Những tổ chức thiện nguyện chân thật thường không ồn ào khoa trương, không mượn lời hoặc hình ảnh của người nghèo để khóc lóc van xin, không đánh động lòng thương cảm bằng mọi thủ đoạn.

LTS: Chưa ai tính được có bao nhiêu thân phận bất hạnh đã được sưởi ấm nhờ lòng hảo tâm của người khác. Bên cạnh vô vàn các hoạt động từ thiện đang được lan toả trong xã hội thì có những người đang lợi dụng lòng trắc ẩn của cộng đồng để trục lợi như "Trái tim Việt Nam" là một ví dụ. Vậy làm thế nào để hạn chế lòng tham nảy nở? Mời quí vị độc giả theo dõi mạch bài "Làm từ thiện dễ hay khó?" của Tuần Việt Nam.

Nếu không có lòng trắc ẩn, có sự thôi thúc của lương tri về việc thiện con người chỉ là một cỗ máy vô hồn. Có lòng trắc ẩn và lương tri thì không cần phải là tỷ phú, mà một cụ già nghèo cũng có thể làm từ thiện. Người Việt Nam có câu “Thương người như thể thương thân” và “lá lành đùm lá rách” nói nên điều đó. Nhân loại cũng như vậy.

Làm từ thiện có dễ không?

{keywords} 
Những tổ chức từ thiện có tâm chỉ lặng lẽ làm những việc mà lòng trắc ẩn, tình thương mến vô bờ bến sẵn có trong lòng xui khiến. Ảnh minh họa: Maithanhhaiddk.

Trong một xã hội công nghiệp và kinh tế thị trường thì khoảng cách chênh lệch giàu nghèo là không thể tránh khỏi. Đồng thời các giao tiếp xã hội của các cá nhân có phần bị thu hẹp lại. Từ thiện, thiện nguyện ngoài lòng trắc ẩn, sự thôi thúc của lương tri còn có ý nghĩa là cầu nối để góp phần giảm thiểu những tác hại của chênh lệch kia. 

Hiểu được điều đó, không ít những tổ chức từ thiện xã hội ra đời. Từ những tổ chức có quy mô được đăng ký, hoặc có thể kiểm chứng danh tính người phát động một cách rõ ràng, đến những tổ chức nhỏ lẻ tự phát không cần có chức sắc, tên tuổi. Không ít các tổ chức đã làm được những điều rất cảm động, làm nên những câu chuyện có thực mà như mơ cho người nghèo, người kém may mắn.

Những tổ chức thiện nguyện chân thật thường không ồn ào khoa trương, không mượn lời hoặc hình ảnh của người nghèo để khóc lóc van xin, không đánh động lòng thương cảm bằng mọi thủ đoạn. Họ- những tổ chức thiện nguyện có tâm thực sự, chỉ lặng lẽ làm cái việc mà lòng trắc ẩn, tình thương mến vô bờ bến sẵn có trong lòng, xui khiến. 

Làm từ thiện có dễ không? Rất dễ! Vì chỉ cần có tấm lòng là làm được. Nhưng cũng rất khó, nếu để tiến hành lâu dài, để việc đó có được một quy mô, một hiệu quả và được nhiều người hưởng ứng, đứng chung… Cái khó đầu tiên, tổ chức đó phải trả lời được những câu hỏi tự đặt ra: Mục đích của từ thiện là gì? Đối tượng nào sẽ là ưu tiên trước? Ở đâu? Con cá hay cần câu? Hoặc khi nào thì tặng cá, khi nào thì đưa cần? Mọi tiêu chí đó có được thành viên trong quỹ từ thiện đồng ý không. Và tính minh bạch của quỹ ra sao?

Nói đến tính minh bạch của quỹ từ thiện, cũng cần nói thêm rằng, nếu không minh bạch thì quỹ từ thiện dễ tan. Hiện nay, bên cạnh những tổ chức thiện nguyện rất đáng nể trọng còn có cả những tổ chức, những con người dựa vào hai chữ từ thiện để trục lợi, để đánh bóng tên tuổi, để quảng cáo những sản phẩm tồi tệ, thậm chí để lừa đảo…

Việc đó, thật đáng chê trách, lên án.

Nhìn ra thế giới

Hiện tại Mỹ có hơn 78 ngàn quỹ từ thiện. Một trong số đó có thể kể đến Quỹ Bill & Melinda Gates với số vốn  (tính đến thời điểm 2015) hơn 42 tỷ đô la. Thế kỷ trước ĐH Stanford được thành lập bởi L. Stand Ford, trùm tư bản về đường xe lửa, Thống đốc bang California, và vợ ông, Jane Stanford.

