Cải tổ nền quản trị quốc gia và phát huy dân chủ là việc đầu tiên Việt Nam cần làm nếu muốn có được hiền tài phục vụ sự phát triển bền vững.
Xem các bài Góp ý ĐH Đảng TẠI ĐÂY
Chủ đề: "Chọn người tài lãnh đạo đất nước" đã bàn rất nhiều, tưởng đã xưa, nhưng lại luôn luôn mới. Nó mới vì hoàn cảnh và thời thế luôn biến đổi.
Sửa chữa cách lãnh đạo?
Chủ đề này luôn ở dạng rất “nan y” vì vấn đề cần giải quyết không thuộc tầng gốc rễ mà ở tầng hệ quả trong khi gốc rễ lại giữ nguyên hoặc “miễn bàn”!
Hơn nữa, vấn đề không chỉ là “TÌM” người tài (đã thành tài, thành danh – kiểu như trong bóng đá, đội bóng Real Madrid giàu có cứ quẳng tiền ra mua các galaticos về để tạo ra Giải Ngân Hà) mà là tạo ra môi trường để các mầm mống của hiền tài có thể sinh sôi nảy nở, phát triển, được tôn vinh.
Thân Nhân Trung viết bài văn cho tấm bia đầu tiên ở Văn Miếu, ông ghi nhận về trí thức: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và ngày càng lớn, nguyên khí suy thì nước yếu và ngày càng xuống cấp.” Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi than: “Nhân tài như lá mùa thu/ Tuấn kiệt như sao buổi sớm”. Còn đại thi hào Nguyễn Du lại nói "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: "Trong các ngành hoạt động của chúng ta, nào chính trị, nào kinh tế, nào quân sự, văn hoá, không thiếu những người có năng lực, có sáng kiến. Nhưng vì cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc. Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo".
Biểu quyết thông qua nhân sự Đoàn Chủ tịch Đại hội tại ĐH Đảng bộ TP.HCM. Ảnh: XL |
Các vị tiền bối luận về chữ " tài" và " người tài" dưới góc nhìn khác nhau nhưng đều đúng và sâu sắc. Nhiều câu nói, câu văn, vần thơ đã trở thành châm ngôn bất hủ, còn nguyên giá trị cho đến bây giờ, đặc biệt trước thềm ĐH Đảng khóa 12 của ĐCSVN
Bởi lẽ, chưa bao giờ đất nước ta lại cần những người tài đến như thế! Chưa bao giờ chữ tài, và chữ đức lại song hành gắn bó với nhau đến thế!. Và có lẽ cũng chưa bao giờ việc tìm người tài đức lại khó đến thế! Hãy thử tìm hiểu thực trạng người tài ở nước ta đầy vơi thế nào và cách thức để khai thác và bổ sung kho tàng vô giá ấy cho tương lai?
Cải tổ nền quản trị quốc gia và phát huy dân chủ
Nếu chỉ luận bàn về người hiền tài cho xã hội, đất nước theo những quy luật thì không thiếu gì tài liệu, câu chuyện đông tây kim cổ. Câu hỏi cụ thể hơn là tìm người hiền tài để làm việc gì, phục vụ cho ai, cho xã hội, nhân dân, đất nước hay cho những người có quyền lực?
Tuy cụ Nguyễn Trãi có nói “Nhân tài như lá mùa thu” nhưng cụ cũng nói “Song hào kiệt đời nào cũng có”. Để thu hút hiền tài ra giúp nước thì việc đầu tiên là các vị ở các cương vị lãnh đạo, điều hành quốc gia phải soi lại cái tâm của mình. Cổ nhân có câu “thầy nào, tớ ấy”.
Còn nếu tệ mua quan bán tước – một tệ nạn mà cả xã hội đều biết đang hoành hoành mà không có cách gì chữa được thì nói gì đến hiền tài. Cái cần là phải sửa cái gốc sinh ra tệ mua quan bán tước ấy.
