"Tham nhũng ở Việt Nam là hệ quả của những hạn chế, bất cập trong hệ thống luật pháp, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và cơ chế quản lý Nhà nước, cũng như gắn với tính quá độ của chuyển đổi từ cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường... Tham nhũng còn được khuyến khích bởi sự "tự diễn biến" trong nhận thức chính trị và sự tha hoá đạo đức của những người từng một thời cống hiến trong lửa đạn, và là biểu hiện  mặt trái của cơ chế thị trường", TS. Nguyễn Minh Phong chia sẻ tại cuộc giao lưu với độc giả Tuần Việt Nam.

LTS: Để đáp ứng yêu cầu của đông đảo bạn đọc, Tuần Việt Nam xin giới  thiệu lại nội dung cuộc giao lưu với ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH và TS. Nguyễn Minh Phong, Phó ban Tuyên truyền và lý luận Báo Nhân Dân trước thềm Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII dự kiến diễn ra vào tháng 1/2016.

Dự thảo Báo cáo chính trị Văn kiện của Đảng xác định: “Đẩy mạnh dân chủ hoá xã hội để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân”. Đâu là mấu chốt để điều này được thực thi một cách thực chất? Cần tăng cường hoạt động giám sát và phản biện xã hội, các hình thức dân chủ trực tiếp ra sao để đẩy mạnh dân chủ? (Nguyễn Văn Minh, 36 tuổi, Đống Đa, Hà Nội)

Ông Vũ Mão: Thứ nhất, dân chủ là một yếu tố sống còn của một xã hội, Dự thảo văn kiện có đề cập vấn đề dân chủ hóa xã hội, thì cần phải làm rõ nội dung của dân chủ là gì.

Theo tôi, nội dung của dân chủ là: xây dựng các quy định trong các văn bản pháp luật về dân chủ. Tình trạng phổ biến hiện nay dân chủ được nêu như một khẩu hiệu ít đi vào cuộc sống. Chẳng hạn trong tư pháp, dân còn chịu nhiều oan sai, như vậy quyền con người chưa được tôn trọng. Giữa mong muốn bằng khẩu hiệu và cuộc sống thực tiễn còn khoảng cách.

Muốn đạt dân chủ phải coi trọng xây dựng nhà nước pháp quyền. Trong các luật phải quán triệt tư tưởng dân chủ phải được quán triệt trong các văn bản pháp luật. Nhưng thực tế hiện nay, văn bản pháp luật vẫn chưa quy định cụ thể về quyền con người. Và thực tế văn bản pháp luật còn thiếu, chưa đạt 70 phần trăm cần có.

Vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân: chúng ta mong muốn, đòi hỏi các tổ chức này phải năng động, chủ động, sáng tạo để phát huy vai trò giám sát phản biện xã hội. Đây mới là chủ trương. Còn hiện chưa có luật về phản biện để cho mặt trận, các đoàn thể triển khai hiệu quả, thiết thực. Văn kiện ĐH Đảng mới chỉ đề cập chưa sâu, chưa nói rõ phản biện như thế nào, cơ chế phản biện ra sao chưa có. Rõ ràng trong Nhà nước pháp quyền muốn chủ trương đó thì phải có luật phản biện.

Dân chủ trực tiếp là rất quan trọng và phải có nhiều hình thức để triển khai:

Phải tổ chức lấy ý kiến dân bằng việc thông qua Luật trưng cầu ý dân. 70 năm Quốc hội, 30 năm đổi mới mà vẫn chưa có luật đó trong cuộc sống là quá chậm. Đây thực chất là hình thức dân chủ trực tiếp quan trọng nhất. Những vấn đề trọng đại của đất nước phải đưa ra trưng cầu ý dân. Đa số ý kiến của nhân dân phải coi là ý chí của nhân dân, đất nước, Quốc hội phải chấp nhận thông qua, vì đó là ý chí.

Cần để cho người dân được thông tin tối đa những hoạt động của Quốc hội, hay nói rộng ra là những hoạt động của hệ thống chính trị, kể cả Đảng, Quốc hội, tư pháp, mà trong đó truyền hình, phát thanh trực tiếp các phiên họp của Quốc hội, nhất là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn rất quan trọng. Thực tiễn hơn 20 năm vừa qua chất vấn này được truyền hình trực tiếp đã có tác dụng rất tích cực và được nhân dân đồng tình. Hiện tượng nhiều văn bản đóng dấu mật tùy tiện là phải sửa.

