"Nghe thì hơi ngược tai và lạ đời, nhưng Nhà nước nên ngừng hỗ trợ tiền cho hỗ nghèo, mà có chính sách cho những hộ khá vay"

Xem bài trước:  Việt Nam và chuỗi giá trị rời rạc

LTS: Trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, ngoài ý kiến của các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, quản lý… thì góc nhìn và thông tin trực tiếp từ địa phương vô cùng quan trọng. Phóng viên Tuần Việt Nam trò chuyện với ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Easar, huyện Eakar, tỉnh Đaklak.

Mời độc giả xem phóng sự bằng hình ảnh:

Không thể trông đợi hiệu quả kinh tế từ trồng rừng

Nhà báo Hoàng Hường:Thưa ông, khi nói tới phát triển kinh tế địa phương, quản lý đất đai, người ta lại đề cập đến vấn đề nông trường. Từ quan sát của ông, hoạt động của nông trường thế nào? làm ăn có hiệu quả hay không?

Ông Nguyễn Văn Sỹ: Ở xã này không có đất của nông trường, nhưng mà các xã khác thì có. Đối với nông trường, thực chất bên ngoài chúng tôi nhìn thấy người dân người ta làm có trách nhiệm hơn.

Ý ông nói nông trường không phát huy được hiệu suất kinh tế nhưng họ vẫn được tồn tại? Đâu là lý do: chưa có chính sách hay là những người có trách nhiệm họ chưa nhìn ra vấn đề này?

Những người có trách nhiệm họ chưa nhìn ra vấn đề. Họ ở trên cao làm chính sách, nên họ chưa nhìn ra thực tế của kinh tế nông trường.

Hoàng Hường: Tôi nhìn thấy hầu như địa phương này không còn rừng nữa, các nông trường có tác động vào việc làm mất rừng hoặc làm thay đổi đời sống bản địa không?

Ông Nguyễn Văn Sỹ: Thực chất ra bên xã này thì không có nông trường và rừng cũng không có. Trước kia có rừng nhưng giờ thì xã đã cấp hết đất rừng cho dân rồi. Rừng chỉ còn ở khu vực bảo tồn thiên nhiên và một số ít rừng sản xuất, rừng nhân tạo ở địa phương thôi.

Thực chất ra trồng rừng chỉ có lợi cho biến đổi khí hậu, nhưng hiệu quả mang lại từ kinh tế rừng hầu như không có. Cách đây 5 năm chúng tôi trồng bạch đàn và cây keo, 5 năm trời khi chúng tôi bán chỉ được 25 đến 30 triệu/1ha. Khi bán xong, thuê máy móc vào để cải tạo đất để trồng lại thì là vừa hết số tiền đó. Nói rằng là trồng rừng để xóa đói giảm nghèo cho dân thì chưa có.

Nếu Nhà nước muốn trồng rừng để chống biến đổi khí hậu, chống xói mòn thì Nhà nước phải hỗ trợ cho người dân gạo ăn hàng tháng và vật nuôi, hoặc là cây trồng gì đó; chứ trông ngóng vào thu nhập ở rừng thì không có hiệu quả. Cho nên, người dân không có mơ tưởng gì đến chuyện trồng rừng.

Chính sách phát triển nên đi bắt đầu từ đầu tư cơ sở hạ tầng là đường giao thông, đường điện để người dân phát triển kinh tế, chứ đầu tư dàn trải, thời gian này hỗ trợ 100.000 – 200.000VND/một người là không ăn thua gì. Phát triển hạ tầng thì trên cơ sở đó, giao thương hàng hóa nông sản thuận lợi sẽ tạo ra thu nhập cao mới có thể xóa nghèo.

Chính sách thứ hai là Nhà nước cần có một hướng đi khác cho nông dân là đào tạo cán bộ chuyên về nông nghiệp. Ở địa bàn có đến 98 - 99% dân số làm nông nghiệp thì phải đào tạo cán bộ kỹ thuật để trực tiếp định hướng, hướng dẫn cho dân cả cách sản xuất và quản lý kinh tế gia đình. Nếu không họ thu nhập được đến đâu là tiêu sạch đến đấy rồi lại nghèo ngay. 

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Sỹ. Ảnh: Hoàng Hường

Hoàng Hường: Nhưng ngoài vấn đề hạn chế, thì có những cái ngoại cảnh vượt quá khả năng tính toán của người dân. Ví dụ giá nông sản luôn đi sau giá giống và phân bón. Vấn đề thị trường như thế là ngoài khả năng tính toán của họ, những nhà quản lý, quy hoạch nên hỗ trợ thế nào?

Mình phải định hướng cho người dân là không nên cứ làm theo mặt hàng nông sản truyền thống. Khi cung vượt cầu thì rẻ, nhưng người ta không tính năm nay rẻ thì năm sau đắt. Đối với địa phương chúng tôi, qua nhiều năm thực tế người dân thay đổi nhiều loại cơ cấu cây trồng, đến bây giờ cũng lựa chọn được ra loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao và đang tính định hướng cho người dân là cây tiêu và cây vải.

Hoàng Hường:Khi khuyến khích người dân tập trung trồng một loại cây thì lại bị lũng đoạn thị trường, sản phẩm bị rẻ đi. Có nên khoanh vùng sản xuất không, theo ông?

Ông Nguyễn Văn Sỹ: Ở vùng này cây tiêu vẫn mới, chưa bị bệnh và tôi khẳng định trong thời gian tới vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cây vải thì đơn giản dễ trồng, chất đất phù hợp và đặc biệt là chín sớm hơn so với ngoài Bắc một tháng nên khá được giá. Hiện tại ở Tây Nguyên cây vải vẫn rất ít. Chúng tôi đã thí điểm, đảm bảo thu nhập 300 triệu/1ha từ cây vải.