“Chọn người tài lãnh đạo đất nước". Nghe thì đơn giản vì Việt Nam chắc chắn không thiếu hiền tài. Vấn đề lớn nhất ở đây được đặt ra " AI " là người đứng ra "CHỌN" người tài lãnh đạo đất nước. Dân hay Đảng? Xã hội ta hiện đang thiếu hẳn những giải pháp, môi trường để lựa chọn nhân tài và nuôi dưỡng nhân tài. Có được điều đó chắc chắn hiền tài sẽ xuất hiện.
Nhiều người Việt khá thành công ở nước ngoài vì họ được nuôi dưỡng và phát triển trong một môi trường thực sự tốt và thuận lợi. Cải tổ nền quản trị quốc gia và phát huy dân chủ là việc làm đầu tiên của Việt Nam nếu muốn có được hiền tài phục vụ sự phát triển bền vững.
Về nhận thức vai trò lãnh đạo: Trong mọi thời đại người tài được chọn làm lãnh đạo luôn là người có tri thức về một lĩnh vực mà họ am hiểu. Nếu không làm lãnh đạo họ vẫn cống hiến cho xã hội bằng trí tuệ và được xã hội ghi nhận.
Còn trong cơ chế xã hội ở những nước coi lãnh đạo như một nghề, một mục đích duy nhất, là một nhận thức sai lầm làm cho xã hội kém phát triển, và cũng khiến cho không ít người tài mất đi cơ hội cống hiến.
Bởi ở những quốc gia còn mang nặng quan niệm đó, có biết bao quy chế và tiêu chuẩn được đề ra. Để rồi, họ đã vào trong hệ thống thì tìm mọi cách ở lại. Và, để đạt nhu cầu vật chất ngang bằng xã hội, buộc họ phải tham nhũng, phải thực thi quyền lực phi pháp.
Ở xã hội phát triển, người làm lãnh đạo chỉ coi cương vị mình nắm giữ như một trách nhiệm, một phương tiện thể hiện khát vọng, ý chí và tài năng với xã hội. Bộ máy lãnh đạo luôn được quy tụ từ các lĩnh vực khác nhau, họ luôn và góp tư duy mới, nhận thức đầy đủ hơn (từ những nhận thức và thành tựu mới trong các lĩnh vực của sự phát triển tự nhiên, xã hội) để bổ sung, điều chỉnh kịp thời cương lĩnh phát triển xã hội nên họ không phải bận tâm và đòi hỏi bất kỳ sự vinh danh nào.
Khi hết nhiệm kỳ họ trở về công việc chuyên môn một cách nhẹ nhàng, nhiều người trong số đó còn có khả năng đóng góp trí tuệ vào lĩnh vực sở trường của mình, đem lại giá trị vật chất. Cuộc sống đầy đủ, không có một sự ngăn cách nào giữa họ với xã hội và thế giới bên ngoài. Đó mới chính là “tự do, hạnh phúc” thực sự.
Ngày nay, người đứng đầu các cấp nếu thông suốt được triết lý trên thì sẽ tạo ra động lực ban đầu cho sự chuyển biến, bớt đi những hạn chế về tinh thần cho chính người lãnh đạo và giảm áp lực xã hội gánh nặng xã hội.
Tô Văn Trường (còn nữa)
Xem tiếp bài 2: Công tác tuyển chọn người làm việc nước xưa nay vẫn được đúc kết trong cụm từ “Quy hoạch cán bộ”! Mục đích của quy hoạch cán bộ là tạo nguồn cán bộ nhưng vấn đề quan trọng nhất là ai quyết định cán bộ? Nếu không cẩn thận, rất có thể nảy sinh hiện tượng lũng đọan cán bộ, chỉ lựa chọn những người cùng cánh hẩu, dễ bảo để tăng vây cánh, nhiều người thực tài thì ra rìa ngay từ vòng đầu.