LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu Phần 1 bài viết của tác giả Khắc Giang, người đã có mặt và gặp gỡ một số chứng nhân lịch sử tại nước Đức vào dịp 26 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ (9/11/1989) và một phần tư thế kỷ thống nhất nước Đức (3/10/1990).
Cách vài bước chân tới quảng trường Potsdamer Platz ở thủ đô nước Đức, có một con đường nhỏ rất đặc biệt. Ở giữa Zimmerstrasse từng là bức tường Berlin chia cắt hai nửa thành phố. Giờ đây, đó là con đường rợp bóng bạch dương hai bên, xe cộ đi lại trên những nền móng cũ như chưa từng có bức tường nào xuất hiện.
Cách đây 26 năm, đây là vùng đất nguy hiểm nhất châu Âu. Quang cảnh không có gì khác ngoài khoảng đất hoang không cây cỏ, hai bức tường sừng sững cao gần 4 mét, hàng rào thép gai, và những chòi canh sẵn sàng nổ súng vào bất kỳ ai xâm phạm khu vực phi quân sự.
Giờ đây, với sự sầm uất của một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất châu Âu, Potsdamer Platz chính là khởi điểm cho câu chuyện hồi sinh của một dân tộc trải qua nhiều quá nhiều biến cố lịch sử.
Quảng trường Potsdamer Platz. Ảnh: Khắc Giang |
Bức tường chia cắt
Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, nước Đức bại trận và bị xẻ thành bốn khu vực nằm dưới sự kiểm soát của các quốc gia thắng cuộc trong phe Đồng minh – Anh, Pháp, Mỹ, và Liên Xô. Nỗ lực thống nhất đất nước từ bốn khu kiểm soát này thất bại, khi vào năm 1949, CHDC Đức (Đông Đức) được thành lập trong khu vực kiểm soát bởi Liên Xô. Ngay sau đó, CHLB Đức (Tây Đức) cũng ra đời dưới sự bảo trợ của ba nước còn lại.
Berlin, tuy nằm trọn trong Đông Đức, được chia ra dưới sự quản lý của hai phe do vị trí đặc biệt của nó. Khi hai nước Đức độc lập ra đời, số phận của Berlin cũng bị chia làm đôi: một nửa về Đông Đức, một nửa Tây Đức.
Việc đi lại giữa hai phần của Berlin vẫn tương đối dễ dàng cho đến năm 1961, khi Đông Đức quyết định xây dựng bức tường dọc theo biên giới nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu lao động trẻ sang phía bên kia. Đó là dấu mốc cho gần 30 năm bức tường chia rẽ một dân tộc, không chỉ hữu hình, mà còn cả những giá trị vô hình như ngôn ngữ, văn hoá, và lý tưởng.
“Nếu bạn là người Đức, thậm chí bây giờ đi trên U-bahn (tàu điện ngầm của Đức) bạn có thể phát hiện được ai là Ossie (người Đông Đức) bằng cách họ ăn mặc, nói chuyện, hay tờ báo họ đọc. Và đó là thời điểm 26 năm kể từ ngày bức tường sụp đổ,” TS. Jurgen Danyel của Bảo tàng Lịch sử Đức cho tôi biết. “Nó không chỉ là một bức tường bằng bê tông và thép”.
Và cũng như những câu chuyện ở một vài quốc gia khác, bức tường cũng đã chia cắt biết bao nhiêu gia đình từ cả hai phía. Cùng với kinh tế và lý tưởng, đây chính là nguyên nhân chính thúc đẩy những người Đông Đức tìm cách vượt qua bức tường để sang phía bờ kia của sông Spree.
Trong giai đoạn từ năm 1961 - 1988, có gần 5.000 người cố gắng vượt biên qua Bức tường Berlin. Họ là những kẻ liều mạng, bởi ngăn cản họ không chỉ những rào thép gai, mà còn là những bãi mìn và chòi canh được lệnh nổ súng mỗi khi phát hiện ai cố tình bỏ trốn. Theo thống kê chưa đầy đủ, có gần 150 người bỏ mạng ở đây. Bên cạnh Reichstag, toà nhà Quốc hội Đức, hiện giờ còn có hàng bia mộ nhỏ tưởng niệm những nạn nhân xấu số.
Ngày tận cùng
“Tôi vẫn nhớ như in ngày đó. Đêm hôm trước xem ti-vi, tôi đã thấy những đám đông rầm rộ ở Alexander Platz (quảng trường lớn nhất Berlin, thuộc phía đông lúc bấy giờ).
