Một trong những “tính trạng trội” của dân ta được thể hiện rõ nhất là ai cũng cho mình là “ngoại lệ”, là “đáng” được ưu tiên hơn người khác.
Tôi có một đồng nghiệp được cho là có nhiều tiến bộ trong cách nghĩ và nhìn nhận các vấn đề xung quanh cuộc sống. Chị luôn cẩn trọng trong công việc và đời sống hàng ngày, tuân thủ các quy định và luật pháp, hành xử nhẹ nhàng và phù hợp chốn đông người.
Trong lĩnh vực giáo dục, chị cho rằng không nên nhồi nhét kiến thức vào đầu con trẻ và đặt nặng thành tích học tập của học sinh cấp 1. Thay vào đó, cần định hướng và trang bị cho học sinh các phương pháp giúp khám phá xã hội, môi trường và dần dần tìm cách để tồn tại và phát triển một cách hài hòa.
Thật bất ngờ khi chị chính là một trong những người xếp hàng làm đổ cổng một ngôi trường thuộc dạng “điểm” của Hà Nội để xin cho con vào học lớp 1. Đáp lại sự ngạc nhiên của tôi, chị chậm rãi: “Dù sao mình vẫn là người VN, đang sống ở VN, nên rất khó làm khác những gì xã hội đang làm. Mình ủng hộ những cái mới, cách tiếp cận tiến bộ, nhưng mình vẫn phải đảm bảo cho con mình không quá khác biệt với thế hệ của chúng”.
“Vấn đề nằm ở chỗ để mình không quá khác biệt và có thế “sống ổn” trong xã hội này. Nhiều lúc chúng ta phải chấp nhận lờ đi một vài nguyên tắc và phớt lờ hay giả lơ những vấn đề mà khi còn trẻ chúng ta xem là nghịch lý”, chị giải thích thêm.
Hãy nhìn qua khung cửa kia, ngoài đó chính là nơi tính trạng trội của dân ta được thể hiện rõ nhất. Sự hỗn loạn và khó kiếm soát trong giao thông có phần nguyên nhân quan trọng từ việc ai cũng cho mình là “ngoại lệ”, là “đáng” được ưu tiên hơn người khác. Nếu nhỡ tôi có vượt đèn đỏ cũng chỉ vì hoàn cảnh, vì bất đắc dĩ, không giống như nhiều người khác, những kẻ coi thường pháp luật.
Có nhiều người luôn sẵn sàng đổ hết lỗi lầm hay khuyết điểm lên xã hội theo cách: “ai đó đã làm sai cái gì đấy, chứ nhất định không phải là tôi”! Chắc chắn nhà trường hoặc giáo viên có vấn đề gì đấy chứ con tôi không thể học hành yếu kém như thế này được! Ở nhà cháu thông minh và nhanh nhẹn lắm!...
Cuối năm nếu có thành tích tốt thì đúng là “con nhà nòi” còn khi không được như ý muốn thì chắc chắn hệ thống giáo dục đang có vấn đề, hay cách tiếp cận cổ điển quá, không phát huy được tiềm năng của học sinh…
Cổng trường Thực Nghiệm bị đạp đổ hồi năm 2012. Ảnh: Thanh niên |
Để không bị mang tiếng là khác người, là ngông cuồng, là ngớ ngẩn trong xã hội ngày hôm nay, mỗi người Việt trong quá trình trưởng thành đã phải học rất nhiều kỹ năng và vốn sống cơ bản. Trong đó đa phần không giống với những gì chúng ta được dạy hay cảm nhận từ sách vở. Tất cả những vốn liếng đó là để phục vụ cho một cá nhân hay một nhóm người không bị “khác” hay đi ngược với cách thức tổ chức xã hội hiện thời. Tuy không ai bảo ai, nhưng hầu hết dân chúng đều tự thích ứng hay buộc phải thích ứng cùng các kỹ năng sống sau đây:
Sống chung với “lũ”: xác định các tiêu cực, bất cập trong xã hội là thường xuyên và lâu dài nên đa số dân chúng không tìm sách khắc phục hay sửa lỗi. Thay vào đó họ tìm cách thích ứng và chung sống với các bất cập này. Lâu dần các bất cập này được xem như muôn mặt đời thường. Qua đó định hình một nền tảng xã hội thiếu chuẩn mực, nơi cho phép và thừa nhận những thứ mà xã hội khác cho là suy đồi và cần bị loại bỏ như tham nhũng, trốn lậu thuế hay vi phạm luật... Kết quả là các giá trị xã hội sai lệch.
