty thuốc Thú y Hanvet, nghe anh say sưa kể về cách thức marketing nhất là lần dự hội thảo về thực phẩm chức năng, nghe một ông thao thao cả tiếng mà không chán. Anh bảo, có khi bỏ nghề thuốc thú y để chuyển sang chế biến thực phẩm chức năng, hái ra tiền.
Tay marketing cho rằng trong thời đại bùng nổ khoa học kỹ thuật, rất nhiều thực phẩm cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày đã trở nên trống rỗng. Gà, vịt, lợn, bò nuôi bằng thuốc tăng trọng. Lợn nuôi 03 tháng đã lên hàng tạ, gà đẻ 03 quả trứng/ một ngày. Trong khi đó, ngày xưa nuôi một con lợn từ 4-5 kg mất cả năm mới được 50-60 kg. Gà vịt cho ăn thật tốt vào ngày mùa may lắm đẻ ngày một quả, còn thường phải cách nhật.
Ăn thử hai loại thịt lợn, một loại nuôi 03 tháng được hàng tạ, một loại cả năm mới được nửa chừng ấy, người thưởng thức sẽ hiểu thế nào là “ngắn ngày và dài ngày”. Sự nhạt nhẽo của thịt và trứng gà công nghiệp không thể so với gà vườn, gà đồi, trứng đẻ trong cái ổ rơm ở quê và nghe tiếng cục tác vang cả xóm làng mỗi lần nàng mái mang nặng đẻ đau.
Rau ăn cũng thế, su hào, bắp cải, bí đao, đậu xanh, mồng tơi chỉ cần thêm chút thuốc kích thích sinh trưởng, sẽ lớn vù vù, trông thì rõ ngon, nhưng ăn vào chẳng rõ sẽ sao.
Thấy hiện lên một sự thật, thực phẩm ngày nay đã bị kém chất lượng rất nhiều. Trong khoa học gọi là thực phẩm rỗng. Dân kinh doanh đồ ăn phải dùng cái mác nuôi trồng tự nhiên - organic. Bên Mỹ cũng thế, phàm là organic, giá bao giờ cũng cao gấp rưỡi, gấp đôi.
Dân bán thực phẩm chức năng mới có đất sống và quảng cáo chỉ vài viên mỗi ngày sẽ bù đắp vào phần thiếu hụt cho thực phẩm rỗng.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu lúa gạo nhiều nhất thế giới song chất lượng nông sản vẫn là vấn đề gây lo ngại. Ảnh minh họa |
Từ câu chuyện gạo Việt Nam
Còn nhớ ngày trước, đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn của cả nước, mỗi năm gieo trồng hai vụ lúa nước, hạt lúa đủ 150 ngày chắt chiu nên cho ra hạt gạo chắc mẩy, đậm đà. Nồi cơm thơm lừng chỉ cần chan nước mắm cũng đủ ngon, chất lượng gạo không thua kém bất kỳ gạo ở đâu
Từ khi khuyến nông, đưa vụ ba (thu đông) vào gieo trồng với những giống lúa ngắn ngày, năng suất cao “chị hai năm tấn” chất lượng hạt gạo kém hẳn. Hạt lúa không đủ thời gian sinh trưởng, đất đai bạc màu vì không có thời gian nghỉ, không tận dụng được nguồn phù sa phì nhiêu từ sông Mekong trong những tháng lũ về, phải bón phân nhiều hơn và đồng thời sử dụng thuốc trừ sâu, trừ dịch bệnh nhiều hơn.
Nhìn sang những mặt hàng nông sản khác, nhà nước vẫn luôn định hướng người nông dân trồng cây gì, nuôi con gì nhưng đầu ra lại bế tắc cộng với việc chỉ chú trọng sản lượng mà không chú trọng vào chất lượng nên không xuất được sang các nước có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng.
Nông sản Việt Nam trông chờ vào hàng xóm nên mỗi khi “anh ấy” phủi tay thì bà con nông dân lại lao đao, từ hành khô, dưa hấu cho đến hoa quả các loại ế sưng trên biên giới.
Bên cạnh đó, thói làm ăn gian dối, hám lợi của nhiều người càng làm cho thực phẩm ngày càng độc hại. Tẩm ướp hóa chất, phun xịt thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng…, mọi thứ cho vào miệng.
Trách họ nhưng cũng cần nhìn lại, các mặt hàng xăng, điện tăng kéo theo chi phí sản xuất tăng nhưng đời sống không tăng theo một cách tương ứng. Người lao động thu nhập ngày càng ít đi trong khi phải chi phí nhiều, bắt buộc họ phải chọn các loại thực phẩm rẻ tiền cho bữa cơm gia đình dù biết không chất lượng và thậm chí độc hại.