{keywords}
Dân chủ trực tiếp là rất quan trọng và phải có nhiều hình thức để triển khai

Kính thưa TS. Nguyễn Minh Phong, đối với một quốc gia, lãnh đạo chính là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định đến vận mệnh dân tộc, vậy để chọn ra người tài chúng ta cần phải có một cơ chế bầu cử dân chủ, mà dân chủ trực tiếp là quan trọng nhất, vì dân không bao giờ sai trong việc đánh giá cán bộ, Vậy tôi xin TS. cho biết về đường hướng phát huy dân chủ trực tiếp trong bầu cử, ứng cử sau Đại hội XII Xin cảm ơn. (Lê Văn Hưởng, 21 tuổi, Long An)

Ông Nguyễn Minh Phong: Con đường dân chủ hoá đời sống chính trị - kinh tế - xã hội là một quá trình dài, mở...

Ở nước ta để tăng cường dân chủ trực tiếp, trong thời gian tới cần gia tăng các biện pháp: mở rộng đối tượng bầu cử trực tiếp ứng cử, đề cử, tiến cử và giới thiệu; tăng cường các hoạt động phản biện, tiếp cận thông tin, giám sát và trách nhiệm giải trình; mở các đường dây nóng, các cuộc đối thoại trực tiếp, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, cũng như các đảng viên lắng nghe và phản hồi nguyện vọng, kiến nghị; tăng cường thực hiện các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và bãi miễn cán bộ, lãnh đạo không đáp ứng yêu cầu dù chưa hết nhiệm kỳ;

Đặc biệt, mở rộng đối tượng tham gia vào quy trình công tác cán bộ, kiên quyết khắc phục tình trạng vì hạn hẹp và cưỡng ép đối tượng đầu vào, khiến cán bộ - sản phẩm đầu ra không đủ chất lượng, gây hại cho tổ chức và xã hội, bổ sung các cơ chế hiệu quả bảo đảm an toàn và lợi ích của những người dũng cảm chống tiêu cực, chống tham nhũng, chống phi dân chủ...

Vì sao chúng ta mãi vẫn chưa chống được tham nhũng? (Nguyễn Ngọc Lan, 39 tuổi, Huế).

Ông Nguyễn Minh Phong: Trước hết cần khẳng định tham nhũng không phải là hiện tượng nhất thời và cá biệt, cũng không thể tiêu diệt được bằng ý chí, quyết tâm, lời nói; hoặc giao phó cho một vài cá nhân và tổ chức thực hiện theo kiểu phong trào.

Ngoài các lý do khác, tham nhũng ở Việt Nam còn là hệ quả của những hạn chế, bất cập trong hệ thống luật pháp, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và cơ chế quản lý Nhà nước, cũng như gắn với tính quá độ của chuyển đổi từ cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường...

Hơn nữa, tham nhũng còn được khuyến khích bởi sự "tự diễn biến" trong nhận thức chính trị và sự tha hoá đạo đức của những người từng một thời cống hiến trong lửa đạn, cũng như là biểu hiện một phần tác động mặt trái của cơ chế thị trường đang được xây dựng ở nước ta. Đặc biệt, tham nhũng còn chưa được nhận diện đầy đủ cả về biểu hiện và hệ luỵ, cũng như chưa được xử lý bởi những quyết tâm chính trị thực sự và sự đồng thuận, chặt chẽ trong tổ chức triển khai các giải pháp cần thiết. Hơn nữa, chống tham nhũng chưa được thực hiện một cách độc lập với những người có nguy cơ tham nhũng.

Bên cạnh đó, tham nhũng còn được dung dưỡng bởi tình thân, sự cả nể, những mối quan hệ chồng chéo, phức tạp trong nội bộ cơ quan, cũng như giữa người chống tham nhũng và kẻ tham nhũng. Đặc biệt, cơ chế bảo vệ những người và thể chế chống tham nhũng chưa thật đầy đủ, hiệu quả trong bảo đảm an toàn cho những cá nhân và tổ chức thực hiện chống tham nhũng. Việc một cá nhân, tổ chức chống tham nhũng có quyền hành và cơ chế tự vệ, bảo vệ thấp hơn kẻ tham nhũng sẽ tạo ra sự bất đối xứng về lực lượng trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Do đó, trong thời gian tới, việc chống tham nhũng cần được nhận thức lại và tổ chức lại cả về hệ thống luật pháp, bộ máy và nhân lực. Hơn nữa, cần đề cao trách nhiệm cá nhân, giảm thiểu tình trạng núp bóng tập thể và tăng cường liên kết để tham nhũng tập thể, gây khó cho việc đối phó với tham nhũng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng cảnh báo, cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí uỷ viên Trung ương, uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải tránh rơi vào “vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại”. Làm sao để tránh được vũng bùn đó? (Nguyễn Trung Kiên, Sơn La)

