Một khi cơ chế giám sát, kiểm tra có vấn đề hoặc phẩm chất đạo đức suy thoái thì khó tránh khỏi xu hướng các đảng viên có chức quyền sẽ lạm dụng vị trí công tác để biến của công thành của riêng một cách trót lọt.

LTS: Tuần Việt Nam xin giới thiệu tiếp kì 2 bài viết góp ý văn kiện ĐH Đảng XII của TS Phạm Gia Minh.

>> Xem lại Kì 1: Cùng cơ chế thị trường, tại sao nhiều nước không bứt phá?

Đã nhiều lần chúng ta chứng kiến những mô hình quản lý tiên tiến rất thành công ở nước ngoài nhưng lại thất bại khi áp dụng ở Việt Nam. Câu giải thích tréo ngoe thường gặp là “Nước mình nó thế!”.

Không chấp nhận sự khác biệt

Nhìn từ góc độ của thể chế (hiện và ẩn) thì xã hội Việt Nam hội tụ cả những đặc tính của thể chế dung hợp (inclusive– dung nạp, chấp nhận sự khác biệt) và bất dung hợp (extractive– không chấp nhận sự khác biệt trong khi một số nhóm người được ưu ái hưởng các đặc quyền đặc lợi trong sử dụng các nguồn lực và cơ hội thăng tiến một cách bất bình đẳng nếu so sánh với các nhóm cộng đồng dân cư khác).

Đường lối phát triển kinh tế nhiều thành phần hiện nay với các quy định pháp luật cụ thể là một phần của thể chế hiện mang tính dung hợp.

Chính sách đoàn kết Lương – Giáo và hòa giải, hòa hợp giữa người Việt ở trong và ngoài nước với chính kiến khác nhau cũng mang hình dáng của một thể chế hiện có tính dung hợp.

Truyền thống tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách”, thái độ hòa hiếu giữa các cộng đồng dân cư  thờ phụng những tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau để cùng chung sống hòa thuận làm ăn,  đoàn kết chống ngoại xâm với tinh thần Diên Hồng hình thành bao đời nay của các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Việt Nam là minh chứng sinh động của thể chế ẩn mang tính dung hợp có bề dày lịch sử - văn hóa.

Bên cạnh đó trong xã hội Việt Nam cũng còn có nhiều biểu hiện đậm nét của thể chế mang tính bất dung hợp.

{keywords}

Thu hẹp dần phạm vi chi phối can thiệp hành chính vào doanh nghiệp phải là một trọng tâm của cải cách thể chế. Ảnh: CPV.org.vn

Ví dụ như chính sách ưu ái doanh nghiệp nhà nước trong việc cấp vốn, sử dụng đất, tiếp cận thị trường…bất chấp khối doanh nghiệp này đạt hiệu quả sử dụng vốn thấp, tạo ra ít việc làm. Trong khi đó khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh mặc dù tạo ra 45% GDP lại đang hàng ngày phải vật lộn với  muôn vàn khó khăn để vay được vốn ngân hàng,  kiếm mặt bằng sản xuất và đối phó với cả rừng thủ tục thuế và hành chính khác.

Theo báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014 thì tổng số diện tích khối doanh nghiệp nhà nước nay đang quản lý xấp xỉ 7,5 triệu ha tương đương 23,2% diện tích tự nhiên cả nước nhưng tính chung mỗi ha mang lại thu nhập hàng năm chỉ xấp xỉ 10kg gạo!  (Tuổi trẻ ngày 22/9/2015)

Trong khi đó, nếu giao đất cho người dân với danh nghĩa là chủ sở hữu đất đai thực sự thì hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi sinh sẽ cao gấp bao nhiêu lần và tình trạng tham nhũng ở các cơ quan quản lý đất đai sẽ giảm được bao nhiêu?

Cái gốc của vấn nạn này nằm ở khiếm khuyết mang tính thể chế (và là thể chế hiện tức là các quy định pháp luật).

Lạm dụng chức quyền biến công thành tư

Những cải cách theo hướng phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN mà nét đặc trưng là kết hợp giữa nhiều hình thức sở hữu tư nhân, tập thể với sở hữu toàn dân là chủ đạo, sử dụng đòn bẩy thị trường dưới sự quản lý của nhà nước trong 30 năm qua đã gặt hái những thành công bước đầu. Tuy nhiên hiện nay nó cũng đã và đang đặt xã hội trước những thách thức to lớn mà nguyên nhân sâu xa vẫn là vấn đề sở hữu chưa được giải quyết thấu đáo.

Phần lớn tư liệu sản xuất, cơ hội kinh doanh và đất đai hiện nay thuộc hình thức sở hữu toàn dân nhưng được đặt dưới sự quản lý của nhà nước. Về thực chất, nhân dân đã ủy quyền cho các cơ quan nhà nước thực hiện quyền sở hữu của mình.

Để quản lý khối tài sản toàn dân đó, trên thực tế nhà nước phải phân quyền cho các cấp địa phương, các Tổng công ty và Doanh nghiệp nhà nước trực tiếp kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đồng thời đáp ứng những quy luật của nền kinh tế thị trường. Hiện nay 54% DNNN do các địa phương, 27% do các Bộ, ngành và 19% do các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước quản lý (Tạp chí Tuyên giáo số 4 ngày 22/9/2015).

