Bên cạnh những xung đột hệ giá trị, khủng bố còn xuất hiện do không thể điều hòa được những mâu thuẫn về lợi ích giữa một bên có toàn bộ sức mạnh và một bên gần như tay trắng, bị đẩy ra ngoài lề xã hội. – Ông Lê Văn Cương nhận định.

VietNamNet trân trọng giới thiệu phần 1 tọa đàm: Nhìn lại thế giới năm 2015 với ông Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an và ông Vũ Đoàn Kết, Giảng viên Chính trị Quốc tế Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao.

Một năm loang lổ, nóng bỏng và hòa dịu

Nhà báo Thu Hà: Thưa các vị khách mời, một năm trước, năm 2014 được mô tả là một năm bất ổn và khó đoán định, năm nay thì sao? Các vị mô tả một cách ngắn gọn nhất về năm 2015 thế nào?

Ông Lê Văn Cương: Để đánh giá thế giới năm 2015 phải kết hợp 3 mảng là kinh tế,chính trị an ninh và vấn đề xã hội và môi trường.

Kinh tế thế giới năm 2015, nhìn từ khu vực trung tâm nòng cốt gồm Mỹ - Nhật và Châu Âu sẽ thấy năm vừa qua duy nhất chỉ có kinh tế Mỹ phát triển ổn định. Nước Nhật năm nay có nhiều khó khăn. 28 nước Châu Âu thì chỉ có Đức và Anh là ổn, còn lại rơi vào trì trệ; Khối các nước Brics cũng chỉ có Ấn Độ phát triển ngoạn mục. TQ thì chống chất khó khăn. Nga và Brazil cũng lún sâu vào khủng khoảng.

Cũng trong năm nay, hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP đã được ký kết và hôm 30/11 vừa rồi Quỹ tiền tệ Quốc tế đã quyết định đưa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được vào giỏ có quyền rút đặc biệt. Mặc dù hai sự kiện này chưa phát huy tác dụng nhưng chắc chắn những năm sau sẽ tạo ra những thay đổi rất lớn trên trận chiến kinh tế thế giới.

Về chính trị an ninh: Năm nay quan hệ Mỹ-Nga có bước phát triển khá hơn hẳn năm 2014. Việc Nga tham chiến tại Syria đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố, buộc Mỹ phải liên kết với Nga. Tất nhiên giữa họ vẫn còn vực thẳm do thiếu niềm tin, nhưng họ đã bắt đầu hợp tác với nhau;

Trong khi đó, bên kia bờ Thái Bình Dương, quan hệ Mỹ -Trung năm 2015  căng thẳng hơnnăm  2014. Điều này thể hiện trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tập Cận Bình. Có thể nói chuyến đi này đã không đạt yêu cầu ở chỗ mục tiêu quan trọng nhất của ông Tập là làm sao 2 nước có thể cam kết quan hệ nước lớn kiểu mới là không đối đầu, không xâm phạm lợi ích cốt lõi và hợp tác cùng thắng, nhưng tại phòng bầu dục, ông Obama đã thẳng thừng từ chối. Trước đó, hôm 26/11 tàu khu trục của Mỹ (tiến hành tuần tra trong khu vực 12 hải lý các đảo nhân tạo do TQ xây dựng trái phép ở Trường Sa) nhằm gửi thông điệp  chặn đứng kế hoạch TQ muốn viết lại luật chơi.

Tại Trung Đông, bóng tối vẫn bao phủ, sức nóng kết tụ lại ở Syria và các cuộc tấn công khủng bố tàn bạo đã lan tới Paris, máy bay Nga bị khủng bố ở Ai Cập và quay trở lại ngay tại nước Mỹ....

Về xã hội và môi trường: Châu Âu thực sự đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ sau Thế chiến II. Dòng người tị nạn khổng lồ vẫn tiếp tục đổ về châu Âu, chủ yếu là từ Syria, Iraq và Afghanistan đang bắt nguồn từ sự đổ vỡ địa chính trị tại Trung Đông; Cũng trong năm nay, 195 quốc gia và Liên minh châu Âu đã thông qua hiệp định đầu tiên về biến đổi khí hậu. Đây được xem là một thắng lợi mang tính lịch sử xuất phát từ sự thỏa hiệp chưa từng có trong quan hệ quốc tế giữa gần như toàn bộ quốc gia trên hành tinh.

