Nhân dân vẫn chờ đợi, lời thề trọng trách được… bảo hiểm bằng một công cụ quản lý văn minh và hiện đại, đó là sự công khai- minh bạch.

Chỉ khi đó, lời thề các vị mới chắc như đinh đóng cột.

Liệu có thành hiện thực?

Có lẽ không có một tệ nạn xã hội nào trở thành “quốc nạn” như tham nhũng, nhức nhối đến mức kỳ họp Quốc hội nào cũng được đưa ra chẩn bệnh và chẩn trị. Và tại kỳ họp QH lần này, quốc nạn tham nhũng lại một lần nữa được ĐBQH Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Thanh thiếu niên, Nhi đồng) mổ xẻ, soi chụp về một cách làm tinh vi nhân danh chức trách nhiệm vụ.

Bút sa… hoa hồng nở

Đó là khi ông chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trước một hiện tượng quen thuộc lâu nay, nhưng dường như lần đầu tiên được gọi thẳng tên- một số quan chức nhà nước thường tăng tốc cả về tần suất và cường độ tham nhũng- vào thời điểm trước nghỉ hưu, gọi là "hoàng hôn nhiệm kỳ".

Trước đây, người ta dùng “tư duy nhiệm kỳ” để nói về sự trục lợi, sự tranh thủ khai thác lợi ích trong nhiệm kỳ đó. Còn nay, có thêm khái niệm “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Một sự tận dụng nhiệm kỳ đến “triệt để”. Đủ biết, tham nhũng không còn là nỗi phẫn nộ của riêng ai, trừ những kẻ…  tham nhũng.

Khái niệm “hoàng hôn nhiệm kỳ” lập tức được XH nhắc tới, như một hành vi vơ vét công khai. Rõ nhất là việc ký tá hàng loạt các “ghế” quan chức dưới quyền, trong phạm vi quyền lực. Hoặc ký tá các dự án. Cả hai cách ký tá ấy đều chỉ có một mục đích- bút sa… hoa hồng nở.

Dư luận XH chưa quên, khi “hoàng hôn nhiệm kỳ”buông xuống, chỉ còn hai tháng là nghỉ hưu, ông Tổng thanh tra CP (khi đó) đã  bổ nhiệm một lúc 60 cán bộ cấp vụ và tương đương. Còn ông cựu Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch t/p HCM (khi đó) bổ nhiệm gần 30 cán bộ cấp phòng và tương đương. Một quan chức đã phải thẳng thắn nói với người viết bài này, đó chỉ là sự vay trả thôi, nhà báo ơi…

Dư luận XH cũng chưa quên, phát ngôn ấn tượng của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng: Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa (Dân trí, ngày 26/5). Đến ngay một ông tướng mà còn thấy thực trạng vơ vét của một số quan chức là kinh khủng, người dân sẽ thấy kinh khủng đến đâu?

{keywords}
Ảnh minh họa

Nhưng người dân cũng sớm… thất vọng, khi ngay một vụ việc cụ thể- ký tá cho 60 cán bộ và cấp vụ tương đương của ông cựu Chánh TTCP, cuối cùng, sau một thời gian điều tra, đã được chính TTCP kết luận- “cơ bản đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn”. Có nghĩa là vẫn “đúng quy trình”. Đúng quy trình, mà rất có thể… sai về động cơ bổ nhiệm, dẫn đến hệ lụy ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cán bộ. Ai cũng biết chỉ người trong cuộc làm như không biết. Đó là sự bí ẩn của đời sống trong XH nước Việt hiện nay! Sự bí ẩn… ai cũng hiểu!

Không thất vọng sao được, ngay cả đến thời điểm này, cách phòng chống tham nhũng của nước Việt cũng vừa rất duy ý chí, vừa rất duy tình.

Rất duy ý chí, chính là ở chỗ, những giải pháp mà Thanh tra CP trả lời ngay tại phiên chất vấn của QH cũng vẫn rất chung chung, đặt hy vọng chống giặc nội xâm bằng những vũ khí “khẩu hiệu” dùng cho 10 năm trước đây cũng được, mà  dùng cho 10 năm sau cũng chẳng sai, vì nó thuộc về nguyên lý bất di bất dịch: Phát huy vai trò tổ chức Đảng, đoàn thể bằng cách giám sát việc thực hiện giải pháp phòng ngừa, tố giác hành vi tham nhũng nếu có!

