Ở nhiều nước, các giải thưởng lớn về nghệ thuật không do nhà nước mà do các tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoặc những quỹ nghệ thuật bình xét và trao tặng.

“Đến hẹn lại lên”, cứ mỗi đợt xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), dư luận lại xôn xao tranh luận. Khi thì có nghệ sĩ trượt vì “đời tư”, khi thì có nghệ sĩ rất ảnh hưởng trong công chúng không đạt, trong khi trường hợp ít người trông đợi hơn lại đạt…

Đã có rất nhiều ý kiến bàn về sự bất hợp lý của tiêu chuẩn như thâm niên trong nghề, số huy chương, thủ tục rườm rà. Do đó, ở đây tác giả bài viết không bàn sâu về những điều này, mà muốn góp một vài ý kiến vào việc cải cách cơ chế tôn vinh nghệ sĩ.

Nghệ sĩ của… hội đồng thẩm định

Không thể phủ nhận là trong lịch sử hơn 30 năm tồn tại (kể từ 1984), nhà nước đã thay mặt nhân dân công nhận những cống hiến lớn lao cho nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ và trao tặng cho họ những danh hiệu NSND, NSƯT xứng đáng. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là những lần xét duyệt gần đây ngày càng chứng tỏ sự bất cập của cơ chế này, khiến cho nhiều người (ngay cả những người từng là thành viên của hội đồng thẩm định) phải đặt ra câu hỏi liệu các danh hiệu trên có còn cần thiết hay không.

Với mong muốn đảm bảo tính dân chủ từ dưới lên trên và tính chọn lọc chặt chẽ, theo Nghị định 89/2014, việc xét tặng danh hiệu được thực hiện qua 4 cấp: từ Hội đồng cấp cơ sở tại đơn vị nghệ thuật cơ sở, đến Hội đồng cấp bộ và cấp tỉnh, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, và cuối cùng Hội đồng cấp Nhà nước.

Hầu hết các nghệ sĩ khi làm hồ sơ đã đáp ứng các tiêu chuẩn về: (i) trung thành với Tổ quốc, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế của cơ quan; (ii) có đủ thâm niên công tác; (iii) có đủ số lượng các giải quốc gia. Có lẽ điều khó khăn nhất là làm sao để đánh giá nghệ sĩ đạt tiêu chuẩn về “Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ” (đối với NSND)  hay “Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ” (đối với NSƯT).

Sự đánh giá về đạo đức, tài năng, uy tín này hoàn toàn tùy thuộc vào nhận định chủ quan của các thành viên Hội đồng xét tặng, như nhiều nghệ sĩ và người am hiểu quy trình này chia sẻ. Có lẽ vì muốn đảm bảo các nghệ sĩ được trao danh hiệu phải “được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ”, quy trình đỏi hỏi một tỷ lệ tán thành rất cao ở mọi cấp hội đồng: 90%. Điều này có nghĩa là ở Hội đồng cấp cơ sở với 5 đến 7 thành viên, 90% đồng nghĩa với 100% (vì chỉ cần 1 người không tán thành tỷ lệ đã dưới 90%). Ở các Hội đồng cấp cao hơn với số lượng thành viên cao hơn, chỉ cần 2 đến 3 người không đồng ý thì tỷ lệ đã dưới 90%.

Với cơ chế bỏ phiếu kín, các thành viên Hội đồng không cần phải giải thích về lá phiếu của mình. Nếu cần giải thích thì họ chỉ cần nói là chưa đủ uy tín, chưa đủ tài năng là xong. Có thể thấy rằng mặc dù mang danh nghệ sĩ “của nhân dân”, cơ chế xét duyệt đã tạo ra những nghệ sĩ “của hội đồng thẩm định”.

{keywords}
Việc nghệ sĩ Chí Trung "trượt" danh hiệu NSND mới đây khiến dư luận rất quan tâm

Nhà nước có cần can thiệp?

Cơ chế xét tặng danh hiệu nghệ sĩ “tập trung” như hiện nay có lẽ đã không còn hợp thời. Quy trình xét tặng đã rất chặt chẽ rồi nhưng chính sự chặt chẽ đó lại làm các hội đồng trở thành “cái máy” của cơ chế xét duyệt. Chính vì vậy, đôi khi các hội đồng thiếu sự nhìn nhận linh hoạt, không đồng cảm với công chúng, gây ra tình trạng một số trường hợp đạt hoặc không đạt đều gây ầm ĩ trong dư luận.