Tóm lại, tôi có thể mô tả ngắn gọn về 2015 là một năm  loang lổ, xen kẽ căng thẳng, nóng bỏng với hòa dịu.

Sợ hãi và hi vọng đan xen

  {keywords}
Ông Vũ Đoàn Kết

Ông Vũ Đoàn Kết: Tôi đánh giá năm 2015 theo góc độ cảm xúc một chút. Ở đây tôi có hai từ tôi muốn miêu tả về năm 2015, đó là sợ hãi và hy vọng.

Bắt đầu của sự sợ hãi là vụ tấn công ngày 7/1 nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo một tờ báo châm biếm rất nổi tiếng của người Pháp. Kể từ đây sự sợ hãi  bắt đầu gieo rắc ra toàn thế giới, nó quay trở lại Trung Đông, .ở Syria, ở Liban, ở Thổ Nhĩ Kì, ở Yêmen, rồi nó vươn sang châu Phi, sang Ai Cập, sang Algeria, sang Libya, hiện nay Libya đang rất căng thẳng. Và rồi nó quay trở lại với lại châu Âu, trước đó nó tấn công máy bay của Nga ở Ai Cập. Sự sợ hãi này rồi cũng quay trở lại Pháp vào ngày 13/11. Và không chỉ thế, nó còn lan sang cả Mỹ cách đây vài tuần.

Nỗi sợ hãi này chúng ta có thể nhận thấy trong con mắt thất thần của người dân Paris, và những giây phút rất im lặng của các nguyên thủ quốc gia sau khi nhận tin Paris bị tấn công.

Nỗi sợ còn ở trong ánh mắt thất thần của các nhà đầu tư, đầu cơ ở Trung Quốc. Hơn 90 triệu nhà đầu tư, là những  người về hưu, bà buôn thúng bán mẹt, ông lái xe taxi và cả những con cá mập đều thất thần bởi trong vòng hai tuần cuối của tháng 6, thị trường chứng khoán Thượng Hải mất hơn 30%. Số tiền bốc hơi thành không khí chứ không phải dịch chuyển từ nước này sang nước khác giống như là quy luật về chuyển hóa vật chất. Người ta tổng kết thị trường chứng khoán của Thượng Hải mất đến hơn 5 000 tỉ. Đáng sợ hơn là nó kéo theo người Mỹ cũng mất, Nhật Bản cũng mất, Châu Âu cũng mất,….

Nỗi sợ cũng đến từ nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp. Người ta cho rằng đốm lửa này có thể thiêu trụi cả khu rừng. Vì nếu Hy Lạp sụp đổ sẽ kéo theo Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland, Italia và biết đâu cả khu vực đồng tiền chung châu Âu. Khi đó cuộc khủng hoảng này là cuộc khủng hoảng của cả thế giới.

Tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc liệu thực sự có ở mức độ 6-7% hay không? Con số thực tế là bao nhiêu? Chúng ta không biết được và nếu biết, kết hợp với mấy kịch bản như tôi vừa nói, thế giới sẽ đứng trước một kịch bản sợ hãi là có thực.

Nhưng bên cạnh nỗi sợ, tôi cũng nhìn thấy rất nhiều hy vọng. Hy vọng rõ rệt nhất là lần đầu tiên 195 quốc gia đã ngồi lại với nhau và thống nhất với nhau về chống biến đổi khí hậu tại COP 21.

Cũng có hy vọng trong câu chuyện ở biển Đông, qua việc Mĩ đưa tàu tuần tiễn vào sát các đảo mà Trung Quốc lấn chiếm, xây dựng trái phép. Và việc tòa trọng tài quốc tế đã đưa ra phán quyết và điều này sẽ chắc chắn sẽ có tác động đến ứng xử của Trung Quốc.

Nhà báo Thu Hà: Nỗi sợ hãi như các vị khách mời vừa phân tích đều khởi nguồn từ chủ nghĩa khủng bố đúng không ạ? Nhưng theo tôi được biết, cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa nhất trí để đưa ra một định nghĩa cuối cùng thế nào là khủng bố?

