Người Việt có đặc điểm từ trước nay là cứ áp dụng chuẩn lại rất khó khăn. Ví dụ có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, có lô hàng rất tốt, nhưng càng về sau chất lượng càng thấp dần. Mời bạn đọc theo dõi phần tiếp theo tọa đàm về năng lực hội nhập.

Xem bài 1: Chiếm 70% dân số Việt: lao động rẻ là sự đau đớn

{keywords}
Người lao động Việt cần chuẩn bị nhiều khi tham gia hội nhập

Nhiều điều chúng ta “không giống ai”

Hoàng Hường: Gần đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu  Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế đẩy mạnh và chủ động hơn quá trình 'tìm luật chơi chung và mẫu số chung' với cộng đồng quốc tế. So với 'cuộc chơi chung' đang diễn ra, Việt Nam nên chú trọng vào những điểm nào để xóa khoảng cách?

Ông Trần Việt Thái: Chúng ta còn rất nhiều khoảng cách với sân chơi chung. Tuy đã hội nhập hơn 20 năm nhưng còn rất nhiều việc phải nói thẳng là chúng ta “không giống ai”, từ hệ thống luật pháp đến cung cách làm ăn, doanh nghiệp, rồi các tiêu chí, tiêu chuẩn. Ngay hệ thống tiêu chuẩn VN hiện nay cũng có nhiều điểm phải được hài hòa.

Ngay trong vấn đề Thủ tướng nói: “xây dựng chuẩn”, thực ra thế giới đã xây dựng nhiều rồi. Vấn đề là chúng ta tìm ra những thứ phù hợp với mình. Ví dụ vừa rồi Ủy ban Dân nguyện QH đã có phiên chất vấn về Cộng đồng kinh tế ASEAN, trong đó Bộ Tư pháp báo cáo đã rà soát hơn 500 văn bản, về cơ bản là hợp lý.

Tuy nhiên từ văn bản đến cách làm lại khác. Người Việt có đặc điểm từ trước nay là cứ áp dụng chuẩn lại rất khó khăn. Ví dụ nhiều DN xuất khẩu thủy sản ban đầu đưa ra những lô hàng rất tốt, nhưng càng về sau chất lượng càng thấp dần. Cho nên, việc xây dựng tiêu chuẩn xuyên suốt, nâng cao uy tín để làm ăn lâu dài là vấn đề sống còn.

Bà Nguyễn Thị Thùy Minh: Tôi chỉ nói đến một ý trong mục tiêu thứ nhất của AEC là: “Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề”.

Tôi cho rằng, với mục tiêu này, chúng ta cần chú trọng đến chất lượng kỹ năng nghề của nhân lực. Trong đó bao gồm cả kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp và sự tự tin để người lao động sẵn sàng và dễ dàng được lưu chuyển trong cộng đồng các nước ASEAN, thậm chí là “được săn đón” hơn.

Bà Đỗ Thùy Dương: Chưa nói đến luật chơi chung và mẫu số chung, điều đầu tiên và cốt yếu nhất là tiếng nói chung, những người Việt Nam có khả năng sử dụng tiếng Anh 100% trong công việc được bao nhiêu %?

Cá nhân tôi là người di chuyển rất nhiều, gặp gỡ và làm việc hoàn toàn bằng tiếng Anh, học MBA, đọc sách báo thường xuyên; nhưng khi đi “ giao lưu văn hoá” vẫn có nhiều điều tôi chưa hiểu và theo kịp các bạn Đông Nam Á khác như các bạn Singapore, Hongkong, Philippine, Indonesia, Tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ thứ hai của các bạn theo đúng nghĩa của từ này. Nghĩa là các bạn không chỉ học ngôn ngữ như một phương tiện giao tiếp mà Tiếng Anh còn là cách nghĩ, cách tư duy, là cách đời sống đi vào ngôn ngữ.

Tôi cho rằng để hội nhập, không cần phải giải quyết hàng ngàn vấn đề như chúng ta đang nghĩ, mà chọn một vấn đề quan trọng nhất để giải quyết một cách quyết liệt. Các vấn đề khác sẽ tự động được giải quyết.

Ví dụ: Tôi sẽ chọn Tiếng Anh là vấn đề cốt tử, sau đó những vấn đề gì sẽ được giải quyết?

- Họ nhìn một vấn đề theo nhiều cách khác nhau: ví dụ bản tin buổi tối của chúng ta về vấn đề bầu cử Tổng thống Mỹ chỉ 1 phút, nhưng đài CNN dành cả năm để phát về cuộc bầu cử này. Nếu có Tiếng Anh, khả năng kết nối với thế giới và tư duy đa chiều sẽ được mở ra

- Nhu cầu học và hành tăng cao sẽ thúc đẩy sự tự tin hơn trong việc tiếp cận người nước ngoài, sẽ thấy "hoá ra họ cũng như mình thôi", cũng đau đớn, cũng khổ sở, cũng có đầy thứ tiêu cực mà sao họ vẫn tư duy tích cực, vẫn làm việc có trách nhiệm,

- Thúc đẩy nhu cầu du lịch nước ngoài, mở rộng tầm mắt để yêu thương đất nước hơn, để lòng tự trọng và tình yêu đất nước được phát triển. Nhu cầu làm ăn tử tế cho bằng bạn bằng bè sẽ khởi sinh trong mỗi người. Họ sẽ biết xấu hổ hơn khi thấy là thế giới họ cũng sống được mà không nhất thiết phải hối lộ, tham nhũng.