Một trong những nguyên tắc hàng đầu của qui trình phân quyền là người được giao quyền phải có đủ năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức đồng thời chịu sự giám sát khách quan, độc lập của một bên thứ ba và phải định kỳ báo cáo công khai, minh bạch trước công luận. Điều này trên thực tế đã bộc lộ những bất cập nghiêm trọng làm suy giảm hiệu quả của nền kinh tế, lòng tin của nhân dân và sự ổn định xã hội.

Không phải ngẫu nhiên mà hơn 70% các vụ khiếu kiện trên cả nước trong thời gian qua đều liên quan tới đất đai. Nhiều quan chức địa phương đã trở nên cực giàu trong một thời gian ngắn cũng vì nhờ lỗ hổng hiện nay của Luật đất đai.

Việc điều lệ đảng cho phép đảng viên được làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô đã góp phần giải phóng năng lực nội tại của nền kinh tế, mặt khác những người được nhân dân ủy quyền và nhà nước phân cấp giao quyền quản lý nguồn vật lực và đất đai của toàn dân hiện nay phần lớn đều là đảng viên.

{keywords}

Không phải ngẫu nhiên mà hơn 70% các vụ khiếu kiện trên cả nước trong thời gian qua đều liên quan tới đất đai. Ảnh: Vietnamplus.vn

Một khi cơ chế giám sát, kiểm tra có vấn đề hoặc phẩm chất đạo đức suy thoái thì khó tránh khỏi xu hướng các đảng viên có chức quyền sẽ lạm dụng vị trí công tác để biến của công thành của riêng một cách trót lọt. Hậu quả nhãn tiền là nạn tham nhũng có cơ hội bùng phát, nhưng về lâu dài, xu hướng này sẽ tạo nên một nền kinh tế “gần giống thị trường” chủ yếu dựa trên quyền lực, quan hệ thân quen, phe nhóm lợi ích.

Trong nền kinh tế kiểu này các chuẩn mực phân phối thu nhập sẽ bị bóp méo, những người giàu nhất sẽ không phải là những người làm việc có năng suất, hiệu quả, sáng tạo và chăm chỉ nhất mà là những ai có cơ may được tiếp cận với những trung tâm quyền lực. Rốt cuộc, trong xã hội hành vi đưa và nhận hối lộ để có các mối quan hệ “cánh hầu” sẽ phổ biến hơn các hoạt động sáng tạo và  ứng dụng khoa học- công nghệ nhằm phát triển năng lực sản xuất và kinh doanh thực thụ. Trước áp lực phải nhanh chóng nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế để hội nhập và toàn cầu hóa thì tình trạng này quả là đáng lo ngại.

Thu hẹp phạm vi can thiệp hành chính vào doanh nghiệp

Đã có nhiều ý kiến cho rằng cơ chế giám sát hành chính hiện tại được kế thừa từ thời kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp sau 30 năm Đổi mới vẫn chưa kịp thích ứng với những biến chuyển nhanh chóng của kinh tế thị trường và kỷ nguyên thông tin kỹ thuật số nên đã trở nên kém hiệu quả và máy móc, xơ cứng.

Mặt khác việc không tách rời chính quyền với việc quản lý các doanh nghiệp đã không cho chính quyền đóng vai trò khách quan để đạt được các mục tiêu quản trị độc lập của mình. Đây chính là một “ di sản lịch sử - văn hóa“ của thể chế ẩn bắt nguồn từ  thực trạng nhà nước trong các xã hội truyền thống có thu nhập thấp thường có vai trò chi phối, đặc biệt đối với các xã hội chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo.

Do đó  xây dựng một nhà nước kiến tạo phát triển, thu hẹp dần phạm vi chi phối can thiệp hành chính vào doanh nghiệp phải là một trọng tâm của cải cách thể chế.

Để khắc phục những nhược điểm nêu trên, không thể không nghiêm túc cải cách cơ chế ủy quyền và phân quyền quản lý sở hữu toàn dân. Chúng ta cần áp dụng có chọn lọc và sáng tạo các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp mà thế giới đã gặt hái thành công, tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước một cách minh bạch bằng cách công khai thông tin trên sàn giao dịch chứng khoán và sớm thông qua những quy định pháp luật về  lập hội, luật tiếp cận thông tin, luật biểu tình và luật trưng cầu dân ý nhằm tạo điều kiện cho người dân thực sự được tham gia giám sát và phản biện  hoạt động của các cấp chính quyền và doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với đó không thể không dựa vào một nền báo chí trung thực, phản ánh đúng, đủ, kịp thời sự thật và mang tính cạnh tranh lành mạnh để góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong mọi hoạt động xã hội. Đây cũng là  một đặc tính quan trọng của thể chế dung hợp.

Rõ ràng đang có một sự không đồng bộ giữa cải cách thể chế kinh tế và thể chế chính trị khiến “các lỗ hổng thể chế” đã hình thành và ngày càng làm trầm trọng thêm nạn tham nhũng, mua bán chức quyền, mất dân chủ, suy giảm lòng tin.

Còn nhiều nét đặc thù mang dấu ấn văn hóa – lịch sử  trong thể chế ẩn  hiện nay như lối suy nghĩ và hành động tiểu nông: Hạn hẹp thiển cận, vùng miền, địa phương chủ nghĩa, cả nể, coi nặng tình hơn lý…kết hợp với những “lỗ hổng thể chế” khác đã và đang là lực cản mạnh mẽ và dẻo dai kìm hãm công cuộc đổi mới và cải cách thể chế.

Phạm Gia Minh

>> Đón xem Kỳ 3: Xây dựng bộ máy quản lí xã hội mang tính kiến tạo phát triển