Đất nước cũng như một gia đình, muốn giàu có trước hết phải biết tiết kiệm và chi tiêu hợp lý. Đừng để cuối cùng người dân lại phải gánh chịu chi trả món nợ, dù họ không bao giờ biết đến tiền tỷ trong đời.

Lâu nay chúng ta thường có thói quen dùng đô-la Mỹ để nói về những số tiền lớn, hóa ra đôi khi lại không phản ánh đúng tình trạng của vấn đề. Mấy ngày nay, khi nhiều tờ báo đưa tin nợ công năm 2015 dự kiến lên đến 2,7 triệu tỷ đồng, người viết bài này mới thật sự giật mình.

Không thể bàng quan với nợ công

Đúng là, nói nợ công 120 tỷ đô-la có thể chưa tác động ngay lập tức tới cảm xúc và tâm lý của người dân, nhưng khi quy đổi ra tiền Việt thì không ít người lập tức thấy… rùng mình.

Như vậy có nghĩa là mỗi người dân Việt Nam trung bình đang gánh trên lưng số nợ 30 triệu đồng. Chỉ riêng con số này cũng đã bằng lương cả năm theo ngạch bậc của một cử nhân mới ra trường. Chưa kể, trong số đó, người già, trẻ em, người thu nhập thấp…, là  những người không có khả năng trả nợ nên gánh nặng này sẽ dồn lên vai những người tạo ra thu nhập chính cho xã hội gấp vài ba lần.

Nói như thế để thấy dù có quan tâm tới tình hình kinh tế vĩ mô hay không, chúng ta cũng không thể bàng quan với nợ công được nữa. Đứng mũi chịu sào sẽ vẫn là các doanh nghiệp;  đến mức một chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam đã phải thốt lên lo lắng: “Ngân sách đã khó khăn đến mức tận diệt doanh nghiệp.”

Trả lời báo chí về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban  Kinh tế Quốc hội nhận định nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng nợ công là do Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách dân túy. Theo ông, chính sách mà Hy Lạp là thất bại nhãn tiền này có nghĩa là chi tiêu nhiều hơn thu, chi cho phúc lợi xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia quá nhiều, hay nói cách khác “cái gì chúng ta cũng muốn”. [1]

{keywords}
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ

Chủ nghĩa dân túy là khái niệm để chỉ những tư tưởng và hoạt động chính trị với mục đích đại diện cho nguyện vọng và nhu cầu của đa số người dân thường. Tất nhiên, chủ nghĩa này có rất nhiều nhược điểm, nhưng nếu áp vào tình hình của Việt Nam thì  xem ra hơi “tội nghiệp” nếu đổ lỗi cho nó.

Các chương trình phúc lợi xã hội dù kém hiệu quả tới đâu thì cũng không phải phần chủ yếu trong tổng nợ công. Trong vài năm gần đây, mức chi trung bình mỗi năm cho xóa đói giảm nghèo rơi vào khoảng 120.000 tỉ đồng, nên có lẽ lý do này chưa thật sự thỏa đáng.

Chính sự yếu kém trong quản lý công, sự thiếu hiệu quả của đầu tư công, sự trì trệ của các doanh nghiệp nhà nước, tình trạng tham nhũng, lãng phí tràn lan mới là nguyên nhân chủ yếu của khoản nợ khổng lồ này. Và nếu nợ công không phải do “dân túy” mà lại do “quan túy” thì còn đáng buồn hơn rất nhiều.

Đừng để người dân cuối cùng gánh chịu

Đặt cạnh con số 2,7 triệu tỷ đồng khổng lồ đó là một con số khác tuy không lớn bằng nhưng cũng rất đáng suy nghĩ. Đó là 01 tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 3.500 tỷ đồng, mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ viện trợ cho Việt Nam trong 05 năm.

Không biết phải vui hay buồn khi đón nhận 3.500 tỷ đồng này. Bởi lẽ mới tuần trước, báo chí hồ hởi đưa tin: Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết tỷ lệ nghèo đói của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất khu vực (9,8%) và tỷ lệ người dân có việc làm lên tới 75,5%.

Với thành tích tuyệt vời như thế, chưa kể còn là một nước liên tục dẫn đầu về xuất khẩu gạo, không gặp vấn đề về an ninh lương thực, không chịu thiên tai dịch bệnh bất ngờ, thì tại sao bỗng nhiên Việt Nam lại phải nhận viện trợ?

Trong một hoàn cảnh khác, viện trợ là một hành động nhân đạo vô cùng cao đẹp. Nhưng một nền kinh tế tự xem mình là khỏe mạnh, trẻ trung, năng động mà lại thích được viện trợ thì có gì đó chưa ổn. Lẽ nào tâm lý lệch lạc muốn “mãi thuộc diện hộ nghèo” để không mất phúc lợi đã lên đến tầm quốc gia? Chưa kể, Trung Quốc không phải là một nước thật sự dư dả, và dù có dư dả đi chăng nữa thì mỗi đồng tiền đều là mồ hôi, nước mắt của người dân, bỗng dưng đem viện trợ cho Việt Nam tới 3.500 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng trường học, bệnh viện, chắc chắn đó không thể là một sự hỗ trợ đơn thuần.

Có người nói dù sao số viện trợ này cũng có ích đối với… nợ công. Nếu quả thật số tiền này được “chuyển mục đích” sang trả nợ thì xem ra nợ công của Việt Nam không còn nằm trong ngưỡng bấp bênh mất an toàn nữa, ít nhất là trên khía cạnh tâm lý. Vả lại so với 2,7 triệu tỷ đồng, thì 01 tỷ Nhân dân tệ kia cũng chỉ như muối bỏ bể mà thôi.

Đến đây, người viết muốn kết lại rằng, đất nước cũng như một gia đình, muốn giàu có trước hết phải biết tiết kiệm và chi tiêu hợp lý. Đừng để cuối cùng người dân lại phải gánh chịu chi trả món nợ, dù họ không bao giờ biết đến tiền tỷ trong đời.

Khương Duy