Tôi chỉ ví dụ như vậy thôi, ngoại ngữ không chỉ cho bạn công cụ mà còn cho bạn tầm nhìn, sự tự tin và khả năng sống độc lập trong một thế giới ngày càng rộng lớn. Vậy thì chỉ cần tập trung giải quyết một cách triệt để, nhà nhà học ngoại ngữ, các chủ đề học đa dạng cũng sẽ giúp chúng ta học các môn khác một cách hiệu quả và phù hợp với mẫu số chung hơn.

Như vậy, chưa bàn đến cái to tát, mà tôi nghĩ, Thủ tướng nên coi vấn đề Tiếng Anh không chỉ là vấn đề của Bộ giáo dục.

{keywords}
Ông Trần Việt Thái

Nút thắt về thể chế sẽ được từng bước gỡ bỏ

Hoàng Hường: Một trong những thay đổi mấu chốt trong quá trình hội nhập là cải cách các thể chế, thiết chế pháp luật, quản lý xã hội và minh bạch hóa thông tin. Cần có những điều kiện gì để thúc đẩy quá trình này?

Ông Trần Việt Thái: Nút thắt thể chế rất quan trọng. Cải cách thể chế là một trọng tâm, liên quan đến thể chế là cải cách hành chính. Hiện nay Chính phủ và Bộ Kế hoạch Đầu tư đang quyết tâm sao cho môi trường kinh doanh, trong đó nút thắt về thể chế được từng bước gỡ bỏ. Một vài năm tới sẽ trở thành nước có môi trường kinh doanh thông thoáng hàng đầu khu vực.

Về minh bạch thông tin, xã hội VN hiện nay có xu hướng chung ngày càng cởi mở. Điều này là tất yếu, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội. Luật báo chí đang được sửa đổi. Tôi hy vọng tới đây, cùng với việc hội nhập, thông tin sẽ được chuẩn hóa, người dân sẽ tiếp cận nhiều thông tin hơn. Tôi cũng mong việc cải cách thể chế sẽ góp phần đưa xã hội VN thành một xã hội thông tin, thành nền tảng để đất nước phát triển.

Hoàng Hường: Phó CN Ủy ban Kinh tế QH, ông Nguyễn Đức Kiên từng phát biểu về TPP "Đến mức nào đó, chúng ta thấy mục tiêu chúng ta đang phấn đấu trùng với tiêu chí, giới hạn kỹ thuật mà tổ chức chúng ta định gia nhập đặt ra. Đấy chính là quyền mưu cầu hạnh phúc của con người". Đây có nên là mục tiêu hàng đầu cho việc hội nhập?

Ông Trần Việt Thái: Điều đó là đương nhiên vì suy cho cùng hội nhập hay phát triển gì đi nữa thì con người vẫn phải là trung tâm. Có một điều trong xã hội Đông Á là lợi ích cá nhân luôn phải đặt dưới lợi ích cộng đồng. Mưu cầu hạnh phúc là quyền của con người, nhưng không được đi ngược lại với lợi ích của đất nước và cộng đồng.

{keywords}
Bà Đỗ Thùy Dương

Bà Đỗ Thùy Dương: Tôi thích câu nói “Chúng ta ban đầu đều là con người cả (human being). Sau này chính tôn giáo, sắc tộc, quốc gia, đảng phái và rất nhiều nhãn mác khác khiến chúng ta không còn nhìn thấy điểm chung của nhau mà chỉ nhìn vào những khác biệt để cạnh tranh và phê phán”.

Vậy thì theo cách nào đó, tất cả những nỗ lực về hội nhập, đến một cấp độ cao nhất, sẽ trả chúng ta trở về với bản chất của con người khi thế giới còn bình đẳng, hạnh phúc, cùng chia sẻ các nguồn lực thiên nhiên một cách thận trọng và cùng chung sống hạnh phúc.

Ước mơ đó có lẽ là xa vời, nhưng sẽ có một ngày như vậy. Càng ngày càng nhiều người đã hiểu ra rằng tất cả những sự cách biệt đều không còn ý nghĩa. Người con gái VN làm dâu Hàn Quốc, nếu bỏ qua những tiêu cực bên lề, là sự hợp nhất phi sắc tộc. Người thanh niên gốc Việt Nam giữ chức Phó thủ tướng một quốc gia Châu Âu, cũng là việc không quá phải ngạc nhiên. Những nhãn mác khác đều là phụ, so với việc, anh đang sống có ích cho loài người nói chung ở một cấp độ lớn hơn chính thân phận của anh.

(Còn nữa)

Hoàng Hường (Thực hiện)