Người sản xuất cũng chỉ cố sản xuất cho nhanh, rẻ để bán với giá thành hạ, đáp ứng nhu cầu ham “ngon, bổ, rẻ” của người tiêu dùng, dù biết không thể có cái tam giác cân “ngon, bổ, rẻ”.
Cái vòng lẩn quẩn không có lối thoát ngày càng siết chặt người nông dân, người kinh doanh, người lao động, người tiêu dùng dẫn đến các giá trị khác về đạo đức, lương tâm và niềm tin, nhân bản bị xói mòn. Càng ngày con người càng nghĩ ra nhiều cách để lừa nhau, để tạo ra các loại thực phẩm rỗng.
Theo quy luật cung cầu, khi cầu lớn hơn cung thì hàng hóa mới bán chạy. Song song đó là chất lượng sản phẩm có uy tín thì giá thành mới cao. Trong bối cảnh Ấn Độ, Pakistan gia nhập thị trường xuất khẩu gạo, Campuchia đang lên và sắp vượt mặt Việt Nam, Trung Quốc không có nhu cầu nhập gạo giá rẻ từ Việt Nam, hàng nông sản bị tồn ứ trầm trọng tại cửa khẩu Lào Cai năm nào cũng vậy.
Giải pháp nào cho nông nghiệp sau 30 năm đổi mới
Từ khi đổi mới 1985, từ một quốc gia nhập bo bo ăn thay gạo, nay Việt Nam sản xuất gạo đứng thứ 04 trên thế giới (43,7 triệu tấn – năm 2014), sau Trung Quốc, Ấn độ và Indonesia và trên Thái Lan (37,8 triệu tấn).
Thái Lan đứng đầu thế giới, đạt 8,5 triệu tấn, Việt Nam đứng thứ 2 với 6,5 triệu tấn. Nhưng số đô la xuất khẩu gạo thu được của Thái Lan là 4,42 tỷ so với Việt Nam chỉ đạt 1,5 tỷ, chỉ bằng 1/3 số tiền của Thái. Đằng sau con số ngoại tệ của Thái Lan là chất lượng gạo hơn hẳn gạo Việt Nam chỉ bán giá rẻ.
Đã đến lúc các nhà hoạch định kinh tế, các nhà khoa học cần vào cuộc vạch ra chiến lược phát triển cụ thể cho ngành nông nghiệp Việt. Cần phải thay đổi tư duy “tham sản lượng”, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về chất lượng và các chỉ số an toàn thực phẩm, tạo uy tín cho nông sản, đi vào tinh chế các sản phẩm ít về số lượng nhưng chất lượng cao, nhằm vào thị trường khó tính nhất là TPP sắp tới, khi thuyết phục được khách hàng thì đó là kế làm ăn lâu dài.
Theo Viện lúa gạo thế giới (IRRI), hiện có khoảng 02 tỷ người đang bị cái đói giấu mặt đe dọa. Họ có thể được ăn đầy bụng nhưng lại thiếu vitamins và chất khoáng (minerals) giúp cho cơ thể khỏe mạnh.
Người nghèo không đủ tiền để mua thực phẩm chất lượng cao có đủ chất khoáng (thịt, đường, sữa). Người châu Á chuyên tiêu thụ gạo hàng ngày, trẻ em, phụ nữ thường thiếu các chất như sắt, kẽm, vitamin A, mà hai lớp người này đóng vai trò chủ đạo cho phát triển nhân loại. Để tìm giải pháp dinh dưỡng cho hai tỷ người, viện IRRI đang kêu gọi sản xuất ra loại gạo đủ chất khoáng cần thiết cho sức khỏe. Tương lai lúa gạo lại thuộc về ai nắm giữ chìa khóa này. Là nước thứ 02 xuất khẩu gạo, Việt Nam đã bao giờ nghĩ đến chiến lược toàn cầu này chưa? Và có nghĩ đến việc sản xuất các mặt hàng nông sản khác một cách khoa học hơn là dựa vào kinh nghiệm của nền văn minh lúa nước?
Nếu tiếp tục tư duy mỳ ăn liền, nuôi tăng trọng, cấy ba vụ, số lượng hơn chất lượng, xuất khẩu nguyên liệu thô, tham thị trường dễ tính, thì tương lai của nền nông nghiệp sẽ như chính những sản phẩm đó.
Xem thêm các bài trong mạch 30 năm đổi mới nhìn từ lĩnh vực Nông nghiệp:
|