Những ngày gần đây, dư luận như sốt lên vì những sai phạm của toà nhà 8b Lê Trực “mọc” ngay cạnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà Quốc hội. Những ý kiến đa chiều của các nhà quản lý, các chuyên gia về quy hoạch đô thị, và của người dân về vụ việc này đã phản ánh tâm lý bức xúc của dư luận XH trước một việc đã rồi, nhân danh “đúng quy trình”.
Tại sao đều cùng… im lặng?
Được biết, cho đến nay Hà Nội đã có báo cáo gửi Thủ tướng CP theo yêu cầu song vẫn chưa có hướng xử lý thích hợp. Có lẽ bản bảo cáo đó của c/q Hà Nội chỉ mới dừng lại ở việc biện hộ những sai phạm của chủ đầu tư toà nhà, cho rằng nằm ngoài qui hoạch của Trung tâm Ba Đình.
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc xem xét rà soát lại qui hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt đề xem có đúng như bản báo cáo hay không.
Còn sai phạm thì đã rõ mười mươi. So với giấy phép xây dựng đã được cấp, tòa nhà này đã vượt quá 16 m, tương đương với 05 tầng nhà.
Dư luận thắc mắc đây đâu phải như trong truyện cổ tích- một đêm toà nhà đã mọc lên nên không ai biết mà kiểm tra. Đối diện với nó là trụ sở của phường sở tại cơ mà.
Mà cũng lạ, theo báo cáo UBND TP Hà Nội cho biết trong quá trình xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng TP và Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình, UBND phường Điện Biên nhiều lần kiểm tra, xử lý các vi phạm. Chả biết xử lý thế nào mà nhà cứ mọc lên, vượt giấy phép không ai biết. Và các vị thanh tra, kiểm tra cũng… không biết nốt?
Cần xử lý nghiêm vụ việc nhà số 8B Lê Trực |
Còn nếu biết, tại sao đều cùng… im lặng?
Có điều gì không bình thường đằng sau thanh tra ấy? Có không ít ý kiến thắc mắc gửi về VietNamNet cho rằng, sao dân chỉ cần đổ một đống cát chuẩn bị xây dựng thì thanh tra, phường sở tại, cơ quan chức năng đã biết, đã đến xử phạt, đằng này sai phạm thế mà không biết, đúng là “con voi chui lọt lỗ kim”.
Việc ai cấp phép đúng sai như thế nào, có phải nằm ngoài hay trong phạm vi Trung tâm chính trị Ba Đình rõ ràng là không khó kiểm tra, vấn đề là có làm hay không? Dân vẫn đang trông chờ những người có trách nhiệm vào cuộc và cần công khai minh bạch.
Cho đến nay chủ đầu tư vẫn cho rằng việc xây dựng và chiều cao toà nhà đã có sự đồng ý của Bộ Quốc phòng nhưng qua trả lời của người có trách nhiệm xem ra “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Mỗi bên nói mỗi kiểu, mỗi người hiểu một phách theo ý của mình. Bộ QP bảo không có quyền cho phép xây dựng, chỉ trả lời về độ cao an toàn, còn chủ đầu tư thì bảo đã xin phép? Vậy ở đây, ai là phía nói sai, hay làm sai, cũng cần rõ ràng.
Pháp luật phải thực thi nghiêm minh
Sai phạm thì đã rõ vấn đề là Hà Nội có kiên quyết xử lí hay không?
Nên nhớ rằng, từ năm 2007 đến nay, hàng chục công trình xây vượt quá quy định cho phép đã được Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị từng chỉ đạo quyết liệt “cắt ngọn”.
Tỷ như tòa nhà số 9 Đào Duy Anh. Tòa nhà này cao 17 tầng (vượt phép 03 tầng), bị cắt ngọn 02 tầng. Thành phố Hà Nội cho giữ lại tầng 15 vì liên quan đến toàn bộ kỹ thuật tòa nhà. Tòa nhà 135-137 phố Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng) chỉ được xây 09 tầng, chủ nhà xây 11 tầng, cũng từng bị "cắt ngọn" phần xây dựng vượt quá giấy phép. Tòa nhà 221-223 Bạch Mai, xây dựng lên đến tầng 12, bị xử lý "cắt ngọn" xuống còn 08 tầng. Tòa nhà 67 Mai Hắc Đế, được cấp phép xây 9 tầng nhưng chủ đầu tư xây 10 tầng, cũng bị cắt phần vi phạm v.v.. và v. v..
Tuy nhiên có công trình xử lý kiên quyết buộc phải tháo dỡ tầng sai phép, nhưng cũng có công trình làm không triệt để, tuỳ tiện trong thực thi pháp luật. Phải chăng sự thiên vị của chính quyền dẫn đến nhiều chủ đầu tư nhờn luật?Người dân có quyền đặt câu hỏi cùng sai phạm như thế, tại sao có toà nhà bị cắt ngọn, có toà nhà chỉ bị tháo một phần, đằng sau đó là gì? Luật pháp mà thực hiện không công bằng, tiền hậu bất nhất, liệu người dân có thể tin cậy không?
Tòa nhà số 8B Lê Trực liệu có rơi vào cảnh thiếu kiên quyết như vậy không? Trong khi đây là trường hợp điển hình của sai phạm về độ cao, mà độ cao này lại nằm gần, nếu không muốn nói là áp ngay Trung tâm chính trị Ba Đình, tạo nên cảm giác bất an cho khu vực này.
Không thể để những sai phạm này làm mất mỹ quan của cả một khu vực tôn nghiêm. Ngay cả khu vực hồ Hoàn Kiếm cũng không cho phép một toà nhà cao tầng mọc lên lạc lõng làm mất mỹ quan của khu vực chứ chưa nói ngay tại khu vực chính trị cần tôn nghiêm này.
Người viết có quyền thắc mắc tại sao một khu vực trung tâm như vậy lại vẫn có được giấy phép xây dựng một toà nhà mà sau này các dịch vụ và cả chung cư, có cư dân đông đúc kéo về trong khi chủ trương vẫn đang giãn dân, đang kêu gọi những cơ quan đơn vị phải ra xa khu trung tâm. Phải chăng chủ đầu tư phải là người có thế lực như thế nào mới được "ưu ái" đến thế?
Dù vậy, cần phải xử lý nghiêm minh, ai sai phạm, sai phạm đến đâu phải công khai. Bắt đầu từ việc cấp phép của thành phố, đến chính quyền và thanh tra sở tại. Không thể để vụ việc lại "rút kinh nghiệm sâu sắc" rồi đâu lại vào đấy, khiến người dân mỉa mai “sao sợi dây kinh nghiệm dài thế rút mãi không hết”. Cần phải kiên quyết cắt ngọn toà nhà này, không thể để nó mọc lên lạc lõng như vậy.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho rằng nhất thiết phải có sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ để thanh tra lại công trình này, bởi báo cáo được UBND TP Hà Nội cung cấp mới chỉ là nội dung tự đi kiểm tra.
Pháp luật cần phải thực thi nghiêm minh. Đó là đòi hỏi của người dân đối với sai phạm của chủ đầu tư tòa nhà số 8B Lê Trực và những người có trách nhiệm liên quan.Hà Nội đã từng quyết liệt “cắt ngọn” những tòa nhà xây quá so với quy định. Chủ tịch Hà Nội lại là một vị kiến trúc sư. Với đội ngũ từng quyết liệt với sai phạm về thiết kế kiến trúc, tin chắc, hiện tượng sai phạm rõ như ban ngày của tòa nhà 8b Lê Trực chắc chắn sớm muộn phải bị xử lý.
Tấn Đăng