Ông Lê Văn Cương: Chuyện khủng bố bắt đầu chính thức nổi lên khi xã hội loài người tổ chức thành nhà nước. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001ở Mỹ đã có hàng trăm các cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế bàn chuyện này. Nhưng cho đến giờ phút này Liên Hợp Quốc cũng bó tay chưa đưa ra được khái niệm thế nào là khủng bố.

{keywords}
Ông Lê Văn Cương (bên phải) và ông Vũ Đoàn Kết tại tọa đàm

Những hoạt động khủng bố dù là mức độ, quy mô to, nhỏ thế nào cũng thuộc vào cái vùng giao thoa của ba lĩnh vực chính trị học, tội phạm học và đạo đức học. Và phàm cái gì dính đến chính trị thì góc nhìn, quan điểm cũng luôn khác nhau.

Ví dụ, tại điểm nóng Syria, chính quyền của Tổng thống Assad 5 năm nay đang gồng mình chống lại khủng bố (điều này không phải không có lý vì trong số 15 nhóm nước chống Assad thì có đến 13 nhóm là lực lượng Al-Qaeda và tay chân). Nhưng ngược lại phía phương Tây lại gần như xếp Assad vào lực lượng khủng bố cùng với Taliban, Hamas…

Ông Vũ Đoàn Kết: Khủng bố về bản chất là hành vi bạo lực nhằm vào đối phương không có khả năng đối phó. Mục tiêu của nó không phải là chiếm đoạt, không phải là giành giật lãnh thổ cũng không phải là giành giật về kinh tế lẫn quân sự mà là gieo rắc sự sợ hãi.

Có loài người là có hành vi bạo lực. Bạo lực trong gia đình, bạo lực ngoài xã hội, đấy là một dạng thức của khủng bố. Nhưng chỉ đến khi có nhà nước, chủ nghĩa khủng bố được phát triển mạnh lên và tạo ra một tình thế đối lập giữa nhà nước, bên độc quyền hợp pháp về bạo lực bằng công cụ cảnh sát, quân đội và một bên là các nhóm không có tính hợp pháp về bạo lực: đó là các tổ chức chính trị, nhóm lợi ích, tôn giáo, sắc tộc sử dụng bạo lực để tìm kiếm lợi ích.

Trong thời kì chiến tranh lạnh, người ta đã liệt kê ra 4 định dạng khủng bố: đó là khủng bố gắn với phong trào phi thực dân hóa; chủ nghĩa khủng bố về chính trị ở trong nội bộ các quốc gia; chủ nghĩa khủng bố gắn với tôn giáo và chủ nghĩa khủng bố gắn với ly khai sắc tộc. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc còn lại hai dạng tồn tại mạnh đó là ly khai sắc tộc, lãnh thổ và tôn giáo.

Thứ khủng bố mà chúng ta đang đối mặt là khủng bố tôn giáo. Đặc trưng của khủng bố tôn giáo thường đưa con người vào vòng xoáy bạo lực, quyết liệt hơn rất nhiều so với các loại khác vì nó liên quan đến vấn đề tư tưởng, vấn đề niềm tin cho nên rất khó giải quyết.

Ai đẻ ra khủng bố?

Nhà báo Thu Hà: Thưa ông Vũ Đoàn Kết, ai phải chịu trách nhiệm đã tạo điều kiện cho những tổ chức như là IS phát triển?

Ông Vũ Đoàn Kết: Khi nhìn nhận về sự sinh ra, tồn tại và phát triển của nhà nước Hồi giáo tự xưng chúng ta cần phải công bằng, không thể quy chụp tất cả cho Mỹ, cho phương Tây.

Ngay cả ở Mỹ, ở phương Tây cũng có quan điểm cho rằng khủng bố Hồi giáo là do Mỹ đẻ ra, do phương Tây đẻ ra. Thậm chí có người nói rằng đó là hệ quả của chính sách thực dân của Mỹ và phương Tây đối với Trung Đông từ lâu; Là hệ quả của chính sách bao che của phương Tây, của Mỹ đối với các nền quân chủ dầu lửa ở Trung Đông theo công thức mà người ta thường nói là “đổi dầu lửa lấy an ninh”. Họ hàm ý, các nền quân chủ này cung cấp dầu lửa giá rẻ cho Mỹ, phương Tây đổi ngược lại các chính phủ Mỹ, phương Tây sẽ đảm bảo an ninh cho các nền quân chủ này.