Xanh nhà hơn già đồng: do ảnh hưởng ít nhiều từ quá khứ nghèo khó và kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm qua, đa phần dân ta ít khi mạo hiểm đầu tư vì không thể đánh giá hết được các tác nhân gây rủi ro, đặc biệt các rủi ro mang yếu tố con người, như thay đổi chính sách hay quy hoạch treo vốn vẫn đang xảy ra như “chuyện thường ngày ở huyện”.
Chính vì không thể dự báo và kiểm soát được rủi ro ở mọi cấp độ, nên nhiều người có tâm lý rằng hầu hết các thất bại của mình không phải do sự yếu kém của bản thân mà do các tác nhân từ bên ngoài gây ra.
Cách tư duy này đã và đang dẫn đến hai xu hướng hành động từ hai loại đối tượng (i) các chủ doanh nghiệp không dám làm lớn hơn nên đem bán thương hiệu cho nước ngoài khi vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển; (ii) người lao động hay thường dân ít khi nghĩ rằng mình chưa làm hết trách nhiệm và nỗ lực cần thiết; thay vào đấy là quy trách nhiệm cho một ai đấy mà Nhà nước là tiện lợi nhất khi không ai bị quy kết một cách cụ thể. Cuối cùng thì cũng không ai phải chịu trách nhiệm.
Mạnh trong ứng phó, yếu trong phòng ngừa: VN được đánh giá là có truyền thống lâu đời trong ứng phó với thiên tai, đặc biệt là trong giai đoạn khẩn cấp. Do hạn chế về nguồn lực, mà cụ thể là tích lũy tư bản chưa bao giờ được nhiều nên rất khó đầu tư cho biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên chúng ta lại làm rất tốt công tác ứng phó khi thiên tai xảy ra.
Đặc tính này dường như đã giúp định hình nên cách tư duy của người mình khi ít ai chú ý đến hay đầu tư cho các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn. Khi xảy ra bất kỳ biến cố nào, cả cộng đồng được huy động tối đa để ứng phó một cách hiệu quả. Một khi xã hội được phục hồi trở lại, người ta nhanh chóng quên đi các biến cố kia và mỗi khi có biến cố mới. Chúng ta tuy vẫn luôn ứng phó rất tốt, nhưng hiệu suất, hiệu quả trong bài toán kinh tế và an sinh xã hội là rất thấp. Về cơ bản xã hội Việt Nam luôn ẩn chứa nhiều rủi ro trên con đường đi đến thịnh vượng.
Nhìn nhận từ ba khía cạnh nêu trên, có thể thấy các thế mạnh của VN có thiên hướng và lợi thế cho một xã hội thường xuyên thay đổi và có tính động tương đối cao (đậm chất thời vụ, sự vụ) giống như trong thời kỳ “quá độ” hay “chuyển tiếp”; nhưng lại tương đối bất lợi hoặc chưa phù hợp cho việc củng cố và xây đắp một xã hội ổn định và bền vững. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân khiến VN vẫn đang loay hoay trên con đường phát triển?
Biết mình là ai, đang ở đâu và cần phải bổ sung những gì để có thể tạo nên những thay đổi mạnh mẽ luôn cần thiết không chỉ cho tầng lớp lãnh đạo và các vấn đề thể chế, mà còn cho mỗi một công dân và các vấn đề ứng xử trong xã hội.
Biết mình cần gì cũng chính là cách giúp mỗi người hiểu và thông cảm được nhu cầu của người khác để học cách hợp tác và chia sẻ lợi ích cùng nhau. Khi đó những khác biệt có thể được xóa nhòa vì cái chung của đất nước; còn các khác biệt chính là để bổ trợ lẫn nhau. Được như vậy cánh cổng ngôi trường kia sẽ chỉ còn vai trò trang trí.