- Điều kinh hoàng lại xảy ra ở Paris. Các thi thể nằm trên đường phố, gia đình bạn bè điên cuồng gọi điện thoại, hoảng loạn tìm người thân. Cả một quốc gia trong cơn địa chấn. Một năm bắt đầu với thảm kịch Charlie Hebdo và kết thúc với một làn sóng tấn công mới dữ dội hơn.
Tình trạng khẩn cấp quốc gia được ban bố. Lần mới nhất nước Pháp áp dụng nó là năm 2005 khi các cuộc bạo động ở ngoại ô Paris bùng nổ giữa những người trẻ tuổi (chủ yếu là Hồi giáo) hoặc người nhập cư thế hệ hai và lực lượng cảnh sát.
Những ngọn nến được thắp lên ở San Francisco, California. Ảnh: Reuters |
Quá sớm để nói chính xác những gì xảy ra. Một số phương tiện truyền thống Pháp dẫn tuyên bố của kẻ tấn công “đây là vì Syria” trước khi khai hỏa. Trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Pháp nói về “những kẻ khủng bố”. Chỉ có một điều chắc chắn rằng, các vụ tấn công đã được chuẩn bị rất chặt chẽ - tất cả xảy ra trong một đêm và ở những địa điểm khác nhau, tập trung nhiều người.
Nhà hát nổi tiếng Bataclan chật cứng vào đêm thứ sáu. Vụ khác diễn ra gần sân vận động Stade de France – nơi có trận đấu giao hữu giữa Pháp và Đức, với sự hiện diện của Tổng thống Hollande – lại là một biểu tượng khác. Mọi mục tiêu tấn công đều được toan tính nhằm tác động tâm lý tới đám đông, gieo rắc sự sợ hãi khắp đất nước rằng, thảm kịch cướp đi sinh mạng của hàng trăm người sẽ còn kéo dài.
Sau vụ Charlie Hebdo, các chuyên gia an ninh từng cảnh báo về những đe dọa nổi lên từ các nhóm cực đoan liên quan tới IS.
Nhiều năm nay, Pháp là một cường quốc quân sự tích cực tham gia cuộc chiến chống khủng bố. Tháng 10/2001, Paris bắt tay với NATO tại Afghanistan chống Al-Qaeda và Taliban. Năm 2013, Pháp phát động chiến dịch quân sự tại Mali tiêu diệt Al-Qaeda. Kể từ 2014, Pháp là một phần trong liên minh chống IS ở Iraq và năm nay, họ đã mở rộng nỗ lực chống IS tại Syria (cho dù với số lượng nhỏ).
Một nạn nhân vụ nổ súng ở nhà hát Bataclan. Ảnh: AP |
Pháp cũng là một trong những nước châu Âu có nhiều người tham gia tuyển mộ vào IS. Họ thường sinh ra tại Pháp, cải đạo, rồi tìm tới Syria. Sự cực đoan (nhất là trên trực tuyến) ngày càng phát triển trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên lên cao, nhất là vùng ngoại ô, sự kỳ thị cực đoan chống lại người Ảrập và châu Phi …
Người Hồi giáo ở Pháp giờ đây ngày càng lo lắng bị liên quan tới cực đoan và khủng bố. Các nhóm cực hữu, với nhiều chính trị gia tích cực đưa ra chính sách chống người nhập cư lại càng đổ thêm dầu vào lửa. Nhà chức trách Pháp bị chỉ trích vì thiếu giám sát các phần tử cực đoan trong nước…
Thủ đô nước Pháp trong cơn hỗn loạn tự hỏi: “Tại sao là chúng ta, tại sao một lần nữa?”.
“Paris lần nữa bị khủng bố”, Thời báo New York dẫn lời phó Thị trưởng Patrick Klugman đăng trên Twitter.
“Tôi lo sợ cho tương lai”, Tony Vandelle, 31 tuổi, người tham dự trận giao hữu bóng đá Pháp - Đức nói. “Với những gì diễn ra ở Syria, không còn nơi nào an toàn nữa. Nước Pháp đã tổn thương sau vụ Charlie Hebdo kể cả con trẻ, chúng vẫn nói chuyện đó khi tới trường. Giờ đây, sự việc lại tái hiện ở cấp độ khác, đáng sợ hơn”.
Thảm kịch Paris diễn ra khi chỉ còn ít tuần nữa, các nhà lãnh đạo của hơn 100 nước sẽ tụ họp tại Paris tham gia hội nghị khí hậu cấp cao...
Và ngày mới vẫn phải bắt đầu với vô vàn lời cảnh báo như dọa đánh bom tại khách sạn có đội tuyển bóng đá Đức, tại Gare de Lyon – một trong những ga xe lửa của thành phố. Ga tàu và khách sạn đã được tìm kiếm kỹ càng rồi cảnh sát cho phép hoạt động trở lại.
Nhưng nỗi sợ hãi không kết thúc. Thành phố vẫn tiếp tục nhịp điệu của nó, còn cuộc sống người dân thì mong manh, không biết điều gì sẽ đến tiếp theo.
Với châu Âu và phương Tây, những gì diễn ra tại Paris là một lời nhắc nhở thảm kịch về thực tế rằng, chúng ta vẫn còn sống ở kỷ nguyên hậu 11/9.
Thạch Thảo