Hoàng Hường:Nhà máy mía đường là đầu ra cho nông sản trong vùng, nhưng người dân lại chuyển loại cây trồng thì quan hệ giữa nhà máy đường với lại nông dân thì sẽ phải giải quyết như thế nào? Làm sao để hài hòa lợi ích hai bên?

Ông Nguyễn Văn Sỹ: Cây mía ảnh hưởng rất lớn vào thị trường thế giới. Hơn nữa, trình độ canh tác của người dân tộc thiểu số năng suất thấp, thành ra sản phẩm là không có lãi, và nếu dân ồ ạt chuyển sang trồng cây mì (sắn) sẽ làm suy thoái đất rất nhanh.

Trước mắt muốn xóa đói giảm nghèo bền vững thì phải trồng cây công nghiệp, nếu cứ trồng các loại ngô, đậu, bắp, mì, thậm chí mía cũng không thể làm nổi. Muốn làm giàu từ mía phải có diện tích ít nhất từ 7-10ha trở lên, 1-2ha trồng mía thì không ăn thua. Trước mắt bà con chuyển sang trồng mì, chúng tôi khuyến cáo cây trồng mì chỉ có củ được hai năm, sang năm thứ ba tỷ lệ xói mòn đất rất lớn.

Thu nhập từ cây mía thấp nên người dân chuyển đổi. Để đảm bảo vùng nguyên liệu cho nhà máy, thì những vùng quy hoạch vẫn phải thực hiện, không được chuyển sang loại cây khác. Đồng thời chúng tôi khuyến cáo nếu bà con đua nhau phá mía để trồng mì, hoặc các loại cây khác, đến lúc cây mía lên giá quay lại không kịp.

Nhà máy muốn giữ vùng nguyên liệu cũng phải giữ mối liên hệ với người dân, ký hợp đồng, và mua sản phẩm với giá người dân chấp nhận được.

{keywords}
Cây mì (sắn) được người dân trong xã Yasar lựa chọn trồng thay thế cây mía. Ảnh: Hoàng Hường

Nên ngừng hỗ trợ người nghèo, đầu tư cho người giàu

Hoàng Hường: Có ý kiến rằng một trong những nguyên nhân việc hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương không hiệu quả bởi vì tiền được đưa trực tiếp. Thực tế là thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Sỹ: Đặc thù của Tây Nguyên là đông người dân tộc thiểu số, đông người nghèo, chúng ta nên có phương pháp khác để người nghèo nhanh thoát nghèo. Những năm vừa rồi Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế, rồi hỗ trợ cho 120.000 nghìn/1 khẩu, thực chất chẳng giải quyết được gì cho người nghèo, nó mang tính dàn trải.

Theo suy nghĩ cá nhân tôi, trong một khu vực dân cư nổi lên một vài hộ khá, một vài người khá thì Nhà nước nên đầu tư vào những người đó. Bởi nhẽ, người biết làm ăn sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm và sẽ thuê nhiều người nghèo làm việc. Người nghèo vừa làm thuê, vừa học kinh nghiệm của người có điều kiện để cả hai cùng phát triển và quản lý kinh tế.

Nhà nước đầu tư tập chung chính sách hỗ trợ cho những người khá vay vốn, tạo điều kiện cho họ tiếp cận khoa học – kỹ thuật để họ phát triển kinh tế chính gia đình họ và sau đó giúp những người khác cùng phát triển.  

Hoàng Hường: Tức là thay vì đầu tư dàn trải, Nhà nước nên tập trung đầu tư cho người nổi lên vì biết làm ăn?

Ông Nguyễn Văn Sỹ: Nghe thì hơi ngược tai và lạ đời, nhưng thực chất đúng như vậy. Không phải hỗ trợ tiền, mà Nhà nước nên có chính sách cho họ vay ưu đãi với lãi suất thấp, thời gian dài để đầu tư phát triển kinh tế. Trước mắt họ sẽ tạo công ăn việc làm cho những người nghèo tại địa phương. Một ngày công làm thuê cũng được 150– 200 nghìn tiền công. Thu nhập 3.5 - 4 triệu cho một người/một tháng là không nghèo.

Hoàng Hường: Ông có nhìn nhận như thế nào về chính sách 132?

Ông Nguyễn Văn Sỹ: Chính sách 132 hỗ trợ được cho người dân, nhưng khi cấp đất lại chỗ ở một nơi, đất sản xuất một nơi xa. Người dân đi lại để sản xuất rất vất vả. Suốt ngày đi đi, về về đã mất hết thời gian, cuối cùng không hiệu quả mấy.

Hoàng Hường: Còn chính sách vay vốn thì sao?

Ông Nguyễn Văn Sỹ: Thực chất người biết làm ăn tiếp cận ngân hàng vay vốn rất đơn giản. Bây giờ tất cả các ngân hàng đều mở cửa, dân không có sức vay thôi. Lãi suất cũng thấp chứ không cao. Người ta ngại vì sợ làm ăn thua lỗ, không có tiền trả ngân hàng xiết nợ, thu hồi tài sản. Hướng cơ bản để phát triển kinh tế hộ gia đình và xóa đói giảm nghèo nên bắt đầu từ chính bản thân họ, chứ tất cả các chính sách chỉ là tác động.

Kỳ sau: Mắc ca:“Nữ hoàng thị phi” nhất trong lịch sử cây trồng

Hoàng Hường(Thực hiện)