Trong khi tham nhũng mỗi năm, năm sau lại tinh vi hơn, quy mô hơn và táo tợn, ma qủy hơn năm trước.

Rất duy tình, vì sự xử lý các vụ việc tiêu cực liên quan tới các quan chức như tiêu cực của cựu Chánh TTCP trước đây quá cả nể, giơ cao đánh khẽ, nương nhẹ nhau, khiến niềm tin trong dân cũng rất…. nhẹ. Vì sao?  Có lẽ chỉ những người trong cuộc mới hiểu rõ nhất cái sự rất duy tình này.  Vừa duy ý chí, vừa rất duy tình, thì tham nhũng vẫn cứ phởn phơ nào biết trên đầu có ai, là phải.

Thế cho nên, Tướng Trần Văn Độ cho rằng, phải có một thiết chế Nhà nước đủ mạnh, đủ thẩm quyền và nên thành lập Ủy ban Quốc gia chống tham nhũng.

{keywords}
ĐBQH Lê Như Tiến. Ảnh: Minh Thăng

Còn ĐBQH Dương Trung Quốc và ĐBQH Lê Như Tiến thì quan tâm tới những giải pháp cụ thể hơn. Nếu ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, có hai giải pháp. Thứ nhất, pháp luật phải có quy định rõ ràng, trước khi kết thúc nhiệm kỳ bao nhiêu thì không được ký bổ nhiệm. Thứ hai, bổ nhiệm phải đúng luật.

Còn ĐBQH Lê Như Tiến thì đề nghị cụ thể đến từng…. con số: Thanh tra CP có những quy định cụ thể, 03 tháng hay 06 tháng trước khi nghỉ hưu, quan chức không được ký bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Việc này, để cho người nhiệm kỳ sau làm. Đồng thời cũng không được ký những dự án đầu tư với ngân sách lớn- 10 tỷ trở lên hay 100 tỷ.

Nhưng tất cả những kiến nghị đó, từ vĩ mô cho tới vi mô, xét cho cùng, cũng chỉ mang tính chất tình thế. Vì nó hoàn toàn thiếu một giải pháp căn bản nhất, mang yếu tố quyết định, thậm chí, với cơ chế quản lý cứng nhắc, còn nặng ban phát xin- cho hiện nay, nó mang tính đột phá.

Khát vọng của nhân dân- minh bạch

Đó là “bảo bối” gì vậy?

Đó chính là cung cách quản lý công khai- minh bạch. Đó cũng chính là khát vọng của nhân dân. Có thế, mới mong hạn chế đến mức thấp nhất sự hoành hành và tàn phá ngấm ngầm của tham nhũng.

Cách đây đã ba năm, tại phiên thảo luận về công tác phòng chống tội phạm và phòng chống tham nhũng của QH, theo VnEnocomy, ngày 1/11/2012, ĐBQH Võ Thị Dung đã khiến dư luận cả XH xôn xao khi bà tha thiết đề xuất, ngay trong kỳ họp, QH cần có một thông điệp đến với cử tri và nhân dân cả nước. Cụ thể, 498 đại biểu và toàn bộ thành viên của CP tuyên hứa trước quốc dân đồng bào kể từ nay sẽ quyết tâm cao để hành động quyết liệt, đẩy lùi tham nhũng có hiệu quả và bản thân mỗi ĐB, mỗi thành viên CP sẽ không bao giờ phạm vào tội tham nhũng.

Cái tâm thành của ĐBQH Võ Thị Dung thật đáng trọng. Bởi có lẽ, bà quá hiểu tâm trạng hoài nghi của người dân trước quốc nạn này, cùng những tác động ảnh hưởng của nó tới sự xuống cấp về đạo lý văn hóa XH.

Cũng không chỉ có ĐBQH Võ Thị Dung, ĐBQH Trương Thái Hiền rất băn khoăn về độ cứng rắn của các biện pháp đã được áp dụng, khi thấy việc kiểm điểm, phê bình và tự phê bình theo NQTW 04 chưa thấy có tổ chức, cá nhân nào có cán bộ bị tố giác, phát hiện có hành vi tham nhũng. Trong khi đó, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp, gần 60.000 tỷ đồng rò rỉ chảy vào túi riêng của cá nhân, nhưng chỉ có 25 vụ/41 đối tượng bị xử lý hình sự, đạt 6,06% so với 899 cá nhân có hành vi vi phạm.