Sáng thức dậy, vợ tôi bảo: - Bức tường sụp rồi.
Tôi, có lẽ còn mơ ngủ, hỏi lại: bức tường nào?”
Ông Eberhard Diepgen, nguyên thị trưởng (Tây) Berlin giai đoạn 1984 – 1989, nhớ lại.
Ông Eberhard Diepgen (bên phải), nguyên thị trưởng Berlin. Ảnh: Khắc Giang |
“Lúc đó chúng tôi vẫn chưa hình dung được hệ quả của sự kiện này là như thế nào. Nó diễn ra quá nhanh. Tôi chỉ nghĩ rằng thống nhất là điều tốt, và dù có khó khăn thế nào đi nữa, việc tự do bước qua cánh cổng Brandenburg (biểu tượng của Berlin, nơi bức tường chạy qua) và ôm hôn những người anh em của mình là tuyệt vời nhất”.
Với những người Đông Đức, đặc biệt là công chức làm việc cho chính quyền, họ đón nhận tin tức đó với sự hoang mang nhất định cho số phận của mình.
“Tôi đang ăn tối với đồng nghiệp tại phòng thí nghiệm của trường ĐH Hamburg thì biết tin bức tường được mở ra. Chúng tôi không biết tương lai của mình, của những người làm việc cho chính quyền Đông Đức, sẽ ra sao. Tất cả mọi thứ đều vô cùng bất định.” TS. Jurgen Danyel nhớ lại.
Sự kiện chấn động toàn cầu đó, trớ trêu thay, được châm ngòi từ một câu trả lời nhầm của Günter Schabowski, phát ngôn viên chính quyền Đông Đức.
Trong một cuộc họp báo công bố quy định mới về xuất nhập cảnh vào ngày 9/11/1989, một phóng viên hỏi ông Schabowski rằng liệu quy định mới có cho phép xuất cảnh sang Tây Đức không và bao giờ có hiệu lực. Ông Schabowski, người không được thông báo kĩ về quy định này trước họp báo, đáp lời sau vài giây ngần ngừ: “Như tôi được biết là có hiệu lực ngay lập tức, không có bất cứ sự đình trệ nào.”
Phát biểu của ông được những kênh truyền hình lớn nhất của Tây Đức bấy giờ phát sóng, vốn cũng rất phổ biến ở Đông Đức. Nó truyền đi một thông điệp, tất nhiên là sai, rằng Đông Đức đã mở cửa biên giới với Tây Đức. Hay nói cách khác là bức tường đã vô hiệu.
Với hàng trăm ngàn người đang biểu tình ở Alexander Platz lúc đó, thì việc tin tức đó đúng hay sai không còn quan trọng nữa. Những trái tim hừng hực thì chỉ cần một đốm tàn lửa để bùng cháy, và lời nói từ một phát ngôn viên là quá đủ. Một số người mạnh dạn tiến từng bước một đến khu vực phi quân sự, gần sát bức tường.
Đi qua hàng rào, họ ngoảnh lại phía sau nhìn vào những người lính gác, rồi lại rụt rè bước tiếp. Không bị bắn. Người lính gác hẳn cũng bối rối trước tin tức từ lãnh đạo của mình. Hàng trăm, rồi hàng ngàn người tiếp nối bước chân. Câu chuyện sau đó là lịch sử.
“Lúc đó tôi còn là sinh viên, những người bạn của mình lái xe qua cổng Brandenburg để xem Đông Berlin hình thù thế nào. Chúng tôi gặp và ôm hôn những người Tây Berlin, chúng tôi cười nói với nhau như thể là bằng hữu từ lâu lắm rồi. Ký ức của tôi là hoa và champagne. Là những đêm hát hò triền miên. Với người trẻ, 9/11 là một ngày hội thực sự.” bà Ursula Herrmann, một người Tây Berlin nhớ lại.
Bà Ursula Herrmann nói chuyện tại Zimmerstrasse. Ảnh: Khắc Giang |
Cách ngày 9/11 vài tháng, nguyên lãnh đạo Đông Đức Erich Honecker từng dự đoán rằng Bức tường Berlin sẽ tồn tại ít nhất là 50 năm nữa. Những người lạc quan hơn từ Tây Đức thì dự đoán 25 năm. Tất cả thay đổi chỉ bằng một phát biểu nhầm. Lịch sử đúng là “thường đi những lối không ngờ”, như lời thơ của Tố Hữu.
Nguyễn Khắc Giang (từ Berlin và Frankfurt am Main)