VN tham gia TPP sẽ không ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ thương mại Việt - Trung. Việt Nam có thể cải thiện năng lực cạnh tranh của mình thì quan hệ thương mại Việt - Trung có thể sẽ được cải thiện theo hướng cân bằng hơn.

Sáng 5/10 theo giờ miền Đông nước Mỹ (tối 5/10 theo giờ Việt Nam), tại hội nghị diễn ra ở thành phố Atlanta, Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này. 

TPP – cú hích cho nền kinh tế Việt Nam 

TPP được xem là một thỏa thuận “lịch sử” vì những thay đổi đáng kể mang lại cho các nền kinh tế thành viên. Cuộc đàm phán này diễn ra giữa 12 nước đối tác xuyên Thái Bình Dương, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam, hứa hẹn tạo ra một khu vực thương mại tự do của nhóm nước nắm tới 40% kinh tế toàn cầu. 

Trong cuộc họp báo tại tư dinh cuối tháng 6 vừa qua, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho rằng Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP khi GDP hàng năm có thể tăng 30%. Deborah Elms, Giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại Châu Á có trụ sở đặt tại Singapore, cũng có cùng quan điểm với Đại sứ Ted Osius khi nhận định rằng rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ kéo đến Việt Nam sau khi Hiệp định TPP có hiệu lực. 

Báo cáo gần đây của Viện Kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở đặt tại Washington DC Hoa Kỳ đã làm rõ thêm cho nhận định trên của Ted Osius và Deborah Elms. Theo đó, với việc được miễn thuế vào thị trường giày dép và may mặc Mỹ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn so với hiện nay khi mà mức thuế đang nằm trong khoảng 17% đến 32%. Điều này dự báo sẽ đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta.

Theo Nigel Cory, Trưởng bộ phận Nghiên cứu về Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Hiệp định TPP sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu giày dép và may mặc của Việt Nam đạt 165 tỷ USD tới trước năm 2025; nếu không có TPP, con số này chỉ dừng ở mức 113 tỷ USD. 

TPP thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ 

Cuối tháng 12/2013, tiếp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael B.G. Froman tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh rằng Hiệp định TPP là nền tảng quan trọng trong thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các bên, trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ. 

Năm 2015 đánh dấu hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, và việc đàm phán TPP được hoàn tất sẽ là động lực quan trọng để quan hệ kinh tế hai bên phát triển thực chất và hiệu quả hơn. 

Theo các chuyên gia kinh tế, Hoa Kỳ là thị trường quan trọng và là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. TPP sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang nước này nhờ những cam kết mở cửa thị trường mạnh hơn, cao hơn so với những cam kết hiện có trong khu vực. Nó không chỉ có lợi cho Hoa Kỳ và Việt Nam trên phương diện hợp tác kinh tế song phương, mà còn đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực cân bằng chiến lược mềm của Washington đối với Trung Quốc.  

Giới chức Mỹ cũng xem TPP như một cách để tạo ra đối trọng với sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực châu Á. Thúc đẩy thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có vai trò rất quan trọng trong việc giúp cả hai giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Thông qua đó, hai bên có thể ngăn cản Bắc Kinh sử dụng kinh tế như những đòn bẩy để đạt được những lợi ích chính trị trong tương lai. 

{keywords}
VN tham gia TPP sẽ không ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ thương mại Việt - Trung mà quan hệ thương mại Việt - Trung có thể sẽ được cải thiện theo hướng cân bằng hơn

TPP giúp Việt Nam cân đối lại sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc 

Các nước có quy mô kinh tế nhỏ như Việt Nam đều mong muốn phát triển một cách hài hòa và cân bằng quan hệ kinh tế với các quốc gia lớn trên thế giới và trong khu vực. Ngoài Hoa Kỳ, Việt Nam cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Nga... 

Khi nhắc đến tác động của TPP đối với vấn đề thâm hụt thương mại của Việt Nam và Trung Quốc, GS Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á cho rằng: “Khi Việt Nam gia nhập TPP sẽ có những lợi thế thâm nhập vào thị trường của tất cả các nước thành viên khác. Nói một cách khác, lợi thế khi Việt Nam tham gia vào TPP là cắt giảm thuế quan. Nếu Việt Nam sử dụng nguyên liệu xuất xứ từ Trung Quốc để sản xuất hàng hoá cho các nước thành viên TPP thì sẽ phải chịu thuế cao hơn là nếu Việt Nam sử dụng nguyên liệu thô từ các nước thành viên TPP khác. Mối quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc về cơ bản sẽ không bị ảnh hưởng khi Việt Nam gia nhập TPP. Một số doanh nhân Trung Quốc biết rằng họ vẫn sẽ có lợi nếu đầu tư ở Việt Nam. Và việc Việt Nam gia nhập TPP cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến việc Trung Quốc tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực với các nước ASEAN". 

Như vậy, việc Việt Nam tham gia TPP sẽ không ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ thương mại Việt - Trung. Trái lại, nếu thông qua việc tham gia TPP, Việt Nam có thể cải thiện năng lực cạnh tranh của mình thì quan hệ thương mại Việt - Trung có thể sẽ được cải thiện theo hướng cân bằng hơn, bền vững hơn, thực sự đảm bảo lợi ích của hai bên hơn. 

TPP và sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông 

Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu - Châu Á, Trung Đông - Châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới với hơn 40% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển phải đi qua vùng Biển Đông.  

Nikkei Aisia Review ngày 21/9 đưa ra bình luận rằng nỗ lực của Mỹ và Nhật Bản trong việc tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh khu vực ở châu Á thông qua Hiệp định TPP có thể bị cản trở bởi sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trên tuyến đường hàng hải thương mại trọng yếu ở Biển Đông.

Ngay giữa tuyến đường hàng hải trọng yếu này là quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), nơi Trung Quốc đang bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp. Ba đường băng quân sự trên 3.000 mét đã được Bắc Kinh xây dựng để chiếm quyền kiểm soát trên không cũng như trên mặt biển. Hoạt động này của Trung Quốc sẽ làm suy yếu sự ổn định của tuyến thương mại hàng hải huyết mạch của nền kinh tế Nhật Bản nói riêng và các nền kinh tế TPP khác nói chung. 

Chính sự thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế và gia tăng hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đã tạo ra mối đe dọa đối với an ninh của các quốc gia xung quanh biển Đông nói riêng và thế giới nói chung.

Mặc dù Hoa Kỳ trung lập trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, nhưng nước này buộc phải lên tiếng công khai phản đối các tuyên bố bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Bởi thực tế đây là mối đe dọa lớn đối với tự do hàng hải và thương mại quốc tế. 

Quá trình thực thi Hiệp định TPP trong thời gian tới sẽ khó đạt được những kết quả như kỳ vọng nếu vấn đề tranh chấp Biển Đông và sự bành trướng của Trung Quốc tại khu vực biển này không có dấu hiệu hạ nhiệt. Việt Nam cũng không nằm ngoài những tác động tiêu cực đó./. 

Đỗ Việt Cường