Những quỹ từ thiện lớn của cá nhân như vậy, hoạt động theo quy chế do người sáng lập và tài trợ thảo ra. Những quỹ khác, có nhiều người đóng góp, thì cử ra giám đốc điều hành, hằng năm phải báo cáo tài chính. Nếu gian lận phải ra tòa, lĩnh án. Các doanh nghiệp làm từ thiện có thể tùy theo mức độ mà được giảm thuế.

Quỹ từ thiện có thể là nguồn tài trợ nhiều nhất cho các trường đại học: Xây sửa trường lớp, hỗ trợ thực hiện các đề tài khoa học, làm học bổng… Có những quỹ được lập nên bởi các cơ sở tôn giáo, người được hưởng không cần phải khai căn cước, nhưng chỉ là những bữa ăn phát miễn phí hằng ngày, hoặc trả tiền viện phí thẳng cho bệnh viện v.v.

{keywords}
Bên trong một cửa hàng của hệ thống Goodwill tại Mỹ. Ảnh minh họa: theonecar

Có những tổ chức từ thiện lại mang một vẻ nhân bản khác: Với 165 địa điểm, hoạt động tại 15 quốc gia Goodwill là một tổ chức có nhiều họat động: Dạy tiếng Anh (hoặc tiếng sở tại) cho người nhập cư, trẻ em thất học, người lớn mù chữ, tìm kiếm việc làm cho người thất nghiệp; mở nhà tình thương cho người vô gia cư ở qua đêm; cứu trợ cấp thời cho những nơi thiên tai…

Tổ chức này có một hệ thống thùng thu gom đồ cũ tại những nơi công cộng và loạt cửa hàng chuyên tiêu thụ. Làm việc trong những cửa hàng này là những tình nguyện viên không lương.

Nước ngoài như thế, không có nghĩa là ở ta những từ thiện nhỏ lẻ như: Tặng một đồng khi đi ngang đường thấy nhóm khiếm thị đang đàn hát ở góc phố, hay mua một vài gói tăm, hay rủ nhau một nhóm mang quần áo cũ đến vùng sâu vùng xa là không giá trị. Vì mọi hành động xuất phát từ thiện nguyện thật tâm đều đem đến sự khích lệ tinh thần cho xã hội, làm ấm lòng những người kém may mắn.

Tuy nhiên, như đã nói, việc từ thiện là việc của muôn đời, cuộc đời bao giờ, dù có công bằng mấy đi nữa thì vẫn có sự chênh lệch mức sống, xây dựng văn hóa từ thiện, nguyên tắc cho việc làm từ thiện… là rất cần thiết. Của cho luôn gắn với cách cho, của cho có hiệu quả tốt nhất với người nhận là một vấn đề mà chúng ta nên có cái nhìn và cách hành xử thấu đáo, từ đó chống được những sự lợi dụng của kẻ giả danh từ thiện.

Thật đáng buồn vì ở ta, văn hóa từ thiện còn chưa dày, thiết chế chống lợi dụng còn lòng lẻo cho nên có những kẻ còn biến từ thiện thành một dịch vụ. Có nơi gom trẻ thất cơ lơ vận vào một chỗ, cho ăn cho ở mức tối thiểu nhất, nhưng bắt các em làm nhiều việc nhất có thể, vừa để thu lời, vừa có cớ kêu gọi xã hội. Có nơi gom người cô đơn tàn tật để xin dự án, tài trợ. Có nơi trương lên khẩu hiệu vì người nghèo, người bệnh, người tai nạn bất thường ở vùng A vùng B v.v. qua mạng, rồi thu được bao nhiêu, gửi tận nơi bao nhiêu, còn lại bao nhiêu, sẽ làm những gì với những đống tiền thu được từ đóng góp…? Không ai biết.

Như một lẽ sống, con người ta không bao giờ thôi trắc ẩn, ngừng thiện nguyện, bởi đó là lời tự thức của lương tâm. Nhưng để cho việc từ thiện thật sự vô tư, có hiệu quả, thì ngoài sự tự giác, chân thành của những tổ chức, người làm thiện nguyện tử tế, thật sự cho đến nay, vẫn chưa có cơ chế và phương cách giúp cho việc thiện nguyện tránh được tiếng xấu, tiếng dở.

Và câu trả lời này vẫn còn bỏ ngỏ…

Trần Thị Trường