{keywords}
Ông Vũ Đoàn Kết

Cũng có người quy chụp đó là do hành động bừa bãi của Mỹ và phương Tây ở Iraq, ở Afghanistan, ở Libya …. trong những năm gần đây.

Nhưng tựu chung lại, những cái đó mới thể hiện được một phần, đằng sau còn rất nhiều các yếu tố khác. Nên nhớ, khi Mỹ chưa đến Trung Đông, khi Mỹ chưa can thiệp vào Afghanistan thì Al-Qaeda đã tấn công nước Mỹ rồi. Nước Pháp cũng vậy. Vụ tấn công hôm 7/11 xảy ra trước khi Pháp quyết định can thiệp trực tiếp vào Syria.

Như vậy, đâu phải các can thiệp của Mỹ và phương Tây vào Syria, vào Trung Đông thì mới đẻ ra chủ nghĩa khủng bố. Chủ nghĩa khủng bố đã tồn tại và chắc chắn sẽ còn tồn tại.

Tóm lại, không nên quy chụp tất cả những điều này lên Mỹ hay phương Tây. Như giáo sư Cương từng nói rất rõ về cấu trúc quyền lực ở Trung Đông giữa một bên là các thế lực của nhà nước quân chủ nắm hết mọi nguồn lực của quốc gia từ dầu lửa đến các các thiết chế xã hội và quyền lực khác như quân đội, an ninh và một bên là các đối tượng khác bị gạt ra bên lề của sự tiến bộ của sự phát triển, của từ nguồn lợi dầu mỏ.

Mà khủng bố đâu chỉ có mặt ở Trung Đông, khủng bố còn có mặt cả ở Mỹ, ở Trung Quốc, ở Nga và cả ở châu Âu. Điểm chung của một số thành phần tham gia khủng bố ở Châu Âu là họ đã không được hội nhập vào xã hội, là những người bị gạt ra khỏi tiến trình phát triển ở châu Âu. Họ dễ dàng bị lôi kéo để quay lại tấn công cả vào mảnh đất đã cưu mang họ.

Ông Lê Văn Cương: Chúng ta thường nói khủng bố do những mâu thuẫn về lợi ích giữa một bên có toàn bộ sức mạnh và một bên gần như tay trắng, bị đẩy ra ngoài lề xã hội.

Tuy nhiên nếu nói về khủng bố mà chỉ xét ở xung đột giàu-nghèo như vậy không đầy đủ. Vì bên cạnh đó còn có hành động khủng bố do xung đột hệ giá trị. Chẳng phải có hàng trăm thanh niên được đào tạo trong những trường đại học danh tiếng, có bằng tiến sĩ vẫn tham gia vào các tổ chức khủng bố là gì. Họ đâu có nghèo, họ đâu có bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Xung đột hệ giá trị còn gay gắt, quyết liệt và dai dẳng hơn cả xung đột về lợi ích vật chất.

Hiện nay thế giới Hồi giáo đang bước vào giai đoạn thế tục hóa cái quyền lực chính trị. Khi sự thế tục hóa này diễn ra ở từng quốc gia, trong mỗi xã hội thì một bộ phận của những người trước đây nắm quyền lực chính trị thông qua tôn giáo sẽ cảm thấy quyền lợi, tư tưởng của họ bị đe dọa và một trong những lựa chọn của họ là kích động bạo lực rồi sử dụng bạo lực để hy vọng nắm lại quyền lực chính trị trong tay các tập đoàn, các thế lực tôn giáo.

Đấy cũng là một lý giả cho câu hỏi mà chị vừa đặt ra, ai phải chịu trách nhiệm đã tạo điều kiện cho các tổ chức khủng bố phát triển.

Mời độc giả đón đọc kỳ 2: Những bất ổn và bạo lực mà chúng ta chứng kiến thời gian qua mới chỉ là những sự kiện có tính chất “khởi động” báo hiệu những biến đổi sâu, rộng chưa từng có sẽ diễn ra trong nay mai. 

Tuần Việt Nam