Putin cần tập trung cho “ván cờ lớn” ở Địa Trung Hải mà thực tế cho thấy, ông không thể căng sức lên ở tất cả các mặt trận.

Hôm 7/12, báo chí quốc tế đồng loạt đưa tin liên quân do Mỹ đứng đầu không kích một vị trí của quân đội Syria. Damascus ngay lập tức chỉ trích, trong khi phía liên quân phủ nhận. 

Từ khi Nga tham gia không kích “Nhà nước Hồi giáo” (IS) ở Syria (30/9) đến nay, tình hình chiến trường của cuộc nội chiến Syria trở nên hết sức phức tạp. Nga cũng bị các nước như Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ… chỉ trích về việc “ngoài” tấn công lực lượng IS, còn tấn công thêm vào lực lượng ôn hòa đối lập với chính quyền của ông Assad. Gần đây nhất, sau sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay cường kích của Nga, quan hệ hai nước về tổng thể đi dần đến mức đối đầu, đặc biệt về ngoại giao và kinh tế. 

Việc liên quân phủ nhận đã tấn công vào quân đội Syria cũng là dễ hiểu. Trong tình thế chiến trường quá phức tạp hiện nay với nhiều bên tham chiến, rất khó để xác định tính xác thực của những ý kiến dạng này. Nga và quân đội Syria chắc hẳn đã xác lập một hệ thống trao đổi thông tin, nhưng thực tiễn việc “quân ta bắn quân mình” không phải là không có.

Hơn thế nữa, sau vụ “bắn hạ SU-24”, Nga đã đưa các giàn tên lửa phòng không S-300/400 vào Syria để bảo vệ máy bay của mình. Các giàn đó không nhận ra máy bay của liên quân thì cũng là điều dễ gây băn khoăn.

Chỉ có một điều rõ ràng nhất, là cuộc chiến ủy nhiệm ở Syria đang tiếp tục leo thang.

{keywords}

Chiến đấu cơ của Mỹ tấn công các mục tiêu của IS. Ảnh: Foreign Affairs

Chiến sự leo thang

Những phi vụ không kích của Nga ở Syria, không còn nghi ngờ đem lại cho quân đội của Chính phủ ông Assad những “luồng sinh khí” mới, và thu được những thắng lợi liên tiếp. Cùng với lý do “chống khủng bố (IS)” mà ông Putin đưa ra, thì mục tiêu chiến lược của Nga đã hiển hiện: một chính quyền Assad dần mạnh lên, lấy lại được những vùng đất chiến lược, ép mạnh cả lực lượng đối lập ôn hòa lẫn IS, giành lại được những vùng khai thác dầu để phục hồi năng lực kinh tế; và cuối cùng thì “Assad là giải pháp duy nhất cho việc chấm dứt nội chiến Syria (giải pháp mức độ quốc gia và khu vực) và là chủ lực trong cuộc chiến chống khủng bố IS (giải pháp ở mức độ toàn cầu).

Hơn lúc nào hết, có vẻ lý thuyết này đã được củng cố thật vững chắc sau “Ngày thứ Sáu đẫm máu” ở Paris (13/11.) Nhu cầu thành lập liên minh chống khủng bố trong đó có Nga, hình thành một cách rõ nét, và nước Pháp, nạn nhân trực tiếp đang đóng vai trò khá nhiệt tình. Đáng tiếc, vụ “SU-24” đã làm cho những nỗ lực của cả Nga và Pháp bị chặn lại.

Tình thế quốc tế càng trở nên khá khó chịu với ông V.Putin khi NATO quyết tâm kết nạp Montenegro, một nước Đông Âu thuộc Liên bang Nam Tư cũ làm thành viên chính thức.  

Có thể đánh giá, việc kết nạp thêm thành viên này sẽ ảnh hưởng nhiều đến cái gọi là “chiến lược Địa Trung Hải” của Putin khi quyết định dồn nhiều quân vào ván bài Syria; nhưng Montenegro là một nước gốc Slav! Nước Nga từ trước đến nay vẫn luôn luôn tự coi mình là trung tâm mà xung quanh là các vệ tinh “các nước Slav anh em,” sẽ rất khó chấp nhận được khi các nước này cứ lần lượt gia nhập một liên minh quân sự mà Nga có truyền thống muốn đối đầu từ thời Liên Xô.  

Nga chưa làm gì hơn ngoài những bước đi khá “nhẹ nhàng”: về ngoại giao Nga mới chỉ phản đối việc NATO kết nạp (vội vã) Montenegro; về kinh tế, Nga cấm vận một số hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ và cho đóng băng các tour du lịch sang nước này (nhằm đúng mùa thấp điểm của du lịch) và vẫn chưa đóng khí đốt bán cho Ankara…  

Bởi ông Putin cần tập trung cho “ván cờ lớn” ở Địa Trung Hải mà thực tế cho thấy, ông không thể căng sức lên ở tất cả các mặt trận. Đó là chưa kể những tin tức thị trường cho thấy giá dầu còn tiếp tục thấp, có thể còn xuống tiếp. Theo dõi chiến sự ở Syria, có vẻ Nga không tăng cường quá mạnh mẽ những hoạt động quân sự như nhiều người dự đoán sau “vụ SU-24.” 

Vậy, nếu cứ cho là liên quân cố tình tấn công vào lính của quân đội Assad thì sao? Câu trả lời là rõ ràng. Thứ nhất, tất cả các nước đồng minh của Hoa Kỳ đều không muốn có Nga trong liên minh chống IS. Thứ hai, những cáo buộc ông Assad từng thảm sát dân chúng Syria của mình vẫn còn nguyên và ông này phải từ chức. Tâm điểm của ván cờ vẫn là ông Assad và chính quyền của ông ta, chứ chưa phải là các nhóm đối lập hay IS.  

Nếu vụ tấn công này là có chủ đích, nó cho thấy tình hình sẽ chỉ có thể tiếp tục leo thang, chiến sự sẽ vẫn còn nhiều căng thẳng. Phương Tây sẽ không để cho ông Assad tiếp tục “đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Ngoài ra, nó còn làm dấy nên những nghi ngờ về năng lực phòng không của các giàn S-300/400 trứ danh được nể sợ bấy lâu.

Phải chăng lợi dụng lúc ông Putin “chùng” xuống, phương Tây “căng” lên?

Phúc Lai