Lịch sử cho thấy sức mạnh vô địch của quần chúng. Khó vạn lần dân liệu cũng xong. Câu nói ngày nào của Bác Hồ mãi mãi là kim chỉ nam cho các đại biểu Quốc hội từ khóa đầu cho tới nay.

Thấm thoát đã 70 năm trôi qua kể từ ngày 6 tháng 1 năm 1946, ngày Quốc hội khóa I của nước Việt Nam được bầu ra. Đây là khóa Quốc hội kéo dài lâu nhất trong lịch sử với 16 năm, từ tháng 1 năm 1946 đến tháng 5 năm 1960, do chiến tranh chống thực dân Pháp và đất nước bị chia cắt làm hai miền theo Hiệp định Genève 1954.

Quốc hội Việt Nam khóa I đã thông qua danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, tạo ra khối đại đoàn kết vững mạnh trên cả nước để chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến kiến quốc về sau. Quốc hội khóa I đã thông qua bản Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, thể hiện tư tưởng của Hồ Chí Minh về nền lập hiến, tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân.

Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I tổ chức vào ngày 2 tháng 3 năm 1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội, với sự tham dự của gần 300 đại biểu.

Nhớ lại kỳ họp này, cụ Đồng Sỹ Nguyên, vốn là ĐBQH khóa I, cho biết, Quốc hội đầu tiên của nước ta có nhiều đảng phái.

{keywords}
Cụ Đồng Sỹ Nguyên - nguyên đại biểu quốc hội khóa I. Ảnh: Tác giả cung cấp

Ngoài các ĐBQH từ Việt Minh gồm đa số là những người cộng sản còn có đại biểu đến từ Đảng Dân chủ Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam và các đại biểu không đảng phái. Số đại biểu không qua bầu cử là 70 người gồm các đại biểu thuộc Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội (Việt Cách) và Việt Nam Quốc dân Ðảng (Việt Quốc).

Việc có các đại biểu đặc cách không qua bầu cử này là theo thoả thuận trước cuộc bầu cử giữa Việt Minh với Việt Cách và Việt Quốc, thể hiện chủ trương của Việt Minh về hoà hợp dân tộc, tập trung lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp, bởi vì các đảng phái này không có quần chúng, không đại diện cho lợi ích của quần chúng, nên nếu có tham gia bầu cử cũng sẽ không thể trúng cử.

Là một trong số ít nhân chứng lịch sử còn sống, cụ Đồng Sỹ Nguyên kể, để phân biệt với các đảng phái khác, các ĐBQH cộng sản mang cà vạt màu đỏ, thể hiện ý chí chiến đấu. Vị trí ngồi trong hội trường Quốc hội cũng sắp xếp theo các đảng phái. Các đại biểu cộng sản luôn phát biểu, tranh luận quyết liệt với các quan điểm sai trái với đường lối cách mạng.

Cụ Nguyên nhắc lại lời của Bác Hồ đại ý là có đối lập thì những người cộng sản lại càng sắc sảo trong đấu tranh. Các đảng đối lập cơ bản là không có thực lực vì xa rời quần chúng, không có sự ủng hộ của quần chúng, nên phát biểu của họ tại nghị trường không có lập trường rõ ràng, mang tính chất quậy phá, a dua theo nước ngoài, nên thường xuyên bị cô lập. Họ đã từng phản đối quốc kỳ cờ đỏ sao vàng, quốc ca là bài Tiến quân ca. Sự hiện diện của các đảng phái đối lập chủ yếu là hình thức và do không có sự ủng hộ của quần chúng nên đã dần dẫn tới tan rã. Sau này, nhiều người trong số họ đã chuyển sang hàng ngũ những người cộng sản.

Ngày ấy Cách mạng mới thành công, nước ta còn rất nghèo, ngân khố trống rỗng, 2 triệu người ở miền Bắc vừa chết đói, nên trăm sự đều nhờ vào dân. Ngày đó ở nhà quê, có được bát gạo trong nhà đã là vô cùng ghê gớm rồi. ĐBQH từ các địa phương về Thủ đô họp Quốc hội đều ở nhờ nhà dân. Có một số ít ở tại các cơ sở của Việt Minh. Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình có 5 đại biểu, được bố trí vào ở trong nhà một gia đình tư sản yêu nước ở phố Hàng Đào. Các đại biểu ăn, nghỉ cùng gia đình. Sự hiện diện của các ĐBQH là niềm vinh dự lớn cho gia đình vì lúc đó khí thế cách mạng hừng hực, oai hùng lắm.

Cụ Nguyên kể, thời gian chuẩn bị bầu cử Quốc hội kéo dài cả tháng, rất khí thế. Làng xóm râm ran suốt ngày. Các vị phụ lão và các bà, các chị phụ nữ là hăng hái nhất. Các buổi mít-tinh vận động bầu cử cũng do người dân tự giác tổ chức, Việt Minh chỉ giới thiệu ứng cử viên. Đứng trước vài trăm người dân, chỉ cần một mỏm đất hơi nhô cao một chút là phát biểu được rồi. Tất cả đề nói trực tiếp, không văn bản, không micro.

Tất cả thông điệp đến với cử tri qua giọng nói to, khỏe, rõ ràng của ứng cử viên. Mỗi huyện ra mắt cử tri để vận động một lần. Người dân giác ngộ rất nhanh. Bà con biết rằng, người của Việt Minh là người của Cách mạng, của Bác Hồ, người đại diện cho nhân dân. Quảng Bình lúc đó có 5 phủ huyện và một thị xã. Ăn mặc thường ngày thế nào thì gặp dân cũng mặc như vậy. Mỗi tỉnh có 1, 2 chiếc xe ô-tô thu được của chánh sứ, tuần phủ hay án sát đem ra phục vụ ứng cử viên đi lại.

Ông Đồng Sĩ Nguyên khi đó là Chủ nhiệm Việt Minh, kiêm Chỉ huy trưởng bộ đội của tỉnh Quảng Bình cũng được dùng một chiến xe ô-tô của Phó sứ để làm nhiệm vụ của Cách mạng.

Theo ông Nguyên, Cách mạng tháng Tám cướp chính quyền từ tay phong kiến, đế quốc, phát-xít diễn ra long trời lở đất, như nước vỡ bờ, lan từ làng này qua làng khác. Người dân tự giác vùng đứng lên dành chính quyền. Quan lại, bảo an binh tự động nộp súng đầu hàng hết. Bộ máy cai trị tự động tan rã. Mỗi tỉnh lúc đó chỉ có vài chục Đảng viên làm nòng cốt lãnh đạo. Bản thân cụ Đồng Sỹ Nguyên lúc đó mới chỉ 22 tuổi, nhưng đã có 6 năm tuổi Đảng.

Lịch sử đã được những người con ưu tú của đất Việt bình dị viết nên như vậy đó. Lịch sử cũng cho thấy sức mạnh vô địch của quần chúng. Khó vạn lần dân liệu cũng xong. Câu nói ngày nào của Bác Hồ mãi mãi là kim chỉ nam cho các đại biểu Quốc hội từ khóa đầu cho tới hiện nay.

Trần Văn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách QH