Có lẽ cái gốc của vấn đề là nhà nước có cần là người thực hiện việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ hay không. Không phải ngẫu nhiên mà chỉ còn một vài nước trên thế giới (như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ) phong tặng danh hiệu NSND như Việt Nam.

Thiết nghĩ, việc Nhà nước ôm đồm bình xét danh hiệu cho các lĩnh vực nghệ thuật rất đa dạng  (âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, múa, phát thanh, truyền hình…) vẫn thể hiện tư duy của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp những năm 1980. Theo đó, nhà nước có trách nhiệm lo toan và can thiệp vào rất nhiều việc của đời sống dù nhỏ hoặc không cần thiết.

Trong khi đó, tư duy của một nhà nước hiện đại là việc gì người dân có thể tự làm được thì nhà nước không ôm đồm mà để người dân tự lo liệu. Một nhà nước mạnh là nhà nước tập trung nguồn lực để làm những việc mà người dân không thể làm được. Thực tế thế giới và Việt Nam cho thấy có nhiều việc tư nhân (tức người dân) tự làm còn giỏi hơn nhà nước. Các giải thưởng danh giá thế giới về điện ảnh (Oscar), âm nhạc (Grammy) v.v… đều không dính dáng đến nhà nước.

Các nước vinh danh nghệ sĩ ra sao?

Ở nhiều nước, các giải thưởng lớn về nghệ thuật không do nhà nước mà do các tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoặc những quỹ nghệ thuật bình xét và trao tặng. Không có một giải thưởng hay danh hiệu chung cho nghệ sĩ ở mọi lĩnh vực mà có nhiều giải thưởng, danh hiệu do nhiều tổ chức trao cho những đối tượng nghệ sĩ khác nhau.

Chẳng hạn, ở Mỹ có giải thưởng The Artprize của tổ chức The DeVos Foundation, có giá trị từ 20.000 - 200.000 USD, dành cho mọi nghệ sĩ từ 18 tuổi. Hàng năm có 16 người được trao giải (10 do công chúng bầu chọn và 6 do chuyên gia chọn). Mỹ cũng có The Bucksbaum Award được trao bởi tổ chức The Whitney Museum and the Bucksbaum Family Foundation, có giá trị 100.000 USD và mỗi năm chỉ trao cho 1 nghệ sĩ. Ngoài ra ở Mỹ có thể kể đến các giải thưởng: The Rob Pruitt Awards, The Malcolm Award, A Macarthur Fellowship, The Hugo Boss Prize, The Leonore Annenberg Prize For Art And Social Change…

Ở Pháp có giải The Duchamp Prize được quản lý bởi The Association for the International Diffusion of French Art (ADIAF), Centre Pompidou, và FIAC, có giá trị 40.000 USD, được trao cho 1 nghệ sĩ mỗi năm.

Nói đến Ý, phải kể đến giải thưởng The Golden & Silver Lions. Nga có Giải thưởng Plastov trị giá tận 627.000 USD cho 16 nghệ sĩ. Vương quốc Anh phải kể đến The Turner Prize dành cho nghệ sĩ dưới 50 tuổi.

Trả lại sân chơi cho các tổ chức xã hội – nghề nghiệp của nghệ sĩ

Có lẽ chính các hiệp hội nghề nghiệp của các nghệ sĩ ở từng lĩnh vực nghệ thuật mới hiểu rõ nhất về thành tựu và sự phát triển của lĩnh vực đó. Hãy để họ tự đề xuất và xét các danh hiệu, giải thưởng. Nhà nước, nếu cần, chỉ làm hai việc: Thứ nhất, nhằm đảm bảo tính trang trọng của sự vinh danh, nhà nước công nhận danh hiệu, giải thưởng theo sự đề cử của các hiệp hội nghề nghiệp. Thứ hai, nhà nước có thể hỗ trợ kinh phí để các hiệp hội trao thưởng.

Khi các hiệp hội, các quỹ nghệ thuật đã gây dựng được các giải thưởng được xã hội công nhận và tự gây được quỹ cũng như thu hút được các nguồn tài trợ, có lẽ nhà nước cũng không cần làm hai việc trên nữa.

Bùi Tiến Đạt