{keywords}
ĐBQH Võ Thị Dung. Ảnh: Minh Thăng

Nhưng tâm thành đó của ĐBQH đặt trong bối cảnh XH phức tạp, giải pháp chống tham nhũng vừa rất duy ý chí, vừa rất duy tình, từng biến thành miếng trầu đầu câu chuyện của mạng XH.

Miếng trầu đầu câu chuyện đàm tiếu càng trở nên … thắm môi, thắm miệng hơn nữa, khi nhiều người đọc được tin mới đây, Tổng cục Hải quan: 100% cán bộ, đảng viên cam kết không tham nhũng, tiêu cực (HQ Online, ngày 17/11). Có ai đó hài hước còn nhắc lại câu thành ngữ xa xưa mà ông cha ta đã nhắc nhở: Thề cá trê chui ống!

Cũng chả trách được người dân. Vì niềm tin vào công cuộc phòng chống tham nhũng ở người dân quá mong manh- mong manh quá, mong manh không chịu nổi… khi mới đây, Thủ đô Hà Nội lại công bố kết quả “Kiểm tra nội bộ, Hà Nội không thấy ai tham nhũng!” (TTO, ngày 20/11). Trong khi đó, báo cáo của t/p thừa nhận- tình hình tham nhũng trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực như lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để cấp, bán đất trái thẩm quyền, xác nhận không đúng nguồn gốc đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hợp thức khống hồ sơ, chứng từ trong thi công công trình để chiếm đoạt tài sản nhà nước; lập khống, làm giả chữ ký hồ sơ tín dụng để chiếm đoạt tiền…

Như vậy, ở HN có một hiện tượng lạ đáng quan tâm: Cấp trên trong sạch, chỉ cấp dưới là… có máu tham nhũng. Và người ta nhớ ngay tới vụ việc cách đây ít lâu, ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm UB Kiểm tra Thành ủy HN phát biểu từng khẳng định, có hiện tượng chay công chức hết 100 triệu đồng, nhưng khi HN cho kiểm tra thì "sạch bong"!

Trả lời phỏng vấn báo Đất Việt, ngày 24/11, về thông tin HN không có ai tham nhũng, ông Ngô Thành Can (Học viện Hành chính) bỗng trở thành triết gia… bất đắc dĩ và hóm hỉnh, rằng, đôi khi trong thực tiễn có những cái chúng ta cứ tưởng nghịch lý, nhưng nó lại là hợp lý của những cái nghịch lý.

Vì sao vậy, vì sao quốc nạn tham nhũng của nước Việt nói chung, của thủ đô HN nói riêng lại như rơi vào trò chơi đuổi hình bắt bóng. Ai cũng thấy là trầm trọng, nhưng tìm kiếm lại không ra.

Bởi căn cốt là ở điều này: Nước Việt thiếu một công cụ quản lý, có ý nghĩa quyết định đến mức, bất cứ quốc gia nào phát triển và đạt tới tầm văn minh đều phải có công cụ đó, phản chiếu cái tâm, cái tầm và đẳng cấp quản lý của quốc gia. Đó là sự công khai- minh bạch.

Thiếu bộ công cụ này, nước Việt như chơi trò bịt mắt bắt … tham nhũng. Thiếu bộ công cụ này, cho dù có thanh tra, kiểm tra, kê khai tài sản cán bộ thuộc diện đối tượng, rút cục, một nửa sự thật đã không còn là sự thật.

Chính vì vậy, một thông tin mới nhất được các trang mạng XH bàn luận rôm rả không kém sự rôm rả cách đây 03 năm. Đó là vào kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội XIV tới đây (tháng 7/2016), Chủ tịch QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng CP, Chánh án TAND tối cao, những người đại diện cho ba chân kiềng một đất nước: Lập pháp- Hành pháp- Tư pháp sẽ thực hiện việc tuyên thệ nhậm chức theo quy định.

Đây là một sự kiện mới. Bởi lời thề thể hiện sự cam kết với quốc gia, dân tộc của những người có trách nhiệm cao nhất của một đất nước.

Nhưng nhân dân vẫn chờ đợi, lời thề trọng trách được… bảo hiểm bằng một công cụ quản lý văn minh và hiện đại, đó là sự công khai- minh bạch.

Chỉ khi đó lời thề của các vị mới chắc như đinh đóng cột.

Liệu có thành hiện thực?

Kỳ Duyên