Ông Vũ Mão: Rõ ràng rằng TBT Nguyễn Phú Trọng đã bắt đúng mạch, nói đúng sự thật. Đây là hiện tượng không bình thường. Chủ nghĩa cá nhân đang lấn át, đạo đức của những người lãnh đạo xuống cấp nghiêm trọng, đương nhiên vấn đề đạo đức trong xã hội cũng có rất nhiều vấn đề. Đó là điều rất đáng báo động. vấn đề đặt ra là Đảng ta phải khắc phục bằng được những điều xấu xa đó.

Nghị quyết TƯ 4 đã nêu rõ tính chất nghiêm trọng và đề ra những quyết sách để giải quyết, nhưng khắc phục những yếu kém đó còn rất chậm và nhân dân vẫn bức xúc. Điều đó chứng tỏ NQ TƯ 4 chưa đi vào cuộc sống. Phải tìm ra nguyên nhân để tiếp tục khắc phục. Theo tôi có những nguyên nhân sau:

1. Chủ trương có nhưng tổ chức thực hiện yếu. Bác Hồ từng nói chủ trương 1, kế hoạch 5 và tổ chức thực hiện 10. chúng ta mới có chủ trương, còn kế hoạch rất nhỏ, còn tổ chức hành động rất yếu. Tóm lại lời nói và việc làm chưa đi đôi với nhau.

2. Chưa tạo ra một cơ chế hợp lý, hiệu quả. Chúng ta lập ra ban chỉ đạo chống tham nhũng TƯ do Đảng quyết định. Điều đó thể hiện quyết tâm rất cao. Nhưng chúng ta lại quên một điều, trong Nhà nước pháp quyền, tổ chức bộ máy chống tham nhũng phải được Quốc hội thông qua, có trách nhiệm giám sát của ban này. Trong nghị quyết để Quốc hội thông qua phải đưa ra cơ chế giám sát của hệ thống chính trị và của nhân dân. Điều 4 Hiến pháp quy định Đảng lãnh đạo, nhưng nhân dân giám sát, rõ ràng chúng ta chưa làm đến nơi đến chốn điều này.

3. Luật pháp chống tham nhũng còn yếu và thiếu. Trong đó mấu chốt của chống tham nhũng là phải nắm được việc kê khai tài sản, trong khi hiện nay việc này vẫn mang tính hình thức, vì thế chúng ta không tìm ra kẻ tham nhũng. Tôi đề xuất bên cạnh hoàn thiện luật phòng chống tham nhũng, phải có một luật về kê khai tài sản. Kinh nghiệm các nước thế giới, đặc biệt là Singapore đã cho thấy rõ điều đó.

Đây là 3 nguyên nhân rất cơ bản, nhận thức sâu sắc chúng, mới tìm được giải pháp hữu hiệu để chống tham nhũng.

Xin hỏi TS Nguyễn Minh Phong: Đảng và các Hội, đoàn thể không phải là cơ quan Nhà nước mà chỉ là các tổ chức chính trị, xã hội tự nguyện. Vậy nếu lấy ngân sách Nhà nước (tiền đóng thuế của Dân) để chi trả cho hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội đó có đúng không? Trừ việc chi trả theo hợp đồng kiểu Chính phủ đặt hàng? (Nguyễn Lê Dân, Hà Nội)

Ông Nguyễn Minh Phong: Hệ thống chính trị của Việt Nam là một chỉnh thể bao gồm Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của pháp luật.

Do đặc thù của VN, cũng theo quy định của pháp luật hiện hành, ngoài bộ máy Nhà nước, Đảng và nhiều tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể khác đang được nhận tài trợ với mức độ khác nhau từ ngân sách trong hoạt động của mình, nhằm thực hiện mục tiêu chung là xây dựng một VN dân giàu nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh... Đặc điểm này đã, đang và sẽ tiếp tục gây áp lực lên ngân sách Nhà nước.

Do đó, trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ được đặt ra trong quản lý ngân sách nhà nước là tiết kiệm ngân sách, chi tiêu có hiệu quả hơn, trên cơ sở một phần là thu nhỏ bộ máy quản lý các cấp, tăng cường tính tự chủ tài chính của một số tổ chức hiệp hội và các tổ chức đoàn thể, cũng như tăng cường xã hội hoá một số dịch vụ công hiện đang do hệ thống chính trị thực hiện...

(Còn nữa)

Tuần Việt Nam