Sau lá bài tung ra có phần vội vã của Thổ Nhĩ Kỳ, thế giới đang chờ xem phản ứng của Nga sẽ như thế nào. Nhưng dường như Tổng thống Putin vẫn còn giấu con át chủ bài trong túi áo ngực.
Cuối cùng thì tình huống được giả định từ khi Nga phát động chiến dịch không kích Syria song song với chiến dịch của Mỹ trên cùng một vùng trời, đã xảy ra: sẽ thế nào nếu máy bay Nga và Mỹ (hay của liên quân do Mỹ đứng đầu) va chạm trên bầu trời Syria?
Ngày 24/11, một máy bay chiến đấu Su-24 của Nga khi đang tác chiến tại Syria đã trúng tên lửa bắn từ chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ và nổ tung. Số phận của một trong hai viên phi công vẫn chưa rõ, người còn lại đã rơi vào tay quân nổi dậy Syria và bị lực lượng này sát hại.
Đây là chuyện không hề nhỏ, vì xảy ra sau khi Nga và Mỹ đã ký kết thỏa thuận ngăn chặn những sự cố giữa máy bay của các bên tham gia không kích chống khủng bố (Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu).
Chuyện Ankara nổi giận với việc máy bay Nga hoạt động ngay sát biên giới mình không phải là mới. Nhưng bắn rơi máy bay của Nga đang chiến đấu anh dũng chống khủng bố tại Syria, ngay cả khi máy bay này không đe dọa an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, lại là chuyện khác. Toàn vẹn lãnh thổ chỉ là cái cớ.
Ảnh: Telegraph |
Thổ Nhĩ Kỳ lẽ ra có thể hành xử cách khác (nhẹ nhàng hơn) để giải quyết cái mà họ cáo buộc là “vi phạm không phận” nếu máy bay Nga có đi lạc thật, nhưng họ đã chọn cách mạnh nhất là bắn hạ. Nguy cơ leo thang một cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và những cựu thù Chiến tranh Lạnh đang được nhắc tới khi đây là lần đầu tiên trong 7 thập kỷ qua, một thành viên NATO bắn rơi chiến đấu cơ hiện đại của Nga.
Vụ việc F-16 hạ Su-24 xảy ra giữa lúc Nga, Pháp và Mỹ đang tính chuyện thành lập một liên minh chung để chống IS – điều mà Ankara không lấy làm thích thú. Trong bối cảnh này, Giới chức Mỹ và Pháp tất nhiên chọn cách đứng ngoài cuộc, bởi họ khó mà thiên vị ai trong sự cố này.
Họ nói đây là chuyện riêng của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, không liên quan đến cuộc chiến chống IS, và kêu gọi hai nước này đối thoại trực tiếp với nhau nhằm tránh leo thang căng thẳng, để dành ưu tiên hàng đầu cho chiến dịch tiêu diệt IS. Đức hiện chưa lên tiếng nhưng bà Angela Merkel cũng khó trách cứ bất kỳ bên nào, bởi rõ ràng là châu Âu đang cần Nga trong cuộc chiến chống IS, và cần Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc khủng hoảng người di cư.
Tuy nhiên, Ankara đã lập tức yêu cầu NATO họp khẩn về vụ này thay vì đối thoại trực tiếp với Nga, như thể Thổ Nhĩ Kỳ vừa bị Nga tấn công vậy. Hành xử theo cách này, Tổng thống Recep Erdogan muốn tìm kiếm lợi ích từ các đồng minh NATO, tận dụng cơ hội hối thúc Mỹ mở rộng phạm vi triển khai hệ thống tên lửa phòng không Patriot dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. NATO tất nhiên phải bênh thành viên của mình, song kêu gọi hai bên bình tĩnh và tìm cách xoa dịu căng thẳng.
Trong sự cố này, Moscow là có thể lớn tiếng nhất. Tổng thống Putin cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ “đồng lõa với khủng bố” và thề sẽ bắt Ankara hứng chịu “hậu quả bi thảm”. Ngoại trưởng Nga đã hoãn chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ được dự kiến vào ngày 25/11. Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo công dân nước này không nên đi nghỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ, các hãng lữ hành Nga đã ngừng bán tour tới Thổ Nhĩ Kỳ - động thái có thể gây thất thu lớn cho Ankara. Bộ Quốc phòng Nga cũng đã cắt đứt liên lạc với Ankara.
Ít khả năng xảy ra một cuộc chiến trên không quy mô lớn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, bởi Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, đánh Thổ Nhĩ Kỳ chẳng khác nào đâm thẳng vào NATO, châm ngòi cho chiến tranh thế giới lần thứ III.
Trước mắt, chắc chắn Nga sẽ không kích mạnh tay hơn vào các nhóm Turkmen ở khu vực biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ, điều khiến Ankara ấm ức hai tháng nay.
Nga có lý khi đáp trả cách này chừng nào viên phi công thứ hai (nhiều khả năng đang nằm trong tay các tay súng IS tại đây) chưa được giải thoát và thi thể người thứ nhất chưa được trao trả.
Hơn thế, Moscow đã có cớ để triển khai hệ thống phòng không S-300 hoặc S-400 (vốn là nỗi khiếp sợ của phương Tây) tới Syria để lập ô phòng không bảo vệ lực lượng của Nga và chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Ván bài Syria dường như ngày càng nghiêng về phía Nga sau lá bài tung ra có phần vội vã của Thổ Nhĩ Kỳ. Thế giới đang chờ xem phản ứng của Nga sẽ như thế nào. Đến nay, Tổng thống Putin vẫn còn giấu các lá bài quan trọng của mình trong túi áo ngực.
Đức Đan