Thứ năm, ngày 29/10/2015, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã ban hành quyết định đầu tiên liên quan đến vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về tranh chấp tại Biển Đông. Theo đó, Tòa có thẩm quyền thụ lý và xem xét vụ kiện này.

Ngày 29/10/2015, Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) ra quyết định rằng Tòa có thẩm quyền thụ lý và xem xét một vài khía cạnh cụ thể trong tổng thể tranh chấp trên Biển Đông được đệ trình bởi Philippines chống lại Trung Quốc đầu năm 2013.

Trong Thông cáo báo chí được phát đi cùng ngày từ La Haye, Hà Lan, Tòa Trọng tài khẳng định rằng việc thụ lý và xem xét vụ kiện là phù hợp với các quy định của UNCLOS. Quan trọng hơn, sự vắng mặt (từ chối tham gia vụ kiện) của Trung Quốc không loại trừ thẩm quyền xét xử của Tòa. Theo đó, Tòa Trọng tài sẽ xem xét và ra phán quyết đối với 7 trong số 15 luận điểm mà Philippines đã đệ trình trong bản Thông báo và Tuyên bố Khởi kiện Trung Quốc trước Tòa Trọng tài về “Thẩm quyền trên các vùng biển của Philippines đối với Biển Tây Philippines” ngày 22/1/2013.

{keywords}

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là Tòa bảo lưu việc xem xét về thẩm quyền của Tòa liên quan đến luận điểm quan trọng nhất từ phía Philippines: các yêu sách quyền lịch sử được thể hiện qua đường chín đoạn (đường lưỡi bò) của Trung Quốc ở Biển Đông trái với UNCLOS, và do đó không có giá trị pháp lý. Trong khi đó, Tòa cho rằng câu hỏi về vấn đề Bãi cạn Scarborough là “đá” hay “đảo” rõ ràng thuộc về thẩm quyền xem xét của Tòa.

Bên cạnh đó, Tòa cũng bác bỏ luận điểm của Trung Quốc được nêu ra trong bản “Tuyên bố về Lập trường của Trung Quốc đối với vụ kiện mà Philippines khởi xướng trước Toà Trọng tài” đề ngày 07/12/2014, rằng: “Tuyên bố Trung Quốc – ASEAN về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 cấu thành một thỏa thuận nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua phương thức duy nhất là đàm phán”. Tòa đưa ra quyết định rằng DOC năm 2002 là một thỏa thuận chính trị và không ràng buộc các bên về mặt pháp lý.

Nhìn lại vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về tranh chấp trên Biển Đông, đây là một vụ kiện đáng chú ý ở nhiều khía cạnh, cả về chính trị, ngoại giao và pháp lý đối với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Đây là lần đầu tiên tranh chấp Biển Đông được đưa ra một cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế, cụ thể là trước Toà Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS.  Đây cũng được xem như một bước đi khá táo bạo và mạnh mẽ của Philippines trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc,  có xu hướng sử dụng các biện pháp vũ lực để giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng.

Từ ngày 7 – 14/7/2015, theo lộ trình đã được thông báo, Toà Trọng tài đã tổ chức phiên điều trần về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ việc tại La Haye, Hà Lan. Trung Quốc không cử phái đoàn đến tham gia tranh tụng. Thay vào đó ngày 07/12/2014, Bắc Kinh công bố một văn bản nêu lập trường của mình về các vấn đề trên Biển Đông, cũng như về quá trình tố tụng mà Philippines đã khởi động tại PCA. Vì lý do vắng mặt tại tòa của một bên,  trong buổi điều trần, Toà Trọng tài chỉ lắng nghe ý kiến và tiến hành đặt câu hỏi về thẩm quyền của Toà Trọng tài cho các thành viên và luật sư của phái đoàn Philippines.

Sau quyết định ngày 29/10/2015 về thẩm quyền của Tòa Trọng tài trong việc thụ lý và xem xét vụ kiện, Tòa sẽ tiếp tục đưa ra đánh giá về các luận điểm được nêu ra bởi Philippines và Trung Quốc. Phán quyết của Tòa liên quan đến vụ kiện Biển Đông dự kiến được đưa ra vào năm 2016.

Quyết định có thẩm quyền thụ lý và xem xét vụ kiện của PCA giúp làm giảm bớt sự phức tạp của các tranh chấp hiện nay thông qua con đường pháp lý. Phán quyết của Tòa trong những tháng tới còn góp phần quan trọng trong quá trình phát triển của luật quốc tế tại Biển Đông. Cơ sở pháp lý của đường lưỡi bò cũng như việc mập mờ trong câu hỏi phân định các thực thể địa lý tại Biển Đông là những kết quả mà chúng ta chờ đợi.

Thực thi quyền tự do hàng hải của tài trục hạm USS Lassen xóa tan huyền thoại pháp lý về những bãi cạn mà Trung Quốc tự cho rằng là đảo, thì với quyết định và những phán quyết tiếp theo của của PCA hy vọng sẽ mang lại ánh sáng công lý cuối đường hầm. Dẫu đường hầm đó nhiều lần đã bị chặn, bằng các cách vô tình hay cố ý.   

Đỗ Việt Cường

Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Luật quốc tế tại Viện Sau Đại học Geneva về Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển (IHEID), và Đại học Geneva, Thụy Sĩ. Đỗ Việt Cường đồng thời cũng là nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.

Tài liệu đính kèm:

- Thông cáo báo chí ngày 29/10/2015 của Tòa Trọng tài: http://www.pcacases.com/web/sendAttach/1503

- Phán quyết ngày 29/10/2015 của Tòa Trọng tài về thẩm quyền thụ lý và xét xử vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc trong tranh chấp tại Biển Đông: http://www.pcacases.com/web/sendAttach/1506